Một số cách chữa bệnh gút tại nhà hiệu quả bạn nên biết

Bên cạnh việc dùng thuốc, các cách chữa bệnh gút tại nhà trong bài viết này có thể giúp bệnh nhân giảm nồng độ acid uric máu, giảm sưng đau khớp, tăng cường miễn dịch, tăng hiệu quả điều trị bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh gút và một số cách điều trị trong bài viết này nhé.

Tổng quan về bệnh gút

Trước khi tìm hiểu cách chữa bệnh gút tại nhà chúng ta cần hiểu rõ gút là bệnh gì, cũng như nguyên nhân nào dẫn đến bệnh gút. Bệnh gút (Gout) là một bệnh rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể. Acid uric là sản phẩm chuyển hoá cuối cùng của purine có trong nhân tế bào (nội sinh) hoặc từ thức ăn (nội sinh). Vì là một acid thiết yếu nên acid uric dễ dàng bị ion hoá thành muối urate hoà tan trong huyết tương và dịch ngoại bào.

Khi hàm lượng purine trong cơ thể tăng quá trình chuyển hóa chúng thành acid uric tăng. Lúc này cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric hoặc thải acid này ra nước tiểu quá ít thì nồng độ acid uric trong máu tăng lên, sự chuyển hóa acid uric thành muối urate tăng theo dẫn tới sự lắng đọng những tinh thể muối urate sắc nhọn hình kim tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da gây nên các triệu chứng tại vị trí bị lắng đọng muối urate.

Nguyên nhân gây acid uric máu cao

Giảm bài tiết acid uric (90% các trường hợp): Nguyên phát; hoặc thứ phát do:

  • Giảm độ lọc cầu thận với urate
  • Tăng huyết áp
  • Cường phó giáp
  • Suy giáp
  • Suy thận mạn
  • Hội chứng Down
  • Do thuốc

Tăng sản xuất acid uric (10%): Nguyên phát: tăng tổng hợp purine không rõ nguyên nhân, do thiếu men hypoxanthine guanine phosphoribesyltransferase hay thiếu men AMP cleoninase. Hoặc thứ phát do:

  • Thiếu men Glucose-6-phosphate
  • Lymphosarcoma
  • Myeloma
  • Thuốc điều trị ung thư

Dịch tễ

Bệnh gút thường gặp ở năm giới, tỷ lệ 90-95%, đa số tự khởi phát sau 40 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh gút khoảng 1,3-3,7% dân số. Trong khi tỷ lệ acid uric máu cao gặp khoảng 10-13,2% ở người lớn.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh gút

Người bệnh gút thường trải qua nhiều giai đoạn bệnh, nhiều người không biết mình có nồng độ acid máu cao cho đến khi đột ngột trải qua đợt gút cấp. Giữa các đợt gút cấp, cơ thể có thể hoàn toàn bình thường.

Giai đoạn 1: Tăng acid uric máu không triệu chứng

Nồng độ acid uric trong máu của một người có thể tăng mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào, do đó không cần điều trị bệnh gút. Tuy nhiên, người bị tăng acid uric máu không triệu chứng cần được kiểm soát yếu tố nguy cơ, nhất là chế độ ăn để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành gút.

Giai đoạn 2: Bệnh gút cấp

Giai đoạn gút biểu hiện triệu chứng, khởi phát đột ngột gây viêm cấp tính một khớp, đau dữ dội nhất là về đêm, khớp bị sưng nóng rõ rệt, người bệnh có thể sốt lạnh run. Khớp viêm hay gặp nhất là khớp bàn ngón 1, bàn chân, khuỷu, gối, cổ tay,..

Các yếu tố gây khởi phát gút cấp:

  • Chấn thương
  • Làm việc quá sức
  • Phẫu thuật
  • Ăn quá nhiều, uống rượu bia
  • Nhiễm trùng, bệnh nặng
  • Dùng thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị ung thư, dị ứng thuốc,…

Giai đoạn 3: Khoảng cách giữa các cơn gút cấp

Các cơn gút cấp thường kéo dài từ 3-10 ngày rồi tự khỏi hoàn toàn. Cơn gút cấp đầu tiên và cơn thứ hai có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, càng về sau khoảng cách các cơn càng ngắn lại. Giữa các cơn cấp, viêm khớp khỏi hoàn toàn.

Giai đoạn 4: Gút mạn

Các cơn viêm khớp xảy ra liên tiếp dẫn đến gút mạn. Đặc trưng của giai đoạn này là người bệnh có những nốt tophi, một dạng khối u lớn do uric lắng đọng ở sụn vành tai, quanh khớp, cột sống, thắt lưng. Nốt tophi thường được tạo thành ở bệnh nhân gút không điều trị sau 10 năm, các trường hợp điều trị bệnh gút sớm thường không tiến triển đến giai đoạn này.

Gút còn có các tổn thương liên kết: tăng huyết áp, béo phì, tăng lipid máu, sỏi đường niệu, suy thận mạn,…

Một số cách chữa bệnh gút tại nhà

Khi bị gút, ngoài biện pháp dùng thuốc thì người bệnh nên phối hợp thêm một số cách chữa bệnh gút tại nhà sau đây để giúp cải thiện tình trạng bệnh càng tốt hơn, đơn giản nhất có thể kể đến phương pháp tập thể dục và chế độ ăn phù hợp.

Cách chữa bệnh gút tại nhà bằng tập thể dục, thể thao

Cách chữa bệnh gút tại nhà đơn giản nhất nhưng không thể xem nhẹ là tập thể dục. Vận động thể lực hợp lý như tập thể dục, yoga, đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe,… giúp cơ thể thải trừ acid uric hiệu quả hơn đồng thời các khớp sẽ vận động linh hoạt và dễ dàng hơn, hạn chế sự dính khớp.

Trong trường hợp bệnh nặng, không nên chơi các môn thể thao mạnh hay tập luyện với cường độ cao, dùng nhiều sức vì có thể làm nặng thêm tình trạng khớp, lúc này bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập cụ thể phù hợp cho mỗi người.

Cách chữa bệnh gút tại nhà bằng chế độ ăn thích hợp

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những cách chữa bệnh gút tại nhà quan trọng mà bất cứ bệnh nhân gút nào cũng nên tuân thủ, thực phẩm cho người bị gút có thể phân thành 3 loại: không dùng, hạn chế và nên dùng.

Không dùng:

  • Thức ăn chứa nhiều purine như: phủ tạng động vật: tim, gan, thận, lá lách, óc…; trứng cá, cá biển; các loại trứng.
  • Rượu bia, thuốc lá
  • Mỡ động vật

Hạn chế:

  • Hạn chế protid (<1g protein/kg/ ngày tương đương < 200g thịt nạc mỗi ngày)
  • Tôm, cua
  • Các loại đậu, hạt
  • Cacao, cà phê, trà

Nên dùng nhiều:

  • Uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate
  • Rau xanh, trái cây tươi
  • Ngũ cốc
  • Sữa

Cách chữa bệnh gút tại nhà bằng chườm ấm

Chườm ấm không hẳn là cách chữa bệnh gút tại nhà triệt để mà có tác dụng giúp giảm đau tạm thời, giúp khớp bớt sưng, đây là phương pháp dân gian có hiệu quả rất tốt. Dùng một cái khăn thấm nước ấm hoặc túi chứa nước ấm chườm lên khớp bị ảnh hưởng cho đến khi tình trạng sưng, đau cải thiện. Có thể lặp lại nhiều lần trong ngày.

Nhìn chung một số cách chữa bệnh gút tại nhà kể trên có thể giúp cải thiện một phần bệnh gút nhưng không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhất là trong giai đoạn gút cấp nặng hoặc gút mạn. Khi đó, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ để điều trị tích cực, tránh để lại di chứng về sau.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS