Đau thắt ngực – Dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành không nên bỏ qua


Đau thắt ngực là một triệu chứng thường gặp, có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về đau thắt ngực và các phương pháp điều trị hiệu quả.

Đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực là các cơn đau hoặc nặng ngực
Đau thắt ngực thường xảy ra khi bệnh nhân gắng sức

Đau thắt ngực là tình trạng đau hoặc cảm giác nặng ở vùng ngực, thường liên quan đến bệnh lý tim mạch vành. Nguyên nhân chính là do cơ tim không được cung cấp đủ máu, thường xảy ra khi một hoặc nhiều động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn.

Mặc dù đau thắt ngực khá phổ biến, nhưng nó dễ bị nhầm lẫn với các loại đau ngực khác, chẳng hạn như đau do rối loạn tiêu hóa, bệnh dạ dày – tá tràng, hoặc các vấn đề không liên quan đến tim mạch.

Nguyên nhân gây đau thắt ngực

Xơ vữa mạch vành là nguyên nhân chính dẫn đến các cơn đau thắt ngực
Xơ vữa mạch vành là nguyên nhân chính dẫn đến các cơn đau thắt ngực

Thông thường, nguyên nhân chính của đau thắt ngực là do bệnh mạch vành (bệnh tim thiếu máu cục bộ), xảy khi các mạch vành (mạch máu nuôi tim) bị xơ vữa do sự lắng đọng cục bộ của các khối lipid bên trong lòng mạch. Khi các mảng xơ vữa phát triển, lòng mạch dần dần thu hẹp dẫn đến lượng máu và oxy cung cấp cho tim không đủ, gây ra các cơn đau cho bệnh nhân.

Đau thắt ngực thường xảy ra khi người bệnh tham gia vào các hoạt động thể chất như đi bộ nhanh, leo cầu thang,… hoặc trải qua căng thẳng cảm xúc mạnh. Lúc này, tim cần nhiều oxy hơn để đáp ứng nhu cầu làm việc tăng cao nhưng lại không được đáp ứng đủ, dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim và gây ra cơn đau ngực.

Ngoài ra, một số rối loạn khác cũng có thể làm tăng tải công việc của tim như:

  • Cao huyết áp.
  • Hẹp hoặc hở van động mạch chủ.
  • Bệnh cơ tim phì đại.

Những tình trạng này làm tăng khối lượng cơ tim, giảm hiệu quả tưới máu và có thể gây đau thắt ngực ngay cả khi không có xơ vữa động mạch.

Các loại đau thắt ngực

  • Đau thắt ngực ổn định: Đây là dạng đau thắt ngực phổ biến nhất, cơn đau thường chỉ xảy ra khi người bệnh gắng sức (đi bộ nhanh hoặc leo cầu thang,…) do tim cần nhiều oxy hơn để đáp ứng nhu cầu làm việc tăng cao. Dạng đau thắt ngực này thường có thể dự đoán trước và thuyên giảm nhanh chóng khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch.
  • Đau thắt ngực không ổn định: Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng nguy hiểm với các cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội và kéo dài hơn so với đau thắt ngực ổn định. Tần suất và mức độ đau thường gia tăng nhanh chóng, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp hoặc thậm chí gây đột tử nếu không được can thiệp kịp thời. Dù được cấp cứu kịp lúc, người bệnh vẫn có nguy cơ cao gặp phải các di chứng nghiêm trọng.
  • Đau thắt ngực Prinzmetal: Đây là dạng hiếm gặp, xảy ra do co thắt động mạch vành. Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm hoặc khi đang ngủ, kéo dài khoảng 15-30 phút. Mặc dù triệu chứng có thể nghiêm trọng, nhưng chúng thường thuyên giảm khi người bệnh dùng thuốc giãn mạch.
  • Đau thắt ngực vi mạch: Đây là dạng đau thắt ngực kéo dài hơn và có thể gây tổn thương tim nghiêm trọng hơn so với các loại khác. Triệu chứng thường bao gồm đau ngực kèm theo khó thở, mệt mỏi, khó ngủ và thiếu năng lượng. Đau thắt ngực vi mạch thường khởi phát do căng thẳng tinh thần hoặc stress, thay vì do gắng sức.

Chẩn đoán đau thắt ngực

Đo điện tâm đồ giúp bác sĩ xác định các dấu hiệu bất thường trong nhịp tim của bệnh nhân
Đo điện tâm đồ giúp bác sĩ xác định các dấu hiệu bất thường trong nhịp tim của bệnh nhân

Để chẩn đoán chính xác cơn đau thắt ngực và xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm chuyên sâu. Các bước chẩn đoán thường bao gồm:

  • Đánh giá triệu chứng lâm sàng: Bác sĩ sẽ thu thập thông tin chi tiết về các triệu chứng của bệnh nhân như cơn đau ở đâu và khi nào, tính chất cơn đau, các yếu tố nguy cơ, hoặc tiền sử gia đình.
  • Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ là xét nghiệm cơ bản để ghi lại hoạt động điện của tim. Đây là phương pháp giúp phát hiện các bất thường trong nhịp tim hoặc dấu hiệu thiếu máu cơ tim.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm tim, chụp ảnh hạt nhân phóng xạ, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), MRI tim, chụp mạch CT và dự trữ lưu lượng phân đoạn (CT-FFR), Chụp động mạch vành xâm lấn,… Tùy theo mức độ triệu chứng mà bác sĩ sẽ sử dụng những loại chẩn đoán hình ảnh cẩn thiết để chẩn đoán và đánh giá tổng thể bệnh.

