Bệnh chốc lở ở người lớn tuy ít gặp hơn so với trẻ em nhưng vẫn để lại nhiều biến chứng và đặc biệt là sẹo. Bạn cần biết những dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị bệnh chốc để bảo vệ sức khoẻ. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ gửi đến bạn thông tin về
Tóm tắt nội dung
Bệnh chốc lở ở người lớn và những dấu hiệu nhận biết
Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da, nguyên nhân chính gây ra là do vi khuẩn. Chốc lở là một bệnh da liễu phổ biến thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc căn bệnh này.
Biểu hiện bệnh chốc lở ở người lớn điển hình là những mụn nước hoặc vết loét ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng thường gặp là ởxung quanh mũi, miệng, cổ và tay. Vì những triệu chứng của chốc lở dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý da liễu khác nên bạn cần chú ý tìm hiểu và nắm bắt những thông tin quan trọng. Bệnh rất dễ lây lan, có thể điều trị khỏi bằng thuốc kháng sinh.
Bệnh chốc lở ở người lớn gồm 2 thể là chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước điển hình
Chốc có bọng nước
Chốc có bọng nước do vi khuẩn tụ cầu vàng gây lên và những có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào của cơ thể như da đầu, mặt, cổ, bàn tay, bàn chân,…
Dấu hiệu nhận biết:
- Ban đầu xuất hiện các mảng dát đỏ kích thước nhỏ khoảng 1cm và sau đó hình thành các vết bọng nước nhăn nheo, có quầng đỏ bao quanh.
- Các bọng nước dần xuất hiện mủ đục, và phát triển sau vài ngày thì các bọng nước vỡ ra, đóng vảy tiết màu nâu hoặc màu vàng mật ong.
- Sau khi đóng vảy được 7 – 10 ngày, vảy tiết bong ra để lại các bợt da dát hồng và thường không để lại sẹo.
- Khi bị chốc, bệnh nhân thường ngứa và gãi làm vết thương trở nên nghiêm trọng, lây lan sang các vùng da lành xung quanh.
Chốc có bọng nước thường khỏi sau 1 – 2 tuần nếu điều trị tốt. Tuy nhiên, người bệnh sẽ gặp những biến chứng nặng nề hơn nếu chốc không được chữa trị kịp thời và gây ra số biến chứng xấu thường gặp: viêm các hạch lân cận, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp. Ngoài ra, trong điều kiện vệ sinh kém, khí hậu nóng ẩm khiến bệnh dễ dàng bùng phát.
Chốc không có bọng nước
Chốc không có bọng nước do liên cầu khuẩn gây ra. Chốc loại này thường gặp ở đầu, mặt, tai, hốc miệng, quanh hốc mũi,…
Dấu hiệu nhận biết:
- Những mụn mủ, mụn nước sẽ xuất hiện dầu tiên và sau đó các mụn này nhanh chóng bị vỡ trượt trên nền da đỏ, tiết ra dịch mủ ẩm ướt.
- Không có các vết bọng nước nhưng có các tổn thương li ti ở xung quanh, bờ xung quanh của vết chốc thường có ít vảy.
- Vảy tiết màu nâu vàng mật ong hoặc màu nâu sáng, có quầng đỏ bao quanh.
Chốc đầu không bọng nước thường kéo dài hơn và khỏi sau 2 – 3 tuần. Bạn cần đảm bảo điều kiện vệ sinh hoặc khi cơ thể có sẵn các bệnh lý về da như: bệnh chàm, các bệnh ký sinh trùng,…
Chốc loét
Chốc loét giai đoạn đầu có những triệu chứng tương tự chốc không có bọng nước. Tuy nhiên chốc loét có thể tiến triển tạo thành những vết loét hoại tử lõm ở giữa và có nguy cơ cao để lại sẹo.
Những đối tượng nào thường bị bệnh chốc lở ở người lớn?
Bệnh chốc thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, ít gặp ở người lớn. Tuy nhiên chốc lở cũng có thể gặp ở người lớn với các đối tượng khác dưới đây:
- Những người sống ở trong vùng khí hậu nóng ẩm, chật chội, điều kiện vệ sinh kém.
- Người mắc các bệnh tiểu đường, bệnh lý về thận, mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như bệnh ung thư, bệnh HIV/AIDS, lao,…
- Người mắc sẵn các bệnh lý về da: dị ứng cơ địa, chàm da, nấm, da dễ tiết nhờn,…
- Những người hay chơi các hoạt động thể thao tiếp xúc, đấu vật, bơi lội trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh,…
- Những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất như: hóa chất nhuộm tóc, hóa chất xăm mình,…
Những cách điều trị bệnh chốc lở ở người lớn hiệu quả
Hạn chế sờ, gãi lên vết thương
Các vết mụn mủ, bọng nước của bệnh chốc thường gây ngứa ngáy và khó chịu. Người bệnh thường không tự chủ đưa tay gãi ngứa và làm vỡ các vết bọng nước. Những hành động này không những không giúp vết chốc nhanh khỏi mà còn làm tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn, lây lan nhanh hơn.
Người bệnh tuyệt đối không gãi ngứa, không cạy các bọng nước, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan sang các vùng da xung quanh làm tình trạng bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Giữ vệ sinh vết thương bằng các dung dịch sát khuẩn
Việc giữ gìn vệ sinh vết chốc đóng vai trò quan trọng trong điều trị chốc. Dùng các dung dịch sát khuẩn giúp loại bỏ môi trường sống, kìm hãm khả năng gây bệnh của vi khuẩn và có khả năng tiêu diệt tế bào vi khuẩn một cách hiệu quả. Một số dung dịch sát khuẩn tại chỗ hay dùng là: dung dịch sát khuẩn Povidon – iod, Clorhexidin, cồn 70 độ, Oxy già,…
Cung cấp đủ ẩm giúp cho tổn thương da phục hồi và ngăn ngừa sẹo
Các vết chốc khi lành để lại các vết trợt đỏ trên da. Bạn cần lưu ý rằng việc không gãi ngứa để không làm rộng vết thương là vô cùng cần thiết. Ngoài ra những vùng da lúc vết thương lành sẽ dễ bị khô. Để giảm khô da, giảm ngứa và đẩy nhanh quá trình lành sẹo, người bệnh nên sử dụng các loại kem dưỡng thoa lên các vết trợt. Các chất làm ẩm sẽ cung cấp độ ẩm làm mềm da, đẩy nhanh quá trình tạo mô mới, nhanh liền sẹo.
Điều trị các trường hợp bệnh chốc mức độ nặng
Những trường hợp bệnh chốc ở người lớn không thuyển giảm sau khi đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà kể trên, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để nhận phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp. Một số kháng sinh đường uống hay được sử dụng là: Oxacillin, Cloxacillin, Amoxicillin, Trimethoprim, Cephalexin….
Việc điều trị bằng kháng sinh phải tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua thuốc sử dụng hoặc tự ý ngưng dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng không mong muốn.
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý cho người bệnh chốc
Xây dựng chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, giàu vitamin, protein, khoáng chất, chất xơ. Bạn cần bổ sung các loại thực phẩm nên ăn như thịt, cá, sữa, rau xanh, dầu oliu, đu đủ, sữa chua,…. Để giúp dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể chống lại vi khuẩn gây bệnh.
Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi thoải mái, hoạt động nhẹ nhàng, tránh làm việc quá sức. Mặc đồ rộng rãi, tránh mặc đồ bó sát, bí, giữ cho vết thương khô thoáng, hạn chế chốc lở lan rộng. Giữ vệ sinh môi trường sống, giặt giũ chăn màn, quần áo thường xuyên, loại bỏ môi trường phát triển của vi khuẩn. Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh lây bệnh sang các vùng da lành và những người xung quanh.
Tóm lại, nguyên tắc quan trọng để điều trị bệnh chốc lở ở người lớn hiệu quả là giữ gìn vệ sinh, không gãi lên các vết thương và xây dựng chết độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Trường hợp chốc nặng, lan tỏa toàn thân, người bệnh cần đi khám để được điều trị chốc với phác đồ kháng sinh phù hợp.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.