Viêm khớp vảy nến là một biến chứng của bệnh vảy nến. Nếu không điều trị viêm khớp vẩy nến kịp thời sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ cung cấp một vài giải pháp mà bác sĩ có thể lựa chọn để điều trị căn bệnh này hiệu quả.
Tóm tắt nội dung
Chẩn đoán viêm khớp vảy nến
Trước khi tiến hành điều trị viêm khớp vảy nến, các bác sĩ sẽ băt đầu bằng việc chẩn đoán các nguyên nhân có thể gây ra bệnh. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán còn giúp các bác sĩ loại bỏ các trường hợp không liên quan như viêm khớp dạng thấp hay bệnh gout.
Các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh bao gồm:
- Chụp X-quang: Phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ kiểm tra tình trạng viêm và tổn thương các khớp, xương do bệnh. Thường gặp là dấu hiệu bào mòn, hẹp khe khớp, dính khớp ở các khớp liên đốt ngón, không đối xứng. Tổn thương đặc hiệu là dấu hiệu phá hủy kiểu gọt nhọn đầu xa các xương đốt ngón. Tiêu xương nặng có thể làm cho khe khớp rộng ra và biến dạng khớp nặng. Có thể có viêm khớp cùng chậu một bên; cầu xương to, thô, không đối xứng ở cột sống.
- Chụp MRI: Phương chẩn đoán này đánh giá sớm các tổn thương viêm điểm bám gân và các tỏn thương quanh khớp, viêm khớp cùng chậu. Việc này sẽ giúp các bác sĩ kiểm tra các tổn thương khớp, gân, hoặc dây chằng giai đoạn sớm.
- Chụp CT và siêu âm: Phương pháp giúp các bác sĩ biết được mức độ nghiêm trọng của viêm khớp vảy nến và ảnh hưởng của bệnh đến các khớp như thế nào.
Bên cạnh đó, các xét nghiệm máu sẽ giúp các bác sĩ xác định được chính xác tình trạng viêm khớp vảy nến
- Xét nghiệm CRP (C-reactive protein): protein phản ứng CC là một glycoprotein do gan sản xuất chủ yếu, nhằm đáp ứng với tình trạng viêm trong cơ thể.
- Xét nghiệm tốc độ lắng của hồng cầu: Tốc độ lắng của hồng cầu phản ánh mức độ viêm trong cơ thể của người bệnh. Hồng cầu lắng càng nhanh, nghĩa là tình trạng viêm đang diễn tiến. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp này là không thể xác định tình trạng viêm do viêm khớp vảy nến hay là một nguyên nhân nào khác gây ra.
- Xét nghiệm RF (Rheunmatoid Factor): hay còn gọi là xét nghiệm yếu tố dạng thấp, đây là một loại protein được hình thành từ những phản ứng miễn dịch của cơ thể. Kháng thể này có thể tấn công và các tế bào của cơ thể do sự nhầm lẫn trong cơ chế bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm lấn của các tác nhân lạ. RF thường tăng vượt ngưỡng trong viêm khớp dạng thấp nhưng dưới ngưỡng với bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp vảy nến. Do đó, phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ phân biệt được người bệnh mắc viêm khớp vảy nến hay viêm khớp dạng thấp.
- Xét nghiệm dịch khớp: các bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ dịch trong khớp của người bệnh để làm xét nghiệm. Nếu trong dịch khớp có tinh thể axit uric thì người bệnh được chẩn đoán là mắc bệnh gout, thay vì bệnh viêm khớp vảy nến.
- Kiểm tra số lượng hồng cầu: Số lượng hồng cầu ở trong máu bị suy giảm thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên xét nghiệm này không dùng để chẩn đoán xác định bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến mà để theo dõi các biến chứng do bệnh gây ra.
Các phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến
Các phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến phụ thuộc vào tình trạng bệnh và cơ địa của bệnh nhân. Mục tiêu của việc điều trị là cải thiện các triệu chứng như tổn thương da hay viêm khớp do vảy nến gây ra.
Một số phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến là:
Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid trong điều trị viêm khớp vảy nến sẽ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng đau và sưng khớp. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định là ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve). Nếu 2 loại thuốc trên không có tác dụng, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc khác với tác dụng mạnh hơn.
Một số biến chứng có thể xảy ra nếu người bệnh sử dụng thuốc một cách tùy tiện là:
- Kích ứng dạ dày
- Xuất huyết dạ dày
- Các vấn đề về tim mạch
- Đột quỵ
- Tổn thương gan và thận
Thuốc chống thấp khớp (Disease-modifying antirheumatic drugs – DMARDs)
Thuốc chống thấp khớp cũng là một phương pháp mà bác sĩ thường dùng để điều trị viêm khớp vảy nến, đặc biệt những trường hợp trung bình và nặng. Chức năng của những loại thuốc này là làm chậm quá trình phá huỷ sụn và xương của viêm khớp vảy nến, do đó giảm tình trạng viêm nhiễm và giảm đau khớp.