Thông thường, hầu hết bệnh nhân có triệu chứng đau ngực đều được thực hiện ECG đầu tiên. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm không xâm lấn như siêu âm tim hoặc PET. Trong trường hợp nghiêm trọng, chụp động mạch vành sẽ được sử dụng để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Điều trị đau thắt ngực

Dùng thuốc là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị đau thắt ngực
Dùng thuốc là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị đau thắt ngực

Ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh và hạn chế các yếu tố gây hại như hút thuốc lá, béo phì, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật tùy theo tình trạng cụ thể. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

  • Sử dụng thuốc: Việc dùng thuốc không chỉ giúp giảm đau thắt ngực mà còn làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, đồng thời hỗ trợ điều trị nguyên nhân gây ra bệnh. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau thắt ngực (nitroglycerin, nicorandil), thuốc ngăn ngừa huyết khối (aspirin, clopidogrel), thuốc chẹn kênh canxi (diltiazem, verapamil), ivabradine, thuốc điều trị huyết áp, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu.
  • Phẫu thuật và can thiệp mạch: Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng hoặc không đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc, các phương pháp can thiệp như sau có thể được thực hiện như can thiệp mạch vành qua da (PCI) hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Các phương pháp phòng ngừa đau thắt ngực

Chế độ ăn giàu cá và hải sản giúp phòng ngừa đau thắt ngực
Chế độ ăn giàu cá và hải sản giúp phòng ngừa đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực thường được xem là dấu hiệu khởi đầu của nhiều bệnh lý tim mạch. Theo các chuyên gia, việc thay đổi lối sống không thể cắt cơn đau ngay lập tức, nhưng về lâu dài, đây là yếu tố then chốt giúp phòng ngừa tái phát. Dưới đây là những thói quen lành mạnh bạn nên duy trì hàng ngày:

  • Thư giãn và nghỉ ngơi: Tránh làm việc quá sức hoặc gắng sức, giúp tim hoạt động ổn định.
  • Quản lý căng thẳng: Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress kéo dài.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Tăng cường rau củ, chất xơ, cá và hải sản trong bữa ăn. Hạn chế tiêu thụ chất béo, thực phẩm mặn, đồ ngọt và các món chiên rán.
  • Từ bỏ thói quen có hại: Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, và điều chỉnh cân nặng nếu bị thừa cân hoặc béo phì.
  • Kiểm soát bệnh nền: Điều trị các bệnh liên quan như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu để giảm nguy cơ đau thắt ngực.
  • Tập luyện thể thao: Duy trì hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày với các môn vừa sức như đi bộ, yoga, đạp xe.
  • Tuân thủ điều trị: Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát huyết áp, cholesterol, và đường huyết.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện các kiểm tra như điện tâm đồ, siêu âm tim, đo huyết áp định kỳ 6 tháng một lần để theo dõi sức khỏe tim mạch.
  • Sử dụng sản phẩm hỗ trợ: Các sản phẩm như Medicrafts có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch hiệu quả, giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ bệnh mạch vành.

Mua sản phẩm chính hãng tại cửa hàng Docosan:

Đau thắt ngực là triệu chứng không nên xem nhẹ vì có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành nguy hiểm. Khi có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến đau thắt ngực, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc áp dụng các phương pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tim mạch, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Câu hỏi thường gặp

Tôi đã từng đặt stent, liệu còn nguy cơ đau thắt ngực không?

Đặt stent giúp cải thiện lưu thông máu, nhưng không loại trừ hoàn toàn nguy cơ đau thắt ngực. Bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng cách và kiểm tra sức khỏe định kỳ

Những ai dễ mắc đau thắt ngực?

Người cao tuổi, người có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hoặc hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn. Ngoài ra, căng thẳng tinh thần hoặc lối sống ít vận động cũng là yếu tố nguy cơ.

Tôi có thể tự điều trị đau thắt ngực tại nhà không?

Không nên tự điều trị nếu chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp cơn đau xuất hiện, hãy ngồi nghỉ ngơi, dùng thuốc giãn mạch nếu có chỉ định, và gọi cấp cứu nếu đau không giảm.

Xem thêm:

Nguồn tham khảo:

Optimal Medical Therapy with or without PCI for Stable Coronary Disease

  • Link tham khảo: https://www.nejm.org/doi/pdf/10.1056/NEJMoa070829
  • Ngày tham khảo: 29/11/2024

Tổng quan bệnh động mạch vành

  • Link tham khảo: https://www.msdmanuals.com/vi/professional/rối-loạn-tim-mạch/bệnh-động-mạch-vành/tổng-quan-bệnh-động-mạch-vành
  • Ngày tham khảo: 29/11/2024
Contact Me on Zalo