Từ rất lâu về trước, ông bà ta truyền lại rất nhiều cách chữa bệnh chàm tại nhà với nguyên liệu tự nhiên, và những mẹo công hiệu. Để hiểu rõ về cách thực hiện điều trị, hãy cùng Docosan tìm hiểu nội dung dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Chữa bệnh chàm bằng cách chườm mát
- 2 Chữa bệnh chàm bằng vỏ cây núc nác
- 3 Chữa bệnh chàm bằng lá trầu không
- 4 Chữa bệnh chàm bằng cao lá sim
- 5 Cách chữa bệnh chàm bằng dầu dừa
- 6 Chữa bệnh chàm bằng lá ổi
- 7 Chữa bệnh chàm bằng lá chè xanh
- 8 Chữa bệnh chàm bằng lô hội
- 9 Chữa bệnh chàm bằng cách tắm giấm táo
- 10 Chữa bệnh chàm bằng cách tắm nước muối biển
- 11 Lưu ý khi dùng những mẹo chữa bệnh chàm tại nhà
- 12 Các bác sĩ và phòng khám tư vấn và chữa bệnh chàm
Chữa bệnh chàm bằng cách chườm mát
Chườm mát bằng khăn ướt có thể giảm ngứa cho một số người bị bệnh chàm. Đây là một cách giảm triệu chứng chàm vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả.
Chuẩn bị: Khăn bông sạch và nước mát sạch.
Cách thực hiện:
- Ngâm khăn vào nước sạch, vắt cho ráo nước.
- Chườm khăn ướt lên vùng da bị chàm cho tới khi khăn hết mát thì thay lượt khăn mới.
- Áp dụng 10 – 20 phút mỗi lần, 1 – 2 lần/ngày.
Lưu ý: Không dùng cách này trong trường hợp da bị xây xát, rỉ dịch.
Chữa bệnh chàm bằng vỏ cây núc nác
Trong các bộ phận của cây núc nác thì phần vỏ là nơi có giá trị dược tính tốt nhất. Vỏ cây núc nác chứa nhiều hoạt chất quý có khả năng chống dị ứng và chống viêm rất mạnh. Ngoài ra trong cuốn sách ” Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận, thành phần trong vỏ núc nác có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể, giải độc, tiêu thũng, trị lở loét và giúp các tổn thương trên da nhanh bình phục hơn.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Hàng ngày lấy 9-15g vỏ núc nác sắc lấy nước đặc uống. Kết hợp giã vỏ núc nác tươi đắp bên ngoài tổn thương để mau khỏi bệnh.
- Cách 2: Kết hợp vỏ cây núc nác với các vị thuốc khác. Chuẩn bị 50g vỏ núc nác, 50g vỏ cây hòe, 30g lá khổ sâm, 30g lá hương nhu. Các vị thuốc trên đem nấu sôi kĩ lấy nước, dùng nước thuốc này để ngâm và rửa chỗ da bị bệnh. Thực hiện tương tự mỗi ngày 1 lần.
Chữa bệnh chàm bằng lá trầu không
Trong lá trầu không chứa rất nhiều dược chất quý tốt cho sức khỏe như betel phenol, chavicol, eugenol, carvacrol, cineol, caryphyllentanin, vitamin và axit amin… Các dưỡng chất này kết hợp với nhau tạo ra một loại kháng sinh cực mạnh. Nó giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm gây bệnh chàm.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Chuẩn bị 100g lá trầu không rửa sạch, vò nát và 1 lít nước. Chú ý khi nước sôi mới thả lá trầu vào và đun sôi kỹ 10 phút mới tắt bếp. Gạn hết cả nước và cái ra một cái chậu nhỏ, chờ cho nguội rồi ngâm rửa vùng da bị bệnh khoảng 10 phút. Mỗi ngày người bệnh nên ngâm rửa vùng da chàm trong nước trầu không một lần.
- Cách 2: Chuẩn bị lá trầu không với rau răm mỗi loại 100g vò nát và 1 lít nước sạch. Đun sôi nước rồi thả hỗn hợp hai loại lá này vào, để sôi kỹ trong vòng 10 phút rồi mới tắt bếp. Để nước hạ nhiệt độ dần, khi nhiệt độ chỉ còn ấm thì dùng nước và cái ngâm và đắp lên vùng da chàm.
Chữa bệnh chàm bằng cao lá sim
Theo Đông y, lá sim có tính bình, vị chát giúp chống viêm, diệt khuẩn. Theo y học hiện đại, lá sim chứa rhodomyrtone – một kháng sinh tự nhiên giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Sử dụng lá sim có thể ngăn ngừa chàm bội nhiễm.
Chuẩn bị: 1 – 2 nắm lá sim tươi.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá sim, để ráo nước rồi cho vào nồi đun sôi với lượng nước vừa phải.
