Bệnh Gout: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh gout (hay bệnh gút) là một loại bệnh viêm khớp phổ biến khiến người bệnh đau dữ dội, sưng và cứng khớp. Người bị gout thường ảnh hưởng đến khớp ở bàn – ngón chân cái. Các đợt bùng phát bệnh gout có thể xuất hiện đột ngột và tiếp tục tái phát theo thời gian, từ từ gây tổn thương các mô ở vùng viêm và có thể gây đau đớn vô cùng. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này trong nội dung dưới đây nhé!

Triệu chứng bệnh gout

Triệu chứng bệnh gout thường xuất hiện đột ngột mà không báo trước, đặc biệt là vào ban đêm. Triệu chứng chính của bệnh gout là đau khớp dữ dội, hoặc nhẹ hơn là gây khó chịu, viêm, phù nề và đỏ.

Triệu chứng gout thường ảnh hưởng đến khớp bàn – ngón chân cái (60 – 70%), nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác như bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay, hiếm khi thấy ở khớp háng, vai hay cột sống.

gout
Bệnh gút thường ảnh hưởng đến khớp lớn của ngón chân cái

Nguyên nhân bệnh gout

Bệnh gout xảy ra do lắng đọng tinh thể urate trong khớp, gây viêm và đau dữ dội. Tinh thể urate được hình thành do axit uric trong máu tăng cao. Axit uric được tạo ra trong cơ thể trong quá trình phân hủy purine – hợp chất hóa học được tìm thấy với lượng lớn trong một số loại thực phẩm như thịt đỏ, tạng động vật như gan, và hải sản.

Thông thường, axit uric tan trong máu và được đào thải ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu ở thận. Nếu axit uric được sản xuất quá nhiều hoặc không được đào thải đủ, nó có thể tích tụ và hình thành các tinh thể sắc nhọn lắng đọng trong các khớp, gây viêm và đau ở khớp cũng như các mô xung quanh.

Có một số yếu tố có thể làm tăng axit uric trong máu và do đó gây ra bệnh gout:

  • Tuổi và giới tính: Cơ thể nam giới tạo ra nhiều axit uric hơn phụ nữ. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, nồng độ axit uric trong cơ thể phụ nữ cao hơn hẳn nam giới. Nam giới thường mắc bệnh gout sớm, tầm 30 – 50 tuổi, trong khi phụ nữ thường bị gout sau tuổi mãn kinh.
  • Di truyền: Tiền sử gia đình bệnh nhân mắc bệnh gout làm tăng khả năng bệnh phát triển ở bệnh nhân.
  • Lối sống: Uống quá nhiều thức uống có cồn cản trở việc loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể, đặc biệt là bia. Chế độ ăn có các thực phẩm chứa nhiều purine cũng làm tăng lượng axit uric trong cơ thể.
  • Phơi nhiễm chì: Phơi nhiễm chì mãn tính có liên quan đến một số trường hợp mắc bệnh gút.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể; chúng bao gồm một số thuốc lợi tiểu và thuốc có chứa salicylate.
  • Cân nặng: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout do có nhiều mô cơ thể chuyển hoá hơn, đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều axit uric hơn dưới dạng chất thải chuyển hóa.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Suy thận và các vấn đề về thận khác có thể làm giảm khả năng loại bỏ các chất thải của cơ thể một cách hiệu quả, dẫn đến nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Các bệnh lý khác cũng liên quan đến bệnh gout bao gồm huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
gout
Người bị thừa cân béo phì có khả năng bị gout cao

Phân loại bệnh gout

Gout tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau nên đôi khi được gọi là các loại bệnh gout khác nhau.

Tăng axit uric máu không có triệu chứng

Là giai đoạn bệnh nhân có thể có nồng độ axit uric cao mà không có bất kỳ triệu chứng bệnh gout biểu hiện bên ngoài nào. Ở giai đoạn này, bệnh nhân không cần điều trị mặc dù các tinh thể urat có thể lắng đọng trong mô. Bệnh nhân có thể thay đổi chế độ ăn để giảm bớt nồng độ axit uric trong máu.

