Bỏng: Triệu chứng, hướng sơ cứu, xử lý và điều trị

Bỏng hay phỏng là một trong những thương tích phổ biến nhất trong gia đình, thường gặp ở trẻ em. Các bậc phụ huynh cần phải nắm rõ hơn kiến thức về bỏng để giúp con trẻ tránh được những nguy hiểm do bỏng mang lại cũng như xử trí đúng cách khi trẻ con bị bỏng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu ngay trong nội dung dưới đây.

Bỏng là gì?

Bỏng là một loại tổn thương đối với da hoặc các mô khác do nhiệt độ, nguồn điện, hóa chất hay các tia bức xạ. Ngoài cảm giác nóng rát liên quan đến tổn thương này, bỏng còn khiến các tế bào bị tổn thương nghiêm trọng và chết đi. Hầu hết mọi người có thể tự phục hồi sau bỏng nhẹ trong khoảng 14 ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ thương tích. Các vết thương bỏng nghiêm trọng hơn cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để ngăn ngừa biến chứng và tử vong.

bỏng
Bỏng: Triệu chứng, hướng sơ cứu, xử lý và điều trị

Bỏng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng tùy vào mức độ như nhiễm trùng, mất máu và sốc là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do bỏng. Vì thế bạn cần phải nắm rõ tất cả các quy tắc xử lý bỏng ban đầu để hạn chế tối đa những biến chứng xảy ra do bỏng, đặc biệt là có kiến thức để đánh giá được tình trạng nguy hiểm của vết bỏng để có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhất cho nạn nhân.

Nguyên nhân gây bỏng

Bỏng không chỉ đơn thuần là do nhiệt độ cao gây ra mà còn do nhiều nguyên nhân khác có thể làm trình trạng bỏng nghiêm trọng hơn như:

  • Do nhiệt độ: có thể là bỏng nóng hoặc bỏng lạnh, vì thế không những tiếp xúc với nhiệt cao gây ra bỏng mà tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp cũng có thể gây bỏng.
  • Do hóa chất: acid kiềm là các hóa chất chủ yếu gây ra bỏng hóa chất. Ngoài ra phốt-pho dùng trong công nghiệp hoặc vôi tôi có thể gây nên bỏng hóa chất nghiêm trọng.
  • Do điện: tiếp xúc với nguồn điện gia dụng hoặc bị sét đánh.
  • Do tia bức xạ: phổ biến nhất là “bỏng nắng” do tia cực tím gây ra, ngoài ra còn bỏng do tia X, do xạ trị quá mứỏng
bỏng
Bỏng hóa chất là một trong những nguyên nhân điển hình

Triệu chứng và phân độ bỏng

Có nhiều cách phân độ bỏng khác nhau như theo độ sâu của vết thương, theo độ rộng của vết thương và cuối cùng là theo vị trí của vết thương để đánh giá tình trạng cũng như đưa ra hướng xử trí phù hợp nhất.

Các bác sĩ thường sẽ đưa ra quyết định xử trí dựa trên cả 3 cách phân độ trên nhưng trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về phân độ bỏng theo độ sâu của vết thương từ đó có thể tự đưa ra những quyết định ban đầu phù hợp cho người thân cũng như bản thân chúng ta trong những tình huống gây ra bởi bỏng.

Từ độ sâu của vết thương, bỏng chia ra làm 4 mức độ:

  • Bỏng độ 1: như “cháy nắng”, giới hạn ở lớp biểu mô, biểu hiện ban đỏ và đau rát, có thể bong lớp biểu bì bên ngoài. Thường tự khỏi sau vài ngày đến 1 tuần.
  • Bỏng độ 2: các tổn thương qua khỏi lớp biểu mô tới lớp hạ bì, được phân chia thành 2 mức độ phụ thuộc vào chiều sâu của vết thương ở lớp hạ bì.
    • Bỏng độ 2 bề mặt: tổn thương tới lớp bề mặt (lớp nhú) của hạ bị. Biểu hiệ bởi tổn thương ở da màu đỏ, phỏng rộp hình thành các bóng nước trong, bề mặt da có thể ẩm ướt
    • Bỏng độ 2 sâu: tổn thương tới lớp sâu (lớp tổ chức liên kết) của hạ bì. Biểu hiện bởi tổn thương da màu trắng xen kẽ một vài vùng đỏ và ít ẩm ướt hơn bỏng độ 2 bề mặt
  • Bỏng độ 3: Tổn thương qua cả lớp biểu mô và toàn bộ lớp hạ bì, còn được gọi là bỏng dày toàn bộ. Tổn thương trở nên khô cứng, và vùng da có thể bị cháy đen hoặc màu nâu, nạn nhân không còn cảm giác đau do sự phá hủy toàn bộ các dây thần kinh tại vùng bị bỏng
  • Bỏng độ 4: Tổn thương qua lớp da tới lớp cơ, gân, xương và nội tạng cháy đen như than
bỏng
Triệu chứng bỏng được phân theo từng mức độ

