Bệnh phong: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Bệnh phong còn được gọi là bệnh ma phong, bệnh hủi, phong cùi, bệnh Hansen, là một bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ra các vết lở loét trên cơ thể. Trước đây, người bị phong coi như bị bệnh nan y, cơ thể biến dạng, bị cộng đồng kì thị. Tuy nhiên, ngày nay, bệnh phong có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Hãy cùng Docosan tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh phong là gì?

Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng gây ra các vết lở loét trên da nghiêm trọng, làm biến dạng và tổn thương dây thần kinh ở tay, chân và các vùng da xung quanh cơ thể. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây biến dạng chi và tàn tật vĩnh viễn.

Bệnh phong có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ người già tới trẻ sơ sinh. Trẻ em dễ bị lây bệnh hơn người lớn do hệ thống miễn dịch ở trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh và ý thức bảo vệ bản thân trẻ chưa cao.

bệnh phong
Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng gây ra các vết lở loét trên da nghiêm trọn

Phân loại bệnh phong

Có nhiều hệ thống phân loại bệnh phong, tuy nhiên dựa vào tổn thương da để phân loại bệnh phong thành 4 dạng thường gặp sau:

  • Bệnh phong thể củ (T: Tuberculoid): Chỉ biểu hiện một vài tổn thương. Đây là dạng nhẹ nhất của bệnh phong, ít lây lan.
  • Bệnh phong thể u (L: Lepromatouse): Ảnh hưởng đến da, dây thần kinh và các cơ quan khác. Có các tổn thương lan rộng, bao gồm các nốt (cục lớn và vết sưng). Dạng bệnh này dễ lây lan hơn.
  • Bệnh phong thể trung gian (B: Borderline): Người bệnh có các đặc điểm lâm sàng của cả bệnh phong thể củ và thể u.
  • Bệnh phong thể bất định (I: Indeterminate).

Nguyên nhân gây ra bệnh phong

Trực khuẩn Mycobacterium leprae gây bệnh phong. Vi khuẩn phong tăng sinh rất chậm trong cơ thể, loài vi khuẩn này chỉ sinh sản một lần trong 2 tuần lễ. Vì thế, người nhiễm vi khuẩn phong có thời gian ủ bệnh rất dài, có thể là vài tháng cho đến vài năm sau mới phát bệnh.

bệnh phong
Trực khuẩn Mycobacterium leprae là nguyên nhân gây ra bệnh phong

Vi khuẩn phong lây lan qua da có vết thương hở hoặc và niêm mạc đường hô hấp khi có sự tiếp xúc trực tiếp, trong một thời gian dài với những chất xuất tiết (nước mũi, nước miếng,…) có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Những lầm tưởng về sự lây lan của bệnh phong

Trong quá khứ, rất nhiều người Việt Nam đã bị cướp đi sinh mạng từ căn bệnh này, trong số đó, có nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử. Bệnh phong trước đây được xem là bệnh nan y và khiến nhiều người khiếp sợ, người nhiễm bệnh thường chịu thành kiến, chịu sự hắt hủi, xa lánh thậm chí bị ngược đãi từ cộng đồng.

Bệnh phong không lây lan khi tiếp xúc thông thường với người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như bắt tay, ôm hoặc ngồi cạnh họ trên xe buýt hoặc trên bàn trong bữa ăn.

bệnh phong
Nhiều người cho rằng cái bắt tay có thể lây lan bệnh phong

Những bà mẹ mang thai mắc bệnh phong không thể truyền bệnh cho thai nhi. Bệnh phong cũng không lây truyền qua quan hệ tình dục. Tỉ lệ lây lan giữa các cặp vợ chồng trong đó có 1 trong 2 người bị phong chỉ là 3 – 6%. Đã từng có khá nhiều vị nữ tu, thầy thuốc, hay nhân viên y tế chăm sóc người mắc bệnh suốt đời nhưng chẳng bao giờ lây bệnh.

Triệu chứng bệnh phong

Biểu hiện đầu tiên của bệnh phong là sự chuyển màu sắc da trên cơ thể và triệu chứng mất cảm giá nhiệt độ (nóng, lạnh) trên da. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biểu hiện nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Yếu cơ
  • Tê tay, cánh tay, bàn chân và chân
  • Các thương tổn trên da có thể là dát, củ, u cục hay mảng thâm nhiễm, tuỳ theo loại phong mà bệnh nhân mắc phải.
  • Da mất cảm giác nhiệt độ và đau, mất cảm giác xúc giác do tổn thương thần kinh ngoại vi, lâu dần các dây thần kinh ngoại biên bị viêm có thể gây tàn tật
bệnh phong
Tê cứng tay là triệu chứng cửa sổ của bệnh phong

