Hiện nay thoái hóa đốt sống cổ ngày càng phổ biến ở người trẻ làm văn phòng, cần ngồi nhiều. Trong bài viết này, Docosan sẽ thông tin đến quý bạn đọc một số dấu hiệu nhận biết, triệu chứng và các phương pháp phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ hiệu quả.
Tóm tắt nội dung
- 1 Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
- 2 Tình trạng thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ ngày càng phổ biến
- 3 Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
- 4 Dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
- 5 Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
- 6 Cách cải thiện và phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
- 7 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ là quá trình lão hóa tự nhiên của các đĩa đệm, khớp xương và đốt sống vùng cổ. Tình trạng này thường xuất hiện sau tuổi 50 với các triệu chứng đau cứng cổ, dẫn đến một số bệnh lý rễ thần kinh do các dây thần kinh bị chèn ép. Lâu ngày, cột sống sẽ dần bị suy giảm về mặt cấu trúc và chức năng.
Tình trạng thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ ngày càng phổ biến
Nhiều khảo sát cho thấy tỉ lệ người trẻ tuổi bị thoái hóa đốt sống cổ ngày càng tăng, đặc biệt ở nhóm nhân viên văn phòng phải sử dụng máy tính nhiều. Độ tuổi bắt đầu xuất hiện triệu chứng đang dần trẻ hóa, khoảng từ 30 – 40 tuổi.
Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
Yếu tố nghề nghiệp
Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thoái hóa đốt sống, ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của người trẻ tuổi. Một vài yếu tố có thể kể đến: – Ngồi làm việc văn phòng nhiều giờ: Đa phần nhân viên văn phòng cần làm việc 8 tiếng một ngày, không vận động đi lại nhiều, tư thế ngồi không đúng. – Làm việc tăng ca, làm việc quá sức: Làm việc liên tục, không nghỉ ngơi khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi tăng nguy cơ mắc bệnh. – Chế độ ăn uống thiếu khoa học dẫn đến những hậu quả:
- Thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho xương khớp: Cơ thể không được bổ sung canxi, vitamin D, magie,… các chất cần thiết cho xương chắc khỏe từ thực phẩm.
- Thừa cân, béo phì: Ăn nhiều thức ăn nhanh, dầu mỡ dẫn đến thừa cân, béo phì, ít tập thể dục, rèn luyện thể chất nên dễ mắc thoái hóa đốt sống cổ.
Bệnh lý
Thoái hóa đốt sống cổ có thể là hậu quả của nhiều tình trạng bệnh lý như:
- Thoái hóa đĩa đệm: Đĩa đệm giữa các đốt sống cổ đóng vai trò đàn hồi, chống đỡ phần đầu và hỗ trợ giảm xóc, chấn động. Từ tuổi 30 trở đi, đĩa đệm bắt đầu bị mất nước làm các đốt sống tiếp xúc với nhau nhiều hơn, gây đau cổ.
- Gai xương: Gai xương hình thành khi có tổn thương vùng khớp, diễn tiến chậm, kéo dài, gây chèn ép lên mô, cơ, dây thần kinh, tủy sống.
Ít vận động
Như đã đề cập, ít vận động là một trong những tác nhân của thoái hóa đốt sống cổ. Khi bạn ít tập luyện thể lực, các cơ khớp sẽ có xu hướng cứng lại, khớp xương bị khô, kém linh hoạt.
Tâm lý chủ quan
Người trẻ thường có xu hướng nghĩ rằng bản thân còn trẻ, ít nguy cơ mắc bệnh về xương khớp. Đấy là suy nghĩ sai lầm do tâm lý chủ quan, ít quan tâm, tìm hiểu về cách chăm sóc sức khỏe cột sống.
Di truyền
Bạn có thể mắc thoái hóa đốt sống cổ do di truyền từ gia đình. Ông bà, cha mẹ từng bị thoái hóa thì nguy cơ người trẻ tuổi, con cái mắc bệnh cao hơn so với những gia đình khác.
Dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
Các dấu hiệu của tình trạng thoái hóa đốt sống cổ có thể khiến bạn nhầm lẫn với trạng thái đau mỏi thông thường. Dưới đây là một số triệu chứng bạn nên lưu ý:
- Đau mỏi cổ, vai gáy.
- Yếu, căng cứng cơ vùng cổ, vai, lưng.
- Cử động cổ khó khăn.
- Đau lan lên đầu hoặc xuống bả vai, cánh tay.
- Cơ, khớp phát ra tiếng kêu lách cách khi cử động.
- Chóng mặt, nhức đầu.
- Tê bì tay, chân.
- Tay, chân phối hợp không hiệu quả.
- Co thắt cơ bắp.
- Phản xạ bất thường.
- Mất khả năng kiểm soát tứ chi.
Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
Thoái hóa đốt sống thường tiến triển chậm, mạn tính. Tuy không quá nghiêm trọng nhưng bệnh vẫn có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm:
- Đau cổ, vai gáy mạn tính, kéo dài.
- Hạn chế hoặc mất phản xạ ở tay và tứ chi.
- Tình trạng căng cứng cơ, dây chằng, gân cổ ngày càng nghiêm trọng, mất đi sự linh hoạt.
- Rối loạn chức năng cột sống cổ, gây đau bả vai, đầu, lưng.
- Ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
- Gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời như bệnh lý tủy sống và bệnh lý rễ thần kinh.
Cách cải thiện và phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
Khác với người già, nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ chủ yếu là do thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Bạn hoàn toàn có thể tự cải thiện, phòng ngừa, bảo vệ cột sống của mình bằng một số phương pháp: – Duy trì tư thế đúng khi ngồi, đứng, nằm.
– Nghỉ ngơi thường xuyên, tránh cúi đầu, khom lưng quá lâu.
– Sử dụng tai nghe khi gọi điện thoại.
– Chế độ ăn uống khoa học:
- Tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin C, D.
- Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có ga, chất kích thích.
– Tập luyện thể dục thường xuyên:
- Vận động nhẹ nhàng, vừa phải, tránh chấn thương.
- Các bài tập cho vai, cổ, cột sống cổ như yoga, thiền, bấm huyệt, xoa bóp.
– Sử dụng sản phẩm bổ sung Vitamin B: Những vitamin này giúp bảo vệ và tái tạo tế bào thần kinh, cải thiện tuần hoàn máu, từ đó giảm các triệu chứng tê bì và đau nhức.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu, triệu chứng bất thường
Thoái hóa đốt sống cổ kéo dài, không khỏi gây nhiều biến chứng có hại cho sức khỏe. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn mắc các triệu chứng sau:
- Đau nhức, đau cứng cổ không khỏi dù đã uống thuốc trong thời gian dài.
- Yếu cơ hoặc tê cơ cổ, vai đột ngột.
- Đi lại khó khăn, có nguy cơ bị liệt.
- Tay yếu, không thể di chuyển.
- Tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát.
- Mất khả năng điều khiển, phản xạ của tứ chi.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Hiện nay tại TP.HCM có rất nhiều bệnh viện uy tín, đầu ngành, chuyên điều trị lĩnh vực cơ xương khớp. Một số bệnh viện nổi tiếng bạn có thể tham khảo:
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: 215 Hồng Bàng, Quận 5 TP.HCM.
- Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5 TP.HCM.
- Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM: 929 Trần Hưng Đạo, Quận 5 TP.HCM.
- Bệnh viện Nhân dân 115: 522 Sư Vạn Hạnh, Quận 10 TP.HCM.
Thoái hóa đốt sống cổ ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trẻ. Vì vậy, bạn hãy chủ động thay đổi lối sống, tăng cường rèn luyện tập thể dục để bảo vệ sức khỏe cột sống hiệu quả. Xem thêm:
- Top 7 cách làm giảm đau cơ lưng hiệu quả tại nhà
- Đau cổ bên phải là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
- Đau xương cụt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Tài liệu tham khảo:
1. Cervical Spondylosis
- Link tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551557/
- Ngày tham khảo: 19/10/2024