Ghẻ phỏng là một bệnh nhiễm khuẩn trên da, gây cảm giác ngứa ngáy cho người bệnh. Ghẻ phỏng không phải là bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên lại có tính chất lây lan. Vậy nhận biết và điều trị ghẻ phỏng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về bệnh ghẻ phỏng là gì?
Bệnh ghẻ phỏng gây ra các nốt mụn nước màu đỏ như vết phỏng. Kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Ghẻ phỏng và bệnh ghẻ do cái ghẻ thường có triệu chứng gần giống nhau nên thường hay bị nhầm lẫn với nhau.
Bệnh ghẻ phỏng là gì?
Ghẻ phỏng khác với bệnh ghẻ ngứa do cái ghẻ, bệnh ghẻ phỏng do nhiễm vi khuẩn hình cầu dẫn đến nhiễm trùng da. Bệnh này xuất hiện ở tất cả mọi lứa tuổi tuy nhiên nhiều nhất là ở trẻ em. Thời tiết nóng ẩm là điều kiện phát triển và lây lan bệnh nhanh chóng.
Bệnh ghẻ phỏng có lây không?
Bệnh ghẻ phỏng có xu hướng dễ lây lan nhanh, rộng đến các vùng da khác trên cơ thể. Ngoài ra, bệnh này còn có thể lây từ người bệnh sang người khoẻ mạnh. Vì vậy bệnh ghẻ phỏng cần được phát hiện sớm để được can thiệp y tế kịp thời, tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh và nặng hơn trong cộng đồng.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân trực tiếp gây bệnh là một loại vi khuẩn hình cầu xâm nhập vào da và gây bệnh. Vi khuẩn này xâm nhập vào da thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc những trường hợp khác như:
- Tiếp xúc với môi trường đất: Người để móng tay dài, không vệ sinh thường xuyên, người có thói quen gãi mạnh. Những người này khi làm việc, sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc với đất bị nhiễm khuẩn sau đó đất bám vào móng tay – nơi trú ngụ lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Sau đó, chúng sẽ theo các vết gãy, vết cào, vết xước đi vào trong da và gây bệnh. Lý do này là nguyên nhân chính mà trẻ em là đối tượng dễ mắc phải ghẻ phỏng nhất.
- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều vi khuẩn: Bệnh xuất hiện ở các môi trường công cộng, dễ tạo thành ổ dịch như trường học, khu vui chơi, chợ, bệnh viện hoặc trong những môi trường kém vệ sinh. Những môi trường này là điều kiện cho vi khuẩn phát triển, lây lan sang người khác.
- Tiếp xúc với người bệnh: Nguy cơ lây bệnh tăng cao khi tiếp xúc trực tiếp, nói chuyện, quan hệ tình dục, giặt quần áo chung, sử dụng chung đồ dùng cá nhân… với người bệnh đang bị ghẻ phỏng.
- Vệ sinh cơ thể kém: Người không thường xuyên tắm rửa và vệ sinh da không sạch sẽ, móng tay, móng chân không cắt thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh.
- Người đang bị sổ mũi: Chất nhầy từ mũi, họng bị viêm là ổ bệnh lây ghẻ phỏng ở quanh mũi và miệng.
- Sống cùng vật nuôi như chó, mèo: Chó, mèo không được thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cũng là môi trường lý tưởng để vi khuẩn lây lan sang cho người.
Các đối tượng dễ mắc bệnh
Bất kỳ đối tượng nào, dân tộc nào, dù nam hay nữ, ở độ tuổi nào đều có thể mắc bệnh ghẻ phỏng. Tuy nhiên đối tượng dễ bị nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt chung như: ngủ chung, dùng chung màn, khăn, chiếu, gối với người bị ghẻ phỏng. Một số đối tượng dễ mắc bệnh ghẻ phỏng hơn có thể kể như là:
- Trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Đồng thời trẻ em cũng chưa có ý thức giữ vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể cũng như môi trường xung quanh.
- Người lớn tuổi có sức đề kháng ở người lớn tuổi thường suy giảm nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu, đang sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch, sử dụng corticoid kéo dài…
Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh ghẻ phỏng
Bệnh ghẻ phỏng thường gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy cho người bệnh, một số dấu hiệu, triệu chứng nhận biết của bệnh ghẻ phỏng như:
- Vùng da nhiễm khuẩn xuất hiện các vết sưng đỏ, viêm nhẹ, ngứa ngáy khó chịu.
