Chàm (Eczema): Nguyên nhân và triệu chứng, điều trị

Chàm (Eczema) là tình trạng viêm da ở lớp nông của da. Chàm (eczema) gây ngứa ngáy và rất dễ tái phát. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh và cách chữa bệnh chàm (eczema) ngay trong bài viết dưới đây.

Chàm (eczema) là gì?

Bệnh Eczema hay còn gọi là bệnh chàm da là một tình trạng viêm hoặc kích ứng mạn tính, có thể nổi mụn nước thành mảng trên bề mặt da và gây ngứa, lâu dần da trở nên sần sùi và còn có thể rỉ dịch.

Hiện tại chưa có cách chữa trị dứt điểm bệnh chàm (eczema) . Bác sĩ da liễu thường sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát các triệu chứng của chàm và dặn dò bệnh nhân tránh các tác nhân kích thích bệnh tiến triển.

chàm
Chàm là một tình trạng viêm hoặc kích ứng mạn tính

Theo thống kê từ bệnh viện Da Liễu Trung Ương, tỷ lệ người mắc bệnh chàm ở Việt Nam chiếm khoảng 20% trong tổng số lượt bệnh nhân tới khám tại các chuyên khoa da liễu. Ai cũng có thể bị chàm bất kể tuổi tác hay giới tính. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh rất dễ tái phát và làm tổn thương da nghiêm trọng, khiến người bệnh tự ti vì những di chứng trên da.

Các loại chàm thường gặp

Đa số các trường hợp chàm là viêm da cơ địa với dấu hiệu da khô, ngứa, phát ban.

Ngoài ra còn có các loại chàm khác như:

  • Viêm da tiếp xúc: do sự tiếp xúc với các tác nhân kích thích, chẳng hạn như cọ xát vào quai dép hoặc quần áo. Chỉ cần loại bỏ tác nhân kích thích thì da sẽ bình thường trở lại.
  • Viêm da dị ứng: do da tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, ví dụ như mỹ phẩm, nhựa cây, hoá chất….
  • Viêm da nốt sần: Các mảng da khô, tròn xuất hiện ở chân vào mùa lạnh khô như mùa đông. Viêm da nốt sần thường gặp hơn ở nam giới.
  • Viêm da tiết bã (viêm da dầu): Nền da đỏ xuất hiện vảy xám trắng. Thường xuất hiện ở da đầu, lông mày, nách, bẹn, …
  • Chàm tổ đỉa: Xuất hiện các mảng mụn nước gây ngứa ngày ở ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay và bàn chân.
  • Chàm đồng tiền: Tổn thương có dạng hình oval hay hình tròn màu đỏ, xuất hiện ở cẳng tay và mu bàn chân
  • Viêm da thần kinh: Xuất hiện các mảng da dày gây ngứa ở lưng, sau gáy, vùng sinh dục, da đầu, cổ tay, cổ chân.
  • Viêm da ứ đọng: Thường xảy ra ở các bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch. Các tĩnh mạch và mao mạch nổi rõ màu đỏ đến đen, gây sưng đau
chàm
Điểm qua các loại chàm thường gặp

Chàm cũng có thể được phân loại theo vị trí xuất hiện, ví dụ :

  • Chàm tay: Nứt nẻ và bong tróc da gây đau đớn, thường gặp ở ngón tay
  • Chàm môi: Nứt nẻ và mụn nước xuất hiện ở quanh môi miệng.

Triệu chứng chàm

Triệu chứng chính của chàm là da ngứa, khô, thô ráp, tróc vảy, viêm và kích ứng. Các cơn ngứa có thể rất dữ dội, biến mất rồi lại bùng phát.

Các triệu chứng khác của bệnh eczema bao gồm:

  • Xuất hiện các mảng màu đỏ hoặc nâu xám
  • Nổi mụn nước, chảy dịch khi bị trầy xước
  • Các mảng vảy khô rỉ ra màu vàng nhạt, có thể bị nhiễm trùng
  • Da dày lên, đóng vảy
chàm
Bệnh chàm tác động mạnh vào giá trị thẩm mỹ

Lưu ý: Động tác gãi sẽ làm vùng da bị chàm dễ tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng, vì thế bệnh nhân cần hạn chế gãi.

Nguyên nhân gây bệnh chàm

Vẫn cần thêm nhiều bằng chứng nghiên cứu để xác định nguyên nhân gây bệnh chàm (eczema).

