Tình trạng bị đau gót chân liệu có đơn thuần chỉ là triệu chứng xuất hiện khi bạn đứng quá lâu, chạy nhiều hay do bạn vô tình va chạm gây chấn thương vùng gót? Gót chân tuy không chiếm diện tích quá lớn trên cơ thể nhưng lại là một bộ phận quan trọng góp phần không nhỏ giúp nâng đỡ, cũng như chịu đựng trong lượng của cả cơ thể chúng ta. Ngoài những nguyên nhân cơ học thì đau gót chân còn có thể do những bệnh lý trong cơ thể chúng ta gây ra. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng này trong bài viết dưới đây ngay nhé!
Tóm tắt nội dung
Đau gót chân là bệnh gì?
Gót chân là bộ phận trồi lên ở cuối bàn chân, được cấu thành từ xương gót chân. Cùng với cả bàn chân làm nhiệm vụ chống đỡ cho cơ thể. Đau gót chân là tình trạng đau gót chân phải hoặc đau gót chân trái hoặc cũng có thể là cả 2, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự di chuyển của người bệnh.
Bị đau gót chân dù trái hay phải là một triệu chứng, một dấu hiệu giúp gợi ý chẩn đoán ra một bênh lý cụ thể.
Đau gót chân có nguy hiểm không?
Đau gót chân không chỉ khiến ta đau và gặp nhiều khó khăn khi di chuyển, gây xấu dáng đi như dáng đi khập khiễng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và công việc hàng ngày của chúng ta. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau gót chân.
Cần lưu ý rằng bị đau gót chân dù chỉ là một triệu chứng, một dấu hiệu của một bệnh lý thực thể nhưng nếu bạn xem nhẹ việc xuất hiện triệu chứng này mà không đi khám và chữa trị kịp thời thì vẫn có nguy cơ dẫn đến những biến chứng, để lại những di chứng nguy hiểm cho cơ thể của bạn như suy tĩnh mạch chi dưới, bị gai gót chân, thoái hóa điểm bám gân gót, ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa…
Nguyên nhân đau gót chân
Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn bị đau gót chân nhưng 4 nguyên nhân thường gặp hơn cả là:
Viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân là trình trạng viêm dải gân cơ bám từ mặt dưới các chỏm xương bàn ngón chân đến xương gót giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý của bàn chân.
Khi hoạt động các động tác dồn lực nhiều lên gan chân như chạy nhảy, leo trèo, thậm chí đứng nhiều sẽ làm tác động lên cân gan chân, ban đầu sẽ gây kích thích cơ học, lâu dài sẽ dẫn đến viêm. Cũng có thể cân gan chân bị kéo căng quá mức, lặp đi lặp lại thời gian dài dẫn đến viêm, rách ngay chỗ bám vào xương gót.
Triệu chứng: Viêm cân gan chân gây ra những cơn đau dữ dội hoặc đau nhói đột ngột ở gót chân, có thể xuất hiện tình trạng sưng và bầm tím. Cơn đau thường xảy ra khi bạn bắt đầu đi đứng sau một khoảng thời gian để chân nghỉ ngơi. Ví dụ, bạn có thể bị đau gót chân khi đi những bước đầu tiên vào buổi sáng hoặc khi đứng dậy sau một khoảng thời gian ngồi lâu.
Viêm gân gót (viêm gân Achilles)
Viêm gân gót là tình trạng viêm gân lớn ở mặt sau xương gót chân, là gân cơ chủ đạo khi chúng ta chạy nhảy, đi đứng, bạn sẽ cảm thấy vận động của gân gót rõ ràng nhất khi thực hiện động tác nhón gót chân của mình.
Khi thực hiện những vận động căng gân gót chân và lặp đi lặp lại, kèm theo những chấn thương không được xử trí đúng trong 1 khoảng thời gian nhất định đều có thể dẫn đến tình trạng viêm gân gót.
Thường gặp nhất là ở các vận động viên do vận động quá mức, hoặc cũng có thể xảy ra khi chúng ta không khởi động đúng và đủ trước khi tập thể dục, dừng hoặc chuyển hướng đột ngột khi đang tham gia các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, tennis …, hoặc mang giày không vừa chân, mang giày cao gót trong thời gian dài.
Ngoài ra khi càng lớn tuổi, đặc biệt là lứa tuổi trung niên, gân gót sẽ giảm dần sức căng, chỉ cần lực tác động nhỏ cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm gân gót
Chấn thương
Một trong những nguyên nhân khác khiến bạn bị đau gót chân là do chấn thương trực tiếp tại vùng gan chân do đi trên nền cứng không bằng phẳng, dẫm phải sỏi đá, do té ngã hoặc do tập các bài thể thao nặng quá mức… làm tổn thương trực tiếp lên mô mỡ đệm ở gan chân.