- Đun đến khi nước sánh đặc lại tạo thành cao.
- Thoa lượng cao vừa đủ lên da.
- Rửa sạch da sau 20 phút.
- Áp dụng 2 lần/ngày.
Lưu ý: Sử dụng cao lá sim tránh xa vùng mắt.
Cách chữa bệnh chàm bằng dầu dừa
Dầu dừa có nhiều vitamin E và axit béo được sử dụng như một chất dưỡng ẩm, làm mềm và giảm ngứa ngáy cho vùng da bị bệnh. Bên cạnh đó dầu dừa còn có tác dụng sát khuẩn, giúp phòng tránh lây lan bệnh tật sang các vùng da lành.
Cách thực hiện:
- Làm sạch vùng da bị chàm bằng nước ấm và thấm khô da bằng khăn mềm.
- Đổ một ít dầu dừa ra chén sạch rồi dùng miếng vải mềm chấm dầu dừa thoa lên da.
- Massage da nhẹ nhàng trong 10 phút để các chất có trong dầu dừa mau thấm vào da, đồng thời giúp các mảng da chết dễ dàng bị bong tróc ra ngoài.
- Khoảng 15 phút sau, dùng khăn sạch nhẹ nhàng lau da.
Lưu ý: Mỗi ngày bệnh nhân nên thực hiện 2-3 lần vào buổi sáng, trưa, tối để kiểm soát tốt bệnh chàm.
Chữa bệnh chàm bằng lá ổi
Lá ổi giúp chống viêm, cầm máu và tiêu trừ độc tố trong cơ thể. Trong lá ổi chứa flavonoid, axit maslinic, limonene, tanin… có tác dụng chống viêm và chống nhiễm trùng, vì thế lá ổi được dùng để chữa những bệnh gây nhiễm trùng ngoài da như chàm từ lâu đời.
Chuẩn bị: Một nắm lá ổi tươi.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá ổi rồi cho vào nồi đun sôi cùng 1 lít nước.
- Để nước lá ổi nguội bớt rồi dùng để ngâm rửa vùng da bị chàm trong 30 phút.
- Áp dụng 1 lần/ngày trong 1 tháng.
Lưu ý: Chọn lá ổi tươi, không bị sâu bệnh.
Chữa bệnh chàm bằng lá chè xanh
Chè xanh chứa nhiều chất EGCG có khả năng chống oxy hóa cực mạnh, nó giúp ngăn ngừa các tổn thương trên da do bệnh chàm gây ra. Ngoài ra tinh chất chè xanh còn có tính kháng khuẩn, giúp sát khuẩn và làm lành tổn thương trên bề mặt da.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 100g lá chè xanh, rửa sạch và đem nấu sôi với 2 lít nước trong 10 phút
- Gạn nước chè xanh ra một cái chậu sạch, chờ cho nước nguội còn khoảng 30-40 độ.
- Ngâm và rửa vùng da bị bệnh trong nước chè xanh 15 phút.
- Sau cùng dùng khăn mềm thấm khô da.
Lưu ý: Người bệnh nên thực hiện cách này vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ để thấy được hiệu quả.
Chữa bệnh chàm bằng lô hội
Các nhà nghiên cứu khoa học Ấn Độ đã chứng minh gel trong lá lô hội có các đặc tính: Kháng khuẩn, chống nhiễm trùng, tăng cường hệ thống miễn dịch và làm lành vết thương. Tác dụng kháng khuẩn và chống nhiễm trùng của gel lô hội có thể ngăn ngừa chàm bội nhiễm. Trong khi đó, với đặc tính chữa lành vết thương, gel lô hội có thể làm dịu vùng da bị tổn thương, đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục da nhanh hơn.
Chuẩn bị: Lá lô hội tươi.
Cách thực hiện:
- Tách lá lấy gel lô hội tươi thoa lên vùng da bị chàm.
- Sau 20 phút, rửa sạch vùng da vừa thoa gel lô hội.
- Áp dụng 2 – 3 lần/ngày.
Lưu ý: Bạn nên thử thoa gel lô hội lên vùng da khỏe mạnh để kiểm tra khả năng dị ứng. Nếu không thấy phản ứng bất thường, bạn có thể sử dụng gel lô hội lên toàn bộ vùng da bị chàm. Nhìn chung, gel lô hội khá lành tính với mọi loại da.
Chữa bệnh chàm bằng cách tắm giấm táo
Giấm táo cũng là một cách trị chàm theo dân gian phổ biến. Theo Hiệp hội Bệnh chàm Quốc gia Hoa Kỳ (NEA), tuy chưa có nghiên cứu nào xác nhận rằng giấm táo giúp làm giảm các triệu chứng chàm, nhưng giấm táo có một số đặc tính có thể giúp hỗ trợ điều trị chàm hiệu quả.
