Đối với các bệnh nhân tiểu đường, nỗi lo lắng lớn nhất có lẽ là các biến chứng mà nó để lại, vì chúng không chỉ làm giảm tuổi thọ mà còn làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Vậy bị tiểu đường bao lâu thì biến chứng và có cách để phòng ngừa không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Bị tiểu đường bao lâu thì biến chứng?
Người mắc bệnh tiểu đường có thể gặp hai loại biến chứng chính là biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính. Trong đó, biến chứng cấp tính thường xảy ra nhanh và đột ngột nhưng lại có thể để lại hậu quả nặng nề. Vì thế, đây đều là những tình trạng đặc biệt nghiêm trọng và cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức. Biến chứng mạn tính là những biến chứng sẽ phát triển dần khi bệnh không được kiểm soát tốt, thường diễn ra sau vài tháng hoặc vài năm và tiến triển nặng hơn theo thời gian. Thời gian xuất hiện các biến chứng tiểu đường sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ kiểm soát đường huyết của bệnh nhân. Do đó, những người kiểm soát tốt lượng glucose trong máu thì ít có khả năng phát triển các biến chứng hơn.
Biến chứng cấp tính
Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường thường khó xác định chính xác thời gian xuất hiện. Chúng thường xảy ra bất ngờ khi lượng đường trong máu tăng hoặc giảm quá mức, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Các biến chứng này bao gồm:
- Hạ đường huyết: Khi lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp, người bệnh có thể bị chóng mặt, đổ mồ hôi, run rẩy và thậm chí mất ý thức.
- Nhiễm toan ceton (DKA): Xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin và bắt đầu phân hủy chất béo, dẫn đến làm tăng quá nhiều thể ceton và gây toan hóa máu.
- Tăng áp lực thẩm thấu máu: Xảy ra khi mức đường huyết tăng rất cao (lượng đường huyết trên 400mg/dL) và không được kiểm soát trong thời gian dài (vài ngày hoặc vài tuần), dẫn đến mất nước nghiêm trọng ở bệnh nhân.
Biến chứng mạn tính
Biến chứng mạn tính thường xảy ra sau khoảng 5 – 10 năm từ khi được chẩn đoán tiểu đường, đặc biệt nếu bệnh không được kiểm soát tốt. Các biến chứng mãn tính thường gặp bao gồm:
- Biến chứng tim mạch: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, cơn đau thắt ngực và và đột quỵ.
- Biến chứng thận: Bệnh có thể làm các mạch máu nhỏ tại thận bị tổn thương, dẫn đến suy thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Biến chứng mắt: Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị tổn thương võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa.
- Biến chứng thần kinh: Lượng đường huyết cao kéo dài có thể làm tổn thương các dây thần kinh, gây ra cảm giác tê bì, đau nhức, mất cảm giác ở tay chân.
Dấu hiệu nhận biết sớm biến chứng tiểu đường
Việc nhận biết sớm cấc dấu hiệu của biến chứng bệnh tiểu đường là vô cùng quan trọng để có giải pháp điều trị kịp thời, đặc biệt trong các trường hợp biến chứng cấp tính. Dưới đây là một số dấu hiệu mà bạn có thể nhận biết nhanh:
- Hạ đường huyết: Bệnh nhân có dấu hiệu vã mồ hôi, choáng váng, cảm giác đói cồn cào, tim đập nhanh, tay chân bủn rủn, lạnh người, hoa mắt và mệt mỏi,…
- Tăng đường huyết quá mức: Khi đường huyết tăng cao quá mức, người bệnh sẽ có cảm giác khát nhiều, đi tiểu nhiều, đau bụng, buồn nôn, thỉnh thoảng có thể thấy hơi thở có mùi trái cây (mùi ceton),…
Biến chứng mạn tính thường diễn tiến âm thầm theo thời gian, do đó rất khó để nhận biết các dấu hiệu. Tuy nhiên, nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn:
- Mắt mờ dần, khó nhìn rõ hoặc nhìn thấy đốm đen, thường xuyên chảy nước mắt, nhức mắt.
- Các vết thương ở chân dễ nhiễm trùng và lâu lành, nhiều nốt chai chân hay vùng da thâm đen bất thường.
- Nước tiểu sủi bọt, tiểu đêm nhiều lần.
