Giãn dây chằng lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Giãn dây chằng lưng là một bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở độ tuổi trung niên, người thường xuyên lao động nặng nhọc. Bệnh được biểu hiện bằng những cơn đau ở lưng xảy ra khi vận động nặng nhọc hoặc khi thay đổi tư thế. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu những đặc điểm của bệnh lý này, các phương pháp điều trị và liệu bệnh có khỏi hoàn toàn không nhé!

Giãn dây chằng lưng là gì?

Phần lớn các cơn đau ở lưng xảy ra đến từ phần lưng dưới (lower back), trong đó giãn dây chằng lưng là một bệnh lý thường gặp trong nhóm các nguyên nhân gây ra cơn đau tại vị trí này. Giãn dây chằng lưng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, làm giảm khả năng vận động, nếu không điều trị đúng cách có thể gây liệt.

Dây chằng ở lưng là hệ thống mô liên kết được cấu tạo từ các sợi collagen, đặc tính của chúng là dẻo dai, chức năng là liên kết các xương và bao bọc quanh khớp.  Các dây chằng ở vùng lưng có thể kể đến: nhóm các dây chằng cột sống như dây chằng dọc trước, dọc sau, dây chằng vàng, dây chằng liên gai và nhóm các dây chằng của nhóm cơ vùng lưng.

giãn dây chằng lưng
Giãn dây chằng lưng là tình trạng các sợi dây chằng bị kéo giãn quá mức hoặc tổn thương quá mức do áp lực

Giãn dây chằng lưng là tình trạng các sợi dây chằng bị kéo giãn quá mức hoặc tổn thương quá mức do áp lực tác động lên đột ngột hoặc dai dẳng nhiều ngày khiến chúng bị tổn thương. Tổn thương giãn dây chằng được xếp vào nhóm chấn thương (injuries). 

Nguyên nhân dẫn đến giãn dây chằng lưng

  • Tai nạn, chấn thương trực tiếp, va đập mạnh lên vùng lưng làm tổn thương đến hệ thống cơ xương khớp đặc biệt là dây chằng ở vùng lưng.
  • Khởi động sai tư thế, thi đấu quá sức là những nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng tổn thương dây chằng mà bản thân có thể khắc phục. 
  • Làm việc nặng nhọc, gây sức ép lâu dài lên vùng lưng cũng khiến hệ thống dây chằng bị giãn ra từng ngày, lâu ngày sẽ gây ra triệu chứng. 
  • Đặc biệt là làm việc sai tư thế – mối tai họa tiềm tàng trong thời buổi thế giới ngày càng phát triển. Các công việc văn phòng ngày càng thu hút nhiều nhân lực, nhưng chính việc ngồi nhiều nhưng sai tư thế khiến độ tuổi mắc phải giãn dây chằng lưng ngày càng trẻ hóa. Đây là một tín hiệu đáng báo động. 
  • Lão hóa cũng như hệ thống các dây chằng khác của cơ thể, khi bước vào giai đoạn lão hóa, hệ thống collagen cũng suy giảm chức năng, dẫn đến hệ thống dây chằng dễ bị tổn thương và khi tổn thương thì rất khó hồi phục. 
  • Mang thai làm tăng áp lực do thai lớn theo từng ngày tuổi dồn về phần lưng lâu ngày dễ khiến thai phụ bị giãn dây chằng lưng
giãn dây chằng lưng
Lao động nặng nhọc rất dễ bị giãn dây chằng lưng

