Thoái hoá đốt sống cổ là bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở những người cao tuổi hoặc có thói quen sinh hoạt không tốt. Bệnh có thể dẫn đến tê tay chân, yếu cơ, mất thăng bằng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Vậy vì sao thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến tê tay? Làm thế nào để điều trị triệu chứng này? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Tóm tắt nội dung
Thoái hoá đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ là thuật ngữ y học chỉ tình trạng thoái hóa xương và đĩa đệm ở đốt sống cổ, chủ yếu do nguyên nhân tuổi tác. Theo thời gian, các đĩa đệm dần bị mất nước và co lại, dẫn đến những triệu chứng của bệnh viêm xương khớp, điển hình là tình trạng gai xương dọc theo các cạnh của đốt sống.
Thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến tê tay là bệnh lý phổ biến trong dân số và thường có xu hướng trầm trọng hơn theo tuổi tác. Số liệu thống kê cho thấy hơn 85% người trên 60 tuổi bị thoái hóa đốt sống cổ. Trên lâm sàng, hầu hết người bệnh được chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ đều không biểu hiện triệu chứng.
Số ít trường hợp ghi nhận biểu hiện bệnh cho hiệu quả phục hồi đáng kể khi áp dụng phương pháp điều trị không phẫu thuật.
Nguyên nhân gây ra thoái hoá đốt sống cổ
Theo thời gian, cấu tạo cột sống nói chung và đốt sống cổ nói riêng dần bị hao mòn, gây nên những thay đổi đáng kể trên hệ thống xương khớp. Dưới đây là một số thay đổi điển hình là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ:
Đĩa đệm bị mất nước
Đĩa đệm hoạt động như miếng đệm giữa các đốt sống, có vai trò giảm ma sát và trợ lực trong quá trình các khớp chuyển động qua lại. Đến tuổi 40, hầu hết các đĩa đệm bắt đầu khô và co lại. Diện tích đĩa đệm giảm dần kích thích sự hình thành gai xương giữa các đốt sống.
Thoát vị đĩa đệm
Bên cạnh việc mất nước và giảm thể tích, lão hóa cũng gây ra các vết nứt bên ngoài đĩa đệm. Phần dịch bên trong đĩa đệm có thể trào ra qua vết nứt, đè lên tủy sống và rễ thần kinh gây cảm giác ngứa ran, tê bì và yếu chân tay ở người bệnh.
Gai xương
Đĩa đệm bị thoái hóa khiến các khớp xương cọ xát vào nhau gây đau và tăng nguy cơ viêm khớp. Để giảm thiểu tình trạng này và bảo vệ đầu khớp, cơ thể hình thành gai xương như một cách làm tăng diện tích tiếp xúc và ổn định vị trí các khớp.
Điều này vô tình khiến người bệnh đau đớn và hạn chế vận động do gai xương phát triển quá mức, gây chèn ép tủy sống, rễ thần kinh và các cấu trúc xung quanh.
Dây chằng giảm sự mềm dẻo
Dây chằng bản chất là mô liên kết sợi cứng, chủ yếu cấu tạo từ collagen, có tác dụng liên kết và cố định các đầu khớp xương với nhau. Tuổi tác càng cao, dây chằng càng cứng lại khiến các xương di chuyển kém linh hoạt hơn.
Chấn thương
Chấn thương do tai nạn giao thông hoặc va đập mạnh có thể dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ vì những nguyên nhân sau:
- Tổn thương sụn và đĩa đệm: Chấn thương đột ngột có thể khiến đĩa đệm bị đè nén, rách hoặc trượt ra khỏi vị trí bình thường. Tình trạng này gây đau đớn và hạn chế vận động của người bệnh.
- Tăng cọ xát giữa các đốt sống: Chấn thương làm giảm độ linh hoạt các khớp và gây bất ổn định trong cấu trúc xương.
- Căng thẳng và tổn thương dây chằng: Chấn thương làm căng hoặc rách dây chằng đốt sống cổ, gây mất ổn định và làm tăng áp lực lên các khớp, đĩa đệm.
- Viêm và tổn thương mô mềm: Chấn thương có thể gây viêm mô mềm xung quanh đốt sống cổ, gây đau đớn và khó khăn trong vận động. Viêm mãn tính tăng nguy cơ hình thành mô sẹo, thúc đẩy quá trình thoái hóa sụn khớp.
- Tăng tốc độ lão hóa xương: Chấn thương làm tăng tốc độ mòn xương và ảnh hưởng đến cấu trúc đốt sống cổ.
Thói quen sinh hoạt
Một số thói quen không tốt trong sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, cụ thể như:
- Ngồi cúi đầu thường xuyên khi làm việc, sử dụng thiết bị điện tử,…: Tư thế này khiến trọng lượng của đầu lên đốt sống cổ tăng cao, làm tăng áp lực lâu dài lên đốt sống cổ.
- Nghề nghiệp hoặc sở thích có tính chuyển động lặp lại: Sự lặp lại kéo dài làm tăng tốc độ hao mòn đĩa đệm.
- Cổ thường xuyên phải chịu trọng lượng nặng: Đội mũ nặng, có kết cấu cầu kì hoặc thường xuyên phải mang phụ kiện có trọng lượng lớn lên đầu khiến đốt sống cổ chịu nhiều áp lực, ngày càng tăng tốc độ thoái hóa.
Các triệu chứng của thoái hoá đốt sống cổ
Hầu hết người bệnh thoái hóa đốt sống cổ đều không biểu hiện triệu chứng. Một số biểu hiện cảnh báo thoái hóa đốt sống cổ mà bệnh nhân có thể gặp như:
- Đau và cứng cổ.
- Đau đầu.
- Xuất hiện âm thanh khi xoay cổ.
