Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý xương khớp thường gặp ở vùng cổ – vai – gáy. Hãy cùng Docosan tìm hiểu 11 cách chữa thoái hóa đốt sống cổ tại nhà trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý gây ra bởi sự hao mòn của sụn và xương ở các đốt sống cổ. Tình trạng này còn được gọi là viêm xương khớp cổ. Hơn 90% người trên 60 tuổi bị ảnh hưởng bởi sự thoái hóa các đốt sống, do đó tình trạng thoái hóa được xem là một phần của quá trình lão hóa.
Đối với thoái hóa đốt sống cổ, các triệu chứng có thể gặp bao gồm đau vùng cổ và cứng cổ. Tình trạng thoái hóa đốt sống có thể dẫn đến hẹp ống sống. Do đó, nếu tủy sống và rễ thần kinh bị chèn ép, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Cảm giác tê ngứa, yếu cánh tay, bàn tay.
- Đau nhức vùng cổ, có thể lan sang vai, gáy.
- Cảm giác cứng ở cổ, khó xoay hay nghiêng đầu.
Cách chữa thoái hóa đốt sống cổ tại nhà hiệu quả nhanh chóng
Khi mắc phải tình trạng thoái hóa cột sống cổ, bạn có thể thực hiện một số động tác nhẹ nhàng tại nhà giúp giảm cứng cơ vùng cổ, thả lỏng cơ thể để tránh làm nặng thêm tình trạng đau.
Bài tập nâng cổ
Bài tập này sẽ giúp bạn kéo dài đốt sống cổ. Người bệnh có thể ngồi hoặc đứng thẳng lưng, mắt nhìn về phía trước. Đầu tiên, bạn có thể nhẹ nhàng kéo cằm về phía sau, giống như đang tạo một “nếp gấp” ở phần cổ. Động tác thứ hai là cố làm thẳng cổ và kéo đầu về phía sau trong khi vẫn giữ mắt hướng về phía trước. Giữ yên tư thế này trong 5-10 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại động tác từ 8-10 lần, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
Bài tập xoay cổ
Bài tập xoay cổ sẽ giúp bạn cải thiện sự linh hoạt của các đốt sống cổ. Bạn có thể dùng một cái ghế vững chắc để ngồi, giữ lưng thẳng và đặt chân vững vàng trên mặt sàn. Sau đó, từ từ xoay đầu sang phía bên phải, giữ cằm thẳng ngang. Xoay đầu xa nhất có thể và giữ tư thế này trong khoảng 10 đến 20 giây. Lặp lại bài tập xoay cổ này với bên trái. Bạn có thể thực hiện 10 lần cho mỗi bên.
Bài tập kéo giãn 2 bên cột sống cổ
Bài tập này giúp kéo giãn cả hai bên cổ. Bắt đầu bằng cách thư giãn vai, từ từ di chuyển tai trái về phía vai trái để uốn cong cổ sang bên trái. Khi bạn cảm thấy sự căng giãn ở bên cổ, giữ tư thế này trong vài giây. Sau đó nhẹ nhàng trở về vị trí ban đầu và lặp lại với bên phải. Lặp lại bài từ 10 đến 30 lần.
Bài tập thả lỏng cơ cổ
Đầu tiên, người tập có thể dùng tay kéo nhẹ đầu về phía trước và hai bên để giãn cơ sau và hai bên cổ, giữ trong 15-30 giây mỗi lần. Sau đó, xoay đầu theo vòng tròn từ từ theo cả hai chiều để giúp cổ linh hoạt hơn. Ngoài ra, bạn có thể nghiêng đầu sang hai bên hoặc đan tay sau đầu và kéo nhẹ về sau để giảm căng thẳng vùng cổ. Các bài tập này nên được thực hiện chậm rãi, tránh dùng lực quá mạnh để đảm bảo an toàn cho vùng cổ.
Kéo giãn cột sống cổ ngửa ra phía sau
Bài tập kéo giãn cột sống cổ ngửa ra phía sau giúp người bệnh giảm đau và tăng cường độ linh hoạt cho vùng cổ, đặc biệt bài tập có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống cổ.
Cách thực hiện như sau: tư thế chuẩn bị là tư thế ngồi hoặc đứng thẳng lưng, thả lỏng vai, sau đó từ từ ngửa đầu ra phía sau cho đến khi cảm thấy căng nhẹ ở vùng cổ trước. Giữ tư thế trong 5-10 giây rồi trở lại vị trí ban đầu. Lặp lại từ 5-10 lần, thực hiện chậm rãi và cẩn thận để tránh chấn thương.