Bệnh gout cấp tính

Giai đoạn này xảy ra khi các tinh thể urat bị lắng đọng trong khớp đột ngột tăng cao, gây ra tình trạng viêm cấp tính và đau dữ dội. Cơn bùng phát này thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, sau đó giảm dần. Bệnh gout cấp tính đôi khi có thể xảy ra khi bạn bị căng thẳng, sử dụng rượu và ma túy hoặc thời tiết lạnh.

gout
Các đợt bùng phát bệnh gout gây nên những cơn đau dữ dội

Thời gian ổn định giữa các cơn gout cấp

Trong giai đoạn này, các tinh thể urat tiếp tục được lắng đọng trong các mô của cơ thể. Các đợt bùng phát tiếp theo có thể không xảy ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nếu không được điều trị, các cơn gout cấp có thể xảy ra thường xuyên hơn.

Bệnh gout mãn tính

Bệnh gout mãn tính là giai đoạn gây suy nhược nhất, có thể làm tổn thương vĩnh viễn ở khớp và thận. Bệnh nhân có thể bị viêm khớp mãn tính và phát triển các hạt tophi, các cục urat lớn ở những vùng cơ thể như cơ, khớp hoặc thận.

Bệnh gout mãn tính thường xảy ra khi bệnh nhân có khoảng thời gian dài không điều trị (khoảng 10 năm). Rất ít khả năng một bệnh nhân được điều trị thích hợp sẽ tiến triển đến giai đoạn này.

Bệnh giả gout

Một tình trạng dễ bị nhầm lẫn với bệnh gút là bệnh giả gout. Các triệu chứng của bệnh giả gout rất giống với các triệu chứng của bệnh gout, mặc dù các đợt bùng phát thường ít nghiêm trọng hơn.

Sự khác biệt chính giữa bệnh gout và bệnh giả gout là các khớp bị kích thích bởi các tinh thể canxi pyrophosphat hơn là các tinh thể urat. Bệnh giả gout cần được điều trị khác với bệnh gút.

Điều trị bệnh gout

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh gout có câu hỏi rằng “bệnh gút có chữa được không?”. Gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa trong cơ thể nên khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Đa số các trường hợp bệnh gout được điều trị bằng thuốc nhằm giảm triệu chứng trong đợt cấp, ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai và giảm nguy cơ biến chứng bệnh gout như sỏi thận và sự phát triển của hạt tophi.

Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), colchicine hoặc corticosteroid. Thuốc này làm giảm viêm và đau ở những vùng bị ảnh hưởng bởi bệnh gout và thường được dùng bằng đường uống.

Các loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng nhằm giảm sản xuất axit uric (chất ức chế xanthine oxidase như allopurinol) hoặc cải thiện khả năng loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể (probenecid) của thận.

gout
Điều trị bệnh gout bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Nếu không điều trị, cơn gout cấp tính có thể khiến bệnh nhân rất đau đớn trong khoảng thời gian từ 12 đến 24 giờ sau khi bùng phát. Bệnh nhân có thể phục hồi trong vòng 1 đến 2 tuần mà không cần điều trị, nhưng vẫn có thể bị đau đáng kể trong giai đoạn này.

Nếu bệnh nhân gout xuất hiện các hạt tophi, làm ảnh hưởng đến vận động thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ các hạt này.

Bác sĩ điều trị bệnh gout

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc là bác sỹ chuyên khoa về chuyên ngành trị liệu thần kinh cột sống, xương khớp thăm khám cho bệnh nhân tại Hà Nội.

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và đáng tin cậy tại TP. HCM. – Tân Bình, TP.HCM.

Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà cung cấp gần như toàn diện các dịch vụ thăm khám chữa bệnh với gần 20 chuyên khoa. – Đống Đa, Hà Nội.

Bệnh gout có thể gây đau đớn dữ dội cho người bệnh, làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện sớm và được tư vấn bởi bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh gút.

Xem thêm: Thực đơn cho người bệnh gout


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline