Lưu ý khi bổ sung Vitamin B từ thực phẩm cho người tiểu đường

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính đòi hỏi người bệnh phải duy trì chế độ ăn uống khoa học và hợp lý để kiểm soát đường huyết hiệu quả. Vitamin B là nhóm vitamin thiết yếu có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể và hỗ trợ chức năng chuyển hóa. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin B từ thực phẩm cho người tiểu đường cần chú ý kỹ lưỡng và cân nhắc. Trong bài viết này, hãy cùng Docosan tìm hiểu về những lưu ý khi bổ sung vitamin B từ thực phẩm cho người tiểu đường.

Giới thiệu tổng quát về bệnh tiểu đường

Tiểu đường là bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa glucose trong máu. Đây là nguồn năng lượng chính của tế bào và não bộ. Khi bị tiểu đường, nồng độ glucose không được kiểm soát dẫn đến vượt quá mức bình thường. Quá nhiều glucose trong máu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt trên mắt và thần kinh. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tiểu đường được chia thành ba loại chính như sau:

  • Tiểu đường type 1: Cơ thể bị thiếu insulin trầm trọng do tế bào beta tụy không thể sản xuất được insulin. Bệnh thường khởi phát trước 30 tuổi, phổ biến ở tuổi thanh thiếu niên.
  • Tiểu đường type 2: Cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc tế bào kém nhạy cảm với insulin. Tiểu đường type 2 phổ biến hơn type 1 và thường gặp ở tuổi trung niên (40 tuổi trở lên). Tuy nhiên, số lượng người tiểu đường type 2 đang có dấu hiệu trẻ hóa.
  • Tiểu đường thai kỳ: Tiểu đường xảy ra trong thời kỳ mang thai và tự khỏi sau khi em bé chào đời.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường phụ thuộc vào nồng độ đường huyết. Một số bệnh nhân trong giai đoạn tiền tiểu đường, tiểu đường thai kỳ hoặc tiểu đường type 2 có thể không có triệu chứng. Ở bệnh nhân tiểu đường type 1, các triệu chứng có xu hướng xuất hiện sớm và mức độ nghiêm trọng hơn. Một số triệu chứng của tiểu đường mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:

  • Cảm thấy khát nước thường xuyên mặc dù uống nước đầy đủ, không vận động nhiều và thời tiết không nóng bức.
  • Đi tiểu thường xuyên dù không uống nhiều nước.
  • Giảm cân.
  • Có sự hiện diện của ketone trong nước tiểu. Ketone là sản phẩm phụ của quá trình phân giải cơ và mỡ xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin.
  • Mệt mỏi và yếu ớt.
  • Thường xuyên cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng thất thường.
  • Nhìn mờ.
  • Có vết loét lâu lành.
  • Bị nhiều bệnh nhiễm trùng đồng thời như nhiễm trùng nướu, da và âm đạo.
Tiểu đường là bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa glucose trong máu
Tiểu đường là bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa glucose trong máu

Vitamin B là gì?

Vitamin B là nhóm vitamin tan trong nước có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tế bào. Mặc dù là nhóm vitamin cần thiết, cơ thể không tự sản xuất được vitamin B mà phải bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Có 8 loại vitamin B gồm:

  • Vitamin B1: Thiamin.
  • Vitamin B2: Riboflavin.
  • Vitamin B3: Niacin.
  • Vitamin B5: Acid pantothenic.
  • Vitamin B6: Pyridoxine.
  • Vitamin B7: Biotin.
  • Vitamin B9: Acid folic.
  • Vitamin B12: Cobalamin.
Có 8 loại vitamin nhóm B
Có 8 loại vitamin nhóm B

Người bị tiểu đường có cần bổ sung thêm vitamin B không?

Người tiểu đường rất cần bổ sung thêm vitamin B do lượng vitamin B được hấp thu qua ăn uống không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường type 2. Lý do là vì metformin – thuốc chủ lực trong điều trị tiểu đường type 2 – có thể làm giảm khả năng hấp thu vitamin B của bệnh nhân. Số liệu thống kê cho thấy, metformin làm giảm hấp thu vitamin B12 ở 6 – 50% người sử dụng thuốc này. Thiếu vitamin B12 có xu hướng xảy ra ở người dùng metformin liều cao trong thời gian dài.

Người tiểu đường rất cần bổ sung thêm vitamin B
Người tiểu đường rất cần bổ sung thêm vitamin B

Tầm quan trọng của vitamin B cho người tiểu đường

Vitamin B là cofactor và coenzyme thiết yếu trong một số con đường chuyển hóa trong cơ thể. Mặt khác, tiểu đường bản chất cũng là một dạng rối loạn chuyển hóa mãn tính. Do đó, tiểu đường có thể ảnh hưởng đến nồng độ vitamin B trong máu và ngược lại, thiếu vitamin B cũng có thể gây nên tiểu đường.

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy người bệnh tiểu đường bị biến chứng thần kinh ngoại biên thường có nồng độ vitamin B thấp hơn bình thường. Các hướng dẫn điều trị từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị người bệnh tiểu đường nên đánh giá thường quy tình trạng thiếu hụt vitamin B12, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị bằng metformin.

Một số bệnh nhân tiểu đường có thể bổ sung thêm vitamin B3 để cải thiện nồng độ cholesterol trong máu. Tuy nhiên, vitamin B3 có thể làm tăng đường huyết lúc đói, gây nguy hiểm cho người bệnh tiểu đường. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin B trong chế độ dùng thuốc hàng ngày.

Liều lượng vitamin tổng hợp đối với bệnh nhân tiểu đường

Có nhiều lý do dẫn đến thiếu hụt vitamin ở người bệnh tiểu đường. Do đó, để có được chẩn đoán chính xác, người bệnh phải xét nghiệm máu thường xuyên. Bệnh nhân tiểu đường không nên tự ý dùng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất vì những thuốc này có thể tương tác với thuốc trị tiểu đường, tăng nguy cơ dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.

Thông thường, tùy tình trạng và loại vitamin thiếu hụt mà bác sĩ sẽ có phác đồ bổ sung phù hợp với từng cá nhân. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ chỉ định để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Liều vitamin B được cá thể hoá ở từng bệnh nhân
Liều vitamin B được cá thể hoá ở từng bệnh nhân

Một số thực phẩm bổ sung vitamin B cho người tiểu đường

Một số thực phẩm giàu vitamin B mà người tiểu đường có thể tham khảo để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày:

  • Thịt đỏ: Chứa nhiều đạm, vitamin B12 và sắt. Tuy nhiên, thịt đỏ lại giàu chất béo bão hòa có thể làm tăng biến chứng tim mạch ở người tiểu đường. Vì vậy, người tiểu đường chỉ nên ăn thịt nạc và không nên ăn quá 500 gram/tuần, nên ăn đan xen với đạm thực vật, thịt trắng (hải sản, thịt gà,…).
  • Cá béo (cá mòi, cá trích, cá hồi): Là nguồn cung cấp omega-3, chất đạm, vitamin B12 và vitamin D: Người bệnh tiểu đường nên ăn các loại cá béo ít nhất 2 lần/tuần.
  • Ức gà: Trong 85 gram ức gà chứa khoảng 0,3 mcg vitamin B12. Ngoài ra, ức gà còn giàu vitamin B3 giúp giảm cholesterol trong máu.
  • Trứng: Trong 85 gram trứng gà luộc chứa khoảng 0,6 mcg vitamin B12. Người bệnh tiểu đường ăn 1 – 6 trứng/tuần không ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ cholesterol, kể cả người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
  • Sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai): Là nguồn cung cấp protein và vitamin B12 dồi dào. Người bệnh tiểu đường nên chọn sản phẩm từ sữa ít đường, không béo để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh lý.
  • Rau quả xanh (súp lơ, bông cải, kiwi, ngũ cốc nguyên hạt): Đây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin B12 dồi dào cho cơ thể.
Thịt đỏ, cá, rau quả là các loại thực phẩm giàu vitamin B
Thịt đỏ, cá, rau quả là các loại thực phẩm giàu vitamin B

Một số lưu ý khi bổ sung Vitamin B từ thực phẩm cho người tiểu đường

Bổ sung vitamin B từ thực phẩm là cách tự nhiên và an toàn để giúp người tiểu đường duy trì lượng vitamin B cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

Chọn thực phẩm giàu vitamin B phù hợp

  • Ưu tiên thực phẩm ít carbohydrate: Người tiểu đường nên lựa chọn thực phẩm giàu vitamin B nhưng ít carbohydrate để kiểm soát đường huyết. Ví dụ: cá hồi, thịt gà, trứng, sữa chua, đậu phụ, rau lá xanh (rau bina, cải xoăn, cải xanh), các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt điều), trái cây ít đường (bơ, dâu tây, việt quất).
  • Hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate: Tránh sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch,… vì chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu.
  • Kiểm tra hàm lượng carbohydrate: Kiểm tra lượng carbohydrate trong thực phẩm để điều chỉnh lượng ăn phù hợp với kế hoạch ăn uống của bản thân.