Các phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ khác tại nhà
Vật lý trị liệu
Trước khi thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, bạn cần thăm khám bác sĩ trước để được hướng dẫn những bài tập phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại. Vật lý trị liệu tại nhà là phương pháp hiệu quả giúp điều trị thoái hóa đốt sống cổ, bao gồm các bài tập như kéo cằm, xoay cổ nhẹ nhàng, kéo giãn cổ nghiêng và nhún vai. Những bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ vùng cổ, cải thiện độ linh hoạt và giảm căng thẳng cho cơ cổ.
Chườm nóng hoặc lạnh
Chườm nóng hoặc chườm lạnh kết hợp với massage nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau và tăng cường lưu thông máu, cải thiện tình trạng cứng cổ, đau cổ do thoái hóa đốt sống. Để đạt hiệu quả tốt, cần thực hiện bài tập đều đặn và cẩn thận, dừng chườm nếu có cảm giác đau và tham khảo ý kiến bác sĩ khi gặp phải tình trạng này.
Sử dụng đai cổ
Đai cổ giúp giữ cho cột sống cổ ở tư thế đúng, giảm áp lực lên các đốt sống và giảm căng thẳng cơ. Dụng cụ này giúp giảm đau và hạn chế sự di chuyển quá mức của cổ, cho phép các cơ và mô mềm xung quanh có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Tuy nhiên, việc sử dụng đai cổ cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, vì sử dụng quá lâu có thể làm yếu cơ, nhược cơ vùng cổ. Đai cổ nên được kết hợp với các bài tập và phương pháp trị liệu khác để đạt kết quả tối ưu.
Dùng thuốc giảm đau
Sử dụng các loại thuốc giảm đau là phương pháp điều trị phổ biến trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ, giúp giảm các triệu chứng đau nhức và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các loại thuốc thường gặp gồm thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).
Trong trường hợp đau nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giãn cơ hoặc thuốc giảm đau mạnh hơn như các thuốc thuộc nhóm opioids. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ và nguy cơ phụ thuộc thuốc.
Tư thế đúng
Duy trì tư thế đúng là một yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống cổ, giúp giảm đau và ngăn ngừa thoái hóa khớp tiến triển. Khi ngồi, nên giữ lưng thẳng, vai thả lỏng, cằm hướng về phía trước mà không cúi hoặc ngửa quá mức. Ví dụ khi sử dụng máy tính, bạn nên đặt màn hình máy tính ngang tầm mắt và tránh ngồi quá lâu.
Nên tạo một khoảng nghỉ trong thời gian sử dụng máy tính. Khi nằm ngủ, sử dụng gối có độ cao vừa phải để hỗ trợ cột sống cổ một cách tự nhiên.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng cách cung cấp dưỡng chất cần thiết cho hệ cơ xương khớp của cơ thể. Một chế độ ăn giàu canxi và vitamin D giúp tăng cường sức khỏe cho xương.
Các loại rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất khoáng và chất xơ cũng hỗ trợ giảm viêm và cải thiện sức khỏe tổng thể. Đồng thời, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường và chất béo bão hòa để ngăn ngừa tình trạng viêm và hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì, giúp giảm áp lực lên cột sống.
Sản phẩm bổ sung Vitamin B cung cấp vitamin nhóm B giúp hỗ trợ chức năng thần kinh, cải thiện tuần hoàn máu, giảm đau và tê mỏi ở người bị thoái hóa đốt sống cổ.
Một số lưu ý khi tập luyện
Khi tập luyện điều trị thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất. Trước tiên, luôn nhớ phải khởi động nhẹ nhàng trước khi bắt đầu các bài tập để làm ấm cơ thể và tránh chấn thương.
Đảm bảo thực hiện các động tác một cách chậm rãi, kiểm soát tốt và không thực hiện các bài tập một cách quá sức, đặc biệt là trong các động tác kéo giãn cổ. Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu trong quá trình tập, nên dừng lại ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, cần tập luyện đều đặn, kết hợp với việc nghỉ ngơi hợp lý để tránh làm cơ cổ mệt mỏi quá mức.
Xem thêm:
- Bệnh thần kinh ngoại biên là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
- Thoái hóa cột sống là gì? Thuốc trị thoái hóa cột sống
- 12 mẹo chữa tê bì chân tay tại nhà, đơn giản, dễ thực hiện
Bài viết đã cung cấp những thông tin về vấn đề thoái hóa cột sống cổ. Việc áp dụng cách chữa thoái hóa cột sống cổ tại nhà cần thực hiện đều đặn, dưới sự hướng dẫn và theo dõi định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm an toàn. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!
Nguồn tham khảo:
1. 3 at home exercises for cervical spondylosis – Synergy physio
- Link tham khảo: https://www.synergyphysio.co.uk/3-at-home-exercises-for-cervical-spondylosis/
- Ngày tham khảo: 11/10/2024
2. Nonsurgical treatments – Medical News Today
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/172015#nonsurgical-treatments
- Ngày tham khảo: 11/10/2024