Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là một giải pháp hiệu quả để giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình hồi phục sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo kết quả điều trị lâu dài. Bài viết này của Docosan sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về quá trình hồi phục sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, từ việc nhận biết các biến chứng có thể xảy ra đến việc xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.
Tóm tắt nội dung
- 1 Biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
- 2 Tầm quan trọng của việc phục hồi sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
- 3 Bài tập sau khi mổ thoát vị đĩa đệm
- 4 Cần làm gì để phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật?
- 5 Chế độ dinh dưỡng giúp phục hồi sau phẫu thuật
- 6 Cách chăm sóc người vừa mổ thoát vị đĩa đệm
Biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
- Nhiễm trùng tại vị trí mổ: Nhiễm trùng sau mổ thoát vị đĩa đệm là biến chứng phổ biến sau phẫu thuật, phụ thuộc vào quy trình phẫu thuật và khả năng hồi phục của bệnh nhân. Nhiễm trùng thường xảy ra do vết mổ chảy máu nhiều và có thể điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên những nhiễm trùng sâu dưới da thường khó kiểm soát và dễ gây biến chứng nặng, có thể cần phẫu thuật lại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
- Tái phát thoát vị đĩa đệm và tình trạng nặng hơn: Khoảng 15% bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm có nguy cơ tái phát. Phương pháp phẫu thuật chỉ loại bỏ lớp nhân nhầy tràn ra, nên tình trạng có thể tái phát hoặc tiếp tục tràn dịch sau một thời gian.
- Có nguy cơ xuất hiện thoái hóa cột sống: Các ca mổ thoát vị đĩa đệm ghi nhận rằng người từng mắc có nguy cơ thoái hóa cột sống cao hơn so với bình thường. Mặc dù thoái hóa cột sống thường liên quan đến tuổi tác, nhưng đĩa đệm từng tổn thương có thể ảnh hưởng đến các vùng lân cận. Biến chứng sau mổ có thể xảy ra nếu tổn thương lan rộng đến cột sống, khiến cấu trúc xương trở nên nhạy cảm và suy yếu dần theo thời gian.
Tầm quan trọng của việc phục hồi sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Sau phẫu thuật, người bệnh cần thời gian để phục hồi bằng cách nghỉ ngơi đúng cách, tập luyện phù hợp, kết hợp thực đơn ăn uống lành mạnh. Những việc này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật như:
- Phục hồi chức năng của đĩa đệm, giảm áp lực lên dây thần kinh và tủy sống.
- Giảm đau, ngăn nguy cơ nhiễm trùng.
- Hạn chế tái phát và các biến chứng sau mổ.
- Củng cố sức khỏe cột sống sau tổn thương kéo dài.
- Giúp bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
Bài tập sau khi mổ thoát vị đĩa đệm
Sau mổ thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần nghỉ ngơi trong tuần đầu tiên. Từ tuần thứ hai, bệnh nhân có thể bắt đầu tập đi lại nhẹ nhàng. Sau đó, các bài tập khác sẽ được tư vấn và chọn lựa bởi bác sĩ để đảm bảo phù hợp với tình trạng phục hồi.
Theo chuyên gia, thời điểm lý tưởng để bắt đầu luyện tập đầy đủ là khoảng 3 tháng sau phẫu thuật. Tập luyện quá sớm có thể gây áp lực cho cơ xương khớp vốn vẫn đang trong quá trình hồi phục.
Dưới đây là một số bài tập bạn có thể tham khảo:
Bài tập co chân:
Đây là một bài tập tương tự yoga, giúp thư giãn và tác động tích cực đến cơ xương khớp. Để thực hiện, bạn cần chuẩn bị một mặt phẳng thoải mái như thảm hoặc đệm. Sau đó bạn thực hiện theo các bước sau:
- Nằm thẳng trên sàn hoặc đệm, thả lỏng cơ thể với tay và chân duỗi thẳng.
- Từ từ co cẳng chân, đưa đầu gối tiến về phía bụng.
