Đau lưng dưới gần mông là biểu hiện của bệnh gì?

Nếu bạn bị đau lưng dưới, hay đau thắt lưng, bạn không cô đơn đâu. Đau lưng là một trong những lý do thường gặp nhất khiến người ta đến gặp bác sĩ hoặc tạm vắng vài ngày ở nơi làm việc. Docosan mời quý độc giả tham khảo bài viết này để biết rõ hơn các nguyên nhân có thể gây ra đau vùng lưng dưới gần mông và một số biện pháp tại nhà có thể áp dụng để giảm đau.

Đau lưng dưới gần mông là gì?

Đau lưng dưới gần mông còn được gọi tắt là đau lưng dưới, hay đau thắt lưng. Đây là một triệu chứng rất phổ biến. Theo một nghiên cứu quốc gia tại Hoa Kỳ, có đến ít nhất 80% người dân trải qua đau lưng dưới trong đời.

Phần lớn các trường hợp là hậu quả của chấn thương, như bông gân, căng cơ do chuyển động đột ngột vùng hông lưng hoặc tư thế không tốt khi nâng vác vật nặng. Nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, chẳng hạn:

  • Ung thư tủy sống
  • Thoát vị hoặc xẹp đĩa đệm
  • Đau thần kinh tọa
  • Viêm khớp
  • Nhiễm trùng thận
  • Nhiễm trùng tủy sống

Đau lưng dưới gần mông có xu hướng bắt đầu xuất hiện ở người có độ tuổi trong khoảng 30 đến 50. Một phần là do các thay đổi trong sự lão hóa của cơ thể. Khi đó, các đĩa đệm giữa các xương đốt sống trở nên “khô cứng” hơn do lượng dịch trong đĩa đệm bị giảm đi theo tuổi. 

Hậu quả là các đĩa đệm này giảm đi tính đàn hồi và hấp thu các chấn động kém hơn, điều này làm các đĩa đệm tổn thương và chèn ép các rễ thần kinh. Bên cạnh đó, các cơ quanh cột sống yếu đi theo tuổi cũng góp phần làm lưng dễ bị chấn thương.

đau lưng dưới gần mông
Đau lưng dưới gần mông còn được gọi tắt là đau lưng dưới, hay đau thắt lưng

Triệu chứng đau lưng dưới gần mông

Tùy vào nguyên nhân, đau lưng dưới có mức độ thay đổi từ đau dai dẳng, âm ỉ đến đau dữ dội, đột ngột. Cơn đau có thể khởi phát rất đột ngột sau một tai nạn hoặc sau khi nâng một vật nặng, hoặc nó có thể tiến triển dần theo thời gian khi chúng ta ngày một lớn tuổi. 

Tập luyện quá ít, cơ thể bạn chưa sẵn sàng, nhưng sau đó lại tập luyện nặng cũng có thể là một nguyên nhân gây đau lưng. Thực tế, tình huống này có thể gặp ở bất kỳ nhóm cơ nào.

Có hai loại đau lưng:

  • Đau lưng cấp tính chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, thường vài ngày đến vài tuần. Phần lớn các đau lưng là cấp tính. Nó có xu hướng tự thoái lui trong vài ngày chỉ với nghỉ ngơi và tự chăm sóc tại nhà, và không có rối loạn chức năng các cơ quan. Một vài trường hợp cần đến vài tháng để triệu chứng hết hoàn toàn.
  • Đau lưng mạn tính được định nghĩa là khi đau lưng kéo dài ít nhất 12 tuần, kể cả sau một chấn thương ban đầu hoặc sau khi nguyên nhân gây đau lưng cấp đã được chữa trị. Có khoảng 20% người bị đau lưng cấp tính sau đó tiến triển thành đau lưng mạn tính với cơn đau dai dẳng khoảng 1 năm. Một điều đáng lưu ý đối với đau lưng mạn tính là cho dù cơn đau vẫn tiếp diễn, điều này không phải luôn có nghĩa là hiện diện một nguyên nhân trầm trọng bên dưới hoặc một nguyên nhân có thể dễ dàng xác định và chữa trị.
đau lưng dưới gần mông
Triệu chứng đau lưng dưới gần mông

Nguyên nhân đau lưng dưới gần mông

Hầu hết các trường hợp đau lưng dưới cấp tính có bản chất là một tổn thương cơ học, nghĩa là có sự gián đoạn trong sự phối hợp vận động của ít nhất một thành phần của lưng, bao gồm: cột sống, cơ, đĩa đệm, thần kinh.

