Trật khớp: Nguyên nhân, dấu hiệu, 10 cách điều trị hiệu quả

Trật khớp là một chấn thương dù nặng hay nhẹ cũng cần hỗ trợ y tế khẩn cấp. Những nguyên tắc sơ cứu tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nạn nhân sau này. Trong khi không phải ai cũng được huấn luyện kỹ năng sơ cứu. Docosan kính mời quý bạn đọc tham khảo bài viết này để biết hướng xử trí thích hợp khi bị trật khớp hay khi phát hiện một người khác biệt trật khớp.

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Trần Duy Viễn, chuyên khoa Nội Tổng hợp, hiện đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.

Trật khớp là gì?

Trật khớp xảy ra khi một xương trượt ra khỏi vị trí khớp bình thường của nó. Chẳng hạn, đầu xương cánh tay khớp vừa vặn với ổ chảo của xương bả vai. Khi đầu xương cánh tay trượt khỏi khớp này, trật khớp vai xảy ra. Hầu như khớp nào trong cơ thể cũng có thể bị trật, bao gồm cả khớp gối, khớp háng, khớp mắt cá chân, hay khớp vai.

trật khớp
Trật khớp xảy ra khi một xương trượt ra khỏi vị trí khớ

Vì trật khớp nghĩa là xương của ta không còn ở vị trí bình thường, chúng ta cần có thái độ xử trí như một trường hợp cấp cứu và lập tức tìm kiếm sự hỗ trợ y tế. Một trật khớp không chữa trị phù hợp có thể tổn thương dây chằng, bao khớp, cơ, thần kinh và mạch máu.

Khi bị trật khớp ta nên làm gì?

Sơ cứu tại chỗ

  • Giữ cho cơ thể nạn nhân ở tư thế chắc chắn và bảo đảm an toàn đối với xung quanh.
  • Nếu có vết thương da do gãy xương, hoặc nếu bạn nghi ngờ có gãy xương dưới da, hãy thực hiện băng bó nhẹ nhàng quanh chỗ gãy bằng gạc vô khuẩn để ngăn ngừa nhiễm trùng trước khi thực hiện bất động khớp. Không được rửa vết thương tùy ý hoặc thăm dò vết thương.
trật khớp
Bất động khớp là một bước quan trọng trong sơ cứu tại hiện trường để tránh những tổn thương nặng hơn
  • Sử dụng nẹp gỗ hoặc tấm ván cứng để cố định trật khớp ở vị trí mà bạn phát hiện. Đảm bảo bất động cả vùng trên và dưới chỗ khớp trật.
  • Kiểm tra tuần hoàn của vùng bị chấn thương bằng cách bắt mạch (ở tay bắt mạch cánh tay ngay nếp khuỷu, mạch quay ở phía ngoài cổ tay; ở chân bắt mạch khoeo ở sau đầu gối, mạch chày sau ở phía sau mắt cá trong, mạch mu chân ở giữa ngón chân cái và ngón chân số 2).
trật khớp
Kiểm tra tuần hoàn bằng cách bắt mạch ở chi bên dưới chỗ khớp trật
  • Chườm túi chứa nước đá lên vị trí chấn thương để giảm đau và giảm sưng phù.
  • Không được nắn chỉnh khớp trật về vị trí ban đầu vì hành động này có thể gây tổn thương khớp và tổ chức mô xung quanh bao gồm cơ, dây chằng, mạch máu và thần kinh. Nắn chỉnh khớp là nhiệm vụ của nhân viên y tế được huấn luyện chuyên nghiệp.
  • Để ngăn ngừa sốc xảy ra, cho nạn nhân nằm ngửa, nâng cao chân khoảng 30 cm (trừ khi chấn thương ở chân thì không thực hiện hành động này). Đắp lên người nạn nhân chăn mền. Không được di chuyển nạn nhân néu nghi ngờ chấn thương ở đầu, lưng hoặc chân.
  • Gọi ngay hỗ trợ y tế.

Những điều không được làm khi sơ cứu

  • KHÔNG di chuyển nạn nhân trừ khi vùng chấn thương được cố định hoàn toàn.
  • KHÔNG di chuyển nạn nhân nếu nghi ngờ có chấn thương cổ.
  • KHÔNG di chuyển nạn nhân có chấn thương khớp háng, xương chậu hoặc đùi trừ khi việc đó là rất cần thiết, ví dụ nơi nạn nhân đang nằm rất nguy hiểm. Nếu buộc phải di chuyển nạn nhân lập tức, hãy kéo nạn nhân gián tiếp qua quần áo của họ.
  • KHÔNG cố gắng nắn chỉnh khớp hay xương về vị trí ban đầu hay làm thay đổi vị trí của nó so với lúc mới phát hiện.
  • KHÔNG cho bất kỳ vật gì hay thức ăn, nước uống gì vào miệng.

Khi nào cần gọi cấp cứu ngay?

Hãy gọi ngay hỗ trợ y tế nếu:

  • Nạn nhân có gãy xương di lệch hoặc chảy máu nhiều.
  • Bạn không thể thực hiện sơ cứu cố định chấn thương một mình tại hiện trường.

Trật khớp được chữa trị như thế nào?

Phương pháp chữa trị trật khớp phụ thuộc vào vị trí và mức độ nặng của chấn thương. Có thể bao gồm một số phương thức sau:

Nắn chỉnh khớp

Bác sĩ sẽ cẩn thận thực hiện các thủ thuật nắn chỉnh để giúp xương và khớp trở lại giải phẫu bình thường. Tùy vào mức độ đau và sưng phù, nạn nhân có thể cần thêm thuốc gây tê tại chỗ hoặc thậm chí gây mê toàn thân trước khi được thực hiện nắn xương.

trật khớp
Nắn chỉnh khớp được thực hiện bởi bác sĩ có kỹ thuật và kinh nghiệm

Bất động khớp

Sau khi nắn chỉnh xương, bác sĩ sẽ cố định khớp bằng đai hay bó bột treo trong vài tuần. Thời gian phải mang đai hay bột treo phụ thuộc vào loại khớp bị chấn thương và mức độ tổn thương mô mềm, mạch máu và thần kinh.

Sử dụng thuốc

Sau khi nắn chỉnh, vùng chấn thương sẽ xuất hiện đau và phù nề. Điều này là một phản ứng bình thường nên không cần quá lo lắng. Bác sĩ có thể kê một số thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ.

Phẫu thuật

Nếu trật khớp có kèm theo tổn thương thần kinh và mạch máu hoặc nếu bác sĩ không thể nắn chỉnh khớp bằng những thủ thuật, phẫu thuật trị trật khớp sẽ cần thiết. Bên cạnh đó, những trật khớp tái hồi (lập lại nhiều lần) cũng là một tình trạng cần được cân nhắc để phẫu thuật giải quyết triệt để.

Vật lý trị liệu

Một khi đai hay bột treo được tháo bỏ, người bệnh có thể bắt đầu chương trình vật lý trị liệu để phục hồi chức năng của khớp, sức mạnh của cơ và tầm vận động của khớp. Phần lớn các trật khớp cần vài tháng để hồi phục hoàn toàn.

trật khớp
Vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị trật khớp

Hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà

Người bệnh có thể làm theo những hướng dẫn sau để làm dịu bớt cơn đau và thúc đẩy quá trình lành chấn thương:

Thư giãn khớp bị trật

Đừng lập lại những hoạt động gây thêm tổn thương cho khớp, và cố gắng tránh những động tác gây đau đớn.

Chườm đá và chườm ấm

Chườm túi nước đá lên vùng khớp chấn thương có thể hạn chế phản ứng viêm và kiểm soát đau. Dùng túi đá trong 15 đến 20 phút mỗi lần. Trong một hoặc hai ngày đầu, cố gắng chườm đá vài giờ một lần trong ngày. Sau hai đến ba ngày, khi cơn đau và phù nề đã giảm, chườm túi nước ấm sẽ giúp thư giãn những khối cơ bị căng cứng. Mỗi lần chườm ấm khoảng 20 phút.

trật khớp
Chườm đã cũng có tác dụng làm giảm triệu chứng trật khớp hiệu quả

Dùng thuốc giảm đau

Một số thuốc giảm đau không kê đơn có thể sử dụng tại nhà, như acetaminophen (paracetamol), aspirin, ibuprofen, naproxen. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và những thận trọng khi sử dụng các thuốc này.

Rèn luyện các cử động của khớp

Sau một hay hai ngày, bạn có thể làm một số bài tập tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu để cải thiện dần tầm vận động và sức cơ quanh khớp. Nếu không tập cử động dần, khớp có thể bị cứng sau một thời gian bất động.

Cách trị các loại trật khớp

  1. Trật khớp vai

Trật khớp vai là tình trạng đầu xương cánh tay bị trật khỏi ổ khớp vai. Đây là một chấn thương thường gặp ở các vận động viên, người chơi thể thao và người lớn tuổi. Trật khớp vai có thể gây ra đau đớn, sưng tấy và hạn chế vận động. 

Có một số cách để trị trật khớp vai, bao gồm: 

  • Gây tê: Bác sĩ có thể tiêm thuốc tê vào khớp vai để giảm đau và sưng. 
  • Nắn lại khớp: Bác sĩ sẽ sử dụng tay để nắn lại khớp vai về vị trí bình thường.
  • Băng bó: Bác sĩ có thể sử dụng băng bó để cố định khớp vai trong một thời gian ngắn. 
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có thể giúp tăng cường sức mạnh và khả năng vận động của khớp vai.

Trong một số trường hợp, cần phải phẫu thuật để điều trị trật khớp vai. Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp trật khớp vai tái phát hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn.

  1. Trật khớp cổ chân

Trật khớp cổ chân là tình trạng xương cổ chân bị sai lệch khỏi vị trí bình thường. Đây là một chấn thương thường gặp ở những người chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền. Trật khớp cổ chân có thể gây đau đớn, sưng tấy và hạn chế vận động.

Có một số cách để điều trị trật khớp cổ chân, bao gồm:

  • Chườm lạnh: Chườm đá lên cổ chân trong 20 phút mỗi lần, mỗi ngày 3-4 lần.
  • Băng bó: Bác sĩ có thể sử dụng băng bó để cố định cổ chân trong một thời gian ngắn.
  • Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc giảm đau theo toa.
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có thể giúp tăng cường sức mạnh và khả năng vận động của cổ chân.
  1. Trật khớp gối

Trật khớp gối là tình trạng xương chày và xương đùi bị lệch khỏi vị trí ban đầu, không còn gặp nhau ở khớp gối. Bệnh thường xảy ra do chấn thương hoặc vận động, cử động sai cách và có những dấu hiệu nhận biết khá rõ ràng. Nếu bạn bị trật khớp gối, điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được điều trị.

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bạn và có thể cần phải nắn lại khớp gối. Sau khi khớp gối được nắn lại, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau và thuốc chống viêm. Bạn cũng có thể cần phải mang nẹp hoặc bó bột để cố định khớp gối trong vài tuần.

Thời gian phục hồi sau khi trật khớp gối có thể từ vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

  1. Trật khớp cổ tay

Trật khớp cổ tay hay còn được gọi là sai khớp cổ tay là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương làm cho các mặt khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường.

Khi bị trật khớp cổ tay, người bệnh cần dừng lại mọi hoạt động. Dùng đá chườm lên chỗ bị trật khớp để giúp giảm đau cho người bệnh. Không tự ý nắn khớp bị trật về vị trí ban đầu nếu người sơ cứu không có chuyên môn y học. Giữ nguyên vết thương bằng cách sử dụng gạc hoặc vải để buộc lại.

Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được thăm khám và can thiệp đúng cách.

  1. Trật khớp háng

Trật khớp háng là một bệnh lý cấp cứu, do đó cần tiến hành nắn chỉnh và điều trị trong 6 – 12 giờ sau khi chấn thương để hạn chế gặp các biến chứng nguy hiểm về sau. 

Một số phương pháp được bác sĩ áp dụng để điều trị trật khớp háng là:

  • Phương pháp Allis
  • Phương pháp Bigelow
  • Phương pháp Watson- Jones cổ điển
  • Phương pháp trọng lực của Stimson
  • Phẫu thuật mổ khớp háng
  1. Trật khớp ngón tay

Điều tối kỵ khi bị trật khớp ngón tay đó là tự nắn ngón tay. Vì bạn không phải chuyên gia được đào tạo bài bản, chuyên sâu về cơ xương khớp nên hành động này có khả năng cao không đưa các đoạn xương về đúng vị trí mà ngược lại, nó còn khiến cho tình trạng chấn thương tồi tệ hơn.

