Bệnh hắc lào: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh hắc lào là bệnh lý ở da do nhiễm vi nấm, triệu chứng có thể xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể. Đây là căn bệnh không khó chữa nhưng nếu không điều trị sớm và đúng cách thì có thể dễ dàng lây lan cho mọi người xung quanh. Vậy tại làm như thế nào để phòng tránh bệnh cũng như cần xử trí gì khi mắc phải căn bệnh này, hãy tìm câu trả lời cùng Docosan trong bài viết dưới đây nhé !

Bệnh hắc lào là gì?

Hắc lào hay còn được gọi là bệnh nấm da, hắc lào đồng tiền là một bệnh da liễu gây ra bởi tình trạng da bị nhiễm vi nấm thuộc nhóm Dermatophytes. Sang thương có thể xuất hiện ở trên nhiều vùng cơ thể, nhất là các vùng kín, nếp gấp kẽ lớn như kẽ bẹn 2 bên, nếp lằn mông, vùng quanh thắt lưng…

bệnh hắc lào
Hắc lào hay còn được gọi là bệnh nấm da, hắc lào đồng tiền

Nguyên nhân của bệnh hắc lào

Nguyên nhân gây nên bệnh hắc lào đó chính là do vi nấm thuộc nhóm Dermatophytes tấn công vào cơ thể. Môi trường nóng, ẩm hoặc tiếp xúc ướt lâu ngày cũng là một yếu tố nguy cơ thuận lợi cho việc  phát triển vi nấm. 

bệnh hắc lào
Nguyên nhân gây nên bệnh hắc lào đó chính là do vi nấm thuộc nhóm Dermatophytes tấn công vào cơ thể

Sau đây là một số nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh hắc lào:

  • Môi trường bên ngoài: thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, khói bụi hoặc sống ở môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ nhiễm vi nấm Dermatophytes gây bệnh hắc lào
  • Khí hậu: môi trường nóng ẩm hoặc quá ẩm ướt, cơ thể toát nhiều mồ hôi cũng tạo môi trường thuận lợi cho vi nấm
  • Lây nhiễm từ người bệnh: Hắc lào là bệnh có thể lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các vật dụng sinh hoạt cá nhân. Vì thế, dùng chung đồ hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì có khả năng cao sẽ bị lây nhiễm. 
  • Từ vật nuôi: thú cưng của bạn cũng có khả năng mắc các loại vi nấm này. Vì thế, tiếp xúc trực tiếp với thú cưng, vật nuôi trong nhà có khả năng tiềm ẩn nguy cơ bị vi nấm xâm nhập gây hắc lào. Nhất là đối với những vật nuôi không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
  • Rối loạn các nội tiết tố, hệ miễn dịch suy giảm, dùng các loại kháng sinh trong thời gian dài
  • Trẻ em: trẻ em cũng là là đối tượng thường gặp ở bệnh này do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

Triệu chứng của bệnh hắc lào là gì?

Ngứa: đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của bệnh hắc lào. Các vùng da có sang thương sẽ ngứa nhiều tăng dần, tạo cảm giác khó chịu cho người bệnh. Gãi có thể làm lan rộng sang thương ra những vùng khác và làm nặng thêm tình trạng bệnh

Các mảng sang thương da: Người bệnh hắc lào sẽ nổi những mảng nấm da và có hình tròn, hình bầu dục hay hình đa cung, có ranh giới rõ rệt, có viền, bờ viền có nhiều mụn nước nhỏ li ti, có xu hướng lành ở giữa tạo hình vành khăn dần dần lan rộng. 

Hắc lào có thể xuất hiện ở khắp nơi trên cơ thể. Tuy nhiên cũng xuất hiện khu trú ở một vùng cơ thể nhất định. Y học đã phân loại bệnh dựa vào vị trí của vùng da bị tổn thương:

bệnh hắc lào
Vị trí tổn thương hắc lào trên cơ thể gây mất thẩm mỹ

Nấm hắc lào ở đùi:

  • Vị trí: thường gặp ở mặt trong đùi.

Triệu chứng: tổn thương là những chấm đỏ có vảy hoặc có thể tạo thành một mảng có viền bờ rõ rệt, có vảy, phần giữa có xu hướng lành, có mụn nhỏ lấm tấm ở bờ viền Các mảng liên kết với nhau thành mảng lớn hình đa cung.

Nấm hắc lào ở chân :

  • Vị trí: thường bắt đầu xuất hiện ở kẽ ngón chân giữa và áp út, sau đó lan rộng ra  mu bàn chân, lòng bàn chân và các kẽ ngón khác
  • Triệu chứng: bong xước da có màu hơi vàng, có thể có các mụn nước ở kẽ chân.

Nấm hắc lào ở da đầu:

  • Vị trí: Trên da đầu.
  • Biểu hiện: Triệu chứng ban đầu là nổi mẩn đỏ sưng tấy rồi bị rụng tóc. Một số trường hợp có thể xuất hiện nhiều mụn mủ tạo thành dạng tổ ong, các vết tổn thương da sưng phồng, chứa mủ có thể có hoại tử da, chảy dịch tại các vùng tổn thương.
  • Biến chứng: sốt, nổi hạch.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn?

Hắc lào là một bệnh lý lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây khó chịu, bất tiện trong cuộc sống của người bệnh.Cần đến gặp bác sĩ/ các chuyên gia tư vấn khi xuất hiện sang thương dạng hắc lào, ngứa nhiều ở nơi sang thương. Liên hệ càng sớm càng tốt với bác sĩ của chúng tôi để nhận được sự tư vấn và phương pháp điều trị hiệu quả nhất từ đội ngũ y bác sĩ, tránh sang thương lan rộng và lây nhiễm cho mọi người xung quanh.

bệnh hắc lào
Trao đổi với bác sĩ nếu chưa rõ bệnh hắc lào

Bệnh hắc lào có chữa được không?

Hắc lào là bệnh lành tính có thể chữa khỏi, tuy nhiên triệu chứng có thể lan rộng, hay tái phát. Có thể có các biến chứng bội nhiễm hoặc lây lan cho mọi người xung quanh nên cần điều trị sớm và đúng cách.

Cách phòng tránh bệnh hắc lào

  • Không dùng chung quần áo, vật dụng sinh hoạt với người bị bệnh.
  • Không mặc đồ quá chật hay quần áo ẩm ướt trong thời gian dài.
  • Không lạm dụng các loại sữa tắm và xà phòng tắm không nguồn gốc, lựa chọn sử dụng loại phù hợp với làn da của bản thân.
  • Vệ sinh sạch sẽ các nguồn lây bệnh từ vật nuôi, thú cưng trong gia đình. Không tiếp xúc với vật nuôi, thú cưng bị nhiễm bệnh.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin nhóm B.
  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, sắp xếp thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Điều trị ổn định các bệnh tự miễn hay các bệnh có liên quan đến sức đề kháng của cơ thể.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
bệnh hắc lào
Phòng bệnh hắc lào bằng cách tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin B

Tóm lại, bệnh hắc lào là một bệnh lý lành tính của da, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên gây khó chịu, mất thẩm mỹ và dễ lây lan. Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng trong bài, hãy nhanh tay liên hệ với Docosan.com, đội ngũ bác sĩ chúng tôi sẽ đưa đến bạn những tư vấn và điều trị kịp thời.


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

  • Bệnh nấm da do dermatophyte – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,
  • Michael B. Smith, Michael R. McGinnis, in Tropical Infectious Diseases (Third Edition), 2011
  • Denise M. Aaron , MD, Dartmouth-Hitchcock Medical Center Last full review/revision Feb 2020