Đau cơ mông: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đau cơ mông, hoặc đau vùng mông có thể làm bạn khó chịu và lo lắng. Nếu bạn có cảm giác này, các chuyên gia khuyên rằng việc tìm ra nguyên nhân là cần thiết cho một phương thức chữa trị thích hợp. Doctor có sẵn mời bạn tham khảo bài viết này để hiểu rõ hơn về chứng đau cơ mông.

Đau cơ mông là gì?

Cơ mông có vai trò quan trọng trong việc giữ được tư thế đứng của con người khi di chuyển. Đồng Đồng thời cũng giúp giảm áp lực lên phần thắt lưng và tạo được sự cân bằng, ổn định cho thân dưới và cả cơ thể. Cơ mông gồm có ba nhóm cơ chính là cơ mông lớn (glutes maximus), cơ mông trung bình (glute medius) và cuối cùng là cơ mông bé (glutes minimus) Các cơ mông phối hợp với nhau trong  việc co duỗi khớp hông và ổn định khớp hông và khớp gối.

Đau cơ mông, hoặc đau vùng mông đôi khi khó phân biệt vì cảm nhận chủ quan của người mắc phải. Đây là cảm giác khó chịu vùng mông, có thể liên quan trực tiếp đến các cơ mông, hoặc liên quan đến những cấu trúc khác như xương, thần kinh, ống tiêu hóa.

Vùng mông là một cấu trúc rất phức tạp với nhiều hệ thống cơ quan đan xen chằng chịt. Do vậy, cảm giác đau vùng mông cũng có rất nhiều nguyên nhân tùy theo cơ quan nào bị tổn thương ở vùng này. Đôi khi, nguyên nhân gây cảm giác đau ở mông thật ra xuất phát từ một khu vực khác, chẳng hạn tổn thương thần kinh ở cột sống. 

Đau vùng mông có thể do chấn thương hoặc một số bệnh lý, do vậy mà tình trạng này khá phổ biến. Một số người có thể tự xác định nguyên nhân nếu nó quá rõ ràng, ví dụ sau một chấn thương hoặc té ngã.

Cấu tạo của cơ mông

Triệu chứng đau cơ mông

Đau vùng mông được mô tả bởi nhiều cách, như cảm giác nặng nề, tê bì, nóng rát, đau nhói. Tùy vào nguyên nhân, đau cơ mông có thể xuất hiện đột ngột và biến mất tương đối nhanh, như vết bầm tím do những chấn thương nhẹ. Đau mông cũng có thể tiến triển dần theo thời gian và xuất hiện ngắt quãng, như với trường hợp của đau thần kinh tọa.

Một số nguyên nhân của đau vùng mông có thể nghiêm trọng và dẫn tới những biến chứng đáng lo ngại. Bạn cần tham vấn bác sĩ nếu bị đau cơ mông không giải thích được hoặc khi bạn quá lo lắng về tình trạng này. Bạn cần gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp nếu có cơn đau đột ngột, dữ dội ở mông, hông hay lưng, mất khả năng đi lại, hoặc biến dạng khớp háng.

Tùy theo nhiều nguyên nhân khác nhau mà đau cơ mông còn kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Bầm tím, căng cơ;
  • Giới hạn vận động khớp háng và vùng lưng;
  • Đi khập khiễng;
  • Đau vùng thắt lưng;
  • Yếu cơ hoặc tê bì;
  • Cảm giác đau, cứng khớp háng, vùng chân và bẹn;
  • Phù vùng mông;
  • Cảm giác va chạm, lộp cộp hoặc nghiến ở hông hoặc lưng dưới;
  • Thay đổi nhiệt độ vùng da bao gồm cảm giác ấm hoặc bỏng rát.

Triệu chứng bị đau cơ mông thường thấy nhất là bầm tím. Do một tác động nào đó tác động mạnh lên mông, làm tổn thương đến các mao mạch tại chỗ, gây ra những vết có màu tím hay xanh đen. Vết bầm tím khi chạm vào sẽ có cảm giác đau, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào màu sắc của vết bầm tím. Càng đậm thì thời gian hồi phục càng chậm. Thông thường, khi vết bầm tan đi, cơn đau cũng sẽ biến mất.

Ngoài ra còn có đau thần kinh tọa. Đây không phải là nguyên nhân chính gây ra đau cơ mông nhưng đau thần kinh tọa có triệu chứng là đau cơ mông. Do đó đau cơ mông cũng có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý.

Hay có thể đơn giản hơn là đau cơ mông là do quá trình luyện tập, vận động cơ khớp háng, vùng lưng dẫn đến làm căng nhóm cơ mông, gây đau cơ mông.

đau cơ mông
Triệu chứng đau cơ mông

Đâu là dấu hiệu đáng lo ngại?

