Nhờ các nghiên cứu hình ảnh não bộ và các nghiên cứu khác, chúng ta biết rất nhiều về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nhưng vẫn còn nhiều lầm tưởng gây nhầm lẫn và khiến những người bị bệnh khó nhận được sự hỗ trợ cần thiết ở trường học, tại nơi làm việc và trong cộng đồng của họ.
Bài viết này cung cấp cho bạn sự thật đằng sau 8 lầm tưởng phổ biến về ADHD.
Tóm tắt nội dung
- 1 Lầm tưởng #1: ADHD không phải là một tình trạng “thật”
- 2 Lầm tưởng #2: Những người bị ADHD chỉ cần cố gắng hơn
- 3 Lầm tưởng #3: Những người bị ADHD không bao giờ có thể tập trung
- 4 Lầm tưởng #4: Tất cả trẻ em bị ADHD đều tăng động
- 5 Lầm tưởng #5: Chỉ có các bé trai bị ADHD
- 6 Lầm tưởng #6: ADHD là một dạng rối loạn học tập
- 7 Lầm tưởng #7: Trẻ em bị ADHD sẽ khỏi khi lớn lên
- 8 Lầm tưởng #8: ADHD là kết quả của việc nuôi dạy con cái tồi
- 9 Kết luận
Lầm tưởng #1: ADHD không phải là một tình trạng “thật”
Sự thật: Viện Y tế Quốc gia, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đều thừa nhận ADHD là một sự khác biệt trong quá trình phát triển của não bộ. Trên thực tế, đây là một trong những tình trạng phổ biến nhất ở trẻ em. Tỉ lệ mắc bệnh thay đổi tùy vào khu vực địa lý, độ tuổi và lối sống nhưng nhìn chung khoảng 10-15% trẻ em từ 5-17 tuổi trên toàn thế giới mắc phải rối loạn tâm thần này.
Nghiên cứu cho thấy ADHD có tính di truyền – trong 4 người mắc bệnh sẽ có 1 người có cha mẹ cũng mắc bệnh. Các nghiên cứu hình ảnh cũng cho thấy sự khác biệt về phát triển não bộ giữa người mắc và người không mắc bệnh này.
Lầm tưởng #2: Những người bị ADHD chỉ cần cố gắng hơn
Sự thật: ADHD không phải là vấn đề về nỗ lực hay lười biếng. Trẻ em và người lớn mắc bệnh này vẫn thường cố gắng hết sức để tập trung chú ý.
Nói với người mắc ADHD “tập trung hơn đi” giống như yêu cầu một người cận thị nhìn xa hơn hay an ủi một người đang buồn bằng cách nói “vui lên đi”. Lý do giảm chú ý ở trẻ em và người lớn mắc rối loạn tâm lý này không liên quan đến thái độ mà là do sự khác biệt trong cách não bộ của họ hoạt động và cấu trúc của nó.
Lầm tưởng #3: Những người bị ADHD không bao giờ có thể tập trung
Sự thật: Đúng là người mắc ADHD thường gặp khó khăn trong việc tập trung. Nhưng nếu họ thực sự hứng thú với điều gì đó, họ có thể tập trung vào nó một cách mãnh liệt. Đây được gọi là “siêu tập trung”.
Trẻ em mắc ADHD dễ bị phân tâm trong lớp học nhưng lại không thể rời mắt khỏi trò chơi chúng đang chơi. Ở người lớn, họ có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào những phần công việc nhàm chán, nhưng lại dành hết tâm huyết cho những việc họ thực sự yêu thích.
Lầm tưởng #4: Tất cả trẻ em bị ADHD đều tăng động
Sự thật: hình mẫu chung về trẻ em mắc ADHD là chúng thường chạy nhảy và không thể ngừng di chuyển. Tuy nhiên không phải tất cả trẻ em mắc bệnh đều có biểu hiện tăng động và đối với những trẻ có triệu chứng tăng động, các triệu chứng này thường giảm hoặc biến mất khi trẻ lớn hơn.
