Khi mới xuất hiện, gai cột sống thường không gây triệu chứng và người bệnh có thể không nhận ra. Dần dần, các gai xương tăng về kích thước, có thể chèn ép các cấu trúc giải phẫu xung quanh, như dây thần kinh, tuỷ sống,… gây ra cảm giác đau, tê, yếu liệt… dai dẳng cho người bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể đưa đến những biến chứng nặng nề như yếu liệt 1 phần cơ thể hoặc mất khả năng lao động. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc cùng Docosan tham khảo nội dung dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Cột sống có cấu tạo và chức năng gì?
Cột sống hình dung giống như một trục dọc, là nền tảng trụ cột cho cơ thể, bao gồm nhiều đốt sống xếp chồng lên nhau. Mỗi người thường có từ 33 đến 35 đốt sống, được phân bố theo thứ tự:
- 24 đốt sống rời, gồm: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực và 5 đốt sống thắt lưng.
- Xương cùng gồm 5 đốt sống dính nhau.
- Xương cụt gồm 4-6 đốt sống cằn cỗi dính nhau, là đoạn cuối của cột sống.
- Giữa các đốt sống là các tổ chức mô sụn, đĩa đệm và dây chằng để tăng khả năng vững chắc và linh hoạt cho cột sống trong các tư thế và cử động.
- Cột sống còn là khung bảo vệ cho tuỷ sống bên trong và các rễ thần kinh. Một chấn thương vùng cột sống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, khả năng cảm giác, vận động của một vùng nào đó trên cơ thể.
Gai cột sống là gì?
Gai cột sống là sự hình thành các gai xương (mấu xương), mọc thêm ra phía ngoài cột sống. Gai cột sống có thể gặp ở mọi vị trí trên cột sống, nhưng thường hình thành tại các khớp giữa các đốt sống, nơi cột sống chịu nhiều áp lực, như đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng.
Gai cột sống là một trong những biến chứng của bệnh thoái hoá cột sống, có thể có hoặc không gây ra triệu chứng cho người bệnh. Bệnh viêm khớp cũng là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh gai cột sống ở người lớn.
Nguyên nhân gây ra gai cột sống
Tổn thương khớp do bệnh thoái hoá cột sống là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra gai cột sống.
Khi xương khớp trên cơ thể nói chung, và cột sống nói riêng, có xu hướng thoái hoá dần theo thời gian, do tuổi tác và quá trình sử dụng khớp không đúng cách, các bao xơ, đĩa đệm giữa các đốt sống bị mất nước, giòn, nứt vỡ và xẹp dần, khiến các đầu xương chạm vào nhau, ma sát và bào mòn. Từ đó dẫn đến sự hư hại và thiếu hụt cấu trúc của cột sống, kèm theo tình trạng viêm mạn tính. Để củng cố, khắc phục tình trạng này, các gai xương được hình thành ngay chính tại vị trí đó, để nhằm gia cố sự vững chắc và giảm tải lực cho cột sống.
Vì vậy, về mặt bản chất, gai cột sống là cấu trúc giải phẫu để khắc phục những tổn thương sẵn có tại khớp cột sống, nhưng khi gai xương phát triển to dần, và chèn ép các cấu trúc giải phẫu xung quanh, gây triệu chứng bệnh gai cột sống, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng của gai cột sống
Đa phần bệnh gai cột sống không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào rõ ràng. Người bệnh thường chỉ nhận ra trong một lần thăm khám tổng quát, chụp X-Quang cột sống hoặc khi gai xương phát triển, chèn ép và gây triệu chứng, hay gặp là cảm giác đau và giảm khả năng vận động của khớp cột sống.
Các triệu chứng của gai cột sống có đặc điểm chung:
- Tiến triển chậm theo thời gian.
- Tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
- Triệu chứng đặc hiệu sẽ phụ thuộc vào vị trí mà gai xương hình thành, thường ở cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
Đối với gai cột sống cổ
- Đau, nhức mỏi vùng cổ âm ỉ, giảm khi nghỉ ngơi.
- Đau một hoặc cả hai bả vai.
- Đau, tê ran một hoặc cả hai cánh tay.
- Yếu 2 cánh tay.
- Nhức đầu, thường bắt nguồn từ một cơn đau âm ỉ ở phía sau, hoặc một bên cổ, di chuyển lên phía sau gáy.
Đối với gai cột sống thắt lưng
- Đau âm ỉ vùng lưng dưới khi đứng, hoặc khi đi, chạy.
- Đau, tê ran ở mông và mặt sau đùi.
- Yếu một hoặc cả hai chân.
- Giảm đau khi cúi người về phía trước hoặc uốn cong ở thắt lưng, ví dụ như động tác khom người chống gậy.