Trong một số trường hợp, đau mông có thể xảy ra với các triệu chứng khác có thể chỉ ra một tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng cần được đánh giá ngay trong trường hợp khẩn cấp. Bạn cần gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp khi có một trong những triệu chứng sau đây:

  • Phân có máu hoặc chảy máu trực tràng nhiều;
  • Không có khả năng đi lại hoặc dồn trọng lượng lên chân hoặc hông của bạn;
  • Biến dạng đột ngột vùng hông hoặc đùi;
  • Yếu hoặc liệt chân hoặc hông.

Các nguyên nhân gây đau cơ mông

Đau mông có thể là kết quả của nhiều yếu tố. Ví dụ, ngồi trong thời gian dài có thể gây tăng áp lực vùng mông và gây ra cảm giác tê ở mông. Hoạt động gắng sức mà trước đó không khởi động đúng cách hoặc không làm ấm hoặc hạ nhiệt đúng cách có thể dẫn đến bong gân và căng cơ mông.

Đau cơ mông cũng có thể phát triển do các chấn thương khác cũng như một số bệnh lý và rối loạn nhất định ở mông hoặc ở các vùng liên quan khác, chẳng hạn như xương chậu, xương cụt, hông, cẳng chân và lưng dưới. Đau ở mông do một bệnh hoặc tình trạng xuất phát từ một khu vực khác thì được gọi là đau quy chiếu.

Ngoài ra còn có đau thần kinh tọa. Đây không phải là nguyên nhân chính gây ra đau cơ mông nhưng đau thần kinh tọa có triệu chứng là đau cơ mông. Do đó đau cơ mông cũng có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý.

Hay có thể đơn giản hơn là những bài tập mông bị đau cơ mông. Do quá trình luyện tập, vận động cơ khớp háng, vùng lưng dẫn đến làm căng nhóm cơ mông, gây đau cơ mông.

đau cơ mông
Đau mông có thể là kết quả của việc ngồi trong thời gian dài

Chấn thương và nguyên nhân liên quan đến hoạt động của đau mông

Đau cơ mông có thể được gây ra bởi chấn thương hoặc tổn thương liên quan đến các tai nạn, trong sinh hoạt hoặc thể dục thể thao bao gồm:

  • Gãy xương hoặc trật khớp, như ở xương cụt, xương đùi, xương chậu, thắt lưng;
  • Đụng dập, vết bầm, vết rách ở mông, hông hoặc vùng hậu môn;
  • Vọp bẻ cơ vùng mông;
  • Giãn hoặc đứt dây chằng vùng hông và thắt lưng;
  • Giãn căn hoặc đứt gân cơ và cơ của vùng mông, hông, đùi;
  • Viêm gân cơ.

Chấn thương do vận động thể thao, vui chơi, lao động hoặc những lần vô tình bị va đập vào vật dụng nào đó cũng có thể hình thành vết bầm tím. Hậu quả là làm cho bệnh nhân bị đau cơ mông.

Các bệnh và tình trạng gây đau mông

Đôi khi người bệnh khó phân biệt được đau cơ mông do những vận động hoặc chấn thương như trên, hay đau vùng mông gây ra bởi một số bệnh lý và tình trạng nhất định, bao gồm:

  • Áp-xe hậu môn (nhiễm trùng, khoang chứa mủ gần hậu môn);
  • Nứt hậu môn;
  • Viêm khớp hông;
  • Ung thư xương vùng chậu;
  • Viêm bao hoạt dịch;
  • Hội chứng chèn ép khoang kín;
  • Đau cơ xơ hóa;
  • Trĩ nội, trĩ ngoại;
  • Nang xoang lông vùng cùng cụt;
  • Hội chứng cơ hình lê;
  • Đau thần kinh tọa;
  • Bệnh zona (giời leo);
  • Hẹp ống sống.

Các bệnh lý trên có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp gây nên người bệnh bị đau cơ mông. Nhưng đau cơ mông có thể là một dấu hiệu để người bệnh phát hiện và đi khám. Nếu không phải do tác động hay tập cơ mông mà bị đau cơ mông, người bệnh cần chú ý xem cơ thể mình có thêm bất kỳ biểu hiện bất thường nào không. Nếu có thì hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những biến chứng có thể gặp phải khi đau cơ mông

Các biến chứng của đau mông khác nhau tùy thuộc vào bệnh lý, rối loạn và tình trạng cơ bản. Đau mông do căng cơ nhẹ hoặc vận động quá mức thường đáp ứng với các phương pháp điều trị tại nhà, chẳng hạn như nghỉ ngơi, chườm đá và thuốc chống viêm không kê đơn.