Nguyên nhân bẩm sinh

  • Bất thường bộ xương như vẹo cột sống, cong cột sống ra trước, gù
  • Tật nứt đốt sống (spina bifida), xảy ra do sự phát triển không hoàn chỉnh của tủy sống và/hoặc các màng tủy, gây ra dị dạng đốt sống, các rối loạn cảm giác, thậm chí liệt

Chấn thương

  • Bong gân (kéo dãn quá mức các dây chằng), căng cơ (dãn, rách gân cơ hoặc cơ), hoặc vọp bẻ (co thắt cơ đột ngột)
  • Chấn thương trong chơi thể thao, tai nạn, té ngã gây tổn thương gân, dây chằng, cơ, gây chèn ép tủy sống, gây đĩa đệm bị xẹp hoặc thoát vị.

Các bệnh thoái hóa

  • Thoái hóa đĩa đệm đốt sống, xảy ra khi các đĩa đệm dần mất đi tính đàn hồi do quá trình lão hóa và giảm tính hấp thu các chấn động
  • Thoái hóa cột sống, có sự tổn thương, gãy, rách đốt sống, các khớp, đĩa đệm do lão hóa
  • Viêm khớp hoặc các bệnh viêm khác ở cột sống, bao gồm thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp.
đau lưng dưới gần mông
Thoái hóa cột sống có thể là nguyên nhân gây đau lưng dưới gần mông

Vấn đề về tủy sống và thần kinh

  • Viêm, tổn thương, chèn ép thần kinh gai sống
  • Đau thần kinh tọa, gây ra bởi sự chèn ép lên thần kinh ngồi (thần kinh tọa) đi từ vùng mông xuống đến mặt sau của chân. Người bệnh có thể có cảm giác đau lưng dưới kiểu nóng rát hoặc như điện giật kết hợp với đau vùng mông và xuống một bên chân.
  • Hẹp ống sống, hẹp khoang chứa tủy sống bên trong cột sống làm chèn ép vào tủy sống và các rễ thần kinh gây đau
  • Xẹp hoặc thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra khi các đĩa đệm gian đốt sống bị đè nén quá mức và trồi ra ngoài vị trí bình thường
  • Chèn ép thần kinh do thoái hóa cột sống xảy ra khi đốt sống trượt khỏi vị trí bình thường trong cột sống
  • Các nhiễm trùng như viêm tủy xương đốt sống, viêm đĩa đệm, viêm khớp cùng chậu
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa, xảy ra khi đĩa đệm trồi vào ống sống và chèn ép vào chùm rễ thần kinh thắt lưng và cùng. Các tổn thương thần kinh không hồi phục có thể xảy ra nếu hội chứng này không được chữa trị.
  • Loãng xương, giảm dần mật độ xương và sức mạnh của xương dẫn tới gãy đốt sống

Các nguyên nhân không liên quan tủy sống

  • Sỏi niệu có thể gây cơn đau dữ dội ở lưng dưới, nhưng thường ở một bên
  • Lạc nội mạc tử cung (sự hiện diện của mô niêm mạc tử cung ở một vị trí bên ngoài tử cung)
  • Đau cơ xơ hóa (một hội chứng đau mạn tính liên quan đau cơ lan tỏa và mệt mỏi)
  • Khối u chèn ép hoặc phá hủy xương sống hoặc tủy sống và thần kinh hoặc một vị trí khác ở lưng
  • Mang thai (triệu chứng đau lưng hầu như luôn khỏi hẳn sau sanh)

Chẩn đoán nguyên nhân gây đau lưng dưới như thế nào?