- Một số ít trường hợp, gai cột sống chèn ép đến ống sống, có thể gây tình trạng đi cầu, đi tiểu không tự chủ.
Làm sao để chẩn đoán gai cột sống?
Gai cột sống phát triển cùng với sự sự lão hoá của con người. Thực tế, các gai xương được xem là một phát hiện bình thường trên phim X-Quang hoặc MRI cột sống ở người lớn.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi thăm về triệu chứng và quá trình diễn tiến bệnh, đồng thời, khám các dấu hiệu gợi ý sự chèn ép, ảnh hưởng của gai cột sống lên hệ thần kinh, chi phối vận động và cảm giác của các vùng liên quan.
Bên cạnh đó, một số cận lâm sàng, đặc biệt là hình ảnh học, sẽ được thực hiện để đánh giá chính xác tổn thương tại cột sống của người bệnh, ví dụ như:
- X-Quang cột sống: Là xét nghiệm hình ảnh đơn giản, tiết kiệm để tầm soát, kiểm tra và phát hiện gai xương, cũng như mức độ chèn ép thần kinh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan): Giúp xác định vị trí, sự hình thành và phát triển của các gai xương, sự thay đổi cấu trúc khớp và đốt sống.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này sẽ giúp đánh giá tốt hơn các cấu trúc mô mềm, mô sụn ở cột sống, như đĩa đệm, dây chằng, thần kinh bị ảnh hưởng như thế nào từ sự phát triển của gai xương.
- Đo điện cơ (EMG): Đánh giá sự dẫn truyền thần kinh và đáp ứng tín hiệu của cơ, từ đó cho biết mức độ tổn thương của các dây thần kinh ở cột sống.
Từ các phương pháp trên, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị thích hợp.
Chữa gai cột sống như thế nào?
Gai cột sống là quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể người, vì thế, không thể ngăn cản tiến trình thời gian đó. Các phương pháp điều trị hiện nay không phải để đảo ngược lại quá trình ấy, mà chủ yếu tập trung vào giải quyết các triệu chứng khó chịu do gai cột sống gây nên, đồng thời cân nhắc phẫu thuật trong một số trường hợp gai cột sống quá to, gây chèn ép nặng nề.
Các phương pháp chữa gai cột sống
Vật lý trị liệu
- Bài tập thể dục, xoa bóp, kéo nắn, chiếu hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn nóng, paraphin, tập cơ dựng lưng,…
- Nghỉ ngơi, giữ ấm vùng cổ, tránh thay đổi tư thế cột sống cổ đột ngột.
Điều trị nội khoa
- Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc như paracetamol đơn trị hoặc kết hợp với codein, tramadol, hoặc opiat hoặc các dẫn xuất của opiat….
- Thuốc chống viêm không steroid: Có thể dùng đường uống hoặc bôi ngoài da. Ví dụ diclofenac, meloxicam, celecoxib…
- Thuốc giãn cơ: Ví dụ như Eperison, Tolperisone…
- Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Glucosamine sulfate, Piascledine…
- Tiêm corticoid tại chỗ
Với các biện pháp điều trị bằng thuốc kể trên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán chính xác bệnh và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ của thuốc hoặc uống quá liều gây độc đến cơ thể.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật sẽ được cân nhắc khi bệnh tiến triển nặng, gây hẹp ống sống, chèn ép dây thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống mà các biện pháp điều trị nội khoa không đem lại kết quả.
Cách phòng ngừa bệnh gai cột sống
Để phòng tránh bệnh gai cột sống, hay tổng quát hơn là phòng tránh bệnh lí thoát hoá cột sống, chúng ta cần sử dụng cột sống vừa phải và đúng cách, đồng thời bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Ví dụ như:
- Mang vác vật nặng đúng cách.
- Tránh thay đổi tư thế vị trí cột sống đột ngột.
- Giữ cột sống thẳng khi ngồi lâu, khi lái xe hoặc có thể mang đai lưng hỗ trợ.
- Luyện tập các môn thể dục thể thao phù hợp với sức khoẻ của bản thân, ví dụ như môn bơi lội hoặc yoga giúp tăng sức bền và sự linh hoạt khối cơ lưng.
- Dinh dưỡng phù hợp, đầy đủ, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều can-xi, hạn chế chất béo, chất đường.
- Kiểm soát cân nặng.
Kết luận
Gai cột sống nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa trị càng hiệu quả. Người lớn nên thường xuyên kiểm tra cột sống định kì để từ đó có thể phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Bone sprus – Mayo Clinic
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp (Ban hành kèm theo Quyết định số 316/QĐ-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
- Bone spurs (Osteophytes) and Back Pain – Spine-health
- Lumbar Osteophytes (Bone Spurs) Video – Spine-health