Bệnh Zona thần kinh: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bệnh Zona thần kinh với các cụm mụn nước tấy đỏ đã gây đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày cho rất nhiều người. Vì thế nên cách điều trị bệnh zona thần kinh và phòng ngừa tái phát sẽ được Docosan tổng hợp ở bài viết sau với mong muốn cung cấp thông tin hữu ích đến bạn đọc về căn bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh zona thần kinh

Bệnh Zona thần kinh, tên gọi khác là zona hay herpes zoster, là bệnh nhiễm trùng da, do sự tái hoạt động của virus varicella zoster tiềm ẩn ở rễ thần kinh cảm giác cạnh cột sống.

Sau khi người bệnh bị bệnh thuỷ đậu đã khỏi thì vẫn còn một số virus tồn tại ở trạng thái ngủ đông trong cơ thể. Virus này cư trú ở các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống trong nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần, stress hoặc suy nhược cơ thể… loại virus này sẽ hoạt động trở lại. Virus nhân lên và phát triển lan truyền ra các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương niêm mạc da tạo ra các mụn giộp. Vì có các gốc tổn thương ở dây thần kinh mà bệnh này mới có tên là zona thần kinh.

bệnh zona thần kinh
Virus herpes zoster là nguyên nhân chính gây bệnh zona thần kinh

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố thuận lợi cho sự tái hoạt động của virus Varicella zoster, chẳng hạn như :

  • Độ tuổi: Nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh tăng theo tuổi tác, người từ 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ. Khoảng 50% người từ 80 tuổi trở lên sẽ mắc phải căn bệnh này.
  • Một số bệnh nền: Các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể như HIV/AIDS hay ung thư có thể tạo cơ hội cho virus herpes zoster sinh sôi và làm bùng phát bệnh.
  • Điều trị ung thư: Xạ trị hoặc hóa trị có thể làm giảm sức đề kháng với các tác nhân gây bệnh và có thể làm bùng phát bệnh zona thần kinh.
  • Thuốc: Những thuốc có tác dụng ngăn ngừa thải ghép (hiện tượng từ chối cơ quan được cấy ghép ở người nhận) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona nếu sử dụng lâu dài, chẳng hạn như prednisone.
bệnh zona thần kinh
Người từ 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh zone thần kinh cao hơn người trẻ

Triệu chứng bệnh zona thần kinh

Người bị bệnh zona thần kinh sẽ gặp phải các triệu chứng sau:

  • Triệu chứng tăng cảm giác da hay cảm giác đau ở 1 phía của cơ thể
  • Ngứa, căng, bỏng, đau nhức dai dẳng hoặc đau sâu, nhói tại vùng da phát bệnh.
  • Sau khi cơn đau xuất hiện 1-3 ngày, bệnh nhân sẽ có hiện tượng phát ban và phồng rộp da ngay tại vị trí đau.
  • Sau 10-21 ngày, xuất hiện tụ mủ và đóng vảy tại vị trí phồng rộp nếu bệnh chuyển biến nặng.
bệnh zona thần kinh
Biểu hiện của bệnh zona thần kinh

Một số bệnh nhân có thể kèm các triệu chứng khác như :

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Mệt mỏi

Đau luôn luôn là triệu chứng đầu tiên của bệnh zona, một số trường hợp bệnh nhân đau rất dữ dội. Tuỳ thuộc vào vị trí đau mà bệnh nhân thường lầm tưởng triệu chứng đau do zona với đau do các bệnh lý khác như bệnh lý tim, phổi hay thận.

Chẩn đoán và điều trị bệnh zona thần kinh

Thông thường, dựa vào việc thăm khám lâm sàng, quan sát ban đỏ và mụn nước, ghi nhận triệu chứng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán ban đầu về bệnh zona thần kinh. Đôi khi để xác định chính xác bệnh, bác sĩ cần tiến hành thêm một số xét nghiệm. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chọc lấy chất dịch trong mụn nước hoặc một ít mô da để xác nhận sự tồn tại của virus.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh zona thần kinh. Mục tiêu điều trị zona thần kinh là làm lành vùng da bị tổn thương, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng.

Trường hợp bệnh nhân không biến chứng và có hệ miễn dịch bình thường : Bác sĩ có thể chỉ định bôi các dung dịch màu milian hay thuốc mỡ acyclovir, mỡ kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn. Các loại thuốc kháng virus đường ống có tác dụng nhanh, làm giảm số tổn thương mới, lành vết thương cũ được sử dụng là :

  • Acyclovir
  • Valacyclovir
  • Famciclovir
bệnh zona thần kinh
Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ Da liễu sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp

Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, giảm đau, an thần và các loại vitamin B liều cao.

Nếu bệnh nhân bị những cơn đau sâu vào dây thần kinh, đau đớn dai dẳng ngay cả khi mụn giộp đã lặn, bác sĩ có thể chỉ định:

  • Kem giảm đau capsaicin
  • Thuốc chống co giật gabapentin
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline
  • Thuốc tê như lidocain, dạng kem, gel, thuốc xịt hay miếng dán
  • Các chế phẩm có chứa thuốc giảm đau gây nghiện như codeine
  • Thuốc tiêm bao gồm corticosteroid và thuốc tê tại chỗ

Các thuốc trên là thuốc kê đơn, người bệnh không nên tự ý mua thuốc giảm đau cũng như các loại thuốc bôi khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Một số lưu ý cho người bị bệnh zona thần kinh:

  • Hạn chế gãi
  • Kiểm soát ngứa bằng cách quấn băng ướt
  • Chỉ dùng thuốc giảm đau khi không thể chịu đựng cơn đau (lạm dụng thuốc giảm đau sẽ làm ảnh hưởng đến thần kinh)
  • Dùng các loại xà phòng dịu nhẹ để tắm và làm sạch da, tránh dùng xà phòng có nhiều chất tạo bọt làm khô da.
  • Mặc quần áo rộng rãi, tránh để quần áo cạ vào mụn giộp.
  • Tránh tiếp xúc da với người khác để tránh lây bệnh thông qua tiếp xúc với dịch mụn giộp.

Bệnh zona thần kinh sẽ tự khỏi sau 2-3 tuần tùy vào cơ địa bệnh nhân. Người bệnh cần chăm sóc kỹ vùng da phát ban nổi mụn giộp, cũng như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ cơ thể chữa lành thương tổn.

Phòng bệnh zona thần kinh

Cách tốt nhất để phòng bệnh zona thần kinh là tiêm ngừa thủy đậu. Một người chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc-xin có thể bị nhiễm virus từ người bệnh zona, sau đó phát triển thành bệnh thủy đậu rồi tiến triển đến zona thần kinh.

Trẻ em cần tiêm phòng thủy đậu và các loại bệnh đầy đủ theo chương trình tiêm chủng của nhà nước. Người lớn chưa từng bị bệnh thủy đậu cũng nên tiêm vắc xin để ngừa virus gây bệnh thủy đậu tiềm tàng trong cơ thể tái hoạt động gây zona.

bệnh zona thần kinh
Tiêm phòng vắc xin phòng ngừa bệnh zona thần kinh

Người chăm sóc bệnh nhân zona thần kinh cần thận trọng để tránh bị lây bệnh thông qua việc tiếp xúc da hoặc giao tiếp với người bệnh. Virus gây bệnh zona thần kinh có thể lây truyền khi bạn tiếp xúc với dịch bên trong các mụn nước bị vỡ ra ở người bệnh. Nếu bệnh zona phát triển trong khoang miệng, virus sẽ lây truyền qua các giọt bắn hô hấp khi người bệnh ho hay hắt hơi.

Trên đây là tổng quan về bệnh zona thần kinh. Bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng đem lại rất nhiều đau đớn cho người bị. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ bị bệnh zona thần kinh bạn nên đến khám tại các trung tâm da liễu uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng.

Các trung tâm da liễu điều trị bệnh zona thần kinh

  • Bác sĩ Đỗ Thị Minh Nghĩa- Phó khoa da Liễu BV Y học cổ truyền Trung Ương – Hà Nội
  • Bác sĩ Lê Đức Thọ – 35 năm kinh nghiệm chuyên Khoa Da Liễu- quận Bình Tân
  • Bác sĩ Nguyễn Đại Hoàng Đức – 15 năm kinh nghiệm chuyên khoa Da liễu – Quận 2

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.