Bác sĩ sẽ cần khai thác kỹ bệnh sử và tiền sử y khoa của bạn, sau đó thăm khám toàn diện để có thể đưa ra chẩn đoán. Khám lâm sàng sẽ giúp xác định cơn đau có ảnh hưởng đến biên độ vận động không.

Bác sĩ cũng có thể kiểm tra các phản xạ và các đáp ứng về cảm giác. Điều này giúp xác định cơn đau lưng có liên quan đến tổn thương thần kinh không.

Một số triệu chứng nếu hiện diện có thể cần phải làm thêm các cận lâm sàng, như là:

  • Triệu chứng đường tiêu hóa không kiểm soát được
  • Yếu cơ
  • Sốt
  • Sụt cân

Tương tự như vậy, nếu cơn đau thắt lưng của bạn vẫn tiếp tục sau khi điều trị tại nhà, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này ngoài đau thắt lưng.

đau lưng dưới gần mông
Chẩn đoán đau lưng dưới gần mông

Các công cụ hình ảnh học như X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cần thiết để kiểm tra về:

  • Bệnh lý xương
  • Bệnh lý về đĩa đệm
  • Chấn thương dây chằng, gân, cơ ở vùng lưng

Nếu nghi ngờ sức khỏe của xương ở vùng lưng bị ảnh hưởng, bác sĩ có thể yêu cầu đo mật độ xương. Điện cơ hoặc xét nghiệm dẫn truyền thần kinh có thể làm nếu nghi ngờ tổn thương thần kinh.

Bác sĩ điều trị đau lưng dưới gần mông TPHCM

  • Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Ngọc Bình – Q. Bình Thạnh
  • Bác sĩ Y học cổ truyền Phan Thanh Tú – Q.1

Điều trị đau lưng dưới gần mông như thế nào?

Đau lưng dưới cấp tính

Đau lưng dưới cấp tính thường tự cải thiện. Các trường hợp này thường được chữa trị với:

  • Thuốc giảm đau, giảm viêm: 
    • Thuốc giảm đau như acetaminophen, aspirin
    • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen; một số thuốc NSAIDs cần được kê đơn bởi bác sĩ
    • Thuốc giãn cơ: là các thuốc kê đơn, dùng để giảm trương lực cơ, thư giãn cơ trong thời gian ngắn
    • Giảm đau bề mặt: như gel, kem, miếng dán, thuốc xịt tác động lên vùng da có cảm giác đau. Các thuốc bề mặt thường gặp như capsaicin và lidocain.
  • Nhiệt và/hoặc đá: có thể giúp giảm đau, giảm viêm, cải thiện vận động. Dùng túi nước ấm hoặc túi đá chườm vào vị trí đau.
  • Kéo dãn cơ nhẹ nhàng: áp dụng các bài tập kéo dãn, thư giãn cơ theo lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu, không áp dụng các bài tập nặng.
đau lưng dưới gần mông
Dùng thuốc đau lưng dưới gần mông bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Đau lưng dưới mạn tính

Đau lưng mạn tính thường được điều trị với nhiều bước, chuyển từ phương pháp điều trị đơn giản chi phí thấp sang phương pháp tiếp cận tích cực hơn. Các phương pháp điều trị cụ thể có thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau lưng được xác định.

Bước 1. Những điều trị ban đầu

Một số thuốc như:

  • Giảm đau và NSAIDs
  • Thuốc opioid, cần được kê đơn và kiểm soát bởi bác sĩ, lưu ý thuốc này có thể gây nghiện và nhiều tác dụng phụ khác
  • Thuốc chống co giật, thường được dùng trong điều trị động kinh, nhưng cũng có thể giúp ích trong đau thần kinh tọa
  • Thuốc chống trầm cảm, như chống trầm cảm ba vòng, ức chế tái hấp thu norepinephrine hay serotonin (cũng được kê đơn bởi bác sĩ)

Tự chăm sóc bản thân

  • Chườm nóng, lạnh
  • Hoạt động sinh hoạt lại bình thường ngay khi cơn đau dịu đi, bất động hay nghỉ ngơi lâu ngày không được khuyến khích
  • Tập thể dục giúp tăng sức mạnh của thân người và các cơ bụng, cơ lưng, giúp nhanh hồi phục khỏi đau lưng dưới. Luôn tham vấn chuyên gia để tìm bài tập thích hợp cho mình.

