Đau cơ vai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Đau cơ vai là tình trạng rất thường gặp và ngày càng gia tăng trong bối cảnh xã hội hiện đại. Cơn đau có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày nếu không được điều trị. Ở bài viết này Doctor có sẵn sẽ làm sáng tỏ phần nào các nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị cũng như phòng ngừa căn bệnh này nhé.

Nguyên nhân gây đau cơ vai

Đau cơ vai là tình trạng cơ vùng vai bị co cứng tạo nên những cơn đau, hạn chế vận động khớp vai, xoay cổ, xoay đầu; cơn đau tăng lên khi hoạt động mạnh và có thể giảm bớt khi nằm nghỉ ngơi. Đau cơ vai có thể là cấp tính hoặc mạn tính, nguyên nhân do cơ học hoặc bệnh lý.

Nguyên nhân cơ học

Không phải tất cả trường hợp đau cơ vai đều là bệnh lý nghiêm trọng mà có thể chỉ là sự căng cơ tạm thời do thói quen, sinh hoạt không đúng của người bệnh, thường gặp nhất là:

  • Hoạt động sai tư thế: Ngồi cong lưng trong thời gian dài, ngủ gục xuống bàn, ngủ sai tư thế,… có thể khiến mạch máu bị chèn ép, lưu thông chậm lên vùng cổ dẫn đến đau mỏi.
  • Vận động quá sức: Chơi thể thao hoặc tập luyện quá mức, sai kỹ thuật cũng như không khởi động trước khi vận động mạnh dễ gây nên tình trạng đau vai gáy.
  • Tính chất công việc: Những công việc bắt buộc phải ngồi hoặc đứng một chỗ trong thời gian dài, công việc khuân vác nặng sẽ khiến các cơ vùng cổ, bả vai bị chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng nên dễ bị đau mỏi. Tính chất công việc gây mệt mỏi, căng thẳng kéo dài cũng góp phần gây bệnh.
  • Thiếu dinh dưỡng: Người suy dinh dưỡng hay thiếu máu, thiếu những vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể dễ gặp tình trạng này hơn người bình thường.
  • Chấn thương: Chấn thương vùng vai gáy có thể làm tổn thương cơ, xương, dây chằng, đốt sống dẫn đến tình trạng đau cổ gáy, đau vai.

Nguyên nhân bệnh lý

  • Trật khớp vai: Đây là nguyên nhân rất thường gặp gây đau cơ vai, khớp xảy ra trên người vận động khớp vai quá mức hay tai nạn, động kinh, điện giật. Vai có thể bị trật xuống phía dưới, phước trước hay phía sau gây biến dạng có thể nhìn thấy được, người bệnh cảm thấy đau nhói ở vai lan xuống bắp tay, vai sưng tấy, bầm tím, tê và hạn chế cử động.
  • Rách cơ vai: Hay rách cơ chóp xoay vai thường gặp ở người trung tuổi, vận động viện, người lao động nặng. Bệnh nhân thấy đau mặt ngoài khớp vai lan xuống cánh tay nhưng không quá khớp khuỷu, cơn đau tăng khi vận động khớp vai, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây giảm chức năng khớp vai vĩnh viễn.
  • Viêm quanh khớp vai: Bất cứ thành phần gân, cơ, dây chằng, bao khớp của khớp vai cũng có thể bị viêm. Nguyên nhân có thể do gân bị thoái hoá hay viêm bao hoạt dịch,… dẫn đến giảm biên độ hoạt động khớp vai, cơn đau tăng dần qua thời gian và cần thời gian dài để hồi phục.

Triệu chứng đau vai gáy

  • Đau cơ vai tăng lên khi vận động, khi ngồi lâu, khi căng thẳng, giảm khi nghỉ ngơi
  • Đau lan xuống bả vai, cánh tay
  • Giới hạn cử động vai, ảnh hưởng các hoạt động thông thường

Dưới đây là các dấu hiệu bệnh nặng bạn cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng. Bạn cần đi khám bác sĩ khi:

  • Gặp chấn thương
  • Cơn đau không giảm, tăng dần qua thời gian, nhiều ngày, nhiều tuần
  • Đau cả khi nghỉ ngơi
  • Không đáp ứng thuốc giảm đau thông thường
  • Giới hạn cử động nặng không thể cử động tay, không thể nằm
  • Đau kèm các triệu chứng khác như sốt, đau đầu, chóng mặt, nôn ói,…

Biện pháp phòng ngừa đau cơ vai

Những điều nên làm

  • Massage: Thường xuyên massage vùng cổ vai gáy có thể giúp cơ thư giãn hơn hay giảm bớt cơn đau, mỏi.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Người hoạt động thể lực, người đứng, ngồi nhiều cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi xen kẽ làm việc hợp lý để cơ xương khớp được thư giãn. Ví dụ, người ngồi 1 tiếng nên đứng lên đi lại hoặc nằm nghỉ 5-15 phút trước khi hoạt động trở lại.
  • Chườm ấm: chườm ấm có thể giúp làm giảm triệu chứng sưng và đau của vùng cơ bị tổn thương.
  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học: Duy trì lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế thức khuya và làm việc quá sức giúp bảo vệ hệ cơ xương khớp nói chung và cơ thể nói riêng.
  • Tập luyện thể dục, vận động nhẹ nhàng: Tập luyện, chơi thể thao, vận động quá mức có thể dẫn đến tình trạng đau cơ vai thường xuyên và ngày càng làm giảm sức khoẻ cơ vai. Khi đó hãy giảm cường độ vận động và nghỉ ngơi hợp lý xen kẽ sẽ giúp hạn chế được tình trạng này.
  • Đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Vật lý trị liệu: các chuyên gia vật lý trị liệu có các bài tập phù hợp cho từng cá nhân mỗi người.

Những điều nên tránh

  • Tự ý sử dụng hay phối hợp nhiều loại thuốc giảm đau không có chỉ định của bác sĩ có thể gây quá liều thuốc giảm đau, dị ứng thuốc, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hoá, suy thận.
  • Tránh thức ăn dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá
  • Tránh hoạt động quá sức, khuân vác khi đang đau cơ vai.
  • Không cố gắng cử động mạnh như giơ tay lên cao để khôi phục lại trạng thái bình thường vì có thể làm tình trạng tồi tệ hơn như rách khớp vai nhiều hơn trong bệnh cảnh rách khớp vai.
  • Tránh tắm nước lạnh, ở trong phòng lạnh vì gia tăng tình trạng cứng cơ.

Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân gây đau cơ vai, đa số các nguyên nhân cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu tình trạng đau cơ vai cấp tính dữ dội hay kéo dài không khỏi đừng ngần ngại đến khám bác sĩ bạn nhé.

Xem thêm: Đau cơ bắp tay: Nguyên nhân gây ra và cách điều trị hiệu quả

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: NHS

Contact Me on Zalo