Các phương pháp điều trị trật khớp ngón tay thường thấy gồm đeo nẹp và phẫu thuật.

  1. Trật khớp khuỷu tay

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của vùng khớp khuỷu tay mà bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp điều trị phù hợp với mục tiêu đưa khớp khuỷu về đúng vị trí và phục hồi chức năng khuỷu tay. Các biện pháp điều trị trật khớp tay bao gồm: nắn chỉnh lại khớp và phẫu thuật.

  1. Trật khớp cùng đòn

Trật khớp cùng đòn là tình trạng chấn thương vùng vai thường xảy ra do ngã đập vai xuống nền cứng hoặc chấn thương thể thao. 

Điều trị trật khớp cùng đòn vai được thực hiện theo hai phương pháp chính là phẫu thuật và điều trị bảo tồn.

  1. Trật khớp hàm

Khi bị trật khớp hàm, bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau:

– Trước hết, để giảm đau, giảm sưng, bạn nên chườm một túi đá (hoặc dùng khăn) vào vùng bị trật khớp hàm. Thời gian chườm là khoảng 20 phút, chườm từ 3 đến 4 lần trong một ngày cho đến khi hết đau và sưng. Hoặc có thể sử dụng thuốc giảm đau.

– Trong những tuần đầu bị trật khớp hàm, bạn chỉ nên ăn những loại thức ăn mềm và không nên mở miệng quá rộng. 

– Nếu cơn đau vẫn không thuyên giảm và tình trạng này tái phát nhiều lần, bạn nên nhờ đến các bác sĩ chuyên khoa. Nếu bị khó thở hay chảy máu, cần đến các cơ sở y tế để được kịp thời chăm sóc đúng cách.

  1.  Trật khớp cổ

Trật khớp cổ là hiện tượng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Dưới đây là các bước cần làm khi bị trật khớp cổ:

  • Bước 1: Hạn chế cử động. Giữ yên phần cổ và không được cố xoay đầu theo hướng ngược lại để đưa khớp cổ trở về vị trí ban đầu.
  • Bước 2: Cố định lại khớp cổ bị trật bằng cách dùng một miếng vải, dây chun, nẹp.
  • Bước 3: Chườm lạnh để giảm thiểu cơn đau và triệu chứng phù nề.
  • Bước 4: Đi đến bệnh viện. Bất kể cấp độ trật khớp ra sao, bạn cũng nên đi đến cơ sở y tế cần nhất để kiểm tra kỹ lưỡng nhằm tránh các biến chứng về sau.

Thời gian hồi phục của trật khớp

Mỗi loại trật khớp có thời gian lành chấn thương khác nhau. Hầu hết các trường hợp có thể phục hồi trong vài tuần. Một vài vị trí trật khớp, như khớp háng, có thể cần đến vài tháng hay vài năm và đôi khi cần đến những lần phẫu thuật bổ sung.

Nếu trật khớp được chữa trị đúng cách, hiếm khi khớp bị tổn thương vĩnh viễn. Tuy nhiên, một điều quan trọng cần nhớ là những chấn thương cũ sẽ làm tổ chức khớp yếu đi và nguy cơ tái phát một đợt tương tự trong tương lai sẽ tăng lên.

trật khớp
Thời gian hồi phục của trật khớp còn phụ thuộc vào việc dưỡng bệnh, chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt,…

Thời gian hồi phục cũng sẽ dài hơn nếu có tổn thương mạch máu hay thần kinh kèm theo. Nếu trật khớp nặng hoặc không điều trị kịp thời, các di chứng có thể xảy ra như đau liên hồi hoặc chết các tế bào ở đầu xương quanh khớp.

Tổng kết

Trật khớp là một chấn thương cấp cứu, cần được sơ cứu và chữa trị đúng cách. Sơ cứu tại hiện trường rất quan trọng, đặc biệt là cần bất động khớp, tránh tự ý nắn chỉnh xương và khớp. Phương pháp chữa trị trật khớp bao gồm nắn chỉnh khớp, thuốc giảm đau, phẫu thuật và vật lý trị liệu. Ngoài ra, một số biện pháp tự chăm sóc tại nhà có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về cách chữa trị trật khớp vai tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.