Bệnh chàm: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh chàm (Eczema) là một trong những lý do chính khiến bệnh nhân phải đi khám chuyên khoa da liễu. Vì vậy rất nhiều người muốn tìm hiểu bệnh chàm là gì, cách phân biệt các loại chàm qua hình ảnh và cách trị bệnh. Mời quý vị cùng Doctor có sẵn tìm hiểu tổng quan về các loại bệnh chàm và cách điều trị từng loại trong bài viết dưới đây.

Chữa bệnh chàm theo phân loại bệnh

Bệnh chàm có nhiều loại khác nhau và mỗi loại bệnh lại có những triệu chứng và yếu tố kích thích riêng. Chi tiết về các loại bệnh chàm được tổng hợp như sau:

Viêm da cơ địa

bệnh chàm
Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là dạng chàm thường gặp nhất. Bệnh thường ảnh hưởng đến những người có các yếu tố nguy cơ như :

  • Hen suyễn hoặc cơ địa dị ứng
  • Tiền sử gia đình có người thân bị chàm, hen suyễn hoặc cơ địa dị ứng
  • Môi trường ô nhiễm, nhiều tác nhân gây dị ứng như mạt nhà, lông vật nuôi, phấn hoa…

Triệu chứng của viêm da cơ địa:

  • Da xuất hiện nhiều mảng đỏ, trên bề mặt nổi nhiều mụn nước ngứa ngáy dữ dội. Khi bệnh nhân gãi có thể làm trầy xước vùng da bị chàm và có nguy cơ nhiễm khuẩn da. Trường hợp nặng mụn nước còn tạo dịch mủ.
  • Vị trí viêm da cơ địa thường gặp là trên mặt, hai bên nếp gấp khuỷu tay, khuỷu chân.

Phương pháp chữa bệnh chàm loại viêm da cơ địa và lưu ý cho bệnh nhân:

  • Điều trị tại chỗ:
    • Tắm: Tắm hàng ngày bằng nước ấm với xà phòng có ít chất kiềm. Sau khi tắm, bệnh nhân nên dùng các thuốc làm ẩm da nhất là vào mùa khô, lạnh, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
    • Thuốc bôi ngoài da: Sử dụng corticoid rất phổ biến trong điều trị viêm da cơ địa. Có thể dùng thuốc mỡ có kháng sinh để chống nhiễm khuẩn. Giữ ẩm da bằng ure 10% hoặc petrolatum. Một số trường hợp bệnh nhân có thể kê toa thuốc mỡ làm bạt sừng bong vảy như mỡ salicyle 5%, 10%, mỡ goudron, ichthyol, crysophanic, …
    • Thuốc điều trị toàn thân: bác sĩ có thể kê các loại thuốc uống điều trị bệnh toàn thân tuỳ theo triệu chứng và độ tuổi của bệnh nhân, chẳng hạn như thuốc kháng histamin H1, kháng sinh chống nhiễm khuẩn da, coritcoid hoặc các loại thuốc khác như cyclosporin.

Lưu ý:

  • Với tổn thương vùng da mỏng, nhạy cảm như da mặt, cần bôi thuốc mỡ dể giảm viêm , ngứa trong 1 tuần và giảm liều một cách từ từ, tránh tái phát.
  • Giữ phòng ở thoáng mát, loại bỏ các yếu tố gây bệnh như bụi bẩn, lông gia súc, gia cầm, len dạ, giảm căng thẳng tinh thần
  • Tránh mặc quần áo bó, nên sử dụng chất liệu vải cotton

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm cấp tính hoặc mạn tính của da với một số yếu tố trong môi trường khi tiếp xúc. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới và mọi ngành nghề khác nhau.

Triệu chứng viêm da tiếp xúc:

  • Tuỳ theo mức dộ nghiêm trọng, vị trí và thời gian bệnh mà da có những biểu hiện khác nhau. Trong giai đoạn cấp tính, da bị sung huyết, đỏ, sưng phù, kèm theo đó là tình trạng nổi mụn nước và tiết dịch, bệnh nhân ngứa tại vùng da tổn thương. Khi tiến triển mạn tính, viêm da tiếp xúc biểu hiện bằng tình trạng da dầy, bong vẩy và có hiện tượng lichen hoá.
  • Vị trí: bất kì vùng da tiếp xúc với chất gây kích ứng da hoặc gây ra phản ứng dị ứng như các chất tẩy rửa, chất tẩy trắng, trang sức, mủ cao su, niken, sơn, cây thường xuân độc, sản phẩm chăm sóc da không phù hợp, xà phòng và nước hoa, dung môi và khói thuốc lá, …
bệnh chàm
Viêm da tiếp xúc dị ứng

