Trật khớp vai là trật khớp thường gặp nhất ở phòng cấp cứu, thường xảy ra sau một chấn thương đủ mạnh làm chỏm xương cánh tay trượt khỏi ổ chảo. Trật khớp vai có thể tái phát nhiều lần và gây mất ổn định lâu dài cho khớp vai. Docosan mời quý bạn đọc tham khảo bài viết này để biết thêm về những lựa chọn trong chữa trị trật khớp vai.
Tóm tắt nội dung
Trật khớp vai tái hồi là gì?
Khớp vai là khớp di động nhất trong cơ thể. Khớp này giúp chúng ta thực hiện các động tác nâng cao tay, xoay cánh tay và choàng qua đỉnh đầu. Nó có khả năng xoay trở theo nhiều hướng. Tuy nhiên, chính vì phạm vi vận động của khớp vai rất lớn, nó rất dễ bị mất ổn định.
Sự mất ổn định này xảy ra khi đầu trên xương cánh tay (gọi là chỏm xương cánh tay) bị trật ra khỏi ổ chảo, nơi khớp với chỏm xương cánh tay của xương bả vai. Tình trạng trật khớp vai là hậu quả của một chấn thương đột ngột, như một cú té ngã hoặc tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Một khi vai bị trật khớp, khớp vai sẽ dễ bị tái phát những đợt tương tự trong tương lai hơn. Và khi tổ chức dây chằng và bao khớp xung quanh lỏng lẻo, chỏm xương cánh tay có thể trượt khỏi ổ chảo nhiều lần. Tình trạng này gọi là trật khớp vai tái hồi.
Bán trật khớp vai là gì?
Với một lực tác động đủ mạnh lên một khớp vai bình thường, đầu xương cánh tay có thể bị trật khớp hoàn toàn hoặc bán trật khớp. Bán trật khớp vai xảy ra khi chỏm xương cánh tay chỉ trượt một phần ra khỏi vị trí ổ chảo.
Trong khi đó, trật khớp vai hoàn toàn là khi chỏm xương cánh tay trượt hoàn toàn khỏi vị trí ban đầu, gây ra những tổn thương phần mềm nặng nề hơn. Cả trật khớp vai hoàn toàn và bán trật khớp vai có thể trở lại lòng ổ chảo một cách tự nhiên hoặc cho đến khi được nắn chỉnh bởi chuyên gia y tế.
Tương tự, bán trật khớp vai cũng có thể làm mất sự ổn định của tổ chức dây chằng và bao khớp. Nguy cơ tái phát những đợt bán trật khớp hay trật khớp hoàn toàn do đó cũng tăng lên sau lần đầu bị bán trật khớp.
Chữa trật khớp vai như thế nào?
Những trường hợp trật khớp vai tái hồi thường được ưu tiên điều trị bảo tồn, hay những chữa trị không cần đến phẫu thuật. Nếu những biện pháp này không giúp cải thiện cơn đau và sự mất ổn định khớp vai, một cuộc mổ sẽ trở nên đáng cân nhắc.
Điều trị bảo tồn
Một tiêu chính của các biện pháp chữa trị bảo tồn là giảm đau, hồi phục tầm vận động khớp vai và tăng sức mạnh cho khối cơ quanh khớp vai.
- Nắn trật khớp vai: Là chỉ định đầu tiên cho tất cả các loại trật khớp. Nắn càng sớm sẽ càng dễ và hiệu quả càng cao. Có nhiều phương pháp nắn như Hippocrate, Kocher, Mothes.
- Thay đổi lối sống: Người bệnh cần giảm bớt những hoạt động nặng gây tổn thương lên khớp vai chưa hồi phục hoàn toàn.
- Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): Các thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen, naproxen có thể giúp giảm đau và giảm sưng phù. Ngoài ra, việc chườm đá lên vùng vai cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau và giảm sưng nề.
- Vật lý trị liệu: Rèn luyện sức cơ quanh khớp vai và tầm cử động sẽ giúp các tổn thương chức phần mềm quanh khớp tăng tính đàn hồi và sự chắc chắn. Chuyên viên vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh một số bài tập tại nhà để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ mở rộng dần tầm hoạt động của các bài tập để khớp vai dần đạt được chức năng vận động tối đa như trạng thái bình thường.
Một khi chức năng của khớp vai được hồi phục hoàn toàn, người bệnh có thể dần trở lại với công việc sinh hoạt bình thường.
Khi nào cần phải phẫu thuật?