- Chụm hai đầu gối lại, dùng tay kéo nhẹ nhàng về phía ngực. Chỉ kéo đến mức bạn vẫn cảm thấy thoải mái, không nên cố kéo quá sát để tránh chấn thương.
- Giữ tư thế này trong 10 giây, sau đó thả tay và đưa chân trở về vị trí ban đầu.
Lưu ý:
- Động tác co chân nên thực hiện từ 10-15 lần với nhịp độ chậm rãi và đều đặn. Người mới bắt đầu chỉ cần tập theo sức chịu đựng của cơ thể, không nhất thiết phải đạt đủ 10 lần ngay từ đầu.
- Nếu cảm thấy mệt, bạn có thể nghỉ ngơi trước khi tiếp tục. Bài tập này giúp kéo giãn cơ vùng lưng, hông, xương cột sống và chân một cách hiệu quả.
Bài tập rắn hổ mang:
Đây là bài tập hiệu quả cho các cơ lưng, với nhiều biến thể từ đơn giản đến nâng cao, phù hợp cho người sau phẫu thuật nhằm giảm nguy cơ tái phát thoát vị đĩa đệm. Cách thực hiện như sau:
- Tư thế chuẩn bị: Nằm sấp, hai tay đặt dưới vai.
- Nâng người: Dùng khuỷu tay nâng phần trên cơ thể lên, giữ hông tiếp xúc với sàn.
- Giữ tư thế: Duy trì tư thế nâng trong 5 giây, sau đó hạ từ từ về tư thế nằm sấp.
- Lặp lại: Thực hiện động tác 10 lần.
- Tăng cường độ: Khi quen, bạn có thể giữ tư thế nâng trong 20 giây để tăng hiệu quả.
Bài tập nằm ngửa đạp xe:
Để thực hiện bài tập này, bạn nên chuẩn bị một tấm thảm để nằm. Đây là động tác khó hơn và cần vận động cả cơ cổ, vì vậy hãy khởi động nhẹ nhàng trước khi bắt đầu để cơ thể dễ dàng thích ứng. Các bước thực hiện như sau:
- Nằm thẳng trên sàn, đảm bảo cơ thể thư giãn nhất có thể.
- Hít thở đều đặn cho đến khi cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng.
- Đặt hai tay sau đầu, đồng thời nâng hai chân lên.
- Tiến hành co duỗi chân lần lượt, giống như đang đạp xe. Đảm bảo bắp đùi vuông góc với mặt đất và cẳng chân song song với mặt sàn.
- Tiếp tục luyện tập cho đến khi cảm thấy mỏi, sau đó nghỉ và tập lại khi cảm thấy sẵn sàng.
Cần làm gì để phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật?
Tránh ngồi quá nhiều
Sau phẫu thuật, bạn sẽ cảm thấy đau và lúc này, bác sĩ có thể chỉ định đeo nẹp. Mặc dù có thể sẽ muốn ngồi nghỉ ngơi, nhưng bạn không nên ngồi quá lâu trong vài tuần đầu sau phẫu thuật. Việc ngồi lâu trong xe ô tô cũng tạo áp lực lên lưng.
Trừ khi bạn đi khám bác sĩ, hãy tránh những chuyến đi dài bằng xe ít nhất một tuần sau phẫu thuật. Thay vì ngồi lâu, việc đứng lên và đi lại nhẹ nhàng sau phẫu thuật là rất quan trọng cho quá trình phục hồi.
Hãy thật kiên nhẫn
Sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, bạn có thể mất vài tuần trước khi quay lại với các hoạt động bình thường. Bạn có thể cảm thấy ít đau hơn ngay sau phẫu thuật.
Ngoài ra, nếu cảm thấy khó chịu, hãy dùng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, các triệu chứng khác như tê hoặc yếu cơ thường mất thời gian lâu hơn để cải thiện.
Tránh căng thẳng lưng
Sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, điều quan trọng là không làm tăng căng thẳng thêm cho lưng của bạn. Hãy tránh cúi người trong vòng hai đến bốn tuần sau phẫu thuật. Đồng thời, không xoay người và không nâng vật nặng hơn 2- 3 kg.