Phương pháp điều trị viêm da tiếp xúc và lưu ý cho bệnh nhân:

  • Điểm quan trọng trong điều trị viêm da tiếp xúc là cần làm rõ yếu tố gây bệnh trước khi tìm đến các biện pháp chữa trị, vì việc điều trị sẽ thất bại nếu như không loại bỏ được tác nhân hoặc các yếu tố gây bệnh.
  • Dùng thuốc uống và thuốc bôi đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý dự phòng viêm da tiếp xúc bằng các biện pháp sau:

  • Dùng găng tay, đi ủng, mắt kính và các trang bị bảo hộ khác để hạn chế sự tiếp xúc của da với các tác nhân gây bệnh.
  • Sử dụng thêm các loại kem bảo vệ da để giảm tác động của tác nhân gây bệnh (kem chống nắng).

Viêm da tiết bã (viêm da dầu)

Viêm da tiết bã là một bệnh chàm mạn tính. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người trẻ từ 18 đến 40 tuổi. Ở trẻ sơ sinh cũng có thể gặp trường hợp viêm da tiết bã do tuyến bã tăng hoạt động trong thời kỳ này.

Triệu chứng viêm da tiết bã:

  • Tổn thương là những dát đỏ thẫm, bề mặt có vảy da khô ở vùng da có nhiều tuyến bã như da đầu, mặt, vùng xương ức, hay các nếp gấp trên cơ thể.
  • Viêm da dầu ở vùng da đầu gây gầu, ở giai đoạn muộn hơn, vùng da tổn thương bị ửng đỏ, lan xuống trán, sau tai, và cổ.
  • Ở mặt : viêm da tiết bả gây đỏ và bong vẩy ở vùng da tổn thương, thường gặp giữa hai lông mày hay rãnh mũi má.
  • Ở thân mình : ban đầu là những sẩn đỏ rải rác ở các nang lông, sau hình thành mảng lớn, có nhiều cung như cánh hoa, ở giữa có vẩy mỏng.
  • Ở các nếp gấp như nách, bẹn, nếp dưới vú, hậu môn sinh dục, viêm da tiết bã khiến da đỏ, giới hạn rõ, trên có vẩy mỡ.
bệnh chàm
Viêm da tiết bã (viêm da dầu)

Phương pháp chữa bệnh chàm loại viêm da tiết bã và lưu ý cho bệnh nhân:

Đây là căn bệnh cần được chữa trị lâu dài, hơn nữa triệu chứng bệnh dễ gây nhầm lẫn với nấm da, vảy nến, dẫn đến việc bệnh nhân tự ý mua thuốc bôi mà chưa qua thăm khám, khiến việc chữa bệnh chàm trở nên khó khăn. Vì vậy, ngay khi thấy các dấu hiệu nêu trên, bệnh nhân cần liên hệ với các bác sĩ da liễu uy tín để bệnh được can thiệp từ sớm và tăng tỉ lệ khỏi bệnh.

Bệnh chàm tổ đỉa

Triệu chứng chàm tổ đỉa:

  • Tổn thương điển hình trên da bàn tay bàn chân là các mụn nước gây ngứa hoặc đau. Da có thể đóng vayr, nứt nẻ và bong tróc
  • Vị trí: ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
bệnh chàm
Bệnh chàm tổ đỉa

Phương pháp chữa bệnh chàm tổ đỉa và lưu ý cho bệnh nhân:

  • Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn chàm tổ đỉa trở nên nghiêm trọng hơn. Vì cơ địa mỗi người là khác nhau, người bệnh cần sớm liên hệ bác sĩ để được tư vấn phương pháp chữa bệnh chàm thích hợp với bản thân.
  • Nhìn chung, các phương pháp chữa bệnh chàm này có thể bao gồm: sử dụng thuốc trị bệnh chàm như kem và thuốc mỡ chứa Corticosteroid, bác sĩ có thể chỉ định thêm kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm da do vi khuẩn.