- Tê, yếu tay chân do tủy sống, rễ thần kinh bị chèn ép.
- Khó khăn trong vận động, mất thăng bằng.
- Co thắt cơ cổ và vai.
Vì sao thoái hóa đốt sống cổ gây tê tay?
Thoái hoá đốt sống cổ gây tê tay là một phần của quá trình lão hoá tự nhiên khi tuổi tác ngày càng cao, thường bắt đầu từ năm 40 tuổi trở đi. Tuy nhiên, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen sinh hoạt không tốt (hay cúi đầu khi sử dụng điện thoại, ngồi cúi đầu,…), nghề nghiệp, di truyền, hút thuốc,…
Thoái hóa đốt sống cổ có thể dẫn đến hẹp ống sống. Ống sống là không gian bên trong đốt sống, chứa tủy sống và rễ thần kinh. Nếu các bộ phận này bị chèn ép, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng như:
- Ngứa ran, tê và yếu tay chân.
- Khó phối hợp tay chân và giữ thăng bằng khi di chuyển.
- Mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang.
Mặc dù vậy, tê bì chân tay có thể là hiện tượng bình thường bình thường của cơ thể do máu huyết không lưu thông. Do đó, nếu hiện tượng tê bì chân tay xảy ra thường xuyên trong thời gian dài, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân kịp thời.
Thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến tê tay có nguy hiểm không?
Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng rất phổ biến và tự nhiên do quá trình lão hoá. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm nếu không có sự can thiệp kịp thời. Thoái hóa đốt sống cổ làm tăng nguy cơ mắc phải:
- Bệnh lý liên quan đến tủy sống cổ.
- Viêm rễ thần kinh cổ.
Người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu xuất hiện những triệu chứng sau:
- Đau cổ hoặc cứng cổ không cải thiện sau nhiều ngày.
- Tê hoặc ngứa ran ở cánh tay.
- Khó khăn trong việc phối hợp hoặc vận động tay chân.
- Yếu cơ hoặc nặng cơ tay, cơ chân.
- Mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột.
Thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến tê tay là căn bệnh mãn tính nên không có cách điều trị triệt để. Tuy nhiên, người bệnh có thể giảm thiểu triệu chứng của bệnh để hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Muốn làm được điều này, bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ cần phải được chẩn đoán và can thiệp kịp thời nhằm tránh biến chứng và khó khăn trong sinh hoạt có thể xảy ra.
Cách điều trị thoái hoá đốt sống cổ dẫn đến tê tay
Mục tiêu điều trị thoái hóa đốt sống cổ là giảm triệu chứng bệnh và hạn chế biến chứng. Phương pháp điều trị không xâm lấn thường được chỉ định trong thời gian đầu, điển hình như:
- Vật lý trị liệu.
- Thuốc giảm đau không kê đơn.
- Chườm đá hoặc chườm nóng vào cổ trong 15 phút nhiều lần trong ngày.
- Nẹp cổ.
Trường hợp bệnh nhân đau cổ dữ dội, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid ngoài màng cứng hoặc điều trị bằng sóng cao tần (radiofrequency ablation – RFA). Nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, hoặc tệ hơn, xuất hiện biến chứng thần kinh nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cố định đốt sống cổ cho bệnh nhân.
Sử dụng sản phẩm bổ sung vitamin B, đặc biệt là vitamin B1, B6 và B12 được chứng minh có tác động tích cực đối với bệnh thoái hóa đốt sống cổ, điển hình như:
- Giảm đau và giảm viêm.
- Bảo vệ và phục hồi dây thần kinh.
- Cải thiện tuần hoàn máu.
- Giảm nồng độ homocysteine.
- Hỗ trợ chức năng cơ bắp.
Do đó, người bệnh có thể tăng cường thực phẩm giàu vitamin B trong khẩu phần ăn hoặc uống bổ sung thực phẩm chức năng chứa vitamin B để tăng hiệu quả điều trị thoái hóa đốt sống cổ. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu bổ sung vitamin B để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Xem thêm:
- Đau lưng mỏi gối tê tay là dấu hiệu của bệnh gì? Cách chữa trị.
- Tư thế ngủ cho người thoái hoá đốt sống cổ giúp nhanh hồi phục.
- Thoái hoá đốt sống cổ có nguy hiểm không? Biến chứng, cách điều trị.
- 8 bài tập cho người bị thoái hóa đốt sống cổ và cách cải thiện tại nhà.
- Tê bì chân tay nên ăn gì? Top 10 loại thực phẩm nên ăn và kiêng.
Khi bị thoái hoá đốt sống cổ dẫn đến tê tay, bệnh nhân phải tiến hành thăm khám để có phương pháp điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa biến chứng thần kinh nguy hiểm. Việc duy trì tư thế làm việc đúng, kết hợp với các bài tập thể dục nhẹ nhàng và phác đồ điều trị phù hợp có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu triệu chứng tê tay và cải thiện sức khỏe xương khớp. Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, hãy chia sẻ ngay cho bạn bè và người thân cùng biết nhé.
Nguồn tham khảo:
1. Cervical spondylosis.
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-spondylosis/symptoms-causes/syc-20370787.
- Ngày tham khảo: 24/11/2024.
2. Cervical Degenerative Disc Disease.
- Link tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560772/.
- Ngày tham khảo: 24/11/2024.
3. Cervical Spondylosis.
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/cervical-spondylosis#causes.
- Ngày tham khảo: 24/11/2024.
4. Cervical Spondylosis (Arthritis of the Neck).
- Link tham khảo: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/cervical-spondylosis-arthritis-of-the-neck/.
- Ngày tham khảo: 24/11/2024.
5. Cervical Spondylosis.
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17685-cervical-spondylosis#symptoms-and-causes.
- Ngày tham khảo: 24/11/2024.