Có ba loại ADHD, một trong số đó không ảnh hưởng đến mức độ hoạt động. Loại này đôi khi được gọi là ADD (Attention Deficit Disorder – Rối loạn thiếu tập trung), chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng chú ý.
Lầm tưởng #5: Chỉ có các bé trai bị ADHD
Sự thật: các bé trai có tỷ lệ được chẩn đoán ADHD cao hơn gấp đôi các bé gái. Nhưng điều đó không có nghĩa là các bé gái không mắc phải chứng bệnh này. Chỉ đơn giản là chúng dễ bị bỏ qua và không được chẩn đoán.
Một phần lý do là vì rối loạn tâm thần này có thể biểu hiện khác nhau ở các bé trai và các bé gái. Bé gái thường ít gặp khó khăn với chứng tăng động hơn và kiểm soát trạng thái hiếu động tốt hơn bé trai.
Lầm tưởng #6: ADHD là một dạng rối loạn học tập
Sự thật: ADHD không phải là rối loạn học tập. Các triệu chứng của bệnh có thể gây cản trở cho việc học, nhưng chúng không gây ra khó khăn trong các kỹ năng như đọc, viết và làm toán. Tuy nhiên, một số rối loạn học tập thường đi kèm với bệnh. Đây cũng có thể là một phần lý do dẫn đến lầm tưởng này. Việc ADHD không phải là khuyết tật học tập không có nghĩa là trẻ em không nhận được sự giúp đỡ ở trường và người lớn gặp vấn đề này không nhận được hỗ trợ tại nơi làm việc.
Lầm tưởng #7: Trẻ em bị ADHD sẽ khỏi khi lớn lên
Sự thật: Hầu hết trẻ em không hoàn toàn “hết ADHD”, nhưng một số triệu chứng có thể giảm bớt hoặc biến mất khi chúng lớn hơn. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo tuổi và khi trẻ học được cách kiểm soát chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng “hết bệnh”. Hầu hết những người mắc bệnh sẽ tiếp tục có các triệu chứng ở tuổi trưởng thành.
Lầm tưởng #8: ADHD là kết quả của việc nuôi dạy con cái tồi
Sự thật: ADHD là kết quả của sự khác biệt về não bộ, không phải do cha mẹ dạy dỗ con cái kém. Tuy nhiên, một số người khi nhìn thấy trẻ em ưỡn ẹo, bốc đồng hoặc không chịu lắng nghe sẽ cho rằng đó là do trẻ thiếu kỷ luật. Họ không nhận ra rằng những gì họ đang thấy là dấu hiệu của một tình trạng y tế chứ không phải là kết quả của việc cha mẹ hoặc người chăm sóc làm gì hay không làm gì đó.
Kết luận
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến với nhiều lầm tưởng gây ảnh hưởng đến nhận thức và cách tiếp cận của xã hội đối với những người mắc chứng bệnh này. Bài viết đã phân tích 8 lầm tưởng thường gặp về bệnh.
Việc hiểu rõ những lầm tưởng này đóng vai trò quan trọng trong việc phá bỏ rào cản và thúc đẩy sự hỗ trợ hiệu quả cho người mắc ADHD. Nhận thức đúng đắn về bản chất của rối loạn tâm thần này giúp giảm bớt sự kỳ thị và định kiến, tạo điều kiện cho người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều quan trọng cần nhớ là ADHD là một tình trạng phức tạp với nhiều mức độ biểu hiện khác nhau. Mỗi cá nhân cần được đánh giá và điều trị dựa trên các đặc điểm riêng biệt của họ. Việc kết hợp các phương pháp điều trị như liệu pháp, thuốc men và thay đổi lối sống có thể giúp người mắc bệnh kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tham khảo:
1. https://www.understood.org/en/articles/common-myths-about-adhd
2. https://psychcentral.com/adhd/9-myths-misconceptions-and-stereotypes-about-adhd