Lưu ý:

  • Tránh làm xước vùng da bị tổn thương để tránh để lại sẹo
  • Sự trầy xước và bể mụn nước có thể gây nhiễm trùng và khiến bệnh lâu lành
  • Khả năng tái phát của bệnh cao vì nguyên nhân gây bệnh chưa được giới chuyên môn làm rõ

Bệnh chàm thể đồng tiền

Triệu chứng của chàm đồng tiền:

  • Khu vực da tổn thương có ranh giới rõ ràng, hình oval hay hình tròn tương tự như đồng xu. Ban đầu chúng chỉ là những đám đỏ nhưng sau thì nổi nhiều sẩn và mụn nước ngứa, tiết dịch, cuối cùng đóng thành vảy bong tróc ra ngoài.
  • Vị trí: mặt trước của cẳng tay và mu bàn tay, mu bàn chân, vùng thắt lưng, hông.
bệnh chàm
Bệnh chàm thể đồng tiền

Phương pháp chữa bệnh chàm đồng tiền và lưu ý cho bệnh nhân:

Hiện vẫn chưa có phương thức chữa trị đặc hiệu cho bệnh chàm thể đồng tiền. Người bệnh nên giữ ẩm cho da, tránh gãi trầy xước khiến da dễ bị nhiễm trùng. Bác sĩ có thể chỉ định corticoid bôi tại chỗ hoặc điều trị toàn thân cho bệnh nhân, tuỳ thuộc vào tình trạng của từng người bệnh.

Ngoài ra, việc thay đổi lối sống và tránh xa các yếu tố kích thích là một trong những cách để kiểm soát bệnh. Sau đây là những điểm người bệnh nên lưu ý tránh:

  • Mặc trang phục có chất liệu len và các chất kích thích khác gây kích ứng da của bạn
  • Tắm nước nóng nhiều lần vì sẽ gây khô da
  • Sử dụng xà phòng có chất tẩy rửa mạnh (tạo nhiều bọt)
  • Căng thẳng tinh thần
  • Tiếp xúc với các chất kích ứng môi trường (chất tẩy rửa, hóa chất…)
  • Sử dụng vải mềm và máy sấy
  • Xây xát và trầy xước trên da
bệnh chàm
Viêm da thần kinh

Để giảm nhẹ bệnh chàm thể đồng tiền, người bệnh nên:

  • Sử dụng băng ẩm để che và bảo vệ vùng bị ảnh hưởng
  • Uống thuốc và thoa kem theo đơn bác sĩ
  • Tiếp nhận liệu pháp ánh sáng khi được bác sĩ chỉ định

Viêm da thần kinh

Viêm da thần kinh hay còn gọi là lichen đơn dạng mạn tính.

Triệu chứng viêm da thần kinh:

  • Sự xuất hiện của các mảng da khô, dày, có vảy gây ngứa, dường như có liên quan đến stress hoặc rối loạn cảm xúc. Nếu bệnh nhân gãi, vùng da bị tổn thương có thể chảy máu và bị nhiễm trùng.
  • Vị trí : Sang thương da có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc nhiều sang thương và có thể xuất hiện ở bất bì đâu, thường gặp nhất trên cánh tay, chân, sau gáy, da đầu, dưới chân, mu bàn tay hoặc bộ phận sinh dục.

Phương pháp chữa bệnh chàm loại viêm da thần kinh và lưu ý cho bệnh nhân:

Sự kết hợp điều trị bằng thuốc bôi tại chỗ, thuốc tiêm và thay đổi chế độ ăn uống, ngủ nghỉ có hiệu quả không nhỏ trong việc chữa bệnh chàm loại viêm da thần kinh. Thuốc bôi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các triệu chứng bệnh, trường hợp nặng có thể được chỉ định áp dụng các liệu pháp mới .

Viêm da ứ trệ

Viêm da ứ trệ thường gặp ở những người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, nghĩa là máu không quay trở về tim như bình thường mà bị ứ trệ tại vùng chân.

Triệu chứng viêm da ứ trệ:

  • Sự tăng áp lực máu ở cẳng chân khiến huyết tương rò rỉ ra khỏi tĩnh mạch da và gây sưng, đỏ, ngứa, đau.
  • Thường gặp ở bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch, vùng viêm da thường xuất hiện ở chân.
bệnh chàm
Viêm da ứ đọng

Phương pháp chữa bệnh chàm loại viêm da ứ trệ và lưu ý cho bệnh nhân:

  • Để chữa bệnh chàm loại viêm da ứ trệ, trước hết cần điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Bệnh nhân cần kê cao chân, chườm, và băng ép, đôi khi phải dùng kháng sinh tại chỗ hoặc dạng uống để phòng ngừa nhiễm khuẩn do trầy xước.
  • Với viêm da ứ trệ cấp tính, đặc trưng bởi lớp vỏ bọc, dịch mỡ, và loét bề mặt…, nên áp dụng nén nước liên tục.
  • Nếu tổn thương rỉ dịch, nên dùng băng có hydrocolloid. Vai trò của Hydrocolloid là thấm hút chất dịch tiết ra từ vết thương, và tạo ra một môi trường ẩm cho vết thương để đạt điều kiện tối ưu cho quá trình lành vết thương và hạn chế tạo sẹo.

