Ghẻ nước: Dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả

Ghẻ nước là một bệnh lý da liễu truyền nhiễm khá phổ biến ở Việt Nam, tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nhưng lại có thể để lại các biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng huyết, viêm vi cầu thận cấp, chàm hoá. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về dấu hiệu của bệnh ghẻ nước và cách chữa bệnh này như thế nào.

Ghẻ nước là bệnh gì?

Ghẻ nước là một bệnh da truyền nhiễm tương đối phổ biến do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây nên, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tình trạng kinh tế xã hội.

Ghẻ nước ở tay hay ở chân là một bệnh da liễu có biểu hiện cụ thể là nổi mụn nước và gây ngứa cho vùng da bị nhiễm bệnh. Ngoài ngón tay và chân thì ghẻ nước có thể nổi bất cứ đâu trên cơ thể, đặc biệt là ở các kẽ ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân hay ở vùng kín.

Nguyên nhân bị ghẻ nước

Ghẻ nước do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei giống Hominis, còn gọi là bọ ve hoặc mạt ngứa gây nên có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tình trạng kinh tế xã hội. Đặc điểm sinh học của cái ghẻ:

  • Có 8 chân, màu nâu trắng, hơi vàng, hình bầu dục;
  • Con cái lớn hơn con đực, khi trưởng thành dài khoảng 400 micromet;
  • Sau khi giao phối, con đực chết, con cái đào hầm dưới da giới hạn trong lớp sừng của thượng bì (gọi là rãnh/hang ghẻ), bằng cách tiết ra các enzyme phân giải protein lớp tế bào sừng rồi tiếp tục mở rộng rãnh, chúng đào khoảng 2 – 3 mm và đẻ 2 đến 3 trứng mỗi ngày, thường hoạt động mạnh vào ban đêm trước khi chết sau 4 đến 6 tuần;
  • Ấu trùng nở trong 3 đến 4 ngày và lột xác 3 lần trong hang để đến tuổi trưởng thành;
  • Tất cả các giai đoạn phát triển của cái ghẻ đều có khả năng lây nhiễm;
  • Cái ghẻ chết khi ra khỏi ký chủ 24-36h. Nếu nhiệt độ lạnh và độ ẩm cao có thể sống lâu hơn.

Do sự sinh sản phát triển nhanh chóng của ký sinh trùng nên số lượng con ghẻ trên da tăng cao, tạo điều kiện lây lan ra các vùng da xung quanh. Biểu hiện rõ ràng nhất của bị ghẻ nước là nổi mụn nước và rất ngứa và khó chịu. Ngứa bởi vị sự chuyển động nhanh chóng của ký sinh trùng và vì chất dịch mà chúng tiết ra.

Mà khi ngứa, một cách tự nhiên chúng ta sẽ gãi. Hành động gãi không chỉ không hết ngứa mà còn giúp cho sự lây lan diễn ra nhanh hơn. Nếu chúng ta gãi mạnh, mụn nước có thể vỡ ra, ký sinh trùng cũng theo hành động gãi đó mà lan sang những vị trí khác làm nghiêm trọng vấn đề hơn.

Một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh ghẻ nước là:

Môi trường sống bị ô nhiễm:

Khi môi trường sống của chúng ta ko được vệ sinh sạch sẽ, nhiều khói bụi, có nấm mốc, hay có nguồn nước bị ô nhiễm,… khi đó chúng ta rất dễ mắc phải ghẻ nước.

Vệ sinh cá nhân chưa tốt:

Khi tắm rửa hay vệ sinh tay chân chưa tốt sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập của con ghẻ vào da mình.

Tiếp xúc với người đang bị ghẻ nước:

Nếu vô ý có thể chạm vào vùng da đang bị ghẻ nước thì bệnh có thể lây sang mình. Có thể là bạn bè ở trường học, đồng nghiệp nơi làm việc hay có thể là người lạ bên đường,… đều có thể trở thành nguồn lây ghẻ nước.

Thời tiết thất thường

Mùa mưa, thời tiết se lạnh, hanh khô là điều kiện tất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ.

ghẻ nước
Hình ảnh con ghẻ nước

Ghẻ nước có lây không ?

Bệnh gặp ở khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở các nước kém phát triển, và có khả năng phát thành dịch ở các cơ sở tù túng, chật chội, đông người, chẳng hạn như nhà tù, chợ, công viên…

Bệnh lây từ người này sang người khác, giữa các thành viên trong gia đình hoặc bạn tình, qua chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn gián tiếp:

  • Vật dụng dùng chung: mặc chung quần áo, giặt chung, phơi chung đồ…
  • Tiếp xúc da: bắt tay, ôm hôn…
  • Đường tiếp xúc tình dục: quan trọng và thường bị bỏ sót.