Có thể làm bầm vùng gót chân. Thường chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là hết, có thể dùng thuốc giảm đau thông thường hay chống viêm giảm đau cũng có tác dụng tốt.
Hội chứng ống cổ chân/ Hội chứng đường hầm cổ chân
Hội chứng ống cổ chân/hội chứng đường hầm cổ chân (Tarsal tunnel syndrome) xuất hiện khi có áp lực lặp đi lặp lại gây chèn ép thần kinh chày sau. (Thần kinh chày là một nhánh của thần kinh ngồi, đi vào mặt sau cẳng chân và đến bờ sau trong của mắt cá chân, đường giữa mắt cá chân trong và lồi củ trong xương gót).
Triệu chứng: Hội chứng ống cố chân là tập hợp các triệu chứng bệnh như:
- Cơn đau buốt, tê liệt, cảm giác ngứa ran dọc theo dây thần kinh chày, thường gặp nhất là mắt cá chân trong và lòng bàn chân
- Tê bì, có cảm giác như kim châm, điện giật hoặc mất cảm giác ở bàn chân.
- Những cơn đau này thường xảy ra đột ngột, tăng lên về đêm và lúc di chuyển, giảm khi nghỉ ngơi.
- Mất dần khả năng vận động của chân dẫn đến liệt chân và dáng đi bất thường.
Khi có Hội chứng ống cổ chân/hội chứng đường hầm cổ chân thì có thể nghĩ do các nguyên nhân bệnh lý sau đây:
- Bàn chân bẹt nặng, vì bàn chân bẹt có thể kéo căng dây thần kinh chày;
- Phát triển xương lành tính ở vùng cố chân
- Giãn tĩnh mạch ở màng bao quanh dây thần kinh chày, gây chèn ép lên dây thần kinh;
- Viêm khớp;
- Hình thành khối u hoặc u mỡ gần dây thần kinh chày;
- Một số chấn thương, như bong gân mắt cá chân hoặc gãy xương;
- Đái tháo đường
Phương pháp điều trị đau gót chân
Nếu bạn có tình trạng bị đau gót chân thì có thể áp dụng các phương pháp sau để giảm tình trạng đau của bản thân nhưng nếu sau một thời gian áp dụng vẫn không đỡ thì chúng tôi khuyên bạn nên đến khám bác sĩ để được điều trị thuốc cụ thể.
- Nghỉ ngơi: giảm hoặc ngưng các vận động làm trầm trọng hơn triệu chứng
- Chườm đá: có thể chườm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nếu cần thiết (khoảng 3 hoặc 4 lần/ngày). Có thể chườm đến khoảng 20 phút và ngưng lại khi cảm thấy tê.
- Thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau: hiện nay các loại thuốc này được các quầy thuốc bán rất nhiều nhưng nên lưu ý rằng dù bạn sử dụng bất kì loại thuốc nào cũng sẽ luôn kèm theo tác dụng phụ không mong muốn, chính vì vậy không nên quá lạm dụng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng, thỉnh thoảng có thể massage cho chân.
- Không nên đi chân đất, có thể sử dụng các loại giày dép đặc biệt dành cho người bị đau gót chân hoặc lót giày y khoa
Biện pháp phòng ngừa bị đau gót chân
Một số phương pháp phòng ngừa đau gót chân mà bạn có thể áp dụng:
- Khởi động thật kĩ trước khi vận động, tập thể dục.
- Tập luyện với cường độ và mức độ tăng dần từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng.
- Sử dụng giày và lót giày phù hợp khi vận động, chọn giày dép vừa chân và hạn chế mang giày cao gót.
- Chú ý chế độ ăn uống và luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lí, tránh tình trạng béo phì làm gót chân phải chịu sức nặng cơ thể quá lớn mỗi ngày.
Một số bác sĩ khám và điều trị đau gót chân
- Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Chí Lăng, hơn 30 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, TP.HCM
- Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Đình Triết, hơn 15 năm kinh nghiệm, Quận 5, TP.HCM
- BSCKII Nguyễn Tấn Toàn, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 5, TP.HCM
Kết luận
Đau gót chân là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Do đó, để xác định được nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa Cơ – Xương – Khớp để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
What Causes Heel Pain? – Healthline.com
Heel pain – NHS.uk