Bước 2. Những kỹ thuật bổ sung hoặc thay thế

  • Châm cứu, có hiệu quả ở mức trung bình trong chữa trị đau lưng
  • Kích thích xung thần kinh qua da (TENS)
  • Vật lý trị liệu
  • Vận động cột sống
  • Kéo dãn cơ khớp bằng tạ

Bước 3. Những điều trị nâng cao

  • Phẫu thuật: có thể thích hợp trong một số trường hợp không cải thiện với những phương pháp nhẹ hơn, hoặc trong chấn thương nghiêm trọng, chèn ép thần kinh. Phương pháp phẫu thuật rất khác nhau tùy vào nguyên nhân gây đau, nhưng không phải phẫu thuật luôn luôn thành công trong giải quyết cơn đau. 
  • Cấy ghép máy kích thích thần kinh
  • Các chương trình phục hồi chức năng

Phòng ngừa đau lưng dưới gần mông

Đau lưng tái phát nhiều lần có thể do các cử động không đúng. Có thể ngăn ngừa điều này bằng cách tránh những vận động gây căng hoặc xoắn vẹo lưng, giữ đúng tư thế của thân người, và mang vác đồ vật vừa phải, đúng cách.

Sau đây là một số khuyến cáo để giữ cho lưng của bạn được khỏe mạnh:

  • Tập thể dục thường xuyên để giữ sức mạnh và sự dẻo dai của cơ. Tham vấn chuyên gia để tìm ra bài tập thích hợp với mình.
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh, ăn uống thực phẩm giàu can-xi, phốt-pho, vitamin D để giúp xương khỏe mạnh.
  • Đảm bảo bàn ghế làm việc có độ cao thích hợp với dáng người.
  • Thay đổi tư thế thường xuyên khi ngồi làm việc, và đi bộ quanh phòng làm việc sau mỗi khoảng thời gian làm việc để thư giãn cơ và cột sống thắt lưng. 
  • Hỗ trợ lưng bằng ghế tựa có đệm hoặc gối, đặt chân lên một cái ghế đẩu hoặc một chồng sách khi phải ngồi lâu.
  • Mang giày thoải mái, vừa vặn với cỡ chân.
  • Ngủ nghiêng sang một bên với tư thế bào thai (hai đầu gối áp sát ngực) có thể giúp các khớp cột sống được giảm áp lực. Ngủ trên một mặt phẳng êm ái, nhưng vừa phải.
  • Đừng cố nâng vác các vật quá nặng. Khi nâng, hãy khuỵu gối xuống, giảm áp lực lên cột sống, hãy dùng nhiều cơ bụng, giữ đầu chúi xuống và giữ thẳng lưng. Khi nâng cần đảm bảo vật ở gần cơ thể. Đừng uốn vẹo cơ thể khi đang mang vác vật nặng.
  • Bỏ hút thuốc. Vì hút thuốc làm giảm máu nuôi đến lưng và cột sống, có thể góp phần vào thoái hóa đĩa đệm. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ loãng xương, làm chậm sự lành vết thương. Ho nhiều do hút thuốc cũng có thể làm nặng thêm đau lưng.
đau lưng dưới gần mông
Mang giày vừa cỡ chân để tham gia thể thao nhằm tránh đau lưng dưới gần mông

Tổng kết

Đau lưng dưới gần mông còn được gọi là đau thắt lưng, đau lưng dưới. Nó gồm hai dạng chính là cấp tính và mạn tính. Đa số các nguyên nhân cấp tính là do chấn thương và thường cải thiện tốt với các biện pháp nghỉ ngơi và tự chăm sóc tại nhà. Những trường hợp đau lưng mạn tính có thể khó chữa trị hơn và cần một kế hoạch nhiều bước từ chuyên gia sức khỏe. 

Contact Me on Zalo