Thoát vị đĩa đệm: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào trên cột sống, gây chèn ép dây thần kinh tại đó. Tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị, bệnh có thể có triệu chứng đau, tê hoặc yếu ở cánh tay hoặc chân. Cùng Docosan tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm đến cuộc sống trong bài viết dưới đây.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm cột sống là phần nằm giữa các đốt sống, có tác dụng giúp cơ thể vận động linh hoạt cũng như giảm các chấn động khi vận động và giúp cột sống chịu lực tốt hơn. Đĩa đệm có cấu tạo bên ngoài là lớp bao xơ, bọc bên trọng là nhân nhầy.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị chệch ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng và chèn ép vào các rễ thần kinh, gây tê bì, đau nhức cho người bệnh.

thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị chệch ra khỏi vị trí bình thường

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm

Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào vị trí đĩa đệm tổn thương và mức độ chèn ép lên dây thần kinh của đĩa đệm. Bệnh thường ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.

Các triệu chứng của tình trạng thoát vị đĩa đệm bao gồm :

  • Đau cánh tay hoặc chân: Nếu đĩa đệm thoát vị ở vùng thắt lưng, bạn thường sẽ cảm thấy đau ở mông, đùi và bắp chân, bạn cũng có thể bị đau ở một phần bàn chân. Nếu thoát vị đĩa đệm ở đoạn cột sống cổ, bạn thường cảm thấy đau nhất ở vai và cánh tay. Cơn đau có thể tăng lên khi bạn ho, hắt hơi hoặc cử động một số tư thế nhất định.
  • Tê hoặc ngứa ran: Những người bị thoát vị đĩa đệm thường bị tê hoặc ngứa ran ở một số phần cơ thể do các dây thần kinh bị ảnh hưởng.
  • Yếu cơ: Cơ bắp được điều khiển bởi các dây thần kinh bị ảnh hưởng có xu hướng yếu đi. Điều này có thể khiến bạn dễ vấp ngã hoặc ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm đồ của bạn.
thoát vị đĩa đệm
Cơn đau luôn ập đến khi bị thoát vị đĩa đệm

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có thể không hề có dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, họ chỉ phát hiện tình trạng bệnh qua xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh học cột sống.

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của sự thoái hóa của đĩa đệm. Khi bạn lớn tuổi, đĩa đệm trở nên kém linh hoạt hơn và dễ bị rách hoặc vỡ khi cử động xoay hoặc căng cột sống.

Hầu hết mọi người không thể xác định chính xác nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm. Đôi khi, sử dụng cơ lưng thay vì cơ chân và cơ đùi để nâng vật nặng có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Hiếm khi thoát vị đĩa đệm gây ra bởi một chấn thương như ngã hoặc có lực mạnh tác động vào lưng.

Các yếu dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm:

  • Cân nặng: Trọng lượng cơ thể dư thừa gây áp lực cho các đĩa đệm ở vùng thắt lưng.
  • Nghề nghiệp: Những người lao động nặng nhọc có nhiều nguy cơ mắc các bệnh về vùng lưng hơn. Các động tác nâng, kéo, đẩy, uốn người một bên và xoay người lặp đi lặp lại cũng có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm. 
  • Di truyền: Một số người có khuynh hướng bị thoát vị đĩa đệm.
  • Hút thuốc: Các chuyên gia cho rằng hút thuốc làm giảm lượng oxy cung cấp cho đĩa đệm, khiến đĩa đệm bị hỏng nhanh hơn.
thoát vị đĩa đệm
Người bị thừa cân béo phì có khả năng bị thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?

Thoát vị đĩa đệm có thể gây chèn ép một hoặc nhiều dây thần kinh và các mạch máu xung quanh. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng chèn ép kéo dài có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến các dây thần kinh, bệnh nhân sẽ bị rối loạn chức năng bàng quang hoặc ruột. Đồng thời, máu không lưu thông đến các cơ cạnh cột sống khiến cơ thiếu dinh dưỡng và bị teo dần, người bệnh lao động và sinh hoạt khó khăn.