Ngoài ra, có những cách giúp giảm áp lực lên lưng trong suốt quá trình hồi phục.
- Bạn có thể đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối khi nằm nghiêng.
- Khi cúi xuống hoặc nâng vật, hãy dùng hông và chân thay vì dùng lưng.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bạn có thể không cảm thấy thèm ăn và điều này là bình thường. Tuy nhiên, việc uống đủ nước và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để giúp cơ thể hồi phục là rất quan trọng.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc giảm đau và ít vận động có thể gây tình trạng táo bón. Việc rặn khi đi vệ sinh có thể tạo áp lực lên lưng, dễ ảnh hưởng đến vết thương sau phẫu thuật.
Do đó, người bệnh nên uống đủ nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ để giúp ngăn ngừa tình trạng này. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn sử dụng thuốc làm mềm phân trong vài ngày đầu sau phẫu thuật.
Tuân thủ lịch tái khám
Việc đến đầy đủ các buổi tái khám sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là rất quan trọng. Trong vòng một đến hai tuần sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng lưng của bạn để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra tốt nhất.
Đồng thời, bác sĩ sẽ kiểm tra vết mổ để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác. Bạn có thể cần cắt chỉ nếu có chỉ khâu. Khi quá trình hồi phục tiến triển, bác sĩ cũng có thể đề xuất các bài tập lưng cụ thể phù hợp với bạn.
Đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo
Mọi ca phẫu thuật đều tiềm ẩn rủi ro, và phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tuy an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra vấn đề. Các biến chứng có thể bao gồm nhiễm trùng, tê, yếu cơ và chảy máu. Đừng phớt lờ những dấu hiệu như cơn đau tăng dần, sốt cao kèm ớn lạnh, chảy máu, sưng hoặc dịch tiết từ vết mổ.
Đồng thời, hãy chú ý đến tình trạng tê hoặc yếu ở chân. Đau ở bắp chân hoặc ngực cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng sau phẫu thuật. Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vài tuần đầu sau phẫu thuật. Hãy liên hệ bác sĩ ngay nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào kể trên.
Chế độ dinh dưỡng giúp phục hồi sau phẫu thuật
Cung cấp nhiều calo hơn cho cơ thể
Trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật, bạn sẽ cần nhiều calo hơn bình thường. Tuy nhiên, cơ thể bạn lúc này lại cảm thấy ít đói hơn do buồn nôn hoặc mệt mỏi sau phẫu thuật. Những mẹo sau có thể giúp bạn bổ sung đủ calo hằng ngày:
- Ăn ít một nhưng chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Duy trì ăn mỗi vài giờ, đừng chờ đến khi cảm thấy đói.
- Chia phần ăn nhỏ hơn nếu cảm thấy phần ăn lớn sẽ quá sức.
- Bổ sung thực phẩm chứa protein trong mỗi bữa ăn hoặc bữa phụ.
- Uống đủ nước và các loại đồ uống không đường khác. Hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng để biết lượng nước cần thiết hàng ngày.
- Thử sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như đồ uống, thanh dinh dưỡng hoặc sữa.
Chế độ ăn giàu chất đạm
Chất đạm (hay protein) là thành phần thiết yếu trong việc cấu tạo các tế bào của cơ thể. Chúng hỗ trợ tạo mô mới như cơ và xương, đồng thời giúp vết mổ mau lành hơn. Vì vậy, người bệnh sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hoặc cột sống nên bổ sung thực phẩm giàu protein vào chế độ ăn hàng ngày.
Một số thực phẩm giàu chất đạm:
- Thịt gà
- Thịt bò
- Trứng
- Cá
- Các loại hạt
- Đậu phụ
- Phô mai
- Sữa chua
- Sữa hoặc sữa đậu nành
Chia nhỏ bữa ăn và ăn thường xuyên hơn
Việc chia nhỏ bữa ăn đem lại các lợi ích sau:
- Cải thiện tiêu hóa: Ăn các bữa nhỏ và thường xuyên giúp hệ tiêu hóa xử lý thức ăn dễ dàng hơn, đồng thời tăng khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất.
