Nang xương phình mạch là gì? Có điều trị được không?

Nang xương phình mạch là bệnh lý hiếm gặp nhưng là xuất hiện nhiều ở người trẻ dưới 25 tuổi và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh gây nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Chình vì vậy, hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về nang xương phình mạch qua bài viết dưới đây nhé!

Nang xương phình mạch là gì?

Bệnh nang xương phình mạch (có tên khoa học là Aneurysmal bone cyst – ABCs) là u xương lành tính, một dạng của nhóm bệnh ung thư xương bị thoái hoá.

Đặc điểm chính của bệnh là các tổn thương lành tính, đơn độc, trong xương chứa nhiều máu hoặc huyết thanh và có xu hướng lan rộng, phát triển to dần tạo thành hố trong xương và được lấp đầy bởi máu, tế bào khổng lồ, các bè xương, nguyên bào sợi tăng sinh, khiến cho xương dần trở nên mỏng, yếu và cực kỳ dễ gãy, tuy nhiên bệnh phát triển chậm, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được biết rõ, chỉ chiếm ít hơn 1% trong tổng số các trường hợp u xương.

nang xương phình mạch
Nang xương phình mạch là gì? Có điều trị được không?

Nang xương phình mạch thường xuất hiện ở người trẻ dưới 25 tuổi, nhất là trẻ nhỏ (90% xảy ra trước tuổi 30) và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam.

Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí xương nào của cơ thể. Tuy nhiên, xương chậu, đầu gối, phần đầu xương dài (như xương chi trên, xương đùi, xương chày và xương mác), xương ức, và vùng xương tại cột sống là những vị trí hay gặp hơn cả.

70% trường hợp u nang xương phình mạch là tổn thương nguyên phát từ quá trình tân sinh mạch máu trong nang xương. 30% nang xương phình mạch còn lại phát triển thứ phát từ những u khác như u tế bào khổng lồ, u nguyên bào sụn, u nguyên bào xương,…

Tổn thương có thể xuất hiện từ vài tuần cho đến vài năm trước khi được chẩn đoán và khi chẩn đoán thường là đã ở giai đoạn muộn. Ban đầu, bệnh chỉ là một khối u nhỏ, lành tính bao quanh xương. Nhưng lâu ngày không điều trị chúng sẽ phát triển, diễn biến xấu đi và có nguy cơ ảnh hưởng tới cột sống, liệt tứ chi.

Triệu chứng của nang xương phình mạch

Nang xương phình mạch làm hình thành vỏ xương mới xung quanh tổn thương phồng xương và thường to hơn xương ban đầu. Do đó, triệu chứng phổ biến và là dấu hiệu nhận biết đầu tiên là sự đau nhức và sưng tại các đầu xương gần nơi có u, đặc biệt nghiêm trọng ở giai đoạn phát bệnh từ 6 đến 12 tuần, và thường đi kèm các triệu chứng khác:

nang xương phình mạch
Nang xương phình mạch là gì? Có điều trị được không?
  • Không chỉ tại vị trí bị nang mà các khớp xung quanh cũng gặp phải tình trạng vận động, đi lại bị hạn chế.
  • Nhận biết được bằng mắt thường hiện tượng bị sưng, tấy đỏ tại vị trí bị nang.
  • Có hiện tượng cứng khớp.
  • Vùng da quanh xương bị nóng đỏ lên.
  • Có nguy cơ bị gãy xương, mỏng xương do nang xương lan rộng
  • Xương có dấu hiệu mất ổn định và tăng trưởng một cách bất thường.
  • Trường hợp nang phình mạch tại hộp sọ, bệnh nhân có thể kèm chứng đau đầu do bị tổn thương.
  • Nếu tổn thương xương cột sống có thể chèn ép tủy gây yếu liệt cơ hoặc chèn ép rễ thần kinh gây tê bì, mất cảm giác, mất chức năng vận động, tê liệt tứ chi
  • Trường hợp u nang xương phình mạch ở tuổi thiếu niên, nang ở đầu gần xương có thể làm tổn thương sụn tiếp hợp gây biến dạng chi và gây ra chênh lệch chiều dài chi sau này.
  • Các hình ảnh gợi ý nang xương phình mạch trên X quang:
    • Vùng tổn thương dạng nang, cong đều và không đối xứng (không đồng tâm), bao quanh bởi thành xương mỏng;
    • Các bè xương mỏng đi;
    • Hình thành nhiều nang khác nhau giữa các nang;
    • Phồng màng xương (hình ảnh bong bóng xà phòng);
    • Xâm lấn mô mềm;
    • Hình thành xương mới xung quanh.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ giúp đánh giá tính chất u, với đặc điểm sau:
    • Hình ảnh điển hình là mức dịch – dịch: Do tỷ trọng máu khác nhau tạo hiện tượng phân lớp
    • Khối u giảm tỷ trọng trên ảnh trọng T1, tăng tỷ trọng trên ảnh trọng T2, có vách phân tách các u nang với nhau
    • Tổn thương lan rộng ra và phù mô xung quanh
  • Sinh thiết mô u để làm giải phẫu bệnh là biện pháp chính xác nhất để chẩn đoán xác định nang xương phình mạch
    • Về đại thể, nang xương phình mạch là một khối mô xốp, chứa nhiều máu và được vỏ xương mỏng bao bọc.
    • Khi soi mô u dưới kính hiển vi sẽ thấy tế bào hồng cầu chứa hemosiderin có màu nâu nhạt ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
    • Các tế bào đó lấp đầy khoảng trống sẽ tạo thành các nang.
    • Thành của nang xương phình mạch biệt hóa bởi tế bào xương, nguyên bào sợi, canxi hóa và rải rác các tế bào nhân khổng lồ.

Điều trị nang xương phình mạch

Phương pháp điều trị nang xương phình mạch hiệu quả và được ưu tiên sử dụng nhất hiện nay là phẫu thuật dùng curet cắt bỏ toàn bộ u nang xương.

nang xương phình mạch
Nang xương phình mạch là gì? Có điều trị được không?

Tùy thuộc vào độ chắc của cấu trúc và mức độ khuyết xương mà bác sĩ sẽ quyết định có thực hiện ghép xương nhân tạo hay ghép tự thân. (Ghép xương được thực hiện sau khi nạo khối u với mục đích thay thế các tế bào xương bị mất, giúp tác động đến quá trình sinh trưởng tự nhiên, kích thích cho xương tăng mạnh, ổn định và phục hồi khả năng vận động như ban đầu)

Bệnh có thể tái phát nếu cắt nang xương không hoàn toàn. Tuy nhiên dù cắt hoàn toàn thì theo một báo cáo khoa học chỉ ra rằng có đến 59% nang xương phình mạch sẽ tái phát nếu chỉ đơn thuần dùng curet lấy u.

Vì muốn giảm tỉ lệ tái phát mà ngành y học đã phát triển nhiều phương pháp điều trị bổ trợ khác nhau, can thiệp qua da, ít xâm lấn để cải thiện điều trị cũng như hạn chế tái phát như:

  • Mài xương tốc độ cao: giúp phá vỡ những tổn thương còn sót lại sau khi đã phẫu thuật bằng curet.
  • Ngưng tụ bằng chùm tia Argon: tác động đến mô thông qua dòng điện đơn cực gây mất nước và làm đông cứng nang.
  • Phẫu thuật áp lạnh sử dụng nitơ dạng khí hoặc dạng lỏng tạo ra nhiệt độ rất thấp gây đóng băng để làm chết các tế bào nang xương còn lại sau khi lấy bằng curet.
  • Xi măng polymethylmethacrylate (PMMA) trong ghép xương có vai trò bổ trợ do phát nhiệt khi đông cứng, thúc đẩy quá trình lấp đầy khoảng trống và làm vững cấu trúc.

Đối với những đối tượng bệnh nặng có thể kết hợp biện pháp ghép xương và dùng thuốc. Các loại thuốc hỗ trợ thường được sử dụng gồm: Phenol, Ni-tơ lỏng, Metyl metacrylat,… là các loại thuốc được bác sĩ kê đơn sử dụng nhằm mục đích bổ trợ và tiêu diệt các tế bào u nang còn sót lại trong quá trình nạo cắt.

Xạ trị không được khuyến cáo sử dụng vì có thể hình thành sarcoma xương, có thể cân nhắc lựa chọn điều trị xạ trị khi tổn thương đốt sống xâm lấn gây chèn ép tủy sống.

Bệnh nang xương phình mạch (có tên khoa học là Aneurysmal bone cyst – ABCs) là u xương lành tính, một dạng của nhóm bệnh ung thư xương bị thoái hoá. Đặc điểm chính của bệnh là các tổn thương lành tính, đơn độc, thường xuất hiện ở người trẻ dưới 25 tuổi, nhất là trẻ nhỏ (90% xảy ra trước tuổi 30) và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Phương pháp điều trị nang xương phình mạch hiệu quả và được ưu tiên sử dụng nhất hiện nay là phẫu thuật dùng curet cắt bỏ toàn bộ u nang xương.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.