Đa nang buồng trứng (PCOS) là tình trạng rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng, khiến nang trứng không thể phát triển và rụng bình thường. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản gây ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ cũng như chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này, mời bạn cùng DiaB tìm hiểu về nguyên nhân và biểu hiện của tình trạng đa nang buồng trứng để chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị sớm, hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tóm tắt nội dung
Đa nang buồng trứng là gì?
Đa nang buồng trứng (PCOS) là tình trạng rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng, khiến nang trứng không thể phát triển và rụng bình thường. Theo các chuyên gia, bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhưng một số trường hợp gặp phải ở lứa tuổi dậy thì và tiền mãn kinh.
Đa nang buồng trứng là gì?
Theo nhiều thống kê, có đến 2.2 – 26.7% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 – 44 tuổi) mắc hội chứng đa nang buồng trứng. Và trong số đó nhiều người không biết mình mắc bệnh để điều trị kịp thời dẫn đến xảy ra nhiều biến chứng.
Đặc trưng của tình trạng đa nang buồng trứng bao gồm:
- Buồng trứng to bất thường: Các buồng trứng có nhiều nang nhỏ (từ 2-12mm) nằm ngay dưới vỏ buồng trứng.
- Rối loạn nội tiết: Nồng độ hormone sinh dục nữ (estrogen) cao, nồng độ hormone sinh dục nam (androgen) cũng cao, dẫn đến tình trạng bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt và các biểu hiện khác trên cơ thể như nổi mụn nội tiết,…
- Khó thụ thai: Nang trứng không thể phát triển và rụng đã làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai tự nhiên của cơ thể.
Nguyên nhân gây đa nang buồng trứng
Nguyên nhân chính xác gây đa nang buồng trứng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy một số yếu tố dưới đây có thể là nguyên nhân gây đa nang buồng trứng:
- Di truyền: Nếu gia đình có mẹ hoặc chị gái bị PCOS thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì: Đây không chỉ là yếu tố nguy cơ cao gây ra tình trạng đái tháo đường, mà còn là yếu tố nguy cơ gây ra đa nang buồng trứng. Theo nhiều nghiên cứu, có đến 80% phụ nữ bị đa nang buồng trứng gặp đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng đa nang buồng trứng
- Rối loạn nội tiết: Theo các chuyên gia sức khỏe, có khoảng 70% phụ nữ mắc bệnh có hiện tượng kháng insulin. Khi insulin trong cơ thể dư thừa với lượng lớn sẽ kích hoạt buồng trứng sản xuất nhiều nội tiết nam giới. Điều này sẽ gây khó khăn đến việc rụng trứng.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Một chế độ ăn mất cân bằng, nhiều đồ ngọt, tinh bột và thức ăn nhiều chất béo bão hòa, ít rau xanh có thể góp phần gây bệnh.
- Ít vận động: Ít vận động kết hợp với chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc PCOS.
- Yếu tố môi trường: Môi trường làm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, công việc căng thẳng, mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe buồng trứng và gây ra tình trạng đa nang buồng trứng.
Các dấu hiệu đa nang buồng trứng thường gặp
Đa nang buồng trứng là một tình trạng phụ khoa phổ biến ở phụ nữ. Vậy đa nang buồng trứng có dấu hiệu gì? Theo các chuyên gia, các dấu hiệu của PCOS có thể xuất hiện ở những lần kinh nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều người không để ý đến mà chỉ khi gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản thì họ mới phát hiện ra các triệu chứng này.
Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Một trong những dấu hiệu đặc trưng của rối loạn nội tiết và đa nang buồng trứng là chu kỳ kinh nguyệt không đều, kéo dài bất thường. Đa nang buồng trứng khiến quá trình rụng trứng gặp trục trặc nên niêm mạc tử cung không bong ra hàng tháng.
Da mặt hay nổi mụn
Sự tăng sản xuất hormon nam (androgen) có thể dẫn đến tăng tiết dầu trên bề mặt , nhất là vùng má, trán và cằm. Khi không được chăm sóc đúng cách, tạo “cơ hội” để vi khuẩn xâm nhập, làm tăng nguy cơ nổi mụn.
Da mặt nổi mụn nhiều có thể là một dấu hiệu đa nang buồng trứng
Cơ thể mọc nhiều lông
Sự gia tăng hormon androgen cũng có thể gây ra hiện tượng mọc lông thừa ở phụ nữ, đặc biệt là ở các vùng như cằm, lưng, ngực và bụng dưới.
Ngoài ra, một số trường hợp gặp các triệu chứng như sạm da ở các khu vực có nhiều nếp gấp như vùng cổ, vùng bẹn và vùng dưới vú; nhức đầu, thường xuyên cảm thấy lo âu, căng thẳng; hoặc gặp phải những cơn đau âm ỉ, khó chịu ở vùng bụng, vùng chậu và lưng dưới.
Các triệu chứng đa nang buồng trứng thường xuất hiện kèm với nhau tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa phụ sản để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị hiệu quả.
Đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Đa nang buồng trứng có con được không là một trong những lo lắng lớn nhất của phụ nữ mắc PCOS. Theo các chuyên gia sức khỏe, phụ nữ mắc đa nang buồng trứng có thể có con, tuy nhiên, khả năng thụ thai sẽ thấp hơn so với phụ nữ khỏe mạnh bình thường.
Đa nang buồng trứng gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt nên khó xác định được thời điểm rụng trứng và thời kỳ trứng rụng không đều. Đồng thời ngăn cản và làm giảm số lượng trứng rụng trong chu kỳ kinh. PCOS còn làm tăng nồng độ hormone nam testosterone, gây ra những thay đổi về mặt chất nhầy cổ tử cung khiến tinh trùng khó di chuyển và khó thụ tinh.
Đa nang buồng trứng là yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng đái tháo đường
Phụ nữ mắc đa nang buồng trứng có nguy cơ mắc đái tháo đường. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, có đến 80% số phụ nữ khi mắc PCOS cơ thể sẽ kháng insulin. Điều này có nghĩa là cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả. PCOS còn có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa như đường huyết cao, cholesterol HDL thấp, tăng huyết áp, cholesterol LDL cao,… làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, bệnh lý tim mạch, đột quỵ,…
Do đó, khi nhận thấy nguy cơ mắc đa nang buồng trứng, bên cạnh việc thăm khám bác sĩ chuyên khoa phụ sản, bạn cũng nên thực hiện các xét nghiệm tầm soát tiểu đường, nhất là đang trong tình trạng thừa cân, béo phì, để phát hiện sớm và có các giải pháp can thiệp kịp thời
Đa nang buồng trứng có chữa được không?
Theo các chuyên gia y tế, hội chứng đa nang buồng trứng hiện chưa có liệu pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên, với sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị khác, người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh và giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng. Ngoài ra, hãy thực hiện chế độ dinh dưỡng bổ sung vitamin E tự nhiên sẽ giúp cơ thể phòng chống tốt oxy hóa, phòng tránh lão hóa và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là điều kiện tiên quyết giúp kiểm soát triệu chứng của đa nang buồng trứng. Một số giải pháp thay đổi lối sống bạn cần thực hiện như sau:
- Giảm cân (nếu thừa cân): Giảm cân có thể giúp cải thiện tình trạng rối loạn nội tiết và tăng khả năng rụng trứng.
- Ăn uống lành mạnh: Bạn nên hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn chứa đường và chất béo cao. Thay vào đó là tăng cường rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn hàng ngày.
- Tập thể dục đều đặn: Vận động thể chất thường xuyên và đều đặn giúp cải thiện sự đề kháng của cơ thể với insulin, giảm cân và giảm căng thẳng.
Sử dụng thuốc
Việc sử dụng thuốc cũng là một phương pháp điều trị hiệu quả cho PCOS. Vậy đa nang buồng trứng uống thuốc gì?Một số loại thuốc được dùng cho các bệnh nhân đa nang buồng trứng như: Thuốc giảm đường huyết (Metformin), Thuốc kích thích rụng trứng (Clomiphene, Letrozole), Thuốc chống sinh sản….Trên đây là những thông tin cơ bản về đa nang buồng trứng cùng những ảnh hưởng tiêu cực mà tình trạng này gây ra. Để kiểm soát PCOS, việc thay đổi lối sống là rất quan trọng. Đồng thời, bạn cũng nên thường xuyên đi khám sức khỏe và tư vấn y khoa về phụ sản để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.