- Tăng cân.
- Tăng huyết áp tăng bất thường.
- Tim đập nhanh.
- Táo bón và tiêu chảy đan xen kéo dài.
- Cảm giác tê bì, châm chích hoặc nóng rát ở tay và chân.
Cách ngăn ngừa và trì hoãn biến chứng khi bị tiểu đường
Dưới đây là những lời khuyên chi tiết để trì hoãn các biến chứng khi bị tiểu đường:
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Đường huyết cao kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các biến chứng mà bệnh nhân gặp phải. Do đó, hãy cố gắng kiểm soát đường huyết ở mức khỏe mạnh bằng cách tuân thủ liều và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, thực hiện thay đổi lối sống và theo dõi đường huyết thường xuyên.
Giảm cân
Đối với những bệnh nhân thừa cân, việc giảm cân sẽ có lợi trong việc trì hoãn các biến chứng của tiểu đường, giảm áp lực lên cơ thể và ngăn ngừa những nguy cơ tim mạch khác. Do đó, để giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh, hãy bắt đầu bằng việc tập thể dục đều đặn hằng ngày và ăn uống hợp lý. Ngoài ra, một số thuốc điều trị đái tháo đường cũng có khả năng giúp bệnh nhân giảm cân, vì vậy hãy luôn nhớ tuân thủ theo toa thuốc của bác sĩ.
Bỏ thuốc lá
Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc gây hại cho cơ thể, làm giảm lưu thông máu đến tim và bàn chân, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch hay những biến chứng đái tháo đường khác. Do đó, nếu bạn là một người đang hút thuốc lá, việc bỏ thuốc lá là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm này.
Ăn uống lành mạnh hơn
Thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ, ít đường và chất béo bão hòa sẽ giúp cải thiện đường huyết. Hãy ưu tiên các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây ít đường, các loại ngũ cốc nguyên hạt và cá.
Tăng cường hoạt động thể chất
Các chuyên gia khuyên rằng bệnh nhân đái tháo đường cần tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần. Để việc tập luyện đạt được hiệu quả, bạn không nên ngừng tập 2 ngày liên tiếp và duy trì ít nhất 5 ngày/tuần, xen kẽ với những buổi tập với kháng lực. Bạn có thể tham gia bất cứ hoạt động thể chất nào phù hợp với sức khỏe và sở thích của bản thân, chẳng hạn như aerobic, yoga, đi bộ, bơi lội,… Việc tập luyện như thế giúp cải thiện độ nhạy insulin và hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Cuối cùng, bệnh nhân tiểu đường nên tái khám và xét nghiệm máu định kỳ ít nhất 3 tháng 1 lần. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng của tiểu đường, chẳng hạn như dị cảm ở chân, thay đổi tầm nhìn, đường huyết và huyết áp bất thường,… Từ đó, bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra giải pháp để can thiệp kịp thời, trì hoãn thời gian những biến chứng sẽ xảy ra. Xem thêm:
- Các loại dầu ăn cho người tiểu đường tốt cho sức khoẻ nhất
- Mối liên hệ giữa biến chứng tim mạch và đái tháo đường
- Thiết lập 7 kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường
Trên đây là những thông tin liên quan đến chủ đề “Bị tiểu đường bao lâu thì biến chứng”, cùng với đó là một số lời khuyên từ các chuyên gia để giúp bạn trì hoãn thời gian chúng xuất hiện. Nếu thấy bài viết này có ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng biết nhé. Nguồn tham khảo: 1. Diabetes
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/symptoms-causes/syc-20371444
- Ngày tham khảo: 28/10/2024
2. Complications of Diabetes Mellitus
- Link tham khảo: https://www.msdmanuals.com/home/hormonal-and-metabolic-disorders/diabetes-mellitus-dm-and-disorders-of-blood-sugar-metabolism/complications-of-diabetes-mellitus
- Ngày tham khảo: 28/10/2024
3. Complications of Diabetes
- Link tham khảo: https://www.diabetes.org.uk/about-diabetes/complications
- Ngày tham khảo: 28/10/2024
4. The complications of untreated diabetes – and how to avoid them
- Link tham khảo: https://www.healthpartners.com/blog/untreated-diabetes-complications/
- Ngày tham khảo: 28/10/2024