Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa khiến lượng glucose trong máu cao hơn bình thường. Nhiều bệnh nhân băn khoăn không biết bệnh tiểu đường sống được bao nhiêu năm, bởi lẽ họ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng đa cơ quan nếu không kiểm soát tốt đường huyết. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Docosan tìm hiểu về vấn đề này và “bỏ túi” một vài phương pháp phòng ngừa biến chứng tiểu đường nhé.
Tóm tắt nội dung
Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa khiến lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Lượng glucose vượt quá ngưỡng cần thiết có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan và làm tăng nguy cơ mắc biến chứng sức khoẻ khác, điển hình như bệnh lý tim mạch, thần kinh.
Insulin là hormon do đảo tụy tiết ra, có vai trò điều hoà nồng độ glucose trong máu bằng cách phân giải glucose thành năng lượng nếu nồng độ chất này vượt ngưỡng cho phép.
Ở bệnh tiểu đường type 1, hệ thống miễn dịch tấn công tế bào tụy nên cơ thể không thể sản xuất được insulin. Trong khi đó, ở tiểu đường type 2, nguyên nhân tăng glucose huyết là do cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết hoặc cơ thể kháng insulin.
Theo thời gian, lượng glucose trong máu không được kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng ngắn hạn hoặc dài hạn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân, bao gồm:
- Bệnh võng mạc do tiểu đường: Đây là bệnh lý về mắt thường gặp ở người tiểu đường lâu năm. Lượng đường dư thừa làm tổn hại các mạch máu nuôi võng mạc, gây mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Bệnh thận do tiểu đường: Khoảng 40% bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng trên thận do tổn thương mạch máu tại cơ quan này. Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể tiến triển thành suy thận và cần phải điều trị bằng cách chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận thay thế.
- Bệnh lý tim mạch: Đây là bệnh lý phổ biến nhất ở bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt ở những người tiểu đường có lưu lượng máu giảm vì đường huyết tăng cao. Bệnh tim mạch có thể gây đau thắt ngực, đau tim và đột quỵ.
- Biến chứng khác: Lượng đường trong máu cao thường đi kèm với tình trạng tăng huyết áp, cholesterol cao,… Trong một số trường hợp, các biến chứng ngắn hạn do tiểu đường như hạ đường huyết đột ngột, nhiễm toan ceton do đái tháo đường,… cũng có thể gây tử vong.
Bệnh tiểu đường sống được bao nhiêu năm?
Bệnh tiểu đường sống được bao nhiêu năm là nỗi trăn trở của nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý này. Tùy thuộc vào loại đái tháo đường, chế độ ăn uống và điều trị mà tuổi thọ của người bệnh sẽ có sự chênh lệch.
Tuổi thọ của bệnh nhân tiểu đường type 1
Tuổi thọ của bệnh nhân tiểu đường type 1 có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tiền sử gia đình, cân nặng và tình trạng sức khoẻ hiện tại. Nghiên cứu năm 2021 cho thấy, bệnh nhân mắc tiểu đường type 1 có tuổi thọ thấp hơn 10 – 12 năm so với tuổi thọ trung bình của dân số.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác tại Bulgaria vào năm 2020 lại cho thấy, tuổi thọ của bệnh nhân tiểu đường type 1 trung bình khoảng 70,96 tuổi, chỉ thấp hơn 4 năm so với tuổi thọ trung bình tại quốc gia này là 74,8 tuổi.
Tuổi thọ của bệnh nhân tiểu đường type 2
Nghiên cứu năm 2020 cho thấy người bệnh tiểu đường type 2 có tuổi thọ cao hơn so với bệnh nhân tiểu đường type 1. Do ở tiểu đường type 2, cơ thể vẫn sản xuất được insulin nên người bệnh tiểu đường type 2 có thể kéo dài tuổi thọ của mình bằng cách thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị.
Nghiên cứu vào năm 2022 chỉ ra rằng, người bệnh tiểu đường type 2 có chỉ số BMI thấp (dưới 24,0) có thể sống thêm khoảng 2,0 – 3,9 năm. Nghiên cứu này cũng cho biết, hạ huyết áp ở nhóm bệnh nhân này có thể kéo dài tuổi thọ trung bình từ 1,1 – 1,9 năm. Ngoài ra, mức cholesterol càng thấp càng giúp bệnh nhân duy trì tuổi thọ của mình thêm 0,5 – 0,9 năm nữa.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, giảm hemoglobin A1c (HbA1c) từ 9,9% xuống 7,7% có thể giúp người bệnh tiểu đường type 2 sống thêm 3,4 năm. Hemoglobin là protein trong tế bào hồng cầu. Khi lượng đường trong máu tăng, glucose sẽ gắn kết với hemoglobin và chuyển thành hemoglobin A1c.
Tất cả những nghiên cứu trên đều cho thấy, việc duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể giúp cải thiện sức khoẻ đáng kể ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Biện pháp phòng ngừa biến chứng tiểu đường hiệu quả
Biến chứng do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu rút ngắn tuổi thọ của người bệnh. Để ngăn ngừa biến chứng tiểu đường hiệu quả, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
Thay đổi thói quen sống lành mạnh
Dưới đây là các biện pháp thay đổi thói quen sống để người bệnh tiểu đường duy trì sức khỏe và hạn chế biến chứng:
- Tuân thủ điều trị: Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu và dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn.
- Không hút thuốc: Không hút thuốc lá hoặc cai thuốc nếu người bệnh đang có thói quen này.
- Duy trì huyết áp và mức cholesterol trong ngưỡng kiểm soát: Nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo và ít muối, tránh uống quá nhiều rượu và tập thể dục thường xuyên. Người bệnh có thể dùng thuốc để hỗ trợ điều trị nếu cần.
- Khám sức khỏe tổng quát và kiểm tra mắt thường xuyên: Khám sức khỏe định kỳ 2 – 4 lần/năm, song song với việc kiểm tra mắt thường xuyên để phát hiện sớm các biến chứng trên võng mạc, thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
- Tiêm vaccine định kỳ: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhất định. Tiêm vaccine thường quy có thể giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc các bệnh lý này. Một số loại vaccine mà người bệnh tiểu đường cần tiêm phòng là
- Vaccine cúm (tiêm 1 lần/năm)
- Vaccine phòng viêm phổi (chỉ tiêm 1 mũi, tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân tiểu đường trên 65 tuổi),
- Vaccine phòng viêm gan B (khuyến nghị cho người tiểu đường dưới 60 tuổi và người chưa từng tiêm vaccine này).
- Vaccine uốn ván (tiêm 10 năm/lần).
- Chăm sóc răng miệng cẩn thận: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nướu răng. Do đó, người bệnh nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày bằng kem đánh răng có chứa Flo, dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày và khám răng ít nhất 2 lần/năm.
- Chăm sóc bàn chân: Nên rửa chân hàng ngày bằng nước ấm, tránh ngâm chân vì có thể dẫn đến khô da. Lau khô chân nhẹ nhàng bằng vải mềm, đặc biệt là kẽ giữa các ngón chân. Dưỡng ẩm cho bàn chân và mắt cá bằng kem dưỡng hoặc dầu khoáng, không thoa giữa các ngón chân.
- Kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện các bất thường như vết chai, mụn nước, vết loét, mẩn đỏ hoặc sưng tấy. Tuyệt đối không đi chân trần dù ở trong nhà hay ngoài trời.
- Cân nhắc uống aspirin hàng ngày: Bệnh nhân có thể được chỉ định aspirin liều thấp để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ, đặc biệt với bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch như hút thuốc, huyết áp cao.
- Hạn chế uống rượu: Rượu có thể làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, hãy uống rượu ở mức độ vừa phải, không quá 1 ly/ngày (nữ giới) và 2 ly/ngày (nam giới). Luôn uống trong lúc ăn và cẩn thận nguy cơ hạ đường huyết sau khi uống rượu nếu bệnh nhân đang sử dụng insulin.
- Thư giãn tinh thần, hạn chế căng thẳng: Stress có thể khiến bệnh nhân bỏ bê việc chăm sóc bản thân. Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên học cách thư giãn, ưu tiên những công việc cần thiết và đặt giới hạn cho bản thân. Đồng thời cần tập ngủ đủ giấc và giữ tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
Kiểm soát các bệnh lý nền
Một số bệnh nhân tiểu đường có thể mắc phải các bệnh lý đi kèm, còn gọi là bệnh lý nền. Do đó, người bệnh cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh này để tránh nguy cơ xảy ra biến chứng khôn lường, nhất là bệnh nhân mỡ máu cao, tăng huyết áp, có bệnh thận,…
Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch,… song song với thuốc hạ đường huyết để giảm thiểu biến chứng.
Xem thêm:
- 14 dấu hiệu bệnh tiểu đường giúp bạn nhận biết và điều trị sớm.
- Các loại dầu ăn cho người tiểu đường tốt cho sức khoẻ nhất.
- Bệnh tiểu đường có gây ra đột quỵ không?.
- 4 loại nhiễm trùng tiểu đường thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường.
Bài viết trên đây đã giải đáp cho bạn thắc mắc xoay quanh câu hỏi bệnh tiểu đường sống được bao nhiêu năm. Nếu còn vấn đề gì băn khoăn, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để có thêm thông tin chi tiết. Chia sẻ ngay cho người thân và bạn bè nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé.
Link tham khảo:
1. Diabetes Life Expectancy.
- Link tham khảo: https://www.diabetes.co.uk/diabetes-life-expectancy.html.
- Ngày tham khảo: 01/11/2024.
2. What Is the Life Expectancy for Type 1 Diabetes?
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/type-1-diabetes-life-expectancy.
- Ngày tham khảo: 01/11/2024.
3. Type 2 diabetes and life expectancy: Risk factors and tips.
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/317477.
- Ngày tham khảo: 01/11/2024.
4. Diabetes care: 10 ways to avoid complications.
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-management/art-20045803.
- Ngày tham khảo: 01/11/2024.
5. Patient education: Preventing complications from diabetes (Beyond the Basics).
- Link tham khảo: https://www.uptodate.com/contents/preventing-complications-from-diabetes-beyond-the-basics.
- Ngày tham khảo: 01/11/2024.