Phòng ngừa bệnh chàm

Có thể phòng tránh bệnh chàm bằng nhiều cách khác nhau như tránh các yếu tố gây bệnh, dưỡng ẩm da, điều chỉnh việc tắm rửa và sử dụng chất tẩy rửa, quần áo, …

Đối với người có người thân từng mắc bệnh chàm, vì cơ địa dị ứng là đặc điểm di truyền thì càng phải cẩn thận thực hiện các biện pháp ngừa bệnh. Việc phòng bệnh chàm sẽ tùy vào cơ địa mỗi người để kết hợp và điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả. Sau đây là những lưu ý để phòng tránh bệnh chàm để bạn đọc tham khảo.

Tránh các yếu tố gây bệnh

Nhiều yếu tố khác nhau gây bệnh chàm, vì vậy tránh các yếu tố gây bệnh là một trong những cách phòng tránh bệnh chàm hiệu quả. Một số yếu tố đó là :

  • Dị vật: Da lông động vật, bụi, nấm mốc và phấn hoa
  • Các món ăn: hải sản, gà, vịt xiêm, mắm, …
  • Tình trạng da khô
  • Xà phòng và chất tẩy rửa mạnh
  • Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
  • Vải thô hoặc vải gây ngứa
  • Sản phẩm chăm sóc da, thuốc nhuộm hoặc nước hoa gây kích ứng
  • Căng thẳng tinh thần
  • Mồ hôi
  • Khói thuốc lá
  • Nghề nghiệp tiếp xúc với tác nhân dị ứng: chế biến cao su, pha chế và sử dụng sơn, làm mộc, …
bệnh chàm
Cần tránh các loại xà phòng và chất tẩy rửa mạnh

Dưỡng ẩm da

Da khô là một trong những điều kiện gây bệnh chàm, vì vậy, việc chăm sóc da hằng ngày là cần thiết để phòng tránh bệnh chàm. Hiện nay có 3 loại sản phẩm dưỡng ẩm da phổ biến:

  • Thuốc mỡ: Mỡ khoáng có tác dụng tốt trong việc giữ độ ẩm nhưng có thể gây nhờn rít.
  • Sữa dưỡng thể: Là sản phẩm ít có tác dụng hiệu quả và lâu dài do thành phần dưỡng chất bị pha loãng, tuy có khả năng thẩm thấu qua các lớp da tốt hơn thuốc mỡ nhưng nồng độ dưỡng chất thấp, hiệu quả không cao.
  • Kem dưỡng ẩm: Được phát triển để vượt qua những nhược điểm của hai loại trên như không gây nhờn rít da như thuốc mỡ, nồng độ dưỡng chất được tăng cường mà vẫn đảm bảo khả năng thấm qua các lớp da. Kem dưỡng ẩm hiện tại là loại có hiệu quả hơn hai sản phẩm dưỡng ẩm da kể trên, tuy nhiên giá thành cũng nhỉnh hơn.
bệnh chàm
Dùng sữa dưỡng ẩm mỗi ngày để phòng ngừa bệnh chàm

Có nhiều sản phẩm dành cho việc dưỡng ẩm da, tuy nhiên bạn nên ưu tiên sử dụng kem dưỡng ẩm vì những ưu điểm của nó so với thuốc mỡ và sữa dưỡng thể.

Việc dưỡng ẩm da sẽ có hiệu quả tốt hơn khi bạn sử dụng một số mẹo dưỡng da sau:

  • Sử dụng các sản phẩm dưỡng da toàn thân 2 lần/ngày, ngay sau khi tắm hoặc trong lúc tắm
  • Thoa sản phẩm dưỡng ẩm nhẹ nhàng, không chà xát mạnh.
  • Dùng thìa hoặc bơm hút các loại kem dưỡng ra khỏi hộp, tránh để lại vi khuẩn khi lấy kem bằng ngón tay.
  • Dưỡng ẩm cho bàn tay hằng ngày và sau khi rửa tay.