Thuốc có thể được sử dụng bằng nhiều cách như uống tiêm hoặc truyền thẳng vào cơ thể.
Một số loại thuốc chống thấp khớp mà bác sĩ có thể chỉ định là:
- Methotrexate (MTX)
- Leflunomide (LEF)
- Sulfasalazine (SSZ)
Khi sử dụng một cách tùy tiện thì người bệnh có thể bị:
- Tổn thương gan
- Ức chế tủy xương
- Nhiễm trùng phổi, xơ phổi
Thuốc sinh học hoặc DMARD tổng hợp mới
Được chỉ định cho những bệnh nhân nặng hoặc khi không đáp ứng đầy đủ với các thuốc NSAID và/hoặc DMARD cổ điển (trong đó có MTX). Thuốc được phân loại theo từng chức năng:
- Ức chế yếu tố hoại tử khối u-alpha (Tumour necrosis factor α – TNF α)
- Adalimimab (Humira)
- Certolizumab (Cimzia)
- Golimumbab (Simponi)
- Etanercept (Enbrel)
- Infliximab (Remicade)
- Ức chế IL-12/23
- Ustekinumab (Stelara)
- Ức chế IL-17
- Secukinumab (Consentyx)
- Brodalumab (Siliq)
- Ixekizumab (Taltz)
- Ức chế IL-23
- Guselkumab (Tremfya)
- Tildrakizumab-asmn (Ilumya)
- Ức chế tế bào T
- Abatacept
Các loại thuốc này thường sẽ được tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân. Có thể dùng một thuốc sinh học đơn độc hoặc phối hợp một thuốc sinh học với MTX. Thuốc sẽ tạm thời làm giảm phản ứng miễn dịch của người bệnh nên có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Các tác dụng phụ khác bao gồm buồn nôn và tiêu chảy.
Thuốc tiêm Corticosteroid
Trong điều trị viêm khớp vảy nến, rất thận trọng khi sử dụng corticoid toàn thân vì hiệu quả khá hạn chế nhưng có thể làm nặng thêm tình trạng tổn thương da khi giảm liều hoặc ngưng thuốc. Bệnh nhân có thể sử dụng corticoid đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp bị tổn thương, tuỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Các tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng trong thời gian dài là tăng nguy cơ suy thượng thận, loãng xương do tăng tiêu xương và một số bệnh lý khác.
Thuốc ức chế miễn dịch
Một phương pháp khác để điều trị viêm khớp vảy nến mà các bác sĩ có thể lựa chọn là các loại thuốc ức chế miễn dịch nhằm làm giảm đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trong bệnh cảnh viêm khớp vảy nến.
Một số loại thuốc bác sĩ có thể sử dụng là:
- Azathioprine (Imuran)
- Cyclosporine (Gengraf)
Tác dụng phụ của thuốc là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hay tổn thương các cơ quan khác như gan, thận.
Điều trị tổn thương da
Các bác sĩ có thể chỉ định một số loại kem bôi, thuốc mỡ để điều trị tổn thương da ở bệnh nhân viêm khớp vảy nến. Một số thuốc mà bác sĩ có thể chỉ định là:
- Anthralin
- Calcitriol hoặc calcipotriene, là các dạng kem có chứa vitamin D-3
- Axit salicylic
- Kem có steroid
- Tazarotene, môt dạng kem có chứa của vitamin A
Cách phòng tránh viêm khớp vảy nến tái phát
Bên cạnh việc điều trị viêm khớp vảy nến, thay đổi lối sống và thói quen cũng giúp cho người bệnh cải thiện các triệu chứng của bệnh lý này như:
- Tập luyện thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng
- Ngưng sử dụng thuốc lá và rượu bia
- Các bài tập thiền, yoga có thể giúp người bệnh giảm căng thẳng
- Hoạt động đúng tư thế để bảo vệ các khớp
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng khác nhau
Một số bác sĩ khám và điều trị viêm khớp vảy nến
- Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Chí Lăng, hơn 30 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, TP.HCM
- Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Đình Triết, hơn 15 năm kinh nghiệm, Quận 5, TP.HCM
- BSCKII Nguyễn Tấn Toàn, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 5, TP.HCM
Kết luận
Việc điều trị viêm khớp vảy nến tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải điều chỉnh lại một số thói quen trong cuộc sống để ngăn chặn tình trạng bệnh tái diễn. Nếu cảm thấy điều gì bất thường, người bệnh cần gặp các bác sĩ Cơ – Xương – Khớp càng sớm càng tốt để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.
Everything You Need to Know About Psoriatic Arthritis – Healthline.com