Trong một số trường hợp, đau mông không được điều trị do các tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương sống hoặc xương hông, có thể dẫn đến các biến chứng. Bạn có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng bằng cách tuân theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ thiết kế riêng cho bạn. Các biến chứng của cơn đau mông liên tục, không được điều trị đầy đủ bao gồm:

  • Đau mãn tính;
  • Thành tích thể thao giảm sút;
  • Tàn tật vĩnh viễn;
  • Chất lượng cuộc sống kém;
  • Giảm khả năng vận động, yếu hoặc liệt chân, lưng và hông.
đau cơ mông
Hệ lụy xấu nhất của đau cơ mông là tàn tật vĩnh viễn

Đây là lý do vì sao đừng nên chủ quan với bất kỳ biểu hiện được cho là bình thường của cơ thể khi không rõ nguyên nhân. Hãy đi khám sớm để được bác sĩ điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng xấu về sau.

Chẩn đoán đau cơ mông như thế nào?

Để chẩn đoán tình trạng của bạn, bác sĩ có thể hỏi một số câu hỏi liên quan đến các triệu chứng của bạn, bao gồm:

  • Vị trí nằm ở vùng mông mà bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu?
  • Cơn đau bắt đầu từ khi nào?
  • Mỗi cơn đau kéo dài bao lâu?
  • Có những hoạt động hay tư thế nào làm khởi phát hoặc tăng cơn đau?
  • Ngoài ra bạn có cảm thấy những triệu chứng nào khác không?

Bởi vì chưa có bất kỳ phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng nào có thể chỉ ra tình trạng bị đau cơ mông nên bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán tạm thời dựa trên kết quả lâm sàng từ câu trả lời câu hỏi của bệnh nhân.

Đau cơ mông cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý, để biết được nguyên nhân của đau cơ mông, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số các xét nghiệm như chụp X-quang, MRI. Từ những hình ảnh có thể giúp bác sĩ biết được nguyên nhân và đưa ra được phương hướng điều trị hợp lý cho từng bệnh nhân.

đau cơ mông
Chẩn đoán đau cơ mông

Cách trị đau cơ mông ra sao ?

Thông thường, đau cơ mông có thẻ kéo dài vài ngày. Nếu sau vài ngày mà cơ đau không những không biến mất và còn đau thêm hay có thêm bất kỳ triệu chứng nào khác, bạn nên gặp bác sĩ và tham vấn ý kiến của họ.

Đối với đau cơ mông do bệnh lý, người bệnh nên đến bệnh viện để có thể kiểm tra và điều điềutrij nguyên nhân gây bệnh. Tùy vào thời điểm của bệnh, cơ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

Các bác sĩ là những người tốt nhất để kê đơn điều trị sau khi đánh giá nguyên nhân gây ra cơn đau. Bác sĩ của bạn có thể giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa tùy theo nguyên nhân, như bác sĩ chuyên về thấp khớp, chuyên gia chỉnh hình hoặc nhà vật lý trị liệu.

Một số phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Tiêm corticosteroid để giảm viêm;
  • Dẫn lưu u nang hoặc áp xe đang gây đau;
  • Phẫu thuật sửa chữa đĩa đệm bị hư hỏng hoặc thay thế khớp bị mòn.
đau cơ mông
Điều trị đau cơ mông bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Một số trường hợp có thể nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn là đủ để giúp một người kiểm soát cơn đau ở mông. Một số thuốc trị đau cơ mông không kê đơn như thuốc giảm đau: paracetamol, naproxen…

Tuy nhiên những lựa chọn nên cân nhắc kỹ và tốt nhất vẫn là tham vấn bác sĩ của bạn. Các biện pháp khắc phục tại nhà khác bao gồm chườm đá hoặc nhiệt lên vùng đó và nhẹ nhàng kéo căng chân, mông và hông.

Tổng kết về đau cơ mông

Đau cơ mông có nhiều nguyên nhân, có thể chia thành hai nhóm lớn là liên quan đến chấn thương và liên quan đến bệnh lý hoặc tình trạng nào đó. Nếu cảm giác khó chịu này vẫn dai dẳng sau khi bạn áp dụng những biện pháp chữa trị thông thường tại nhà, bạn nên tham vấn bác sĩ vì đó là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.

Câu hỏi thường gặp

Đau cơ mông có nguy hiểm không?

Đau cơ mông do vận động hay do va chạm thì không nguy hiểm, cơn đau sẽ biến mất sau một vài ngày. Nhưng nếu có thêm bất kỳ triệu chứng bất thường trên người thì nên đến gặp bác sĩ để được tham vấn về bệnh.

Có cần phải sử dụng thuốc trị đau cơ mông không?

Trong trường hợp quá đau, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hay naproxen để làm giảm cơn đau.

Làm sao để hết đau cơ mông?

Nếu đau cơ mông do căng nhóm cơ hay do va chạm thì cần massage, vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu đau do bệnh lý, bạn cần tuân thủ theo hướng điều trị bác sĩ đề ra để nhanh chóng có kết quả tốt nhất.


Có thể bạn chưa biết:

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tư liệu tham khảo