Triệu chứng thường gặp trong giãn dây chằng lưng

  • Triệu chứng điển hình của giãn dây chằng lưng là đau nhức. Cơn đau có thể tăng dần về mức độ, âm ỉ hoặc dữ dội. Cơn đau xảy ra sau khi lưng bị va đập hoặc cơn đau xuất hiện khi thay đổi tư thế hoặc sau khi làm việc một thời gian dài. Đau có thể lan xuống mông do ảnh hưởng của cột sống thắt lưng. 
  • Bên cạnh đau, giới hạn vận động cũng là triệu chứng thường gặp. Tổn thương khiến người bệnh khó thực hiện các động tác như cúi người, ngồi không thẳng lưng, động tác chậm nhẹ do sợ chạm đến vùng bị đau.
  • Vùng bị thương có thể có hiện tượng viêm: sưng nóng, có màu đỏ hoặc tím dần. 
  • Cứng khớp vào buổi sáng sau khi thức dậy, gặp khó khăn trong việc xoay trở phần lưng. Cơn đau âm ỉ khiến bệnh nhân phải ngồi nghỉ và nhờ người xoa bóp trong một khoảng thời gian mới thuyên giảm dần. 
  • Khi thời tiết thay đổi các cơn đau diễn ra thường xuyên hơn và rõ ràng hơn. Đặc biệt là khi trời trở lạnh.
giãn dây chằng lưng
Giãn dây chằng lưng thường khởi phát cơn đau vào buổi sáng sớm

Làm gì khi có triệu chứng giãn dây chằng lưng?

Khi cơ thể gặp các triệu chứng giống như trên hoặc nghi ngờ bản thân mắc phải giãn dây chằng lưng bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiến hành thăm khám một cách toàn diện.

Việc đến khám sớm sẽ giúp bác sĩ điều trị đưa ra chẩn đoán kịp thời, đề ra các phương án điều trị thích hợp, đồng thời sẽ giúp tổn thương phục hồi dễ dàng, giảm thiểu các nguy cơ xảy ra biến chứng như đứt dây chằng lưng, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, thậm chí là liệt. 

giãn dây chằng lưng
Chủ động khám với bác sĩ khi nghi ngờ bản thân bị giãn dây chằng lưng

Các bác sĩ giỏi điều trị giãn dây chằng lưng

  • Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Chí Lăng – Bệnh viện Quốc tế City
  • Thạc sĩ bác sĩ Dương Đình Triết – Phòng khám tư nhân Bonedoc
  • BSCKII Nguyễn Tấn Toàn – Phòng khám Chấn thương Chỉnh hình

Các phương pháp điều trị giãn dây chằng thắt lưng

cach-chua-gian-day-chang-lung
Chườm lạnh giảm đau do giãn dây chằng lưng
  • Nghỉ ngơi, tránh tác động lực mạnh lên vùng lưng, điều này sẽ hạn chế các cơn đau xảy ra. 
  • Chườm lạnh: nhiệt độ thấp sẽ ngăn lưu lượng máu đổ về vị trí tổn thương quá nhiều, giúp giảm phản ứng viêm và giảm sưng nề vùng tổn thương. Bạn nên chườm đá trong vòng 20 phút 4-8 lần mỗi ngày đến khi vết thương hết viêm, sưng. 
  • Nẹp cố định vết thương, tùy vào mức độ tổn thương mà BS điều trị sẽ đề xuất phương pháp nẹp phù hợp.
  • Chỉnh sửa dáng đi, dáng ngồi nếu tư thế sai
  • Sử dụng thuốc giảm đau, xịt giảm đau nếu cơn đau dữ dội, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống dưới sự hướng dẫn của BS điều trị. 
  • Không nên sử dụng các loại cao dán không có được kiểm định bởi các cơ. quan chức năng.
  • Thực hiện các biện pháp trị liệu vật lý giúp vết thương hồi phục nhanh hơn.
  • Thực hiện các bài tập yoga, massage để giúp cơ thể khỏe khoắn, dẻo dai hơn.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp: bổ sung omega 3 (có nhiều trong cá hồi, bơ, các loại hạt,…), bổ sung đầy đủ vitamin và các khoáng chất cần thiết có trong các loại rau củ quả.
  • Phẫu thuật khi có chỉ định. 

Kết luận

Giãn dây chằng ở lưng không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm hay cấp tính đe dọa tính mạng. Tuy nhiên việc phát hiện và điều trị kịp thời giãn dây chằng lưng sẽ giúp bạn cải thiện được chất lượng cuộc sống, giảm thiểu các biến chứng như đứt dây chằng, thoái hóa khớp, tổn thương cột sống và liệt người. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

[1]. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp (2014), QĐ số 3109/QĐ-BYT, tr. 210-217.

[2]. Moustafa El Sayed; Avery L. Callahan, Mechanical Back Strain (2021)