Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Thoái hóa đốt sống cổ là một tình trạng bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi hoặc những người có tư thế vận động tác động xấu đến đốt sống cổ. Đối với một số người sẽ không có bất kì biểu hiện hay triệu chứng nào. Nhưng đối với một số người khác sẽ gây đau mãn tính và làm cứng khớp. Cùng Docosan tìm hiểu những thông tin cần thiết về thoái hóa đốt sống cổ qua bài viết bên dưới.

Thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý mãn tính về xương khớp khá phổ biến, tiến triển chậm, thường gặp ở người cao tuổi hoặc những người có tư thế vận động tác động xấu lên cột sống cổ. Bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khớp, đĩa đệm của đốt sống cổ. Thoái hoá cột sống cổ có thể gặp ở bất kỳ đoạn nào của đốt sống cổ, tuy nhiên thường gặp nhất là đốt sống C5, C6 và C7.

Thoái hoá đốt sống cổ xuất phát từ sự hao mòn sụn và xương của đốt sống. Mặc dù phần lớn nguyên nhân là do tuổi tác, nhưng đôi khi, đốt sống cổ bị thoái hóa cũng có thể do những nguyên nhân khác như tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài ở sụn khớp.

Theo một số nghiên cứu khảo sát tình trạng bị thoái hoá cột sống cổ đã ghi nhận có hơn 90% những người từ 60 tuổi trở lên bị thoái hóa đốt sống cổ.

thoái hóa đốt sống cổ
Ảnh chụp X-quang thoái hóa đốt sống cổ

Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hoá đốt sống cổ xuất phát từ sự hao mòn sụn và xương của đốt sống. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm:

Gai cột sống

Gai cột sống (Bone spurs) là sự phát triển quá mức của xương. Đây là kết quả của việc cơ thể cố gắng hình thành thêm xương để giúp cột sống chắc khỏe hơn.

Tuy nhiên, phần xương dư thừa này có thể đè lên các vùng dễ bị tổn thương của cột sống như tủy sống hay các dây thần kinh, dẫn đến tình trạng đau nhức.

Tình trạng mất nước của đĩa đệm đốt sống

Cột sống của chúng ta có những đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, có tác dụng giúp cho các đốt sống di chuyển dễ dàng khi xoay, gập người hoặc thực hiện các động tác khác. Theo thời gian, chất keo trong các đĩa đệm này sẽ bị mất nước dần dần. Điều này làm cho các đốt sống của người bệnh cọ xát nhau nhiều hơn, khiến cho người bệnh bị đau, lâu dần sẽ dẫn dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa đốt sống cổ ở người cao tuổi. Tình trạng này xảy ra khi các đĩa đệm ở cột sống bắt đầu xuất hiện những điểm đứt rách vòng sợi, tạo điều kiện cho các nhân nhầy ở bên trong đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, đè ép lên các dây thần kinh xung quanh cột sống và gây nên những cơn đau nhức ở người bệnh.

thoái hóa đốt sống cổ
Thoát vị đĩa đệm là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa đốt sống cổ ở người cao tuổi

Chấn thương hay tai nạn

Một chấn thương hay tai nạn xảy ra trong cuộc sống của người bệnh (ví dụ như tai nạn xe máy, té ngã,…) sẽ khiến cho nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ trở nên cao hơn.

Dây chằng bị xơ cứng

Theo thời gian, các dây chằng kết nối với xương cột sống của người bệnh có thể trở nên xơ cứng hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cử động cổ và làm cho người bệnh cảm thấy cổ trở nên căng cứng hơn.

Hoạt động quá mức

Một số hoạt động quá mức do thói quen hay công việc sẽ có thể gây áp lực lớn lên cột sống. Điều này thúc đẩy quá trình thoái hóa đốt sống cổ diễn ra nhanh hơn.

Các yếu tố gia tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ

Yếu tố lớn nhất thúc đẩy thoái hóa đốt sống cổ chính là tuổi tác. Bên cạnh đó, những người có tiền sử mắc các bệnh ở trên cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Ngoài ra, một số yếu tố khác có cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh như:

  • Chấn thương ở cổ
  • Làm những công việc khuân vác nặng, tạo áp lực lên cột sống cổ
  • Hoạt động cổ sai tư thế trong một thời gian dài
  • Yếu tố di truyền (gia đình có tiền căn thoái hoá cột sống cổ)
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì hoặc lười vận động
thoái hóa đốt sống cổ
Các yếu tố gia tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ

Triệu chứng của tình trạng thoái hóa đốt sống cổ

Thông thường, những người mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ sẽ không có bất kì triệu chứng nào đặc biệt. Nếu các triệu chứng xảy ra thì chúng sẽ diễn biến từ nhẹ đến nặng, có thể tiến triển dần dần hoặc đột ngột, bất ngờ.

Một triệu chứng phổ biến của thoái hóa đốt sống cổ là đau xung quanh xương bả vai. Một số bệnh nhân khác cho rằng họ bị đau dọc theo cánh tay và các ngón tay. Những cơn đau có thể xuất hiện nhiều hơn khi người bệnh đứng, ngồi, hắt xì, ho khan hoặc ngửa cổ về phía sau.

Bên cạnh đó, một số triệu chứng thông thường của thoái hóa đốt sống cổ là:

  • Yếu cơ
  • Tình trạng căng cứng cổ diễn biến nặng dần
  • Nhức ở phía sau đầu
  • Cảm giác tê nhức, ngứa ran ở vai và cánh tay. Đôi khi cũng xảy ra ở chân
thoái hóa đốt sống cổ
Triệu chứng của tình trạng thoái hóa đốt sống cổ

Một số triệu chứng xảy ra ít hơn nhưng cực kì nguy hiểm là mất thăng bằng cơ thể hay mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.

Khi nào bệnh nhân cần gặp bác sĩ?

Nếu người bệnh đột ngột bị tê hoặc ngứa ran ở vai, cánh tay, ở chân, hoặc mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang thì người bệnh cần gặp các bác sĩ sớm để được hỗ trợ, vì đây là một trường hợp cần cấp cứu y tế.

Ngoài ra, nếu tình trạng thoái hóa đốt sống cổ ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người bệnh, thì cần chủ động đặt lịch hẹn với các bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

thoái hóa đốt sống cổ
Gặp bác sĩ chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ

Bạn có thể đặt hẹn trực tuyến với các bác sĩ trên hệ thống Docosan mà không tốn bất kì chi phí trung gian nào.

Chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ như thế nào?

Việc chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ sẽ giúp các bác sĩ loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn khác như đau cơ xơ hóa.

Sau khi hỏi thăm về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh lý của người bệnh, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng việc kiểm tra cử động của người bệnh và xác định các dây thần kinh, xương và cơ bị ảnh hưởng.

Nếu nghi ngờ người bệnh bị thoái hóa đốt sống cổ, các bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh và kiểm tra chức năng thần kinh. Một số phương pháp xét nghiệm hình ảnh bao gồm:

  • Chụp X-quang
  • Chụp CT
  • Chụp MRI
  • Đo điện cơ (electromyogram – EMG)
thoái hóa đốt sống cổ
Chụp X-quang chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ như thế nào?

Việc điều trị thoái hóa đốt sống cổ sẽ tập trung vào việc giảm đau và ngăn chặn nguy cơ tổn thương vĩnh viễn, giúp người bệnh có một cuộc sống bình thường. Có 3 phương pháp điều trị chính là vật lý trị liệu, sử dụng thuốc và phẫu thuật.

Điều trị bằng vật lý trị liệu

Các nhà vật lý trị liệu sẽ kéo căng cơ cổ và vai của người bệnh. Điều này sẽ tăng sức mạnh cho cơ cổ và vai, giúp giảm đau.

Cần thực hiện các bài tập vận động vùng cổ, đặc biệt với bệnh nhân đã mang nẹp cổ trong một thời gian dài, bệnh nhân có công việc ít vận động vùng cổ.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc kê đơn mà bác sĩ có thể chỉ đinh cho bệnh nhân là:

  • Thuốc giãn cơ để điều trị co thắt cơ
  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin (Neurontin) để giảm đau do tổn thương dây thần kinh
  • Thuốc tiêm glucocorticoid
  • Một vài thuốc chống viêm không chứa steroid như diclofenac (Voltaren – XR) để giảm viêm
thoái hóa đốt sống cổ
Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng thuốc kê đơn của bác sĩ

Phẫu thuật

Nếu tình trạng thoái hóa đốt sống cổ của người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và các phương pháp điều trị trên không thực sự hiệu quả, các bác sĩ có thể sẽ phải can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng nhằm loại bỏ các gai xương và các bộ phận gây chèn ép lên tuỷ sống để giúp cho tủy sống và các dây thần kinh không bị chèn ép.

Một số bác sĩ khám và điều trị thoái hóa đốt sống cổ

  • Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Chí Lăng, hơn 30 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, TP.HCM

  • Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Đình Triết, hơn 15 năm kinh nghiệm, Quận 5, TP.HCM

  • BSCKII Nguyễn Tấn Toàn, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 5, TP.HCM

Kết luận

Thoái hóa đốt sống cổ nếu để lâu không được điều trị sẽ dẫn đến tổn thương mãn tính, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi. Do đó, người nhà cần đưa bệnh nhân đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Vitamin B đóng vai trò quan trọng trong chức năng thần kinh, hỗ trợ tuần hoàn máu não và hỗ trợ sức khỏe xương khớp. Sử dụng NATB ngay để cơ thể luôn khỏe mạnh.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Cervical Spondylosis – Healthline.com

Contact Me on Zalo