Tiền mãn kinh là giai đoạn không thể tránh khỏi trong cuộc sống của phụ nữ, mang theo nhiều thay đổi về sức khỏe và tâm lý. Vậy triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu và chúng ta cần làm gì để vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng? Hãy cùng Docosan tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt nội dung
- 1 Giai đoạn tiền mãn kinh là gì? Bao nhiêu tuổi mới xảy ra?
- 2 Giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
- 3 Tiền mãn kinh có xảy ra sớm hơn bình thường không?
- 4 Những triệu chứng tiền mãn kinh
- 5 Tình trạng tiền mãn kinh có can thiệp được không?
- 6 Cần làm gì để vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh nhẹ nhàng?
Giai đoạn tiền mãn kinh là gì? Bao nhiêu tuổi mới xảy ra?
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp khi cơ thể bắt đầu chuyển sang thời kỳ mãn kinh. Trong thời gian này, buồng trứng giảm sản xuất hormone, làm cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều và khó dự đoán. Đây là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, nhưng tình trạng này thường đi kèm với các triệu chứng thể chất và cảm xúc như nóng bừng, bốc hỏa, thay đổi tâm trạng hoặc khó ngủ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Tiền mãn kinh có thể bắt đầu từ giữa độ tuổi 30 đến 50 và kéo dài trong một thời gian ngắn hoặc nhiều năm, tùy theo cơ địa mỗi người. Mặc dù mức độ hormone suy giảm và chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, nhưng khả năng mang thai vẫn tồn tại trong giai đoạn này. Khi chu kỳ kinh nguyệt dừng hẳn trong 12 tháng liên tiếp, bạn sẽ chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh, đánh dấu sự kết thúc của khả năng sinh sản.
Giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Thời gian trung bình của giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài khoảng bốn năm. Nhưng trong một số trường hợp, giai đoạn này có thể kéo dài đến tám năm. Đây là khoảng thời gian cơ thể trải qua nhiều thay đổi về hormone và sinh lý trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh thực sự. Đối với một số người, quá trình này diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vài tháng, nhưng với những người khác.
Tóm lại, giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào cơ địa và cách cơ thể họ phản ứng với sự thay đổi hormone. Những triệu chứng như chu kỳ kinh nguyệt thất thường, bốc hỏa, thay đổi tâm trạng có thể xuất hiện và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ trong suốt thời gian chuyển tiếp này.
Tiền mãn kinh có xảy ra sớm hơn bình thường không?
Một số phụ nữ có thể trải qua giai đoạn tiền mãn kinh sớm hơn tuổi thông thường, do yếu tố dưới đây:
- Thói quen hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá thường khiến mãn kinh xảy ra sớm hơn từ một đến hai năm so với người không sử dụng.
- Tiền sử gia đình có người mãn kinh sớm.
- Đã từng trải qua các phương pháp điều trị ung thư.
- Đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng.
Những triệu chứng tiền mãn kinh
Rối loạn kinh nguyệt
Khi chu kỳ rụng trứng trở nên thất thường, khoảng thời gian giữa các kỳ kinh có thể dài hoặc ngắn hơn, lượng kinh có thể dao động từ ít đến nhiều và có thể có những kỳ không có kinh nguyệt. Nếu chu kỳ của bạn kéo dài thêm bảy ngày trở lên so với bình thường, đó có thể là dấu hiệu của giai đoạn đầu tiền mãn kinh. Nếu thời gian giữa các kỳ kinh kéo dài đến 60 ngày hoặc hơn, có khả năng bạn đang trong giai đoạn cuối của tiền mãn kinh.
Khô hạn, giảm ham muốn tình dục
Sự giảm sút của hormone estrogen dẫn đến việc các mô ở âm đạo mất đi độ ẩm và độ đàn hồi. Kết quả là thành âm đạo trở nên mỏng manh, khô, dễ teo, dễ bị tổn thương và có thể chảy máu khi quan hệ. Bên cạnh đó, các yếu tố như căng thẳng, trầm cảm và lo âu kéo dài cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục và cản trở khả năng đạt được cực khoái.
Bốc hỏa và cáu gắt
Một trong những triệu chứng phổ biến của giai đoạn tiền mãn kinh là sự gia tăng cảm xúc tiêu cực như nóng giận, nhạy cảm quá mức, lo âu, sợ hãi và buồn bã. Nếu không có cơ hội để chia sẻ và giải tỏa cảm xúc, tình trạng này có thể dẫn đến trầm cảm. Bốc hỏa cũng là một triệu chứng khá phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh. Cơn bốc hỏa thường khởi đầu đột ngột bằng cảm giác nóng ở vùng mặt, phần trên ngực và sau đó nhanh chóng lan ra toàn thân.
Mất ngủ
Sự thay đổi hormone, kèm theo triệu chứng như bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm, có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ bao gồm khó ngủ, giấc ngủ bị gián đoạn hoặc thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại. Tình trạng mất ngủ gây mệt mỏi, suy nhược, khó tập trung, từ đó làm giảm năng suất và chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy, mất ngủ có thể khiến 33% phụ nữ cảm thấy thèm ăn, trong đó 50% có nguy cơ béo phì, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và huyết áp lên đến 48%.
Sạm da và rụng tóc
Một trong những dấu hiệu rõ ràng của giai đoạn tiền mãn kinh là làn da bắt đầu “xuống cấp”, trở nên khô ráp, chảy xệ, sạm da, mỏng hơn và dễ bị kích ứng cũng như bầm tím. Sự suy giảm collagen làm giảm khả năng đàn hồi, hình thành nếp nhăn. Và phụ nữ cũng có thể gặp phải tình trạng mụn, phát ban và các vết thương lâu lành hơn.
