Phân biệt rối loạn lưỡng cực và trầm cảm. Cách phòng ngừa hiệu quả

Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm là những bệnh lý tâm thần phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh. Việc hiểu rõ về khái niệm, triệu chứng và phương pháp điều trị của bệnh không chỉ giúp người bệnh sớm nhận biết tình trạng của mình mà còn tạo điều kiện cho việc điều trị hiệu quả, ngăn chặn những hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy ra. Hãy cùng Docosan tham khảo chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh trầm cảm là gì?

Bệnh trầm cảm (còn gọi là rối loạn trầm cảm) là một rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và cách nhìn nhận thế giới của người bệnh. Bệnh trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới, đồng thời người trẻ tuổi có khả năng mắc cao hơn người lớn tuổi. Các triệu chứng của trầm cảm có thể thay đổi từ nhẹ đến nghiêm trọng và biểu hiện khác nhau ở từng người, thường có các dấu hiệu sau đây:

  • Cảm thấy buồn bã, cáu kỉnh, trống rỗng và vô vọng.
  • Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động bạn từng yêu thích.
  • Khẩu vị thay đổi (ăn ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường), cân nặng giảm hoặc tăng cân không liên quan đến chế độ ăn kiêng.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Mất năng lượng hoạt động hoặc cảm giác mệt mỏi, kiệt quệ cả ngày.
  • Tăng các hoạt động thể chất không có mục đích cụ thể (ví dụ: không thể ngồi yên, đi lại, vặn tay) hoặc chậm chạp trong các chuyển động hay lời nói mà người khác có thể nhận thấy.
  • Cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi quá mức.
  • Giảm khả năng suy nghĩ, kém tập trung hoặc khó khăn đưa ra quyết định nhỏ nhặt.
  • Hay suy nghĩ về cái chết, có ý định tự tử hoặc cố gắng tự tử.

Bạn có thể cảm thấy buồn hoặc mất tinh thần trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để được chẩn đoán là trầm cảm, các triệu chứng trên cần xuất hiện ở hầu hết thời gian trong ngày, kéo dài hơn hai tuần. Đồng thời, triệu chứng phải ảnh hưởng rõ rệt trong các hoạt động hàng ngày (ví dụ: giảm hiệu suất làm việc/học tập, các mối quan hệ cá nhân, và sở thích) và không bị tác động bởi sử dụng chất, thuốc.

Bệnh trầm cảm (còn gọi là rối loạn trầm cảm chủ yếu) là một rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và cách nhìn nhận thế giới của người bệnh
Bệnh trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh

Bệnh rối loạn lưỡng cực là gì?

Bệnh rối loạn lưỡng cực (còn gọi là trầm cảm hưng cảm), là bệnh lý tâm thần được đặc trưng bởi các giai đoạn cảm xúc mãnh liệt theo chu kỳ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một người. Những giai đoạn này kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, được gọi là các giai đoạn cảm xúc. Các giai đoạn cảm xúc được phân loại thành giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ và giai đoạn trầm cảm. Người mắc rối loạn lưỡng cực cũng trải qua những khoảng thời gian tâm trạng trung lập (ổn định cảm xúc). Tất cả thay đổi tâm trạng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, năng lượng, hành vi và khả năng suy nghĩ. Ngoài ra, bệnh có thể làm ảnh hưởng lên các mối quan hệ xung quanh của người bệnh, đặc biệt là trong môi trường gia đình và công việc, học tập. Nguyên nhân cụ thể của rối loạn lưỡng cực vẫn chưa rõ ràng, bao gồm các yếu tố sinh học như là gen, bệnh sử gia đình rối loạn tâm thần và yếu tố môi trường như stress, lạm dụng chất kích thích, các loại thuốc. Bệnh rối loạn lưỡng cực được phân thành ba chẩn đoán chính: lưỡng cực I, lưỡng cực II và rối loạn chu kỳ cảm xúc. Sau đây là một số triệu chứng chính:

  • Rối loạn lưỡng cực I: Có ít nhất 1 cơn hưng cảm có thể xảy ra trước hoặc sau các cơn hưng cảm nhẹ hoặc trầm cảm nặng. Trong một số trường hợp, hưng cảm có thể gây ra loạn thần.
  • Rối loạn lưỡng cực II: Có ít nhất 1 cơn trầm cảm nặng và ít nhất 1 cơn hưng cảm nhẹ, đồng thời chưa bao giờ có cơn hưng cảm nào trước đó.
  • Rối loạn khí sắc chu kỳ: Có ít nhất 2 năm (ít nhất 1 năm ở trẻ em và thanh thiếu niên) có nhiều giai đoạn có triệu chứng hưng cảm nhẹ và giai đoạn có triệu chứng trầm cảm nhưng đều không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán xác định.
Rối loạn lưỡng cực bao gồm các giai đoạn cảm xúc được phân loại thành giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ và giai đoạn trầm cảm
Rối loạn lưỡng cực bao gồm các giai đoạn cảm xúc là giai đoạn hưng cảm/ hưng cảm nhẹ và giai đoạn trầm cảm

Các biểu hiện của hưng cảm

Cơn hưng cảm và hưng cảm nhẹ có cùng triệu chứng nhưng trạng thái khác nhau. Đôi khi hưng cảm có thể kèm theo triệu chứng loạn thần, khiến người mắc có những hành vi và suy nghĩ tách biệt hoàn toàn khỏi thực tế (hoang tưởng, ảo giác, hành động hay lời nói vô tổ chức). Lúc này bạn có thể sẽ được yêu cầu nhập viện để điều trị. Giai đoạn cảm xúc cao này gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm cho bạn và người xung quanh ở nơi làm việc, trường học và các hoạt động xã hội. Các cơn hưng cảm và hưng cảm nhẹ bao gồm các triệu chứng sau:

  • Trạng thái năng động, đầy năng lượng hoặc bồn chồn hơn bình thường rất nhiều.
  • Quá tự tin và đánh giá cao bản thân (giỏi giang, xuất chúng).
  • Giảm nhu cầu giấc ngủ rất nhiều, không cảm thấy mệt.
  • Áp lực phải nói nhiều, nói nhanh một cách bất thường.
  • Suy nghĩ liên tục và không thực tế, dễ thay đổi chủ đề nói nhanh chóng.
  • Dễ bị mất tập trung.
  • Sẵn sàng tham gia các hoạt động rủi ro cao.
Trạng thái năng động, đầy năng lượng, giảm nhu cầu giấc ngủ, không cảm thấy mệt,... là những triệu chứng của hưng cảm
Trạng thái năng động, đầy năng lượng, giảm nhu cầu giấc ngủ, không cảm thấy mệt,… là những triệu chứng của hưng cảm

Phân biệt rối loạn lưỡng cực với trầm cảm

Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm mặc dù đều là các rối loạn tâm thần liên quan đến cảm xúc nhưng có sự khác biệt rõ ràng. Hiểu rõ sự khác biệt này rất quan trọng để bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đúng cách,từ đó giảm nguy cơ tái phát bệnh. Về chẩn đoán, rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi các giai đoạn cảm xúc cực đoan, bao gồm hưng cảm (hoặc hưng cảm nhẹ) và trầm cảm. Ngược lại, trầm cảm không có giai đoạn hưng cảm mà chỉ liên quan đến những cảm xúc trầm thấp kéo dài. Triệu chứng trầm cảm trong cả hai rối loạn đều giống nhau, bao gồm buồn bã, trống rỗng, mất ngủ, cảm giác tội lỗi, thất bại và đôi khi có ý nghĩ tự tử. Về điều trị, dù cả hai bệnh đều sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý nhưng phương pháp cụ thể lại khác nhau. Trầm cảm thường được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm kết hợp với liệu pháp tâm lý cá nhân hoặc nhóm. Trong khi đó, rối loạn lưỡng cực thường yêu cầu sử dụng thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống loạn thần và đôi khi là thuốc chống trầm cảm kết hợp với liệu pháp tâm lý tương tự.

Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm mặc dù đều là các rối loạn tâm thần liên quan đến cảm xúc nhưng có sự khác biệt rõ ràng
Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm mặc dù là các rối loạn tâm thần liên quan đến cảm xúc nhưng có sự khác biệt rõ ràng

Cách điều trị cho từng loại bệnh

Điều trị trầm cảm

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần mà điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất. Khoảng 70% đến 90% những người bị trầm cảm sẽ đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị. Sau đây là một số phương pháp điều trị, bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc sẽ cải thiện triệu chứng của bệnh nhân trong vòng một hoặc hai tuần sau khi sử dụng nhưng để đạt hiệu quả đầy đủ phải sử dụng sau khoảng hai đến ba tháng. Ngoài ra, tùy theo từng bệnh nhân mà các bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc hỗ trợ khác như thuốc ổn định trạng thái cảm xúc cho bạn. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về thuốc hoặc gặp phải tác dụng phụ của thuốc.
  • Tâm lý trị liệu: Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một trong những hình thức tâm lý trị liệu phổ biến nhất đã được chứng minh là hiệu quả trong việc điều trị trầm cảm. CBT tập trung vào việc nhận thức và thay đổi các kiểu suy nghĩ không lành mạnh với mục tiêu là thay đổi tư duy và hành vi để đối phó với thách thức một cách tích cực hơn.
  • Liệu pháp sốc điện (ECT): ECT là một phương pháp điều trị thường được dành cho những người trong giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng và không đáp ứng với phương pháp điều trị khác. Liệu pháp sốc điện là một thủ thuật được gây mê khi thực hiện và não được kích thích bằng điện để tạo ra cơn co giật ngắn. Bệnh nhân thường điều trị ECT 2-3 lần/tuần trong tổng số 6-12 số buổi điều trị.
  • Cải thiện lối sống thể chất và tinh thần: Ví dụ như việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tạo ra cảm giác tích cực và cải thiện tâm trạng, ngủ đủ giấc và chất lượng, ăn uống lành mạnh và tránh xa rượu cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm.

Điều trị rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng suốt đời, nên bạn cần tuân thủ và điều trị sớm để tránh tái phát các cơn hưng cảm hay trầm cảm. Tùy thuộc vào nhu cầu của bạn thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp để tránh tái phát bệnh. Việc điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc kê đơn: Điều trị thuốc giúp giảm triệu chứng và cân bằng cảm xúc của bạn. Để điều trị, bạn sẽ cần một loại thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống trầm cảm để kiểm soát các triệu chứng hoặc thuốc chống loạn thần.
  • Tâm lý trị liệu: Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) tập trung vào xác định các niềm tin và hành vi tiêu cực, không lành mạnh và thay thế chúng bằng những niềm tin và hành vi tích cực, lành mạnh. CBT giúp phát hiện những yếu tố kích thích lên cơn lưỡng cực của bạn. Từ đó bạn sẽ đối phó căng thẳng và những tình huống khó khăn một cách hiệu quả.
  • Liệu pháp sốc điện (ECT): Liệu pháp này có thể là một lựa chọn để điều trị rối loạn lưỡng cực nếu bạn không đáp ứng với thuốc, không thể dùng thuốc chống trầm cảm do mang thai hoặc có nguy cơ tự tử cao.

Nếu bạn có hành vi nguy hiểm, suy nghĩ về việc tự tử hoặc bạn đã mất liên hệ với thực tế thì các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhập viện để theo dõi. Điều trị sức khỏe tâm thần tại bệnh viện có thể giúp bạn an toàn và ổn định tâm trạng, tránh các hành vi có nguy cơ rủi ro đến bản thân.

Cách phòng ngừa trầm cảm và rối loạn lưỡng cực

Phòng ngừa trầm cảm

Chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các triệu chứng của trầm cảm. Sau đây là một số gợi ý bạn có thể tham khảo:

  • Cố gắng tham gia vào các hoạt động bạn từng yêu thích: câu lạc bộ, hội nhóm,…
  • Duy trì kết nối với bạn bè và gia đình qua việc trò chuyện, vui chơi,…
  • Tập thể dục thường xuyên, tránh ở cố định một chỗ lâu.
  • Tuân thủ các thói quen ăn uống lành mạnh và ngủ nghỉ đều đặn nhất có thể.
  • Tránh hoặc giảm uống rượu và không sử dụng các chất kích thích.
  • Chia sẻ cảm xúc với người bạn tin tưởng.
  • Sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chuyên gia, bác sĩ tâm lý.

Đặc biệt, nếu bạn có ý định hoặc suy nghĩ tự tử, hãy nhớ rằng bạn không cô đơn, nhiều người cũng đã trải qua những gì bạn đang trải nghiệm và đã nhận được sự giúp đỡ. Bạn có thể tham gia vào các nhóm hỗ trợ như chuyên gia tâm lý (bác sĩ, tư vấn viên).

Tham gia vào các hoạt động và kết nối với những người xung quanh là một trong những cách ngăn ngừa trầm cảm
Tham gia vào các hoạt động và kết nối với những người xung quanh là một trong những cách ngăn ngừa trầm cảm hiệu quả

Phòng ngừa rối loạn lưỡng cực

Hiện nay không có cách hoàn toàn ngăn ngừa rối loạn lưỡng cực xuất hiện. Tuy nhiên, việc điều trị sớm khi bạn cảm thấy có vấn đề sức khỏe tâm thần có thể giúp ngăn chặn nguy cơ rối loạn lưỡng cực hoặc các tình trạng tâm thần khác trở nên nặng hơn. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực, dưới đây là một số cách giúp ngăn ngừa các triệu chứng nguy cơ trở thành các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm:

  • Chú ý đến các dấu hiệu, triệu chứng nguy cơ: Trao đổi với bác sĩ của bạn về các triệu chứng nghi ngờ để có thể ngăn chặn các giai đoạn nguy cơ. Hãy luôn nhờ người thân hoặc bạn bè để ý các dấu hiệu cho bạn.
  • Bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhóm vitamin B giúp bạn phòng ngừa nguy rối loạn lưỡng cực. Sản phẩm bổ sung Vitamin B được biết đến chứa hàm lượng các các vitamin B, giúp bạn giảm tỷ lệ mắc bệnh hiệu quả.
  • Ngủ đủ giấc: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn giấc ngủ thường gây ra sự mất ổn định cảm xúc và nguy cơ hình thành rối loạn lưỡng cực.
  • Tránh xa ma túy và lạm dụng rượu: Đây là những yếu tố môi trường có nguy cơ làm xuất hiện triệu chứng rối loạn lưỡng cực của bạn và làm cho chúng dễ tái phát hơn.
  • Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định: Nếu tự ý ngừng thuốc hoặc giảm liều có thể gây ra tác dụng phụ do ngưng thuốc. Hơn nữa, các triệu chứng của bạn có thể trở nên nặng hơn hoặc tái phát trở lại.
Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh
Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh

Xem thêm:

Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm là những thách thức nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Thông qua bài viết trên, hi vọng bạn đã có được một số kiến thức bổ ích để nhận biết và điều trị sớm căn bệnh này. Cùng theo dõi Docosan để cùng cập nhật những thông tin y khoa một cách sớm nhất! Nguồn tham khảo: 1. Depressive disorder (depression)

  • Link tham khảo: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024

2. What Is Depression?

  • Link tham khảo: https://www.psychiatry.org/patients-families/depression/what-is-depression
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024

3. Bipolar disorder

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bipolar-disorder/symptoms-causes/syc-20355955
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024
Contact Me on Zalo