Vệ sinh thân thể đúng cách

Tắm rửa đúng cách giúp bạn phòng bệnh hiệu quả. Do đó, bạn cần chú ý:

  • Tắm 1 lần/ngày, tối đa trong 10-15 phút
  • Tắm nước ấm, không tắm nước nóng
  • Sử dụng các loại xà phòng nhẹ nhằm giữ ẩm tốt nhất cho cơ thể
  • Không chà xát với khăn lau hoặc mướp đắng
  • Nhẹ nhàng lau khô bằng khăn mềm
bệnh chàm
Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ

Để việc tắm rửa đạt hiệu quả hơn, bạn có thể sử dụng thêm những thứ sau:

  • Baking soda, khoảng 1⁄4 cốc
  • Dầu tắm để giữ ẩm cho làn da
  • Bột yến mạch giúp giảm ngứa. Sử dụng bột yến mạch dạng keo, giống như gel bột yến mạch.

Chỉ sử dụng xà phòng và chất tẩy rửa dịu nhẹ với da nhạy cảm

Xà phòng, chất tẩy rửa và các sản phẩm khác có thể gây ảnh hưởng không tốt đến làn da, vì vậy bạn nên cân nhắc lựa chọn sản phẩm phù hợp.

  • Tránh xà phòng kháng khuẩn và khử mùi.
  • Chọn sản phẩm mà không chứa thuốc nhuộm hoặc nước hoa
  • Chọn sản phẩm với càng ít phụ gia càng tốt.
  • Sử dụng chất tẩy nhẹ.
  • Không sử dụng chất làm mềm vải.

Mặc quần áo chất liệu vải mềm

  • Tránh để da tiếp xúc trực tiếp với những loại quần áo có kiểu ôm cơ thể, chất liệu thô cứng hay kém thấm hút như polyester, thun, vải bố, len dạ, …
  • Nên mặc những kiểu quần áo rộng rãi thoải mái với chất liệu thấm hút và thoát hơi tốt như vải cotton, kate, …
  • Nên mặc quần áo phù hợp với mùa và thời tiết
bệnh chàm
Sử dụng quần áo chất vải mềm

Kiểm soát ngứa

Ngứa có thể kích ứng gãi da, gãi nhiều có thể gây loét dẫn đến nhiễm trùng. Để giảm triệu chứng ngứa, bạn nên thực hiện:

  • Bôi thuốc trị ngứa
  • Đặt miếng vải ướt lên những vùng ngứa
  • Che các khu vực ngứa để tránh trầy xước
  • Nhẹ nhàng chà cơ thể bằng đầu ngón tay thay vì gãi
  • Cắt ngắn móng tay
  • Đeo găng tay mỏng trong khi bạn ngủ

Nếu các mẹo trên vẫn không làm những cơn ngứa đỡ hơn, thì bạn nên gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị thêm.

Chế độ ăn uống

  • Uống đủ 2-2.5 lít nước mỗi ngày: Nước sẽ giúp bạn thanh lọc cơ thể, bài trừ độc tố.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý: Ăn các thực phẩm có tính mát (rau má, bí đao, bí đỏ, đậu xanh), trái cây và rau củ tươi. Hạn chế những thức ăn có tính nóng, gây nhiệt như ớt, tiêu, … . Tránh thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng như: hải sản, gà, vịt xiêm, mắm, …
  • Sử dụng thêm thực phẩm chức năng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan, giải độc cơ thể hiệu quả.
bệnh chàm
Chế độ ăn uống khoa học để phòng ngừa bệnh chàm

Khi có dấu hiệu bị bệnh, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ da liễu để có biện pháp chữa trị sớm, để bệnh nhanh khỏi và dứt điểm.

Các bác sĩ và phòng khám tư vấn và chữa bệnh chàm

BSCKI. Nguyễn Thị Phương Trang – Quận 3, HCM

Khoa Da Liễu Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền Trung Ương – Hà Nội

Phòng Khám Da Liễu Dr Michaels – Quận 2

Trên đây là hướng dẫn phòng ngừa và chữa bệnh chàm da, tuy nhiên để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, người bệnh cần liên hệ bác sĩ da liễu để được chẩn đoán đúng loại chàm và điều trị. Để được khám bệnh không cần chờ đợi, hãy truy cập website của Docosan hoặc tải App Docosan để sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ gần bạn nhất.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Tham khảo: Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược, Sở y tế Nam Định, Webmd