Mặc dù sau quá trình vật lý trị liệu, tầm vận động và sức cơ có thể phục hồi hoàn toàn, nhưng một số trường hợp khớp vai vẫn có thể còn lỏng lẻo và kém ổn định. Những lựa chọn chữa trị tiếp theo sẽ bao gồm: 1. điều chỉnh các hoạt động liên quan khớp vai; 2. phẫu thuật.
Điều chỉnh hoạt động là một lựa chọn cho những bệnh nhân chỉ gặp bất ổn với một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như chơi bóng rổ, đánh cầu lông, quần vợt. Ở những bệnh nhân này, việc tránh những hoạt động như vậy có thể giúp phòng ngừa những đợt trật khớp hoặc bán trật khớp vai.
Điều trị phẫu thuật là một lựa chọn dành cho những bệnh nhân không đồng ý tử bỏ các hoạt động hay môn thể thao gây ra các đợt mất ổn định khớp vai, chẳng hạn vận động viên thể thao chuyên nghiệp, hay những bệnh nhân bị trật khớp ngay cả với những hoạt động thường ngày (như mặc quần áo, ngủ).
- Phẫu thuật nội soi khớp: Đây là một phương pháp xâm lấn tối thiểu, được dùng để chữa trị những tổn thương phần mềm khớp vai. Bác sĩ sẽ quan sát được cấu trúc bên trong ổ khớp qua một máy quay nhỏ và sửa chữa các tổn thương bằng những dụng cụ nội soi.
- Phẫu thuật mở khớp: Một số bệnh nhân cần phải mổ mở để chữa trị. Bác sĩ sẽ rạch một đường da ở vùng vai và thực hiện sửa chữa bằng mắt thường.
- Phục hồi chức năng: Sau phẫu thuật, khớp vai được bất động tạm thời bằng một nẹp đai vai. Sau khi tháo nẹp, một số bài tập sẽ giúp hồi phục sự chắc chắn và đàn hồi của tổ chức phần mềm quanh khớp.
Trật khớp vai bao lâu thì khỏi?
Một câu hỏi rất được quan tâm là thời gian khớp vai hồi phục sau một cuộc mổ nắn chỉnh trật khớp vai là bao lâu. Con số này phụ thuộc vào loại thủ thuật hay phẫu thuật mà bác sĩ thực hiện đối với trật khớp vai.
Thông thường, các cử động của bàn tay, cổ tay và khuỷu tay có thể trở lại ngay trong ngày phẫu thuật. Hầu hết người bệnh có thể viết và dùng tay để ăn trong vòng 3 đến 7 ngày sau cuộc mổ.
Sau mổ từ 1 đến 4 tuần, một chương trình vật lý trị liệu có thể bắt đầu. Tầm cử động của khớp vai thường hồi phục hoàn toàn trong vòng 6 đến 8 tuần. Trong khi sức cơ thường trở lại bình thường trong 3 tháng.
Thời gian có thể tái xuất với các công việc hay hoạt động thể thao phụ thuộc vào đặc tính và những yêu cầu riêng của công việc hay hoạt động đó. Những người lao động nặng hay vận động viên cường độ cao có thể mất đến 1 năm hoặc hơn để trở lại với công việc của mình.
Với sự can thiệp của phẫu thuật, nguy cơ tái phát của trật khớp vai tái hồi là khá thấp (từ 3 đến 5 phần trăm) và hầu hết người bệnh có thể quay lại các hoạt động trước đó của mình.
Phòng khám chấn thương chỉnh hình
- Bonedoc – Q.5
- Phòng khám chấn thương chỉnh hình | BS.CKII Nguyễn Tấn Toàn – Q.5
- Phòng khám bác sĩ gia đình Vina Healthcare | Bs Trần Quốc Khương – Q. Gò Vấp
Tổng kết
Trật khớp vai là loại trật khớp thường gặp nhất, xảy ra khi đầu trên xương cánh tay trượt khỏi ổ chảo một phần hay hoàn toàn. Nguy cơ tái phát trật khớp vai tăng lên sau một đợt đầu tiên. Tình trạng khớp vai trở nên lỏng lẻo và trật khớp tái đi tái lại nhiều lần được gọi là trật khớp vai tái hồi. Chữa trị tình trạng này gồm hai phần chính là điều trị bảo tồn và phẫu thuật.
Vitamin B đóng vai trò quan trọng trong chức năng thần kinh, hỗ trợ tuần hoàn máu não và hỗ trợ sức khỏe xương khớp. Sử dụng NATB ngay để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.