Điều trị thoát vị đĩa đệm

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng thuốc

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Nếu cơn đau từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen (ví dụ như paracetamol) ibuprofen (ví dụ như Advil, Motrin IB) hoặc naproxen sodium (Aleve).
  • Thuốc tiêm cortisone: Nếu cơn đau của bạn không cải thiện bằng thuốc uống, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc corticosteroid có thể được tiêm vào khu vực xung quanh dây thần kinh cột sống. 
  • Thuốc giãn cơ: Những loại thuốc này có thể được kê đơn nếu bạn bị co cơ. Tuy nhiên thuốc có thể có một số tác dụng phụ như chóng mặt.
thoát vị đĩa đệm
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng thuốc

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị nội khoa không làm cải thiện các triệu chứng sau sáu tuần, đặc biệt là khi xuất hiện các triệu chứng sau :

  • Đau khó kiểm soát.
  • Tê hoặc yếu cơ.
  • Liệt cơ hoặc teo cơ
  • Khó khăn khi đứng hoặc đi bộ.
  • Mất kiểm soát bàng quang.

Việc phẫu thuật có thể nhằm loại bỏ phần thoát vị của đĩa đệm hoặc toàn bộ đĩa đệm (trong những trường hợp này, có thể cần sử dụng mảnh ghép xương để kết hợp các đốt sống).

Khắc phục tình trạng thoát vị đĩa đệm bằng các phương pháp tại nhà

Bên cạnh việc dùng các loại thuốc giảm đau mà bác sĩ đề nghị, hãy thử:

  • Chườm nóng hoặc lạnh: Ban đầu, bạn có thể dùng túi chườm lạnh để giảm đau và tiêu viêm. Sau một vài ngày, bạn có thể chuyển sang chườm nóng để giúp cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
  • Tránh nằm nghỉ quá nhiều trên giường: Nằm nghỉ quá nhiều trên giường có thể dẫn đến cứng khớp và yếu cơ – gây khó khăn hơn cho quá trình hồi phục của bạn. Thay vào đó, hãy nghỉ ngơi với tư thế thoải mái trong 30 phút, sau đó đi bộ hoặc làm một số công việc nhẹ. Cố gắng tránh các hoạt động nặng làm trầm trọng thêm cơn đau của bạn.
thoát vị đĩa đệm
Chườm nóng giảm triệu chứng của thoát vị đĩa đệm

Các phương pháp khác

Các phương pháp sau có thể giúp giảm đau lưng mãn tính, bao gồm:

  • Nắn chỉnh cột sống: Phương pháp nắn chỉnh cột sống đã được chứng minh là có hiệu quả vừa phải đối với chứng đau thắt lưng kéo dài ít nhất một tháng.
  • Châm cứu: Châm cứu có thể giúp giảm đau lưng và cổ mãn tính.
  • Mát xa: Liệu pháp này có thể giúp giảm đau ngắn hạn cho những người đang đối mặt với chứng đau thắt lưng mãn tính.
  • Vật lý Trị liệu: Nhiều bài tập vật lý trị liệu được thiết kế để giảm thiểu cơn đau do thoát vị đĩa đệm gây ra.
thoát vị đĩa đệm
Tập thể dục mỗi ngày phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Các biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm:

  • Tập thể dục: Tăng cường các cơ ở thân nhằm ổn định và hỗ trợ cột sống.
  • Giữ tư thế tốt: Giữ lưng thẳng, đặc biệt là khi ngồi trong thời gian dài và nâng vật nặng đúng tư thế sẽ làm giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm của bạn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Trọng lượng dư thừa gây áp lực nhiều hơn lên cột sống và đĩa đệm, khiến chúng dễ bị thoát vị.
  • Từ bỏ thuốc lá: Tránh sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào.

Bác sĩ điều trị thoát vị đĩa đệm

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc là bác sỹ chuyên khoa về chuyên ngành trị liệu thần kinh cột sống, xương khớp thăm khám cho bệnh nhân tại Hà Nội.

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và đáng tin cậy tại TP. HCM. – Tân Bình, TP.HCM.

Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà cung cấp gần như toàn diện các dịch vụ thăm khám chữa bệnh với gần 20 chuyên khoa. – Đống Đa, Hà Nội.

Bài viết đã chia sẻ những thông tin quan trọng như thoát vị đĩa đệm là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tình trạng thoát vị đĩa đêm. Bệnh có thể không gây ra triệu chứng hoặc có những cơn đau nghiêm trọng. Chính vì vậy, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bạn nên liên hệ với các bác sĩ có chuyên môn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: mayoclinic