Tăng nhãn áp là một trong những bệnh lý nhãn khoa thường gặp. Nhận biết các dấu hiệu của bệnh, phòng ngừa đúng cách sẽ hạn chế tổn thương cho đôi mắt của bạn. Hãy cùng Docosan tìm hiểu nhãn áp và bệnh tăng nhãn áp là gì trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Nhãn áp là gì? Nhãn áp bình thường là bao nhiêu?
Nhãn áp là áp lực của lớp dịch lỏng bên trong mắt. Thường áp lực này sẽ được duy trì ở mức bình thường để mắt có thể hoạt động trơn tru. Nếu nhãn áp tăng cao mà không được điều trị sẽ gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến glaucoma và mất thị lực vĩnh viễn.
Nhãn áp bình thường nằm trong khoảng 10-20 mmHg, để đo được nhãn áp bác sĩ nhãn khoa sẽ sử dụng phương pháp chuyên sâu là đo áp lực nội nhãn, thường kết hợp với sử dụng thuốc tê.
Cơ thể có khả năng tự động chiều chỉnh áp lực nội nhãn bằng cách cân bằng sự sản xuất và xuất tiết của thủy dịch. Tuy nhiên khi có bất thường bệnh lý hoặc chấn thương mắt, sự cân bằng này sẽ mất đi và làm thay đổi nhãn áp. Áp lực nội nhãn quá cao hoặc quá thấp đều có thể tổn hại đến mắt. Glaucoma là bệnh lý xảy ra khi nhãn áp cao dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhãn áp tăng nhưng không gây ra triệu chứng.
Tăng nhãn áp là gì? Nguyên nhân khiến nhãn áp cao
Tăng nhãn áp (IOP) là gì?
Tăng nhãn áp là một căn bệnh về mắt khiến cho dây thần kinh nối mắt với não bị tổn thương. Dây thần kinh này có nhiệm vụ truyền hình ảnh từ mắt đến não, giúp chúng ta nhìn thấy mọi thứ. Thông thường, bệnh này xảy ra khi áp suất bên trong mắt tăng quá cao, giống như một quả bóng bị bơm quá căng. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh vẫn xảy ra ngay cả khi áp suất mắt bình thường.
Tăng nhãn áp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng thường gặp ở người lớn tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Một số triệu chứng tăng nhãn áp:
- Đau đầu dữ dội.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Đau mắt mức độ nặng.
- Đỏ mắt, cộm mắt.
- Nhìn mờ, giảm thị lực, diễn tiến tăng dần.
- Nhìn thấy quầng sáng hoặc vòng sáng quanh đèn.
Nguyên nhân gây tăng nhãn áp
Mặc dù cơ thể có thể tự động điều chỉnh nhãn áp, tuy nhiên trong một số trường hợp thay đổi nhãn áp xảy ra nhanh hơn khả năng điều chỉnh của cơ thể. Nguyên nhân có thể đến từ:
- Mắt sản xuất quá nhiều dịch thể.
- Góc thoát nước bị chặn, ngăn dịch thể thoát ra ngoài.
- Chấn thương hoặc tai nạn, đụng dập ở mắt.
- Tác dụng phụ từ một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc nhóm corticoid.
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh tăng nhãn áp
Các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp phụ thuộc vào loại bệnh và từng giai đoạn phát triển của bệnh. Nhìn chung, trong giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp thường không rõ ràng, người bệnh chỉ chú ý đến những bất thường khi các triệu chứng có dấu hiệu nặng lên.
Tăng nhãn áp góc mở
Tăng nhãn áp góc mở (hay còn gọi là glaucoma góc mở) là bệnh lý tổn thương thần kinh mắt xảy ra do áp lực bên trong mắt tăng cao kéo dài do sự cản trở trong hệ thống thoát dịch, mặc dù góc tiền phòng vẫn mở. Các triệu chứng của tăng nhãn áp góc mở là:
- Đối với tăng nhãn áp trong trường hợp góc mở, thông thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu.
- Dần dần xuất hiện các điểm mù ở tầm nhìn phía xa.
- Về giai đoạn sau, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung để nhìn vào trung tâm.
Glaucoma góc đóng
Glaucoma góc đóng hay còn gọi là tăng nhãn áp góc đóng, là trường hợp tăng nhãn áp do góc giữa mống mắt và giác mạc bị hẹp hoặc đóng lại hoàn toàn. Tình trạng này khiến cho dòng chảy của thủy dịch trong mắt bị tắc nghẽn, làm tăng áp lực nội nhãn, hậu quả làm tổn thương thần kinh thị giác. Triệu chứng của glaucoma góc đóng là:
- Đỏ mắt.
- Đau đầu tăng dần, đau mắt mức độ nặng.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Thị lực kém, nhìn mờ dần.
Glaucoma áp suất bình thường
Glaucoma áp suất bình thường là một bệnh lý tăng nhãn áp trong đó dây thần kinh thị giác bị tổn thương nhưng áp lực nội nhãn nằm trong giới hạn bình thường. Nguyên nhân gây tổn thương thần kinh thị giác trong bệnh lý này vẫn chưa được tìm hiểu một cách cặn kẽ. Triệu chứng của glaucoma áp suất bình thường như sau:
- Trong thời gian đầu thường không có triệu chứng.
- Thị lực mờ dần.
- Mất khả năng nhìn xa nếu không điều trị kịp thời.