Phần lớn các tổn thương bỏng thường không đồng nhất về độ sâu và có các vùng tổn thương khác nhau nên cần xem xét kỹ để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Các biến chứng nguy hiểm của bỏng

Tùy vào mức độ của bỏng mà nguy cơ các biến chứng xuất hiện càng cao, điều này không đồng nghĩa với việc bỏng mức độ nhẹ không xảy ra biến chứng. Sau đây là những biến chứng thường gặp của bỏng:

  • Nhiễm trùng: ngay cả những vết bỏng nhỏ tưởng chừng như không đáng lo ngại cũng có nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài nhiễm trùng ngoài da dẫn đến vết thương sưng tấy, lâu khỏi thì nhiễm trùng huyết là nguyên nhân dễ dẫn đến tử vong. Nếu chưa tiêm phòng khuẩn uốn ván hoặc đã tiêm quá 10 năm thì cần đến bác sĩ để nhận được lời khuyên thích hợp.
  • Sốc do giảm thể tích: gây ra do các dịch trong lòng mạch thoát ra ngoài (vết bỏng sâu, diện tích bề mặt vết bỏng lớn, không cầm được máu chảy,…) dẫn đến giảm tưới máu mô xảy ra thiếu oxy đến mô và các cơ quan làm cho tế bào chết đi.
  • Hạ thân nhiệt: sau khi bị bỏng, nhất là các trường hợp bỏng diện rộng, ta thường dùng các biện pháp hạ thân nhiệt phối hợp để tránh tổn thương thêm, nhưng bên cạnh đó chúng ta có thể đối diện với việc hạ thân nhiệt quá mức.
  • Sốc do rối loạn chức năng cơ quan: suy thận trước thận do giảm thể tích lòng mạch, viêm dạ dày, viêm phổi,…
bỏng
Bỏng không xử lý đúng cách sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng da

Cách xử lý bỏng ban đầu

Trước khi được đưa đến bệnh viện, sơ cứu bỏng ban đầu là rất cần thiết, điều này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ kết cục sau này của nạn nhân. Chúng ta cần thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Đưa nạn nhân đến nơi an toàn loại bỏ hết những nguyên nhân gây bỏng của nạn nhân và.
    • Tìm cách dập tắt lửa, xé bỏ quần áo đang cháy hoặc bị thấm nước do bỏng nước sôi, xăng dầu, hóa chất,…
    • Tháo nhẫn và các đồ vật xiết chặt khác trước khi vùng da bị sưng lên.
    • Để vùng bị bỏng dưới nước mát chảy xiết hoặc ngâm trong nước để giảm đau và hạ nhiệt.
    • Trong trường hợp bị phỏng hóa chất, cần phải rửa lại liên tục bằng nước sạch càng nhiều càng tốt, nếu nguyên nhân gây bỏng là acid thì nên rửa bằng dung dịch bicarbonat (bột baking soda – bột nở), nguyên nhân là kiềm thì rửa bằng dung dịch có pha giấm hoặc chanh.
  • Bước 2: Kiểm tra sinh hiệu của nạn nhân, cần thực hiện hồi sức tim phổi ngay đối với những nạn nhân có dấu hiệu ngưng tim ngưng thở.
  • Bước 3: Che phủ vùng bỏng bằng đắp gạc vaseline (nếu có), tiến hành băng ép vết thương bằng vải sạch, không cố gắng chườm lạnh quá mức vì chúng có thể gây kích ứng nhiều hơn. Sau đó có thể bọc vết bỏng lại bằng bao nilon sạch để tránh nhiễm khuẩn trong quá trình di chuyển.
  • Bước 4: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để nhận được sự chăm sóc chuyên nghiệp từ các y bác sĩ.
bỏng
Sau khi cơ cứu ban đầu, hãy đưa bệnh nhân đến tìm gặp bác sĩ

Lưu ý: không sử dụng bất kỳ các loại thuốc hay chất lỏng không được kể trên để bôi lên vết thương vì có thể làm nặng thêm tình trạng bỏng. Không cố gắng chích vỡ những bóng nước trên da.