Các chuyên gia da liễu cho biết da có tính axit tự nhiên, nhưng ở những người bị bệnh chàm, da thường có tính axit thấp hơn những người khác. Nhiều loại xà phòng hay chất tẩy rửa có tính kiềm trung hòa thêm tính axit của làn da, khiến da dễ bị tổn thương. Trong khi đó, giấm táo có tính axit cao, nên theo lý thuyết, dùng giấm táo trên da có thể giúp cân bằng nội độ axit trên da.
Thêm nữa, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giấm táo có thể chống lại vi khuẩn, bao gồm cả Escherichia coli và Staphylococcus aureus. Bởi vậy, sử dụng giấm táo có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ chàm bị bội nhiễm.
Chuẩn bị: Lượng nước vừa đủ để ngâm vùng da chàm hoặc tắm, lượng giấm táo bằng 1/8 lượng nước.
Cách thực hiện:
- Pha giấm táo vào nước sạch.
- Dùng nước pha giấm táo để tắm hoặc ngâm vùng da bị chàm trong 30 phút.
Lưu ý: Luôn pha loãng giấm táo trước khi ngâm vùng da bị chàm vào.
Chữa bệnh chàm bằng cách tắm nước muối biển
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tắm trong nước pha muối biển có thể giúp cải thiện độ ẩm của da, cải thiện hàng rào bảo vệ da, giảm viêm, giảm mẩn đỏ và mụn sẩn. Vì thế, tắm nước muối biển sẽ sát trùng và làm dịu cơn ngứa do chàm.
Chuẩn bị: Lượng nước ấm đủ để ngâm vùng da bị chàm hoặc đủ để tắm. 2 – 3 thìa muối nếu chỉ để ngâm tay/chân, 1 cốc muối nếu để tắm.
Cách thực hiện:
- Hòa tan muối biển với nước ấm.
- Ngâm mình hoặc tay/chân trong nước muối khoảng 20 phút.
- Thực hiện 1 – 2 lần/tuần.
Lưu ý:
- Vì các vết chàm có thể trầm trọng hơn khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, nên chỉ dùng nước tắm đủ ấm (nhiệt độ nước khoảng 38-40 độ C)
- Không chà xát da khi tắm hoặc ngâm rửa.
- Chọn mua muối sạch, tinh khiết
Lưu ý khi dùng những mẹo chữa bệnh chàm tại nhà
Theo BSCKII Đỗ Thị Minh Nghĩa, Phó khoa Da Liễu – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương, các phương pháp trị chàm theo dân gian kể trên có một số ưu điểm và nhược điểm nhất định.
Về ưu điểm:
- Các bước chuẩn bị không cầu kỳ
- Cách thực hiện đơn giản
- Nguồn nguyên liệu dễ kiếm và tiết kiệm chi phí.
Về nhược điểm:
- Phần lớn các mẹo chữa bệnh chàm kể trên chưa được kiểm chứng lâm sàng vì thế chưa tìm được tác dụng phụ
- Các mẹo kể trên được truyền lại theo kinh nghiệm sử dụng, không phải trường hợp nào cũng thành công.
Do đó, khi áp dụng trị chàm theo dân gian, người bệnh nên lưu ý một số điều sau:
- Chỉ áp dụng cách trị chàm theo dân gian khi bị bệnh chàm mức độ nhẹ, không có bội nhiễm rỉ dịch hay biến chứng.
- Các nguyên liệu dùng để trị bệnh cần được lựa chọn kỹ lưỡng, chỉ dùng nguyên liệu sạch và rửa sạch trước khi dùng.
- Những mẹo dân gian trị chàm chỉ có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh chứ không thể thay thế thuốc điều trị. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị chàm mà bác sĩ đã đưa ra. Không được ngưng thực hiện việc điều trị.
- Nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào khi áp dụng các cách chữa bệnh chàm theo dân gian, nên ngừng sử dụng và đi khám chuyên khoa da liễu ngay.
- Việc bổ sung chế độ dinh dưỡng, bạn nên cần lưu ý bổ sung thêm vitamin E vào chế đô ăn để hỗ trợ cải thiện tình trạng da.
Các bác sĩ và phòng khám tư vấn và chữa bệnh chàm
- BSCKI. Nguyễn Thị Phương Trang – Quận 3, HCM
- Phòng Khám Da Liễu Dr Michaels – Quận 2
- Khoa Da Liễu Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền Trung Ương – Hà Nội
Ngoài ra, hãy thực hiện các biện pháp bảo vệ da thông qua việc thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng bổ sung vitamin E tự nhiên sẽ giúp cơ thể phòng chống tốt oxy hóa, phòng tránh lão hóa.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.