Tăng nhãn áp trẻ em
Tăng nhãn áp ở trẻ em hay còn gọi là tăng nhãn áp bẩm sinh, là bệnh lý mắt hiếm gặp, trong đó áp lực nội nhãn tăng cao ở trẻ nhỏ. Điều này dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác, gây giảm hoặc mất thị lực ở trẻ em, có nguy cơ mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các triệu chứng tăng nhãn áp ở trẻ em bố mẹ cần lưu ý là:
- Các triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh là chủ yếu, mắt bị mờ hoặc đục.
- Trẻ chớp mắt nhiều.
- Chảy nước mắt tự nhiên nhưng trẻ không khóc.
Bệnh tăng nhãn áp sắc tố
Bệnh tăng nhãn áp sắc tố là bệnh lý tăng nhãn áp thứ phát gây ra bởi hội chứng phân tán sắc tố. Các hạt sắc tố từ mặt sau của mống mắt bị bong tróc, len lỏi vào trong dịch nội nhãn và làm tắc nghẽn dòng chảy, khiến cho áp lực nội nhãn tăng cao. Triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp sắc tố như sau:
- Thấy quầng sáng quanh bóng đèn.
- Nhìn mờ tăng lên khi vận động.
- Khả năng nhìn xa bị suy giảm.
Điều trị tăng nhãn áp: Các phương pháp hiệu quả
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc giảm nhãn áp có vai trò làm giảm áp lực nội nhãn và ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh thị giác. Các loại thuốc phổ biến hiện bao gồm:
- Thuốc ức chế beta: Giảm sản xuất thủy dịch trong mắt, có thể dùng 1 đến 2 lần mỗi ngày.
- Thuốc chứa hoạt chất prostaglandin: Có thể sử dụng ngày 1 lần.
- Thuốc alpha-adrenergic: Có vai trò cải thiện dòng chảy lưu thông thủy dịch và giảm thể tích thủy dịch được sản xuất ra, tần suất dùng có thể 2 – 3 lần mỗi ngày.
- Thuốc co mạch hoặc thuốc cholinergic: Giúp bảo vệ dây thần kinh thị giác, có thể dùng 4 lần mỗi ngày.
- Chất ức chế enzyme Rho kinase: Dùng 1 lần mỗi ngày để giảm tiết thủy dịch.
- Thuốc ức chế anhydrase carbonic: Giảm sản xuất dịch thể, liều dùng từ 2-3 lần mỗi ngày.
Điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật:
Điều trị tăng nhãn áp bằng laser và phẫu thuật thường được áp dụng khi điều trị bằng thuốc không kiểm soát được triệu chứng và không làm giảm được nhãn áp.
- Điều trị bằng laser: Laser tạo hình bè, làm vùng bè xung quanh giãn rộng ra giúp thủy dịch lưu thông dễ dàng hơn (giúp thoát dịch nước tốt hơn) và mở lỗ nhỏ ở mống mắt để thoát thủy dịch.
- Phẫu thuật glaucom bằng phương pháp cắt bè củng mạc: Bác sĩ nhãn khoa sẽ can thiệp bằng cách cắt bỏ bớt một phần bè củng mạc và mống mắt, giúp lưu thông thủy dịch bên trong mắt, giúp ổn định áp suất nội nhãn.
- Phẫu thuật glaucom bằng phương pháp cắt ghép ống thoát thủy dịch: Sử dụng ống thoát nhân tạo để ghép vào trong mắt bệnh nhân, chiều dài ống khoảng dao động khoảng 1 cm, ống này sẽ giúp thủy dịch lưu thông dễ dàng hơn. Phương pháp phẫu thuật này đòi hỏi kĩ thuật phức tạp và thời gian theo dõi lâu dài.
Biện pháp phòng ngừa tăng nhãn áp hiệu quả
Biết cách chăm sóc sẽ giúp đôi mắt khỏe mạnh, ngăn ngừa các bệnh lý về mắt, đặc biệt là tình trạng tăng nhãn áp. Sau dây là một số biện pháp bạn cần chú ý:
- Khám mắt định kỳ: Khám mắt toàn diện giúp phát hiện bệnh trước khi xảy ra tổn thương nghiêm trọng.
- Khai thác tiền sử bệnh mắt của gia đình: Glaucoma thường di truyền, vì vậy cần khám thường xuyên nếu gia đình có nguy cơ cao.
- Bảo vệ mắt: Đeo kính khi chơi thể thao để tránh mắt bị vật khác đâm vào, va đập.
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định: Thuốc có thể giảm nguy cơ tiến triển bệnh, ngay cả khi không có triệu chứng, tuy nhiên cần sử dụng thuốc đúng chỉ định và giờ giấc theo lời dặn của bác sĩ.
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục: Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu trái cây, dinh dưỡng, có bổ sung omega-3 cùng với thói quen thường xuyên tập thể dục giúp giảm nguy cơ bị tăng nhãn áp.
Xem thêm:
- Bệnh mắt nhược thị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
- 5 mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất, hiệu quả, tránh biến chứng
- Đau mắt đỏ ở trẻ em: 6 dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay!
Bài viết đã cung cấp những thông tin về vấn đề tăng nhãn áp và cách điều trị. Người bệnh cần giữ vệ sinh mắt, thăm khám mắt ngay khi phát hiện các dấu hiệu lạ để tránh làm mắt tổn thương kéo dài diễn tiến. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Glaucoma – Mayo Clinic
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glaucoma/symptoms-causes/syc-20372839
- Ngày tham khảo: 15/10/2024
2. Eye Pressure – American Academy of Ophthalmology
- Link tham khảo: https://www.aao.org/eye-health/anatomy/eye-pressure
- Ngày tham khảo: 15/10/2024
3. Eye (Intraocular) Pressure – Cleveland Clinic
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/24552-eye-intraocular-pressure
- Ngày tham khảo: 15/10/2024