Điều trị bỏng như thế nào?

Điều trị bỏng còn tùy thuộc vào vị trí, độ trầm trọng và các nguyên nhân gây ra bỏng. Hầu hết các vết bỏng sẽ được cho thuốc và điều trị tại nhà.Các phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc, băng vết thương, các liệu pháp chăm sóc vết thương và phẫu thuật. Mục tiêu là để kiểm soát cơn đau, loại bỏ mô chết, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm nguy cơ sẹo và phục hồi chức năng.

Những vết bỏng nặng, sâu hoặc lan rộng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, một số nạn nhân cần phải được điều trị tại các trung tâm y tế có chuyên khoa bỏng và chăm sóc theo dõi kéo dài hàng tháng. Họ có thể cần được ghép da để che đi các vết thương lớn, hỗ trợ chăm sóc về mặt tinh thần và vật lý trị liệu.

bỏng
Sử dụng thuốc trị bỏng theo sự kê đơn của bác sĩ

Các phương pháp chăm sóc y tế hỗ trợ và thuốc điều trị bỏng:

  • Đảm bảo hô hấp: đảm bảo sự thông thoáng đường thở tùy theo tình trạng suy hô hấp của nạn nhân.
  • Truyền dịch: đặt đường truyền tĩnh mạch đảm bảo thể tích tuần hoàn tránh mất nước và suy các cơ quan.
  • Thuốc giảm đau và giảm lo âu: để hồi phục vết thương sau bỏng có thể phải chịu nhiều đau đớn vì thế bác sĩ có thể chỉ định morphin tiêm dưới da xa vết bỏng hoặc truyền tĩnh mạch nếu như vết bỏng lan rộng và đau nhiều.
  • Thuốc dự phòng loét đường tiêu hóa do stress.
  • Kháng sinh: dùng để dự phòng hoặc điều trị nhiễm trùng.
  • Vitamin B12: đối với các trường hợp bỏng trong phòng kín có hít phải khí CO, CN.
  • Băng kĩ vết thương bằng gạc sạch để tránh nhiễm trùng.
  • Tiêm phòng uốn ván: Nếu nạn nhân chưa được tiêm phòng uốn ván hoặc tiêm phòng đã quá 10 năm, bác sĩ có thể chỉ tiêm.
  • Liệu pháp nước: bác sĩ có thể dùng máy phun sương siêu âm để làm sạch và kích thích mô lành tái tạo.

Vật lý trị liệu và hồi phục chức năng: nếu vùng bị bỏng quá lớn, đặc vùng bị bỏng lan rộng đến các khớp bạn có thể cần phải tập vật lý trị liệu. Những liệu pháp này có thể giúp kéo căng da và làm các khớp trở nên linh hoạt

Phẫu thuật: đối với các trường hợp bỏng lớn độ 3 trở lên, nạn nhân cần phải được can thiệp bởi các phương pháp chuyên nghiệp hơn.

Một số bác sĩ có thể điều trị bỏng

  • BSCKII Nguyễn Thị Diệu My, quận Tân Bình, 20 năm kinh nghiệm
  • BSCKI Nguyễn Đại Hoàng Đức, quận 2, 15 năm kinh nghiệm

Kết luận

Bỏng là chấn thương xảy ra do các tai nạn thường gặp có thể diễn tiến một cách nhẹ, không trầm trọng và tự khỏi sau 14 ngày hoặc nặng trở nặng tùy thuộc vào vị trí, độ sâu, mức độ lan rộng của vết thương và nguyên nhân gây ra bỏng. Cần phải xử trí ban đầu vết thương do bỏng một cách hợp lý để hạn chế tối đa các biến chứng do bỏng gây ra và đưa nạn nhân đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  1. Bộ y tế (2014), Tài liệu đào tạo cấp cứu cơ bản, NXB Y học Hà Nội
  2. TS.BS Lê Quang Trí, Bỏng (2020)
  3. Burns – Mayo Clinic