Có nhiều giả thuyết cho rằng chàm là hệ quả của sự tác động phối hợp nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như :

  • Di truyền: Yếu tố nguy cơ rõ rệt nhất là bệnh nhân chàm có người thân đang bị hoặc đã từng bị chàm, hen suyễn hay các dị ứng khác. Phần lớn trẻ em bị chàm nặng sẽ xuất hiện hen hoặc các dị ứng khác khi trưởng thành.
  • Môi trường: Nhiều nghiên cứu ghi nhận trẻ sống ở thành thị, ở nơi ô nhiễm không khí nặng, hoặc nơi có thời tiết khô lạnh thì có tỉ lệ mắc chàm cao hơn.
  • Các yếu tố gây dị ứng: Sự xuất hiện của các yếu tố gây dị ứng như bụi, hoá chất ô nhiễm, phấn hoa, mạt nhà… cũng có thể kích hoạt một đợt chàm da.
  • Các yếu tố kích ứng da: Xà phòng, các chất tẩy rửa mạnh, nước hoa, mỹ phẩm, khói thuốc lá….cũng có thể kích hoạt một đợt chàm da.
  • Tổn thương da
  • Rối loạn nội tiết
chàm
Môi trường bị ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh chàm

Điều trị chàm

Mục tiêu điều trị của chàm là:

  • Giảm ngứa
  • Tránh làm tổn thương da
  • Phòng ngừa bùng phát
  • Dự phòng nhiễm trùng

Bác sĩ da liễu sẽ hướng dẫn bệnh nhân điều trị bệnh chàm tuỳ thuộc độ tuổi, tiền căn, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và một số yếu tố khác. Có nhiều phương pháp điều trị, sự kết hợp các phương pháp sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.

Thuốc trị bệnh chàm

Thuốc uống không kê đơn (OTC) có thể làm giảm ngứa do có tác dụng kháng histamin (histamine tham gia vào phản ứng viêm và gây ngứa). Một số thuốc kháng histamin giảm ngứa có thể kể đến như:

  • Cetirizine
  • Diphenhydramine
  • Fexofenadine
  • Loratadine
chàm
Điều trị bệnh chàm bằng thuốc bôi ngoài da

Lưu ý: Một số loại thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ. Vì vậy, bạn nên tìm mua loại có ghi “không gây buồn ngủ” (Non-drowsy) nếu phải uống thuốc vào ban ngày.

Các loại kem và thuốc mỡ có chứa corticoid (steroid) có thể làm giảm ngứa và đóng vảy. Nhưng nếu sử dụng loại thuốc này, bạn cần lưu ý các tác dụng phụ sau khi sử dụng lâu dài, bao gồm:

  • Làm mỏng da
  • Kích ứng da: châm chích, mẩn đỏ, …
  • Gây đổi màu da

Nếu vùng da tổn thương đã bị nhiễm trùng, để điều trị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh bôi hoặc uống.

Một số liệu pháp chữa bệnh chàm

Liệu pháp ánh sáng, hoặc quang trị liệu, sử dụng tia cực tím hoặc đèn chiếu ánh sáng trắng để giúp ngăn chặn các phản ứng của hệ thống miễn dịch gây ra bệnh eczema. Nó đòi hỏi một loạt các phương pháp điều trị và có thể giúp giảm bớt hoặc khỏi bệnh eczemaa. Nó cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng da do vi khuẩn.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Giảm stress và tăng cường sức khỏe tinh thần thông qua thiền định, yoga, nghe nhạc và ngủ đủ giấc.
  • Chườm lạnh và hạn chế gãi vùng chàm gây ngứa
  • Hạn chế ăn thức ăn cay nóng
  • Bổ sung các loại rau củ trái cây
  • Uống đủ nước: ít nhất 2 lít nước/ ngày
  • Tắm giặt bằng xà phòng và hóa chất dịu nhẹ cho da
chàm
Tắm giặt bằng xà phòng và hóa chất dịu nhẹ cho da

Chữa bệnh chàm bằng các nguyên liệu và mẹo dân gian

Cho đến nay có rất nhiều mẹo dân gian trị bệnh chàm, tuy nhiên những phương pháp này chưa được kiểm chứng về độ an toàn và tác dụng phụ, bạn đọc nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tự thực hiện.

Một số nguyên liệu thiên nhiên và phương pháp trị liệu được dùng để trị bệnh chàm là:

  • Trà xanh, trà đen hay trà ô long
  • Dầu dừa, dầu hướng dương, dầu hoa anh thảo
  • Châm cứu
  • Liệu pháp hương thơm

Bài viết cung cấp thông tin tổng quan về eczema hay còn gọi là bệnh chàm. Nếu phát hiện các dấu hiệu eczema, bạn đọc nên liên hệ với các bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt, tránh để bệnh tiến triển nặng khó điều trị và để lại tỳ vết xấu trên da.

Bác sĩ và phòng khám chữa bệnh eczema

  • Phòng khám Da liễu Trần Thịnh được rất nhiều người dân ở khu vực Quận 5 biết đến bởi chuyên môn điều trị và sự tân tâm của bác sĩ.
  • Viện thẩm mỹ da liễu Oracle beauty clinic quy tụ nhiều chuyên gia da liễu Hàn Quốc và Việt Nam chuyên trị các vấn đề da liễu như mụn, sẹo, …
  • BSCKII Trần Thị Hoài Hương – kinh nghiệm 20 năm trị nám da

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Tham khảo: Healthline