- Tăng cường trao đổi chất: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày có thể hỗ trợ giảm cân bằng cách kích thích trao đổi chất và ngăn cơ thể rơi vào trạng thái “chế độ đói” – tình trạng cơ thể chậm trao đổi chất do các bữa ăn cách xa nhau. Khi quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn đồng nghĩa với việc sức khỏe và vết thương sau phẫu thuật hồi phục nhanh hơn.
Bổ sung chất xơ và nước
Sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, người bệnh thường cần sử dụng thuốc giảm đau, nhưng một số loại thuốc có thể gây táo bón. Vì vậy, việc bổ sung đủ nước và chất xơ là rất cần thiết.
Nước và chất xơ giúp thanh lọc cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả. Các thực phẩm giàu chất xơ gồm ngô, gạo lứt, súp lơ xanh, yến mạch nguyên hạt, các loại đậu và trái cây.
Bổ sung các vitamin cần thiết
Sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên bổ sung các vitamin C, D, E, K để tăng sức đề kháng, hỗ trợ kháng viêm và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Ngoài ra, bổ sung vitamin nhóm B từ thực phẩm tự nhiên và viên uống bổ sung cũng giúp giảm viêm và giảm đau hiệu quả.
Bạn có thể tham khảo qua sản phẩm bổ sung viatmin B, sản phẩm của Mega Lifesciences Public Company Limited, chứa các thành phần chính như vitamin nhóm B, nicotinamide, axit folic, choline bitartrate, biotin và inositol. Viên uống được sử dụng để điều trị thiếu vitamin B và hỗ trợ duy trì sức khỏe khi nhu cầu vitamin B tăng cao, như trong trường hợp căng thẳng hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật.
Mua sản phẩm chính hãng tại:
Cách chăm sóc người vừa mổ thoát vị đĩa đệm
- Trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân nên nằm trên giường, hạn chế vận động và tuyệt đối không xoay hoặc vặn cơ thể.
- Trong 2 ngày đầu, bệnh nhân nên thực hiện đại tiểu tiện tại chỗ và cần sự hỗ trợ từ người thân.
- Từ ngày thứ 3, bệnh nhân có thể đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng với sự trợ giúp của y tá hoặc người nhà.
- Trong 4 ngày đầu, bệnh nhân không nên đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế.
- Về chế độ dinh dưỡng, khi bệnh nhân đã “xì hơi”, là thời điểm có thể bắt đầu ăn uống. Tuy nhiên, nên ăn các món mềm, dễ tiêu như cháo thịt bằm, súp, canh xương hầm… và tránh thức ăn cứng hoặc nhiều dầu mỡ để tránh khó tiêu.
Việc hồi phục sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ đúng hướng dẫn. Hãy chăm sóc sức khỏe tốt nhất để trở lại cuộc sống năng động. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Docosan!
Xem thêm:
- Thoát vị đĩa đệm cổ – 6 thông tin quan trọng cần biết
- Thoái hóa khớp háng – Bệnh thường gặp ở người cao tuổi
- Vẹo cột sống là gì? – Top 10 thắc mắc thường gặp về căn bệnh này
Nguồn tham khảo:
1. The Risks and Complications of Disc Herniation Surgery
- Link tham khảo: https://www.osc-ortho.com/blog/the-risks-and-complications-of-disc-herniation-surgery/
- Ngày tham khảo: 11/12/2024
2. Herniated Disc Surgery Recovery: What to Expect
- Link tham khảo: https://www.neurosurgeonsofnewjersey.com/blog/herniated_disc_surgery_recovery_what_to_expect/
- Ngày tham khảo: 11/12/2024
3. Low Back Surgery Exercise Guide
- Link tham khảo: https://orthoinfo.aaos.org/en/recovery/low-back-surgery-exercise-guide/
- Ngày tham khảo: 11/12/2024