Bệnh tiểu đường có nên uống nhiều nước không? Lưu ý khi uống

“Bệnh tiểu đường có nên uống nhiều nước” là câu hỏi thường gặp ở những người cần kiểm soát lượng đường trong máu. Việc duy trì đủ nước rất quan trọng với sức khỏe, đặc biệt là với người mắc bệnh tiểu đường, vì nó ảnh hưởng đến quá trình đào thải đường dư thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, cần uống nước đúng cách để đảm bảo đạt được hiệu quả tốt nhất. Cùng Docosan tìm hiểu về vai trò của nước đối với người bị tiểu đường và các lưu ý khi uống để hỗ trợ sức khỏe tối ưu qua bài viết dưới đây.

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường là một tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose, xảy ra khi lượng đường trong máu (glucose) cao do thiếu insulin, sản xuất insulin không đủ hoặc cơ thể kháng insulin. Bình thường glucose là nguồn năng lượng chính cho cơ thể và chúng cần một hormone từ tuyến tụy là insulin hỗ trợ để đi vào tế bào.

Khi insulin không hoạt động đúng cách, glucose tích tụ trong máu gây ra hiện tượng tăng đường huyết. Có nhiều loại bệnh tiểu đường với các đặc điểm khác nhau, bao gồm:

  • Tiểu đường tuýp 2: Là loại tiểu đường phổ biến nhất, xảy ra khi cơ thể kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin, chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn.
  • Tiền tiểu đường: Giai đoạn lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là tiểu đường loại 2.
  • Tiểu đường tuýp 1: Bệnh tự miễn do hệ miễn dịch phá hủy tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Tiểu đường thai kỳ: Xảy ra trong thai kỳ, thường biến mất sau sinh nhưng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.

Ngoài ra, còn có các loại tiểu đường hiếm gặp khác như tiểu đường loại 3c (do tổn thương tuyến tụy), LADA (đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn) và MODY (do đột biến gen di truyền). Bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát thông qua việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.

Bệnh tiểu đường là một tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose
Bệnh tiểu đường là một tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose

Lợi ích của việc uống nước đối với người bị tiểu đường

Uống nước mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người mắc bệnh tiểu đường. Với đặc tính không chứa carbohydrate và calo, nước trở thành thức uống lý tưởng giúp không làm tăng mức đường huyết.

  • Giảm đường huyết: Khi đường huyết tăng cao, cơ thể người bệnh tiểu đường cần nhiều nước hơn để hỗ trợ thận loại bỏ lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Uống đủ nước giúp hỗ trợ quá trình đào thải glucose, giúp giảm đường huyết một cách tự nhiên.
  • Ngăn ngừa mất nước: Tình trạng đường huyết cao có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Khi cơ thể thiếu nước, quá trình loại bỏ đường qua nước tiểu sẽ bị gián đoạn, làm cho đường huyết có thể tăng cao hơn.
  • Tiểu đường nhạt: Với người mắc bệnh đái tháo nhạt, nước cũng đóng vai trò thiết yếu. Tuy không liên quan đến tình trạng đường huyết cao nhưng bệnh đái tháo nhạt gây tiểu nhiều, làm cho người bệnh luôn khát nước và có nguy cơ cao bị mất nước. Bổ sung đủ nước giúp giảm các triệu chứng khát và mất nước trong tình trạng này.

Nếu không uống nước, người tiểu đường có bị sao không?

Thiếu nước hoặc mất nước là vấn đề nghiêm trọng với người tiểu đường, vì cơ thể họ cần duy trì lượng nước phù hợp để kiểm soát đường huyết. Khi cơ thể mất nước, lượng glucose trong máu sẽ trở nên cô đặc hơn làm tăng đường huyết. Để cân bằng lại, cơ thể cố gắng loại bỏ đường dư thừa qua nước tiểu, dẫn đến mất nước nhiều hơn và làm cho tình trạng mất nước thêm trầm trọng.

Thiếu nước kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến đường huyết mà còn làm mất cân bằng điện giải, gây ảnh hưởng đến sức khỏe trao đổi chất. Để phòng ngừa, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên uống khoảng 2 lít  mỗi ngày.