Bệnh ghẻ nước có nguy cơ lây nhanh ở nơi chật chội, đông người, sống tập thể, chen chúc, có vệ sinh cá nhất kém.

ghẻ nước
Ghẻ nước có lây không?

Dấu hiệu bệnh ghẻ nước như thế nào?

Biểu hiện của bệnh ghẻ nước cổ điển thường gặp đầu tiên xảy ra vài ngày hoặc vài tuần sau khi bị lây nhiễm. Ba dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh ghẻ nước là:

  • Rất ngứa, tồi tệ hơn vào ban đêm, có tính gia đình, tập thể. Ngứa có thể ở khắp nơi trên cơ thể trừ đầu, cổ và mặt. Ngứa thường bắt đầu từ 3 đến 6 tuần sau khi nhiễm còn nếu đã nhiễm trước đó thì chỉ cần 1-3 ngày.
  • Đường hầm hay còn gọi là các rãnh ghẻ hơi gồ, dài từ 2 đến 15 mm, mỏng, xám, đỏ hoặc nâu, ngoằn ngoèo đặc trưng, nhưng thường khó thấy do bệnh nhân cào gãi hoặc bội nhiễm. Vị trí: nhiều vùng cơ thể, thường gặp ở mặt bên và kẽ ngón tay, mặt gấp cổ tay, mặt duỗi đầu gối, nách, quanh rốn, quanh núm vú, vùng eo, cơ quan sinh dục nam (bìu, dương vật, quy đầu), mông, đầu gối, mặt trong đùi, mặt bên và sau bàn chân.
  • Sẩn ngứa, mụn nước, hồng ban, vết cào gãi, mụn mủ, bóng nước đôi khi cũng có thể xuất hiện ở các kẽ ngón tay.

Riêng đôi với ghẻ nước ở trẻ em có thể có sang thương khắp thân, đặc biệt khác với người lớn, sang thương ghẻ có thể có ở mặt, đầu, cổ, lòng bàn tay và lòng bàn chân.

ghẻ nước
Dấu hiệu bệnh ghẻ nước như thế nào?

Cách chữa ghẻ nước như thế nào ?

Điều trị đồng thời bệnh nhân và cả gia đình nếu có bất cứ thành viên nào mắc bệnh. Nên liên hệ các bác sĩ da liễu để được thăm khám và hướng dẫn điều trị.

Giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày: rửa sạch tay, nhất là ở kẽ tay và các nếp, khử trùng quần áo, chăn màng, giường chiếu, … bằng:

  • Cái ghẻ chết khi ra khỏi ký chủ 24-36h chính vì vậy nên để quần áo sạch trong tủ 1 tuần sau mới mặc lại.
  • Cái ghẻ chết ở nhiệt độ 60 độ C, do đó quần áo sau khi mặc nên được đun sôi ở 80-90 độ C trong 5 phút.

Có thể dùng thuốc uống Ivermectin hoặc thuốc thoa permethrine theo chỉ định của bác sĩ. Điều trị triệu chứng:

  • Ngứa: dùng kháng histamine, cort thoa, cort uống ngắn ngày
  • Nhiễm trùng thứ phát thì dùng kháng sinh

Khi thoa thuốc, thoa trên bề mặt da từ đỉnh đầu đến bàn chân đối với ghẻ nước ở trẻ em.

Thoa thuốc từ cổ đến bàn chân cho các trường hợp ghẻ nước ở người lớn và để yên thuốc tác dụng trong 8 – 12 giờ. Nếu còn mầm bệnh, người bệnh sẽ lặp lại điều trị sau 1 tuần.

Tránh tiếp xúc người xung quanh: dùng đồ đạc riêng, ngủ riêng để tránh lây lan bệnh và đi khám ngay để trị sớm và tránh biến chứng, tránh lây cho cộng đồng.

Ngoài việc sử dụng thuốc tây y để điều trị ghẻ nước thì ông bà ta xưa nay cũng có cách trị ghẻ nước dân gian đó là sử dụng lá trầu không. Lá trầu không chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, đồng thời cũng giúp kháng viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng.

