Viêm mô tế bào là một trong những bệnh lý nhiễm trùng da phổ biến, thường xảy ra trên một số đối tượng có các yếu tố nguy cơ gây bệnh như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,… Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh viêm mô tế bào trong bài viết dưới đây để có cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả nhé!
Tóm tắt nội dung
Tìm hiểu chung về bệnh viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là bệnh lý nhiễm trùng da gây ra bởi vi khuẩn, đặc trưng bởi triệu chứng sưng đỏ, đau, thường gặp ở chân và đôi khi trên mặt hoặc hai tay. Nhiễm trùng có ngõ vào từ vết nứt trên da, thường do các vết thương nhỏ hoặc tình trạng da suy yếu, da mỏng, dễ tổn thương.
Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường, suy giảm miễn dịch. Viêm mô tế bào nếu không được điều trị kịp thời có thể lan vào máu và hệ bạch huyết, gây nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng của người bệnh.
Điều trị viêm mô tế bào cần dựa vào mức độ nặng của bệnh, trường hợp bệnh nặng, cần sử dụng kháng sinh phổ rộng, người bệnh có thể được nhập viện điều trị. Ngoài ra, phòng ngừa bệnh là yếu tố quan trọng giúp giảm số trường hợp mắc viêm mô tế bào.
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mô tế bào
Một số dấu hiệu của tình trạng viêm mô tế bào thường gặp như:
- Mảng đỏ da, sưng đau, cảm giác ấm khi chạm vào.
- Có thể xuất hiện mảng phồng rộp hoặc loét da.
- Sốt, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi (trường hợp nhiễm trùng nặng).
- Sưng hạch bạch huyết gần khu vực nhiễm trùng.
Biến chứng của viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như:
- Nhiễm trùng huyết: Nguy cơ vi khuẩn đi vào máu, gây nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
- Viêm tủy xương: Nhiễm trùng nếu lan đến xương thể gây viêm xương, thường gặp tình trạng hủy xương bàn chân, ngón chân.
- Viêm mạch bạch huyết: Nhiễm trùng lan vào hệ bạch huyết, gây sưng hạch vùng nơi nhiễm trùng.
- Hoại tử mô mềm: Nếu nhiễm trùng không được kiểm soát tốt có thể gây tổn thương mô lan rộng, hoại tử da, mô mềm xung quanh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trong trường hợp tình trạng nhiễm trùng ngày một nặng hơn, người bệnh xuất hiện các triệu chứng sốt cao khó hạ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, cần đến ngay cơ sở y tế, tốt nhất là các bệnh viện chuyên khoa lớn, có trung tâm cấp cứu kịp thời. Nếu phát hiện thấy vùng da bị nhiễm trùng sưng đỏ, đau, người bệnh không có các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân thì có thể thăm khám bác sĩ để có kế hoạch điều trị, chăm sóc tại nhà. Đ
ặc biệt với người bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em,… nếu phát hiện các dấu hiệu nghi viêm mô tế bào cần đến các trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào có thể xuất phát từ các tác nhân gây bệnh vi khuẩn thường hay gặp là Streptococcus và Staphylococcus. Các chủng vi khuẩn này xâm nhập qua vết thương, trầy xước hoặc vết cắn. Đặc biệt, nếu bạn có những tổn thương da cấp tính hoặc mạn tính, đều có nguy cơ mắc viêm mô tế bào.
Vết loét, vết cắt, da khô, viêm da đều có thể là môi trường lý tưởng để vi khuẩn xâm nhập và tấn công. Bệnh nhân đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, viêm da mạn tính là những đối tượng dễ mắc viêm mô tế bào. Vì thế, những đối tượng này cần đặc biệt cẩn trọng và theo dõi các dấu hiệu bất thường trên da.
Điều trị bệnh viêm mô tế bào
Can thiệp y tế
Bệnh nhân cần can thiệp y tế khi xuất hiện dấu chứng nhiễm trùng toàn thân (sốt cao, tim đập nhanh, hạ huyết áp, thở nhanh, tăng số lượng bạch cầu), tình trạng nhiễm trùng da lan rộng hoặc tiến triển nhanh chóng. Ngoài ra bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân không đáp ứng điều trị tại nhà cũng cần nhập viện để được chăm sóc, điều trị kịp thời.
Điều trị viêm mô tế bào chủ yếu là lựa chọn kháng sinh phù hợp với tình trạng nặng của bệnh, yếu tố nguy cơ đa kháng tại cư sở y tế đang điều trị. Ngoài ra, theo dõi đáp ứng điều trị là yếu tố quan trọng để xem xét việc can thiệp ngoại khoa. Nếu tình trạng viêm mô tế bào diễn tiến xấu đi, lan rộng, khó kiểm soát bệnh với điều trị ngoại khoa đơn thuần, vết thương viêm mô tế bào bị bội nhiễm.
Lúc này cần xem xét chỉ định phẫu thuật hay can thiệp ngoại khoa cắt lọc vùng viêm mô tế bào để kiểm soát nhiễm trùng tích cực.
Chăm sóc tại nhà
Bệnh nhân không có các yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng, không xuất hiện đáp ứng viêm toàn thân có thể điều trị ngoại trú bằng kháng sinh đường uống. Bệnh nhân được uống thuốc và hẹn tái khám trong vòng 1 tuần hoặc ngay khi có các triệu chứng bất thường. Tại nhà người thân cần chăm sóc kĩ lưỡng cho người bệnh bằng một số biện pháp như:
- Nâng cao vùng bị nhiễm để giảm tình trạng sưng phù.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng viêm mô và tránh để da khô hoặc bong tróc.
- Chườm lạnh hoặc ấm nhẹ để giảm đau tùy theo mức độ đau và mức độ nhiễm trùng.
- Theo dõi các triệu chứng mà bác sĩ điều trị gợi ý và tái khám ngay khi có dấu hiệu xấu đi như đau tăng, sưng lan rộng hoặc sốt.
Phòng ngừa viêm mô tế bào
Một số biện pháp phòng ngừa viêm mô tế bào bạn có thể áp dụng để phòng ngừa nhiễm mới hoặc nhiễm tái phát:
- Tránh rửa mạnh hoặc chà xát vùng da tổn thương, thực hiện vệ sinh nhẹ nhàng như một phần của việc tắm hàng ngày.
- Trường hợp vết thương ở các vị trí dễ bị tì đè cần phòng ngừa loét cho người bệnh.
- Che phủ vết thương bằng băng gạc vô khuẩn, thay băng ít nhất mỗi ngày một lần.
- Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng như kích ứng, đau và mưng mủ. Đây đều là những dấu hiệu của nhiễm trùng nặng.
- Dưỡng ẩm cho da đều đặn, bôi kem dưỡng ẩm giúp ngăn ngừa da nứt nẻ và bong tróc.
- Cắt móng tay và móng chân cẩn thận, không cắt sang phần da xung quanh.
Xem thêm:
- Bệnh chàm thể tạng ở trẻ là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- Bệnh lang ben là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
- Bị ngứa toàn thân là bệnh gì? Nguyên nhân, cách điều trị
- Top 12 bác sĩ da liễu uy tín TP.HCM: Chuyên môn và kinh nghiệm
Bài viết đã cung cấp những thông tin về vấn đề viêm mô tế bào. Người bệnh nếu phát hiện các triệu chứng nghi viêm mô tế bào cần đi khám ngay để kịp thời điều trị, hạn chế xảy ra biến chứng. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Cellulitis – Mayo Clinic
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cellulitis/symptoms-causes/syc-20370762
- Ngày tham khảo: 28/10/2024