Khi cơ thể mất nước, lượng glucose trong máu sẽ trở nên cô đặc hơn làm tăng đường huyết
Khi cơ thể mất nước, lượng glucose trong máu sẽ trở nên cô đặc hơn làm tăng đường huyết

Dấu hiệu cảnh báo thiếu nước đối với người bị tiểu đường

Người bị tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu thiếu nước, vì nhiều triệu chứng mất nước dễ nhầm lẫn với dấu hiệu tăng đường huyết. Các dấu hiệu cảnh báo thiếu nước bao gồm:

  • Đau đầu.
  • Chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Chuột rút cơ bắp.
  • Nước tiểu sẫm màu, có mùi hôi.
  • Cảm giác khát nước tăng lên.
  • Mệt mỏi.
  • Buồn nôn.
  • Thèm muối.

Ngoài ra, tình trạng thiếu nước kéo dài có thể làm da căng cứng và làm chậm quá trình lành vết thương ở người bệnh tiểu đường.

Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi và buồn nôn là các dấu hiệu cảnh báo thiếu nước ở người bị tiểu đường
Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi và buồn nôn là các dấu hiệu cảnh báo thiếu nước ở người bị tiểu đường

Bệnh tiểu đường có nên uống nhiều nước không?

Người bị tiểu đường không nên uống quá nhiều nước mà chỉ nên uống đủ lượng cần thiết. Uống đủ nước giúp cơ thể tránh tình trạng mất nước và hỗ trợ quá trình đào thải glucose thừa qua nước tiểu. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước không giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn mà có thể gây thêm áp lực cho thận và làm mất cân bằng điện giải.

Lượng nước mà người bị tiểu đường có thể uống

Mỗi ngày, người bị tiểu đường nên uống một lượng nước tuân theo khuyến nghị của các chuyên gia như sau:

  • Phụ nữ: khoảng 1,6 lít (tương đương 8 ly 200ml).
  • Nam giới: khoảng 2 lít (tương đương 10 ly 200ml).

Ngoài ra, nếu gặp phải các dấu hiệu thiếu nước như chóng mặt, đau đầu hay khát nước quá mức, người bị tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh lượng nước uống phù hợp.

Các chuyên gia khuyến cáo nam giới nên uống khoảng 2 lít và nữ giới nên uống khoảng 1,6 lít nước mỗi ngày
Các chuyên gia khuyến cáo nam giới nên uống khoảng 2 lít và nữ giới nên uống khoảng 1,6 lít nước mỗi ngày

Lưu ý khi uống nước đối với người bị tiểu đường

Người bệnh tiểu đường cần chú ý một số điểm khi uống nước để đảm bảo sức khỏe và giúp kiểm soát đường huyết, bao gồm:

  • Uống đủ nước: Lượng nước khuyến nghị uống hàng ngày là khoảng 2 – 3 lít, tuy nhiên mỗi người có thể cần điều chỉnh lượng nước tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu cá nhân.
  • Chọn loại nước phù hợp:

– Nước lọc: Đây là lựa chọn lý tưởng vì không chứa calo và đường, giúp duy trì đường huyết ổn định.

– Trà không đường: Các loại trà xanh, trà thảo mộc có khả năng giải khát và chứa nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho người bệnh tiểu đường.

– Sữa không đường hoặc sữa thực vật: Cung cấp protein và dưỡng chất cần thiết mà không làm tăng lượng đường trong máu.

– Nước ép rau củ: Là nguồn giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Khi sử dụng nên pha loãng với nước để giảm bớt lượng đường tự nhiên.

  • Hạn chế các loại nước ngọt: Các loại nước ngọt, nước có ga và nước trái cây đóng hộp thường chứa nhiều đường, dễ làm tăng đường huyết nhanh chóng.
  • Chú ý đến nhiệt độ nước: Nên uống nước ấm hoặc ở nhiệt độ phòng vì nước quá lạnh có thể gây co thắt mạch máu, ảnh hưởng đến tuần hoàn và huyết áp.
  • Uống nước đều đặn trong ngày: Tránh uống quá nhiều nước cùng một lúc, thay vào đó nên chia nhỏ lượng nước và uống đều đặn trong ngày để cơ thể hấp thu tốt hơn.
Các loại trà xanh, trà thảo mộc có khả năng giải khát và chứa nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho người bệnh tiểu đường
Các loại trà xanh, trà thảo mộc có khả năng giải khát và chứa nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho người bệnh tiểu đường

Một số câu hỏi liên quan

Bị tiểu đường nên uống gì?

Người bị tiểu đường nên lựa chọn các loại đồ uống giúp duy trì mức đường huyết ổn định và cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, bao gồm:

  • Nước lọc: Là lựa chọn tốt nhất vì không chứa calo hay đường, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mà không ảnh hưởng đến đường huyết.
  • Trà không đường: Các loại trà như trà xanh, trà hoa cúc, trà gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa, vừa giúp giải khát, vừa có lợi cho sức khỏe người bị tiểu đường.
  • Sữa không đường hoặc sữa thực vật: Sữa không đường hoặc các loại sữa thực vật như sữa đậu nành, sữa hạt giúp bổ sung protein và dưỡng chất cho cơ thể mà không làm tăng đường huyết.
  • Nước ép rau củ: Nước ép từ cà rốt, củ cải, dưa chuột cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Nên pha loãng với nước khi sử dụng để làm giảm lượng đường tự nhiên trong nước ép,
  • Nước hầm xương: Nước hầm xương giàu collagen và các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe xương khớp, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của người tiểu đường.

Bị tiểu đường không nên uống gì?

Người bị tiểu đường nên tránh một số loại đồ uống có thể làm tăng lượng đường trong máu và ảnh hưởng đến sức khỏe. Các loại đồ uống mà người bệnh tiểu đường nên kiêng bao gồm:

  • Đồ uống có ga: Thường chứa nhiều đường, chất tạo ngọt nhân tạo và các chất bảo quản không tốt cho sức khỏe của người bệnh tiểu đường.
  • Nước ngọt: Là nguồn cung cấp đường lớn, gây ra sự tăng nhanh chóng lượng đường trong máu.
  • Nước trái cây đóng hộp: Thường chứa nhiều đường hóa học, không phù hợp cho người bệnh tiểu đường.
  • Rượu bia: Ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường trong máu và có thể gây ra các biến chứng khác.
  • Cà phê: Có thể làm tăng lượng đường trong máu ở một số người, do đó nên uống cà phê không đường và hạn chế lượng caffeine nạp vào cơ thể ở những người bị tiểu đường.

Ngoài việc tránh những đồ uống không tốt, người bệnh tiểu đường cũng cần lưu ý rằng mỗi người có một cơ địa khác nhau nên các loại đồ uống phù hợp có thể khác nhau. Tốt nhất là người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch ăn uống phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên đảm bảo uống nước đủ từ 2 – 3 lít mỗi ngày, kiểm soát khẩu phần ăn, tập thể dục đều đặn và kiểm tra đường huyết thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị và phát hiện sớm các biến chứng.

Xem thêm:

Nước giúp duy trì sự cân bằng trong cơ thể, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa mất nước, do đó việc uống đủ nước là rất quan trọng đối với người bị tiểu đường, nhưng không cần phải uống quá nhiều. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường nên chú ý chọn loại nước phù hợp và uống đều đặn trong suốt cả ngày. Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, bạn đọc hãy chia sẻ với người thân và bạn bè để cùng nhau có những thông tin bổ ích về bệnh tiểu đường.

Nguồn tham khảo:

1. Diabetes

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/7104-diabetes
  • Ngày tham khảo: 29/10/2024

2. Water and Diabetes

  • Link tham khảo: https://www.diabetes.co.uk/food/water-and-diabetes.html#google_vignette
  • Ngày tham khảo: 29/10/2024

3. Diabetes and Hydration: Are You Drinking Enough Water?

  • Link tham khảo: https://diatribe.org/diet-and-nutrition/diabetes-and-hydration-are-you-drinking-enough-water
  • Ngày tham khảo: 29/10/2024
Contact Me on Zalo