Cách đơn giản và dễ thực hiện với lá trầu không là ngâm rửa vết thương với nước sắc lá trầu. Cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị một nắm lá trầu không tươi (5-8 lá) đem đi rửa sạch;
  • Sau đó vò cho nát nhẹ;
  • Đun khoảng 1 lít nước sôi, cho nắm lá trầu vô, đun thêm 5 đến 7 phút nữa;
  • Đổ nước đun sôi ra thau, thêm nước lã vào cho ấm;
  • Dùng nước này để ngâm rửa vùng da bị ghẻ nước khoảng 5 đến 10 phút;
  • Duy trì đều đặn 2 lần/ ngày để nhận được kết quả tốt.

Lưu ý, nếu vùng da bị ghẻ nước ở nhiều vị trí khác nhau thì nấu nhiều nước sắc, tận dụng phần bã lá chà nhẹ nhàng lên vùng da bị ghẻ nước. 

Nếu sau khi rửa, tình trạng ko bớt mà còn lây lan sang vị trí khác thì bạn cần ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ để hỗ trợ kịp thời, trình bày đầy đủ tình trạng của mình cũng như việc mình sử dụng lá trầu không mà ko hết để bác bác sĩ đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.

ghẻ nước
Điều trị ghẻ nước bằng lá trầu không được nhiều người biết đến

Cách phòng ngừa bị ghẻ nước

Ghẻ nước rất dễ lây lan cũng như dễ mắc bệnh nếu môi trường xung quanh chúng ta không sạch sẽ. Một số cách phòng ngừa ghẻ nước xuất hiện có thể liệt kê ra như sau

  • Quần áo được giặt sạch sẽ, phơi nắng, không để quần áo còn ẩm rồi mặc;
  • Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày;
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, các vật dụng trong nhà, đồ dùng cá nhân hay sử dụng, tiếp xúc;
  • Tránh tiếp xúc cũng như dùng chung đồ cá nhân với người đang bị ghẻ nước;
  • Tránh tiếp xúc da kề da với người bị ghẻ nước.

Một số lưu ý khi bị ghẻ nước

Khi nổi ghẻ nước trên tay, người bệnh tránh dùng tay đó đụng chạm đến những bộ phận khác trên cơ thể, như vậy ghẻ nước rất dễ lây lan. Đồng thời, tránh cào gãi, làm trầy xước vùng da bị ghẻ nước, bởi vì như vậy sẽ dễ bị nhiễm trùng làm bệnh nặng hơn.

Người bị ghẻ nước không tự ý mua thuốc trị ghẻ nước khi chưa nắm rõ tình trạng của mình hay chưa rõ liều lượng sử dụng. Nếu được hãy thăm khám trước với bác sĩ.

Kết luận:

Ghẻ nước là một bệnh da truyền nhiễm tương đối phổ biến do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây nên, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tình trạng kinh tế xã hội. Bệnh lây từ người này sang người khác, giữa các thành viên trong gia đình hoặc bạn tình, qua chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn gián tiếp.

Ba dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh ghẻ nước là ngứa, rãnh ghẻ, mụn nước. Điều trị bệnh đồng thời cho cả bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, Tránh tiếp xúc người xung quanh: dùng đồ đạc riêng, ngủ riêng để tránh lây lan bệnh và đi khám ngay để trị sớm và tránh biến chứng, tránh lây cho cộng đồng.

Câu hỏi thường gặp:

Chữa ghẻ bằng nước muối?

Sau khi bị ghẻ nước, người bệnh có thể rửa bằng nước muối, nhưng nếu lâu ngày không khỏi thì nên đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc.

Ghẻ nước có lây không?

Ghẻ nước có thể lây bằng con đường tiếp xúc da với da, có thể là lây con ghẻ cũng có thể bị ngứa do chất dịch của ghẻ nước.

Ghẻ nước có tự khỏi không?

Ghẻ nước không có khả năng tự khỏi mà cần điều trị bằng phương pháp thích hợp. 

Ghẻ nước chữa như thế nào?

Ghẻ nước có thể trị bằng phương phương pháp dân gian là sử dụng lá trầu không, hay có thể liên hệ với bác sĩ để có thể sử dụng tây y để nhanh chóng có hiệu quả tốt nhất.

Trẻ sơ sinh bị ghẻ nước phải làm sao?

Trẻ sơ sinh rất dễ bị ghẻ nước, các mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc. Không nên tự ý sử dụng bất kỳ thuốc gì cho trẻ sơ sinh vì rất dễ gây hại cho trẻ.


Xem thêm:

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  • Ghẻ nước là bệnh gì? Bệnh ghẻ nước có nguy hiểm không?
  • Bài giảng Cái ghẻ của bộ môn Kí sinh + Bài giảng bệnh ghẻ của bộ môn Da liễu.