Biến chứng bệnh phong

Việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

  • Sự biến dạng chi : chân tay không cử động được, cứng, co quắp
  • Rụng tóc, đặc biệt là trên lông mày (thường ở 1/3 ngoài), lông mi
  • Teo cơ
  • Tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn ở tay và chân, gây tàn tật, không có khả năng sử dụng tay và chân
  • Nghẹt mũi mãn tính, chảy máu cam và xẹp vách ngăn mũi
  • Viêm mống mắt
  • Bệnh tăng nhãn áp gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dần dần sẽ mù hoàn toàn
  • Viêm tinh hoàn do phản ứng phong, gây vô sinh ở nam giới
bệnh phong
Biến chứng của bệnh phong

Tổn thương dây thần kinh dẫn đến mất cảm giác rất nguy hiểm. Một người bị tổn thương dây thần kinh liên quan đến bệnh phong có thể không cảm thấy đau khi bị cắt, bỏng hoặc các vết thương khác trên tay, chân hoặc bàn chân của mình. Vết thương có thể bị bỏ sót không được chăm sóc sẽ tạo thành ổ nhiễm trùng nghiêm trọng.

Chẩn đoán bệnh phong

Sau khi thăm khám tổng quát, đặc biệt chú ý các tổn thương trên da, bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ của vùng da bị loét và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Đây được gọi là lấy sinh thiết da. Bác sĩ cũng có thể làm phiến phết da.

Ngoài ra, bác sĩ có thể làm phản ứng dị ứng Mitsuda : tiêm 1ml lepromin vào trong da, sau 2 tuần đo đường kính (d) quầng đỏ cứng tại nơi tiêm.

  • d >10mm : dương tính (+++)
  • 5<d<10 mm : dương tính (++)
  • 3<d<5mm : dương tính (+)
  • d < 3mm : âm tính.

Phản ứng này có giá trị theo dõi bệnh.

bệnh phong
Chẩn đoán bệnh phong như thế nào?

Điều trị bệnh phong

Nhiều người thắc mắc bệnh phong có chữa được không thì câu trả lời là bệnh có thể chữa khỏi. Trong 2 thập kỷ qua, 16 triệu người mắc bệnh phong đã được chữa khỏi. Tổ chức Y tế Thế giới điều trị miễn phí cho tất cả những người mắc bệnh phong.

Một số loại thuốc kháng sinh điều trị bệnh bằng cách tiêu diệt vi khuẩn gây ra bệnh. Bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm để giảm đau.

Các bác sĩ đôi khi điều trị bệnh bằng thalidomide, một loại thuốc mạnh có tác dụng chống viêm và điều hoà hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, thalidomide cũng có tác dụng chống tăng sinh mạch. Tuy nhiên nếu người bị phong muốn mang thai hoặc nghi ngờ có thai thì bác sĩ không kê thuốc này.

bệnh phong
Điều trị bệnh phong bằng thuốc kê đơn của bác sĩ

Việc điều trị bệnh phong là một quá trình dài, thường là từ 6 tháng đến một năm. Nếu bị bệnh phong nặng (phong cùi, phong u), người bệnh phải dùng thuốc kháng sinh lâu hơn. Thuốc kháng sinh không thể phục hồi các tổn thương thần kinh do phong nên các chứng mất cảm giác không thay đổi.

Phòng chống lây nhiễm bệnh phong

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là tránh tiếp xúc lâu dài, gần gũi với người bị nhiễm bệnh chưa được điều trị. Còn người bệnh đang được chữa trị thì hầu như không thể lây bệnh cho người khác.

Cha mẹ cần lưu ý không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh phong, vì trẻ em dễ bị lây bệnh này hơn người lớn.

Người bị bệnh cần nhập viện hoặc vào trại phong điều trị để nhanh chóng điều trị dứt điểm, đề phòng lây nhiễm cho người thân.

bệnh phong
Người bị bệnh cần nhập viện hoặc vào trại phong điều trị để nhanh chóng điều trị dứt điểm, đề phòng lây nhiễm cho người thân

Tiên lượng của bệnh nhân sẽ tốt hơn nếu bác sĩ chẩn đoán bệnh phong kịp thời trước khi bệnh trở nên trầm trọng. Điều trị sớm ngăn ngừa tổn thương mô tiếp diễn, ngăn chặn sự lây lan của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, khi thấy triệu chứng nghi ngờ bệnh phong, người bệnh cần đến khám ngay tại các phòng khám da liễu uy tín.

Các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh phong

  • Bác sĩ CKI Nguyễn Đại Hoàng Đức – 15 năm kinh nghiệm – Quận 2
  • Bác sĩ Lê Đức Thọ – 35 năm kinh nghiệm- Quận Bình Tân
  • Tiến sĩ Bác sĩ Trần Thịnh – Hơn 40 năm kinh nghiệm – Quận 5

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Tư liệu tham khảo: Bệnh viện Da liễu Trung Ương, Bộ Y tế