Ngoài ra, nồng độ estrogen và progesterone giảm trong thời kỳ này là nguyên nhân chính gây rụng tóc và làm móng tay trở nên giòn hơn. Hai hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của tóc và móng tay. Sự khô ráp của da cũng có thể khiến da đầu dễ bị khô và tăng nguy cơ gãy rụng tóc.
Nhiễm trùng đường tiểu
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiểu. Một số dấu hiệu cho thấy có thể bị nhiễm trùng là cảm giác đau khi đi tiểu và thường xuyên đi tiểu. Để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu trong thời kỳ này, phụ nữ nên đi vệ sinh ngay sau khi quan hệ, sử dụng chất bôi trơn, và tập các bài tập cho cơ xương chậu đều đặn.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và xương khớp
Tuổi mãn kinh của phụ nữ có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe xương và tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy việc mãn kinh sớm có liên quan đến nguy cơ cao hơn về các bệnh tim mạch, loãng xương và gãy xương. Nguy cơ này đặc biệt tăng cao ở những phụ nữ trải qua mãn kinh ở độ tuổi trẻ, chẳng hạn như những người bị suy buồng trứng sớm (POI) hoặc mãn kinh sớm, do sự thiếu hụt estrogen trong một khoảng thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc loãng xương cũng như các bệnh lý tim mạch.
Tình trạng tiền mãn kinh có can thiệp được không?
Hiện tại, không có phương pháp điều trị nào để ngăn chặn giai đoạn tiền mãn kinh, vì đây là một phần tự nhiên của cuộc sống. Giai đoạn này kết thúc khi chu kỳ kinh nguyệt ngừng hoàn toàn, đánh dấu việc bạn bước vào thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề xuất một số cách giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Nhiều người không cần dùng thuốc và chỉ cần thay đổi lối sống là đủ, trong khi một số người khác có thể dùng thêm thuốc để giúp cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống.
Các loại thuốc mà bác sĩ có thể khuyến nghị bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: Giúp làm giảm cơn bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, lo âu hoặc trầm cảm.
- Thuốc tránh thai: Ổn định mức hormone và giảm triệu chứng tiền mãn kinh.
- Liệu pháp thay thế hormone: Sử dụng estrogen hoặc estrogen kết hợp với progesterone cho những người mãn kinh trước 40 tuổi.
- Liệu pháp hormone: Tương tự như liệu pháp thay thế hormone, nhưng áp dụng cho người mãn kinh ở độ tuổi tự nhiên (sau 45 tuổi).
- Gabapentin: Giảm bớt cơn bốc hỏa cho hầu hết mọi người.
- Oxybutynin: Thuốc điều trị chứng bàng quang hoạt động quá mức, đồng thời giúp giảm cơn bốc hỏa.
- Fezolinetant (Veozah): Phương pháp điều trị mới cho các cơn bốc hỏa nghiêm trọng.
- Kem bôi âm đạo: Giúp giảm đau trong quan hệ tình dục và làm giảm tình trạng khô âm đạo.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Bác sĩ có thể tư vấn các loại thuốc theo toa và không kê đơn phù hợp với thể trạng cá nhân của bạn.
Cần làm gì để vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh nhẹ nhàng?
Bạn có thể kiểm soát các triệu chứng tiền mãn kinh tại nhà mà không cần dùng thuốc từ bác sĩ. Một số mẹo để giảm bớt các triệu chứng mà không cần thuốc bao gồm:
- Ăn nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh.
- Thực hiện các bài tập như đi bộ, đạp xe, yoga hoặc tập tạ.
- Mặc nhiều lớp áo để có thể cởi ra khi bạn bắt đầu đổ mồ hôi hoặc bị bốc hỏa.
- Sử dụng quạt hoặc giữ cho ngôi nhà ở nhiệt độ mát mẻ.
- Cải thiện thói quen ngủ bằng cách tránh xem TV và sử dụng màn hình máy tính, đồng thời thực hiện các hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ.
- Hạn chế đồ uống có cồn và caffeine.
- Thực hành thiền hoặc các kỹ thuật quản lý sự căng thẳng.
- Ngừng sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức cân đối, khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Khí hư là gì? Nguyên nhân khiến dịch tiết âm đạo (khí hư) bất thường
- Mối liên hệ giữa tiểu đường và thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ
- Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh: Nguyên nhân và điều trị
- Sự khác nhau giữa chậm kinh và mang thai là gì? 7 dấu hiệu nhận biết
Trên đây là những thông tin tổng hợp về chủ đề “Triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu”. Mặc dù đây là một giai đoạn không thể tránh khỏi trong cuộc đời người phụ nữ, nhưng bằng cách thay đổi lối sống và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế, bạn hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng. Nếu bạn đang gặp phải những triệu chứng khó chịu, hãy đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo:
1. Perimenopause
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21608-perimenopause
- Ngày tham khảo: 29/10/2024
2. Perimenopause
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/perimenopause/symptoms-causes/syc-20354666
- Ngày tham khảo: 29/10/2024
3. How Does Menopause Affect My Sleep?
- Link tham khảo: https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/how-does-menopause-affect-my-sleep
- Ngày tham khảo: 29/10/2024
4. Hair and skin changes: perimenopause and menopause
- Link tham khảo: https://helloclue.com/articles/skin-and-hair/hair-and-skin-changes-perimenopause-and-menopause
- Ngày tham khảo: 29/10/2024
5. Frequent urinary tract infections in a premenopausal woman
- Link tham khảo: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4835281/
- Ngày tham khảo: 29/10/2024
6. Bone and heart health in menopause
- Link tham khảo: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1521693422000414
- Ngày tham khảo: 29/10/2024