Mất ngủ là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Thế nhưng, mất ngủ kéo dài thì lại là dấu hiệu của bệnh lý. Hãy cùng tìm hiểu về bị mất ngủ thường xuyên là bệnh gì qua bài viết dưới đây cùng Docosan nhé!
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân bị mất ngủ thường xuyên
Nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ kéo dài. Xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, an toàn, hiệu quả. Một vài nguyên nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ có thể kể đến:
- Căng thẳng: Áp lực công việc, học tập, gia đình sẽ khiến bạn phải suy nghĩ nhiều vào ban đêm dẫn đến ngủ không ngon.
- Môi trường làm việc và thời gian sinh hoạt: Đồng hồ sinh học trong cơ thể giữ vai trò điều hòa giấc ngủ. Người thường xuyên ngủ muộn thức trễ, làm việc ca đêm sẽ làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học và có thể bị mất ngủ.
- Thói quen không lành mạnh: Ngủ ngày, vận động mạnh hay thường xuyên dùng thiết bị điện tử trước giờ ngủ sẽ làm rối loạn giấc ngủ, ngủ gián đoạn, ngủ không ngon.
- Ăn nhiều vào tối muộn: Ăn quá nhiều tinh bột và đạm vào tối muộn có thể làm tăng acid dạ dày, gây ợ nóng, không ngủ được.
- Bệnh lý: Các bệnh lý và hội chứng như rối loạn lo âu, trầm cảm, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh tim, trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn, Parkinson,… đều có thể khiến người bệnh bị mất ngủ, ngủ không sâu.
- Thuốc: Hiện nay nhiều thuốc kê đơn và không kê đơn có tác dụng phụ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Uống quá nhiều các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc trị hen suyễn, huyết áp, thuốc giảm đau, thuốc dị ứng có nguy cơ cao bị mất ngủ kéo dài.
- Hút thuốc lá, uống cà phê, rượu bia quá nhiều: Nicotine và caffeine trong nhóm sản phẩm này là các chất kích thích thần kinh trung ương, giúp chúng ta tỉnh táo, không ủ rũ, ngủ gật. Do vậy, lạm dụng nicotine, caffeine trong thời gian dài có thể dẫn đến mất ngủ.
Bị mất ngủ thường xuyên là bệnh gì?
Trầm cảm
Mất ngủ là một trong những triệu chứng đầu tiên của trầm cảm. Người bị rối loạn lo âu, năng lượng suy giảm, trí nhớ kém, căng thẳng, stress kéo dài thường suy nghĩ nhiều, tiêu cực về đêm, tâm trạng bồn chồn dẫn đến mất ngủ, ngủ không ngon. Nếu không được điều trị thì tình trạng mất ngủ càng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng có thể gây thở khó, nghẹt mũi do các tác nhân dị ứng kích thích vùng mũi tiết dịch nhiều hơn bình thường, làm cản trở lưu thông không khí. Do vậy, khi ngủ bệnh nhân thường bị thức giấc giữa đêm, đổi tư thế ngủ liên tục để hô hấp bình thường hoặc choàng tỉnh dậy để điều khiển nhịp thở
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh căn bệnh miễn dịch nguy hiểm, tấn công lại các xương khớp khỏe mạnh trong người. Do vậy, người bị bệnh này luôn phải chịu tình trạng đau nhức, mệt mỏi, thiếu năng lượng, ủ rũ. Đau đớn không dứt sẽ khiến người bệnh lo lắng, ngủ không ngon. Khi ngủ không đủ giấc, mệt mỏi, triệu chứng đau khớp của bệnh nhân cũng sẽ ngày càng trầm trọng thêm. Đây dường như là vòng lặp kéo dài đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Bệnh tuyến giáp
Người mắc bệnh tuyến giáp thường cảm thấy tràn đầy năng lượng, cảm giác bồn chồn, đứng ngồi không yên do tuyến giáp hoạt động quá mức. Đó chính là nguyên nhân mà nhóm bệnh nhân này thường ngủ không ngon, khó vào giấc ngủ do cơ thể luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là tình trạng acid trong dạ dày tiết ra ồ ạt gây ợ nóng, đau họng, hôi miệng, bụng cồn cào ở người bệnh. Tất cả triệu chứng của căn bệnh này là tác nhân khiến người bệnh bị mất ngủ thường xuyên.
Nội tiết tố thay đổi
Phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ có sự thay đổi nội tiết tố đáng kể trong cơ thể. Sự giảm đáng kể hormone estrogen sẽ dẫn đến những biến đổi khác nhau về mặt sức khỏe, trong đó có mất ngủ. Đây không phải là bệnh lý và không phải là tình trạng đáng lo ngại.
Cách điều trị chứng mất ngủ kéo dài
Dùng thuốc điều trị mất ngủ kéo dài
Đối với trường hợp mất ngủ kéo dài, bác sĩ thường kê đơn một số thuốc an thần, hỗ trợ giấc ngủ cho bệnh nhân. Đây là phương pháp được các bác sĩ lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể mắc một số tác dụng phụ như buồn ngủ vào ban ngày, tăng nguy cơ té ngã, ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc,…
- Một số loại thuốc theo toa dùng để điều trị chứng mất ngủ bao gồm: zolpidem, eszopiclone, zaleplon, doxepin,…
- Một số loại thuốc điều trị mất ngủ không kê toa như: diphenhydramine, doxylamine succinate.
- Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn kết hợp sử dụng thêm melatonin, trà rễ nữ lang, trà hoa cúc để tăng cường hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, việc bổ sung vitamin B có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mất ngủ liên quan đến thiếu hụt vitamin B, như rối loạn tâm trạng, căng thẳng, mệt mỏi, khó tập trung. Sản phẩm bổ sung Vitamin B cung cấp vitamin nhóm B giúp hỗ trợ chức năng thần kinh, cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi cho người bị mất ngủ. Tuy nhiên, các bác sĩ thường phải cân nhắc nhiều yếu tố về lợi ích, nguy cơ trước khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
Theo chuyên gia, liệu pháp hành vi nhận thức là liệu pháp tâm lý điều trị mất ngủ có hiệu quả tương đương với dùng thuốc và an toàn hơn. Phương pháp này tác động đến suy nghĩ, hành vi của bệnh nhân nhằm giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực gây mất ngủ. Mục tiêu của CBT là làm thay đổi nhận thức và hành vi của người bệnh, bao gồm:
– Thay đổi nhận thức: CBT kiểm soát, ngăn chặn những lo âu, căng thẳng khiến bệnh nhân ngủ không ngon.
– Thay đổi hành vi: CBT sẽ có những chiến lược xây dựng lối sống, thói quen ngủ lành mạnh. Một số biện pháp giúp ngủ ngon hơn mà liệu pháp CBT đưa ra có thể kể đến:
- Hạn chế giấc ngủ: Người bệnh nên giảm thời gian ngủ trưa và ngủ đêm. Điều này có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn và sẽ dễ ngủ, ngủ ngon hơn vào đêm hôm sau.
- Kiểm soát kích thích: CBT khuyên người mất ngủ chỉ nên lên giường khi buồn ngủ. Các hoạt động khác như xem TV, giải trí, đọc sách nên làm ở những khu vực khác trong nhà.
- Tái cơ cấu nhận thức: Liệu pháp CBT hỗ trợ thay đổi suy nghĩ của người bệnh từ việc “cố gắng để ngủ” sang “cố gắng để tỉnh táo, không ngủ” khi lên giường. Việc này sẽ giảm bớt sự tập trung của bệnh nhân vào giấc ngủ, từ đó dễ ngủ hơn.
- Thay đổi thói quen: Chuẩn bị không gian ngủ lý tưởng, hạn chế tiêu thụ caffeine sau 2h chiều, tập hít thở, thư giãn chính là những phương pháp giúp làm dịu hệ thần kinh, tạo tiền đề cho một giấc ngủ ngon.
Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống hằng ngày có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Người mất ngủ nên ăn:
- Thực phẩm giàu vitamin B6 như cá hồi, cá ngừ, bò, trứng,…
- Thực phẩm giàu magie như bơ, các loại hạt, đậu phụ, cá béo, cây họ đậu.
- Quả óc chó.
- Chuối, kiwi.
- Hạt sen, tâm sen, củ sen.
Và người mất ngủ không nên ăn:
- Trái cây giàu vitamin C.
- Thức ăn cay nóng.
- Trà, cà phê.
- Thịt xông khói.
Vận động thể dục thể thao
Tập luyện thể dục thường xuyên sẽ hỗ trợ tăng cường lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng, cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, bạn không nên vận động quá mạnh trước khi ngủ từ 3 – 4 tiếng vì sẽ khiến cơ thể tràn đầy năng lượng, gây mất ngủ.
Cách phòng tránh chứng mất ngủ thường xuyên
Mất ngủ có thể xảy ra với tất cả mọi người, bất kể lứa tuổi. Vì vậy, rèn luyện một thói quen ngủ tốt chính là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa mất ngủ. Bạn nên:
- Giữ nguyên thời gian ngủ và thức dậy trong thời gian dài.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Không nên ngủ trưa quá nhiều.
- Tạo không gian ngủ lý tưởng.
- Hạn chế uống trà, cà phê trước khi ngủ.
- Giữ tâm trạng thư thái trước khi lên giường.
Xem thêm:
- Cách chẩn đoán và điều trị 5 chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất
- Mất ngủ do stress: Nguyên nhân, cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả
- Thiếu máu não nên ăn gì? 15 thực phẩm chuyên gia khuyên dùng
Mất ngủ kéo dài có thể gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe của bạn. Vì vậy, hãy cố gắng xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa mất ngủ ngay hôm nay. Hãy chia sẻ bài viết đến mọi người để cùng tìm hiểu nhé!
Tài liệu tham khảo:
1. Insomnia
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/insomnia/symptoms-causes/syc-20355167
- Ngày tham khảo: 09/10/2024
2. What Is Chronic Insomnia and How Is It Treated?
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/chronic-insomnia
- Ngày tham khảo: 09/10/2024
3. Insomnia
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12119-insomnia
- Ngày tham khảo: 09/10/2024