Giãn dây chằng chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách sơ cứu

Tình trạng giãn dây chằng chân rất thường gặp ở các vận động viên thể thao, đặc biệt là những môn thể thao yêu cầu sự vận động cường độ cao của thân dưới. Vậy giãn dây chằng chân trái và giãn dây chằng chân phải có gì khác nhau? Cách chữa giãn dây chằng chân là gì? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về giãn dây chằng chân

Giãn dây chằng chân
Tổng quan về giãn dây chằng chân

Bong gân là một cách gọi dân gian phổ biến cho tình trạng chấn thương ở chân thường gặp nhất trong cuộc sống, sinh hoạt, vận động, đó là giãn dây chằng chân. Đây là tình trạng dây chằng dưới tác động của những yếu tố ngoại cảnh, bị căng giãn quá mức, thường là bị tác động 1 cách đột ngột, khiến các khớp ở chân di lệch ra khỏi phạm vi cử động bình thường. Giãn dây chằng chân này thường xảy ra ở khớp gối, mắt cá chân (mặt ngoài).

Mọi người thường hay nhầm lẫn giãn dây chằng với căng cơ. Căng cơ là tình trạng các bó cơ bị căng giãn quá mức bình thường do sự chịu tải nhiều và đột ngột, vượt ngưỡng sức chịu đựng bình thường của cơ.

Ở những tình huống hiếm gặp khác, có thể bị nhầm lẫn gãy xương với giãn dây chằng chân mức độ nghiêm trọng vì chúng có triệu chứng gần giống nhau (như gãy xương mác và bong gân cổ chân), chỉ có thể phân biệt bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. 

Trẻ nhỏ rất ít khi bị giãn dây chằng chân hơn người trưởng thành vì hệ thống dây chằng của trẻ còn dẻo dai, mềm hơn, và các sụn đầu xương còn tính đàn hồi nên dây chằng của trẻ dẻo dai hơn người bình thường.

Các mức độ của giãn dây chằng chân

Tùy theo cơ chế gây tổn thương mà giãn dây chằng chân được phân thành 3 mức độ, bao gồm:

Độ 1 – mức độ nhẹ

Dây chằng chân tuy bị giãn nhưng vẫn giữ được trạng thái nguyên vẹn. Ở thời điểm chấn thương, bệnh nhân có thể nghe 1 tiếng “bóc” khá nhỏ, nhưng chung quy thì tổn thương dây chằng rất ít, có thể kèm đau nhức và viêm sưng nhẹ. Có thể có hoặc không chảy máu bên trong khớp.

Độ 2 – mức độ trung bình

Lúc này, dây chằng đã bị rách một phần, sưng và đau nghiêm trọng hơn và có tình trạng chảy máu ít hoặc nhiều. Bệnh nhân bị hạn chế cử động hoặc thậm chí không thể cử động vùng khớp bị giãn dây chằng do cảm giác đau rất nặng nề.

Độ 3 – mức độ nặng

Vết rách của dây chằng tương đối lớn dẫn kèm theo cảm giác đau dữ dội, máu trong khớp chảy nhiều kèm sưng nề mô quanh khớp. Bệnh nhân không có khả năng đứng được bằng chân bị giãn dây chằng, nghiêm trọng nhất có thể xảy ra là trật khớp hoàn toàn.

Giãn dây chằng chân
Giãn dây chằng chân mức độ nặng có tổn thương đứt dây chằng

Triệu chứng giãn dây chằng chân

  • Ngay tại thời điểm chấn thương, bệnh nhân có thể nghe tiếng “bóc” hoặc có cảm giác trật khớp nhẹ,
  • Vùng khớp giãn dây chằng bị đau, mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo cơ chế chấn thương.
  • Viêm sưng mô mềm quanh khớp bị giãn dây chằng.
  • Máu bầm bên trong khớp, thấm ra mô dưới da  
  • Khớp bị giãn dây chằng không thể cử động hoặc hạn chế cử động do đau
  • Mất ổn định, lỏng lẻo khớp, nhất là các khớp chuyên chịu tải trọng cả cơ thể như khớp gối hoặc cổ bàn chân

Nguyên nhân giãn dây chằng chân

Những chấn thương gián tiếp hay trực tiếp trong cuộc sống hàng ngày là nguyên nhân chủ yếu gây giãn dây chằng chân:

  • Té ngã: Đi bộ, chạy bộ hoặc tập thể thao trên bề mặt không được bằng phẳng, hoặc tiếp đất đột ngột từ trên cao có thể dẫn đến giãn dây chằng khớp đầu gối, cố chân.
  • Thể thao: Các cử động xoay gập người đột ngột, mạnh trong các môn thể thao đòi hỏi tốc độ và sức bền như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… ảnh hưởng nhiều đến dây chằng đầu gối; hoặc các tình huống tranh chấp cũng có thể gây giãn dây chằng cổ chân – bong gân mức độ từ nhẹ đến nặng.
  • Tai nạn lao động: Người lao động chân tay phải khuân vác đồ vật nặng, tư thế không đúng dễ tạo áp lực lên dây chằng, nhất là những người mang vác quá sức chịu đựng của bản thân.
  • Tai nạn giao thông: Những trường hợp không may mắn, bị xe máy hoặc ô tô va đập mạnh gây chấn thương dây chằng, thậm chí là đa chấn thương và đe dọa tính mạng.
  • Giày dép không phù hợp: Việc sử dụng giày dép và các trang phụ thể thao không phù hợp kích thước cơ thể hoặc không đảm bảo an toàn cũng góp phần khiến bệnh tăng nguy cơ bị té ngã.
  • Tiền sử giãn dây chằng: người bệnh từng bị giãn dây chằng chân rất dễ tái phát chấn thương tương tự trong tương lai, với cơ chế tương tự với chấn thương trước đó.
  • Thể trạng sức khỏe: Người bị thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ bị giãn dây chằng chân cao hơn so với người khác vì hệ thống dây chằng phải chịu tải trọng nhiều hơn.
Giãn dây chằng chân
Chấn thương thể thao là 1 trong những Nguyên nhân giãn dây chằng chân

Các tổn thương giãn dây chằng chân thường gặp

Khớp gối

  • Giãn dây chằng chéo trước 
  • Giãn dây chằng chéo sau
  • Giãn dây chằng giữa gối
  • Giãn dây chằng bên gối

Khớp cổ chân 

  • Giãn dây chằng mắt cá chân
  • Trật khớp mắt cá chân

Phương pháp chẩn đoán giãn dây chằng chân

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử về cơ chế chấn thương, khám tổng quát xương khớp bằng các nghiệm pháp, sờ nắn để đánh giá tình trạng chấn thương giãn dây chằng, vị trí tổn thương, kiểm tra độ viêm sưng của mô mềm xung quanh, phạm vi cử động và độ ổn định của khớp bị chấn thương…

Tiếp theo, bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình/ y học thể thao tiến hành chỉ định chụp X-quang khu vực khớp chấn thương để phân biệt với các tình trạng gãy xương cùng khu vực.

Các phương pháp xét hình ảnh học chuyên sâu sẽ được chỉ định tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân như siêu âm khớp, chụp CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI nhằm đánh giá thêm tổn thương mô mềm, thần kinh lân cận.

Biến chứng của giãn dây chằng chân

Giãn dây chằng chân nếu không được điều trị kịp thời, lâu ngày có thể diễn tiến thành các tình trạng nghiêm trọng như sau:

  • Đau khớp mạn tính khi cử động
  • Nguy cơ tái phát chấn thương giãn dây chằng ở vị trí cũ hoặc các khớp khác
  • Cứng khớp, biên độ vận động bị hạn chế
  • Thoái hóa khớp tiến triển

Sơ cứu khi giãn dây chằng chân

Các biện pháp sơ cứu trong giai đoạn sớm đóng vai trò rất quan trọng, giúp cho dây chằng sớm hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng về sau. Các bác sĩ và chuyên gia về cơ xương khớp khuyến khích bệnh nhân áp dụng liệu pháp RICE:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Hạn chế hoặc bất động khớp bị chấn thương giãn dây chằng chân tối thiểu 48 đến 72 giờ nhằm mục tiêu giảm đau và rút ngắn quá trình hồi phục.
  • Chườm lạnh (Ice): Dùng túi nước đá hoặc ngâm khớp bị giãn dây chằng vào nước đá trong vòng khoảng 20 phút/lần để giảm viêm sưng, phù nề, giảm đau.
  • Băng ép (Compression): Dùng vải sạch, gạc thun băng nén lên vùng khớp bị giãn dây chằng để hạn chế xô lệch khớp, hạn chế chảy máu và giảm đau. Lưu ý không ép quá chặt có thể gây thiếu máu nuôi ở vùng hạ lưu của khớp đó.
  • Kê cao (Elevation): Đặt khớp bị chấn thương ở vị trí cao hơn so với tim để giảm tình trạng tích tụ máu, giảm bầm tím, sưng tấy, viêm.
Giãn dây chằng chân
Chườm lạnh là một phương pháp sơ cứu Giãn dây chằng chân rất hiệu quả

Nếu bệnh nhân không đáp ứng với những biện pháp sơ cứu ban đầu, cường độ cơn đau không giảm hoặc tăng dần, xuất hiện triệu chứng mới như sốt, ớn lạnh,… thì cần cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Giãn dây chằng chân: nguyên nhân, triệu chứng và cách sơ cứu tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.comwebmd.com

Contact Me on Zalo