Thoái hóa cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Thoái hóa cột sống là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gai cột sống. Theo thống kê, có đến hơn 85% những người trên 60 tuổi mắc căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ, một loại thoái hóa cột sống. Bài viết sau đây của Docosan sẽ chia sẻ những thông tin quan trọng đến bạn đọc về nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh thoái hóa cột sống.

Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống (hay gai cột sống) là một bệnh mạn tính tiến triển nặng dần, gây biến dạng cột sống mà không có biểu hiện viêm. Hiện tượng này xảy ra khi đĩa đệm và khớp giữa các đốt sống bị thoái hóa, các gai xương phát triển trên thân đốt sống. Những thay đổi này có thể làm hạn chế chuyển động của cột sống, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh và các chức năng khác.

Tác động của chứng thoái hóa cột sống thường khác nhau giữa các cá nhân, tuy nhiên thường ít khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là một loại viêm khớp do cột sống bị hao mòn

Nguyên nhân thoái hóa cột sống

Nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa cột sống là do sự mài mòn theo thời gian của đĩa đệm và sụn khớp (có chức năng ngăn cách các đốt sống, giảm ma sát khi các đốt sống trượt lên nhau). Khi cơ thể già đi, các đĩa đệm trở nên khô, mỏng hơn và cứng hơn, khiến cho khớp của cột sống cử động kém linh hoạt. Các khớp mặt giữa những đốt sống cũng hoạt động kém do bề mặt sụn bị hao mòn, ma sát trực tiếp giữa các đốt sống dần dần dẫn đến sự hình thành gai xương.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống bao gồm:

  • Di truyền.
  • Bị béo phì hoặc thừa cân.
  • Có lối sống ít vận động, ít tập thể dục.
  • Bị chấn thương cột sống hoặc trải qua phẫu thuật cột sống.
  • Hút thuốc.
  • Công việc đòi hỏi các động tác lặp đi lặp lại hoặc chịu sức nặng liên quan đến cột sống.
  • Bị viêm khớp vảy nến.
thoái hóa cột sống
Người bị thừa cân béo phì có xu hướng dễ bị thoái hóa cột sống

Triệu chứng thoái hóa cột sống

Hầu hết những người bị thoái hóa cột sống do tuổi tác giai đoạn đầu không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Một số người khác có các triệu chứng trong một thời gian, nhưng sau đó biến mất. 

Các triệu chứng thoái hóa cột sống phổ biến bao gồm cứng khớp và đau nhẹ. Những triệu chứng này trở nên nặng hơn sau khi bệnh nhân đứng, ngồi hoặc nằm trong một thời gian dài.

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Yếu ở tay hoặc chân.
  • Co thắt cơ cạnh cột sống và cảm giác đau.
  • Đau đầu.
  • Mất thăng bằng và đi lại khó khăn.
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
thoái hóa cột sống
Triệu chứng thoái hóa cột sống phổ biến bao gồm cứng khớp và đau nhẹ

Điều trị thoái hóa cột sống

Hầu hết các trường hợp thoái hóa cột sống chỉ tạo ra các cơn đau và cứng nhẹ, xảy ra không thường xuyên và không cần điều trị.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi cá nhân, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị gai cột sống phổ biến bao gồm:

  • Phương pháp không dùng thuốc.
  • Thuốc.
  • Phẫu thuật.

Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống không dùng thuốc

Nếu cơn đau xảy ra, bạn có thể thử những cách sau đây:

  • Duy trì hoạt động thể chất: Tập thể dục mỗi ngày, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi bộ có thể giúp duy trì sự linh hoạt và tăng cường các cơ hỗ trợ cột sống.
  • Cải thiện tư thế: Tư thế chùng người xuống có thể khiến cơn đau nặng hơn.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập hoặc động tác xoa bóp cụ thể có thể làm giảm cơn đau.
  • Hỗ trợ lưng: Nếu phải ngồi trong một thời gian dài, bạn có thể chọn một chiếc ghế hoặc nệm hỗ trợ lưng tốt hơn.
  • Nghỉ ngơi trong thời gian bị viêm: Hãy thử nghỉ ngơi một lúc khi các triệu chứng xảy ra.
thoái hóa cột sống
Vật lý trị liệu điều trị thoái hóa cột sống

Một số phương pháp hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống ít phổ biến hơn:

  • Châm cứu.
  • Mát xa.
  • Điều trị bằng sóng siêu âm.
  • Kích điện.
  • Nhiệt trị liệu.

Thuốc điều trị gai cột sống

Nếu cơn đau do bệnh gai cột sống xảy ra dữ dội hoặc dai dẳng, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid.
  • Thuốc giãn cơ.
  • Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm.
  • Kem bôi ngoài da.
  • Thuốc steroid ở dạng viên hoặc dạng tiêm khi cơn đau dữ dội.

Phương pháp phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật chỉ được thực hiện nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và dai dẳng mà các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả nhằm loại bỏ đĩa đệm hoặc mảnh xương đang đè lên các dây thần kinh, sau đó có thể hợp nhất các đốt sống nếu cần thiết. Hoặc bác sĩ có thể thay thế đĩa đệm bị hư hỏng bằng một đĩa đệm nhân tạo.

thoái hóa cột sống
Phương pháp phẫu thuật chỉ được thực hiện nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và dai dẳng

Hình thức phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào vấn đề và vị trí đốt sống bị thoái hoá. Bác sĩ có thể xác định các khu vực bị ảnh hưởng bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như X-quang, CT scan hoặc MRI. Hiện nay phương pháp phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu thường được lựa chọn vì hạn chế xâm lấn và có ít rủi ro hơn các phương pháp phẫu thuật khác.

Bác sĩ điều trị thoái hóa cột sống

  • Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc là bác sỹ chuyên khoa về chuyên ngành trị liệu thần kinh cột sống, xương khớp thăm khám cho bệnh nhân tại Hà Nội.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và đáng tin cậy tại TP. HCM. – Tân Bình, TP.HCM.
  • Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà cung cấp gần như toàn diện các dịch vụ thăm khám chữa bệnh với gần 20 chuyên khoa. – Đống Đa, Hà Nội.

Thoái hóa cột sống nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp sẽ có thể dẫn đến các biến chứng như hẹp ống sống, bệnh lý đốt sống cổ, chứng vẹo cột sống v.v. gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Bạn đọc khi có những nghi ngờ nên liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng xử lí phù hợp nhất.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday