Bệnh chốc mép: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Chốc mép là bệnh lý da liễu phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi, có khả năng lây nhiễm cao nhưng bệnh không quá nguy hiểm, tự giới hạn và không để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh gây mất thẩm mỹ và cảm giác khó chịu khi ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, chính vì vậy nhiều người vẫn muốn điều trị bệnh dứt điểm thật nhanh chóng. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về bệnh chốc mép và cách chữa bệnh như thế nào qua bài viết dưới đây.

Chốc mép là bệnh gì ?

Chốc mép còn được gọi là bị lở mép miệng, là tình trạng da ở một hoặc ở cả hai bên mép bị nứt, đau do viêm. Bệnh lý này là bệnh da liễu phổ biến và đặc biệt là có khả năng lây nhiễm cao, bệnh có thể hết sau vài ngày hoặc kéo dài thành mãn tính, có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em và trẻ sơ sinh.

Chốc mép không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc mà còn gây tổn thương ở mặt, làm mất thẩm mỹ cho người bệnh. Khả năng lây nhiễm cao qua đường tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương trên da của người lành, lẫn gián tiếp qua dùng đồ nhiễm bẩn, chứa tác nhân gây bệnh mà trước đó bệnh nhân đã chạm vào như đồ chơi, quần áo, chăn gối…

Hình ảnh bệnh chốc mép
Hình ảnh bệnh chốc mép

Nguyên nhân bệnh chốc mép

Chốc mép có thể do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng 2 nguyên nhân phổ biến nhất và thường gặp hơn cả là do nhiễm virus và nhiễm nấm.

  • Virus gây chốc mép là virus herpes. Virus gây bệnh lở mép lây truyền khi tiếp xúc với dịch tiết của tổn thương. Virus này có thể tồn tại trong nước bọt, nước mũi và cả nước mắt của người bệnh.
  • Nấm gây bệnh là nấm Candida albicans. Khi cơ thể có tình trạng suy giảm miễn dịch như đái tháo đường hoặc sử dụng các thuốc corticoid kéo dài, … sẽ tạo cơ hội để nấm phát triển mạnh mẽ và gây viêm chốc quanh miệng, mép.

Tình trạng chốc lở sẽ trở nên nặng nề hơn khi bạn có thói quen liếm môi để bớt khô khi vùng da quanh miệng bị khô và dễ kích ứng do nước bọt đọng lại ở mép lâu sẽ khiến khu vực này ẩm ướt.

Ngoài 2 tác nhân thường gặp trên thì các vi khuẩn như tụ cầu hoặc sự thiếu hụt vitamin B cũng là nguyên nhân gây chốc mép. Sự thiếu hụt vitamin B thường do bạn không ăn đủ rau xanh, trái cây, thực phẩm nguyên cám cũng là nguyên nhân gây chốc mép.

Virus herpes là nguyên nhân chính sinh bệnh chốc mép
Virus herpes là nguyên nhân chính sinh bệnh chốc mép

Triệu chứng bệnh chốc mép

Triệu chứng khởi phát của người bệnh thường sẽ là cảm thấy nóng rát hoặc có cảm giác khó chịu ở vùng mép, khóe miệng.

Vùng da quanh mép sau vài giờ sẽ tấy đỏ, xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ li ti có thể mọc giới hạn thành từng cụm quanh mép miệng trên nền da bị sưng nề nhẹ.

Các mụn nước nhỏ hợp thành chùm, liên kết với nhau có thể tạo thành những bóng nước lớn. Mụn nước ban đầu chứa dịch trong, thường phát triển sau 3-4 ngày sẽ vỡ ra. Khi vỡ ra sẽ khiến dịch đổi màu vàng đục do hóa mủ. Vùng da bị tổn thương sẽ đóng vảy tiết và sau 1-2 ngày vảy tiết sẽ bong, để lại nền da màu hơi nhợt nhạt, có thể để lại sẹo hoặc những vết loét, nứt trên mép rất lâu liền.

Triệu chứng bệnh chốc mép
Triệu chứng bệnh chốc mép

Chốc mép ở trẻ em thường sẽ xuất hiện lớp vảy màu vàng quanh mép, lưỡi bé hơi bóng, còn môi thì bị khô.

Ngoài sang thương da đặc trưng kể trên thì bệnh nhân có thể sẽ thấy đau khi há miệng hoặc cười to, nhất là khi ăn đồ nóng, cay, có tính axit cao thì càng đau nhiều hơn, và có khi cả vị giác cũng thay đổi nên người bị chốc mép thường gặp khó khăn trong cả ăn uống và giao tiếp hàng ngày, dẫn đến sụt cân, môi khô nứt nẻ, …

Bệnh chốc mép có nguy hiểm không?

Bệnh chốc mép thường không gây nguy hiểm đặc biệt cho người trưởng thành khỏe mạnh. Nhưng có một số trường hợp ngoại lệ khi bệnh này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Dưới đây là một số tình huống đáng lưu ý:

  • Bà bầu: Nếu bà bầu nhiễm chốc mép trong suốt thai kỳ, virus có thể lây sang thai nhi và gây ra những ảnh hưởng về vấn đề sức khỏe. Vì thế, việc phòng ngừa và theo dõi bệnh trong khi mang bầu rất quan trọng.
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu: Chẳng hạn như những người bị nhiễm HIV hoặc đang nhận hóa trị có nguy cơ cao hơn mắc các biến chứng nghiêm trọng từ chốc mép. Những vấn đề này có thể bao gồm viêm cầu thận, viêm não, viêm phổi và viêm gan.
  • Chấn thương mắt: Nếu như chốc mép lan sang mắt, có thể gây viêm kết mạc hoặc viêm giác mạc nghiêm trọng, gây hại lâu dài cho thị lực.

Nếu bạn hoặc người thân của bạn thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ giúp đưa ra các biện pháp điều trị và quản lý phù hợp tùy theo tình hình cụ thể.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh chốc mép

Theo nghiên cứu, những trường hợp dưới đây thể tạo điều kiện cho virus herpes hoặc nấm Candida phát triển và nguy cơ gây bệnh chốc mép cao hơn.

  • Trẻ em từ 2 – 5 tuổi: Do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên thường có nguy cơ mắc bệnh chốc mép cao hơn 
  • Tiếp xúc nhiều trong môi trường đông đúc: Những môi trường sống tụ tập nhiều người như trường học, nhà trẻ,… cũng tạo điều kiện lây lan bệnh.
  • Thời tiết ẩm và nóng trong mùa hè: Là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của virus herpes và nấm Candida, do đó tỷ lệ mắc bệnh trong mùa hè thường cao hơn.
  • Tiếp xúc da kề da: Việc tiếp xúc da kề da trong các hoạt động thể thao đặc thù có thể tạo điều kiện để virus và nấm lan truyền từ người mắc bệnh sang người khác.

Ngoài những đối tượng trên, tổn thương trên da dù nhỏ cũng có thể tạo cơ hội cho virus và nấm xâm nhập gây bệnh chốc mép. Bên cạnh đó, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh đái tháo đường có khả năng mắc bệnh cao hơn, vì hệ miễn dịch yếu không thể chống lại virus hoặc nấm, trong khi đái tháo đường có thể làm gia tăng đường huyết, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các tác nhân gây bệnh.

Chẩn đoán chốc mép

Để chẩn đoán bệnh chốc mép, bác sĩ thường dựa vào những tổn thương đặc trưng của da. Trong trường hợp này, không cần khám lâm sàng.

Khi tổn thương không phản ứng tốt với điều trị bằng kháng sinh thông thường, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch tiết từ tổn thương để làm kháng sinh đồ. Lấy mẫu này giúp xác định chính xác loại tác nhân gây bệnh (như virus herpes hoặc nấm Candida) và tìm ra loại kháng sinh hoặc phương pháp điều trị tối ưu cho tình trạng cụ thể của người mắc. Điều này giúp đảm bảo rằng việc điều trị sẽ hiệu quả và phù hợp với nguyên nhân gây bệnh.

Cách chữa bệnh chốc mép

Chốc mép thường sẽ tự giới hạn và khỏi bệnh hoàn toàn không để lại di chứng gì, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để tự điều trị tại nhà:

  • “Chốc mép bôi thuốc gì?” – là câu hỏi thường gặp của người bệnh, bạn nên rửa sạch vùng tổn thương bằng nước ấm rồi bôi kem dưỡng ẩm Vaseline vào vết nứt sẽ giúp nhanh lành và giúp bảo vệ da tránh bội nhiễm.
  • Quan trọng hơn cả trong điều trị bệnh là tránh để bệnh lây lan thêm: Không nên gãi vùng da bị tổn thương để hạn chế virus lây lan tới những vị trí khác trên cơ thể. Không chọc vỡ các mụn nước hoặc bỏng vảy mà hãy để vảy tiết tự bong.
  • Nếu cảm thấy đau, nóng rát, ngứa có thể đắp khăn lạnh lên vết chốc để giảm bớt triệu chứng.
  • Lưu ý vệ sinh sạch sẽ răng miệng, rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với vùng da tổn thương để bôi thuốc hay kem dưỡng ẩm, tránh để chỗ tổn thương bội nhiễm và trở nên nặng nề thêm.
  • Không dùng chung các đồ dụng vệ sinh cá nhân với người khác. Quần áo, khăn, … của người bệnh cần được giặt riêng. Người bệnh nên dùng loại khăn giấy, giấy ăn và muỗng đũa dùng 1 lần duy nhất.
  • Khi bị chốc mép, không tiếp xúc da kề da với người khác, không ôm, hôn người khác, đặc biệt đối với trẻ nhỏ để tránh lây lan.
  • Chế độ ăn hợp lí, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
  • Cố gắng giữ vùng da quanh mép luôn sạch sẽ, khô thoáng.
  • Rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mặt khi không cần thiết.
  • Chốc mép ở trẻ em thì bố mẹ lưu ý nên cắt móng tay của bé để tránh việc bé ngứa và cào xước da.
chốc mép
Sử dụng kem bôi dưỡng ẩm Vaseline điều trị chốc mép

Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà chốc mép vẫn kéo dài, không hết hoặc tái phát nhiều lần thì chúng tôi khuyên bạn nên giành chút thời gian đến khám bác sĩ da liễu để được tư vấn phương pháp điều trị. Không nên tự ý mua thuốc điều trị nếu không có sự tư vấn từ bác sĩ.

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh chốc mép

  • Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Đảm bảo rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt sau khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương ở người hoặc động vật. 
  • Không chia sẻ dụng cụ cá nhân như quần áo, khăn,… với người khác.
  • Tránh tiếp xúc với vùng quanh miệng, mép của người bị nhiễm bệnh, đặc biệt khi có tổn thương hoặc khi dịch tiết từ tổn thương vẫn còn.
  • Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh: Duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, đủ giấc ngủ và tránh căng thẳng. Điều này giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Mang găng tay khi bôi thuốc lên vùng da bị tổn thương và rửa tay với xà bông ngay sau đó.
  • Việc cắt móng tay thường xuyên cho trẻ nhỏ giúp tránh cào xước da và giảm nguy cơ lây nhiễm.
  • Chăm sóc và giữ gìn sức khỏe miệng: Đánh răng hai lần mỗi ngày, sử dụng chỉ điều trị viêm nướu, kháng khuẩn miệng hoặc dung dịch miệng để giữ vệ sinh miệng tốt. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và điều trị các vấn đề về sức khỏe miệng như viêm nướu, răng sâu hoặc nhiễm khuẩn vùng miệng.
  • Hạn chế tiếp xúc với điều kiện môi trường ẩm ướt thuận lợi cho nấm phát triển và giữ vùng miệng, mép luôn khô ráo.

Câu hỏi thường gặp

Chốc mép bao lâu thì khỏi?

Thời gian bình thường để bệnh chốc mép khỏi hoàn toàn thường là khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, thời gian này có thể dao động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Hệ miễn dịch; Độ nghiêm trọng của tổn thương; Đúng cách điều trị.

Bị chốc mép kiêng ăn gì?

  • Thực phẩm có chứa arginine: các loại hạt, đậu, đồ ngọt, cacao, nấm men, thịt đỏ, các loại hải sản như tôm, cua, hàu.
  • Thực phẩm chứa Hợp chất phenol: các loại hạt và đậu, nước mắm, nước sốt cà chua, soda, coca cola.
  • Thức uống có cồn
  • Thức ăn nóng

Bà bầu bị chốc mép có sao không?

Nếu bạn đang mang thai và chưa từng mắc chốc mép trước đây, nguy cơ nhiễm bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Trong trường hợp này, việc chăm sóc và theo dõi cẩn thận từ bác sĩ là cần thiết.

Chốc mép có để lại sẹo không?

Chốc mép thường không để lại sẹo vĩnh viễn trên da. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi tổn thương từ chốc mép vỡ nám nứt hoặc nhiễm trùng, có thể để lại sẹo nhỏ hoặc vết thâm trên da.

Chốc mép có lây không?

Chốc mép có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nhiễm trùng từ người mắc bệnh hoặc qua chia sẻ đồ ăn, chén đĩa, dụng cụ cá nhân với người mắc bệnh.

Kết luận

Chốc mép là tình trạng da ở một hoặc ở cả hai bên mép bị nứt, đau, là bệnh da liễu phổ biến, có khả năng lây nhiễm cao, bệnh có thể hết sau vài ngày hoặc kéo dài thành mãn tính, có thể xảy ra ở bất cứ ai và lứa tuổi nào. Chốc mép có thể do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng 2 nguyên nhân phổ biến nhất và thường gặp hơn cả là do nhiễm virus và nhiễm nấm. Sang thương da đặc trưng kèm theo nhiều triệu chứng phụ gây mất thẩm mỹ và khó khăn trong cả ăn uống và giao tiếp hàng ngày.

Cần lưu ý việc điều trị bệnh chốc mép để bệnh nhanh khỏi với 2 biện pháp quan trọng là bôi kem dưỡng ẩm Vaseline vào vết nứt và tránh để bạn lây lan thêm.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị!

Contact Me on Zalo