Kiểm soát lượng ăn

  • Ăn uống điều độ: Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn một lúc nhiều. Điều này giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.
  • Không ăn quá nhiều: Nên ăn vừa phải, không ăn quá no để tránh làm tăng lượng đường trong máu.
  • Kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp: Chế độ ăn uống của người tiểu đường cần hạn chế chất béo bão hòa, đường, muối và tăng cường trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt.

Lưu ý về các loại vitamin B

  • Vitamin B1 (Thiamine): Nên bổ sung vitamin B1 từ các nguồn thực phẩm như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, thịt lợn, cá hồi, đậu đen, sữa chua ngô.
  • Vitamin B2 (Riboflavin): Có trong một số loại thực phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng, thịt đỏ, cá hồi, cá ngừ, đậu nành, hạnh nhân, ngũ cốc, lúa mì.
  • Vitamin B3 (Nicotinamide): Có trong thịt gia cầm và cá, các loại hạt, các loại đậu và ngũ cốc.
  • Vitamin B5 (Acid pantothenic): Có nhiều trong gan bò, nấm đông cô, gà, cá ngừ, bơ, ngũ cốc ăn sáng.
  • Vitamin B6 (Pyridoxine): Có trong nội tạng động vật, đậu xanh, cá ngừ, cá hồi, gia cầm, ngũ cốc.
  • Vitamin B9 (Acid folic): Có trong rau lá xanh đậm, gan bò, bơ, đu đủ, nước cam, trứng, đậu.
  • Vitamin B12 (Cobalamin): Có trong sò, gan bò, cá hồi, thịt bò, sữa và sữa chua.

Kết hợp với viên uống

Đối với người bệnh tiểu đường, việc ăn thực phẩm giàu vitamin B kết hợp với sản phẩm bổ sung vitamin B có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Các vitamin B, đặc biệt là B1, B6 và B12, giúp duy trì chức năng thần kinh, giảm cảm giác tê bì và ngứa ran — triệu chứng phổ biến ở người tiểu đường.

Vitamin B1 hỗ trợ chuyển hóa đường, giúp cải thiện độ nhạy insulin, trong khi vitamin B6 có tác dụng giảm viêm và hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Vitamin B12 giúp bảo vệ các tế bào thần kinh, giảm nguy cơ tổn thương thần kinh do tiểu đường. Bằng cách kết hợp thực phẩm giàu vitamin B như ngũ cốc, rau xanh, thịt và cá với các sản phẩm bổ sung vitamin B, người tiểu đường có thể cải thiện sức khỏe thần kinh và hỗ trợ kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

Tham khảo ý kiến bác sĩ

  • Tư vấn về chế độ ăn uống: Nên trao đổi với bác sĩ để có được kế hoạch ăn uống phù hợp, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả.
  • Kiểm tra lượng vitamin B: Bác sĩ sẽ kiểm tra lượng vitamin B trong cơ thể người bệnh tiểu đường để đánh giá nhu cầu bổ sung và đưa ra hướng dẫn phù hợp.

Kiểm soát đường huyết

  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên: Theo dõi đường huyết thường xuyên để đảm bảo lượng vitamin B mà người bệnh bổ sung không ảnh hưởng đến đường huyết.
  • Điều chỉnh liều lượng: Điều chỉnh lượng ăn uống và thời gian bổ sung vitamin B theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Sử dụng vitamin B theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
Sử dụng vitamin B theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Xem thêm:

Bổ sung vitamin B không chỉ giúp người bệnh tiểu đường tăng cường trao đổi chất mà còn hạn chế các biến chứng do bệnh lý này gây ra. Hy vọng thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ những lưu ý khi bổ sung vitamin B từ thực phẩm cho người tiểu đường. Nếu thấy bài viết bổ ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân cùng biết nhé!

Link tham khảo: 

1. Diabetes.

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/symptoms-causes/syc-20371444.
  • Ngày tham khảo: 09/11/2024.

2. Are B vitamins important for managing type 2 diabetes?. 

  • Link tham khảo: https://www.diabetescarecommunity.ca/diet-and-fitness-articles/diabetes-diet-articles/are-b-vitamins-important-for-managing-type-2-diabetes/.
  • Ngày tham khảo: 09/11/2024.

3. Vitamin B Deficiency and Diabetes.

  • Link tham khảo: https://www.neurobion.com/en-za/nerve-health/b-vitamins/what-is-diabetic-neuropathy.
  • Ngày tham khảo: 09/11/2024.

4. Are vitamins beneficial for diabetes?.

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/diabetes-vitamins#supplements.
  • Ngày tham khảo: 09/11/2024.

5. Vitamins for Type 2 Diabetes: What’s Recommended?.

  • Link tham khảo: https://www.verywellhealth.com/vitamins-for-type-2-diabetes-6830932.
  • Ngày tham khảo: 09/11/2024.
Contact Me on Zalo