- Các vết sưng đỏ này sẽ xuất hiện các nốt mụn nước hoặc các bọng nước kích thước khác nhau, mọc đơn lẻ hoặc thành mảng tạo thành các bọng nước lớn. Các nốt mụn nước có xu hướng ngày càng lan rộng ra xung quanh. Chất dịch bên trong thường có màu trắng đục.
- Do cảm giác ngứa ngáy nên người bệnh sẽ gãi vào các nốt mụn nước, làm chúng vỡ. Khi các nốt mụn nước này vỡ ra, sẽ khô lại và nhanh chóng đóng thành vảy cứng và có màu vàng nhạt trên bề mặt da.
- Chất dịch của mụn nước có chứa nhiều vi khuẩn vì vậy dễ lây lan sang các vùng da lân cận qua các vết gãi, cào hoặc lây cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp.
Tuy ghẻ phỏng không phải là một bệnh lý nguy hiểm đến sức khoẻ, nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bệnh. Ghẻ phỏng có thể làm mất thẩm mỹ trên da của người bệnh, khiến cho người bệnh mất tự tin và trường hợp không điều trị sớm có thể tạo thành tổn thương vĩnh viễn trên da (hình thành sẹo, thâm). Hoặc có thể có những biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp.
Ngoài ra, do tính chất lây lan nhanh của bệnh mà rất dễ xảy ra bùng phát dịch bệnh. Trường hợp điều trị tại nhà không thấy đỡ hoặc thuyên giảm, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc phòng khám da liễu uy tín để điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị ghẻ phỏng hiệu quả
Khi được chẩn đoán bệnh ghẻ phỏng (thông qua các dấu hiệu hoặc các xét nghiệm), bạn cần tuân thủ theo các bước điều trị của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Thông thường để điều trị bệnh ghẻ phỏng, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc điều trị ghẻ phỏng:
- Thuốc DEP: Là thuốc bôi có hiệu quả tốt trong việc điều trị, được dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Thuốc DEP có tác dụng giảm viêm, giảm sưng đỏ và loại trừ các tác nhân gây bệnh trên da.
- Thuốc Benzyl benzoat 33%: Thuốc có độ an toàn cao, có tác dụng giảm viêm, làm lành vết thương trên da, tiêu diệt vi khuẩn và phòng ngừa bệnh ghẻ phỏng lây lan.
- Kem Eurax 10%: Chứa những thành phần chống ngứa, tiêu diệt vi khuẩn và điều trị bệnh ghẻ hiệu quả.
- Permethrin 5% (Elimite): Là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh ghẻ, có khả năng ngăn chặn và tiêu diệt ve/mạt, chấy, rận gây ra bệnh ghẻ, từ đó giúp ngăn ngừa sự nhiễm trùng và giảm kích ứng trên da.
- Benzyl benzoate: Được sử dụng để điều trị chấy rận và bệnh ghẻ. Chất này được hấp thụ bởi các con rận và bọ ve, sau đó tiêu diệt chúng bằng cách tác động lên hệ thần kinh.
Khi sử dụng thuốc bôi, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng để đạt được hiệu quả và cần lưu ý thêm một số điều sau:
- Trước khi bôi thuốc, bạn nên tắm sạch với sữa tắm kháng khuẩn, dịu nhẹ, lành tính với làn da. Lau khô người rồi mới mặc quần áo sạch, khô thoáng, mềm mại. Cần tránh mặc những trang phục bó sát, chất vải thô ráp, không thấm mồ hôi gây khó chịu, bí bách.
- Bôi thuốc với tần suất, hàm lượng vừa đủ theo hướng dẫn sử dụng trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc lời dặn của bác sĩ da liễu. Nên bôi thuốc ngay sau khi tắm và trước khi đi ngủ.
- Tùy theo tình trạng bệnh và loại thuốc chỉ định của bác sĩ mà sẽ thay đổi liều lượng phù hợp và điều trị kéo dài nếu cần thiết để phòng tránh tái phát.
- Không được gãi hoặc chà xát lên da có tổn thương, tránh nhiễm trùng và tạo điều kiện lây lan sang vùng da khác. Không tự ý dùng thuốc bôi hoặc các biện pháp dân gian.
Ngoài việc sử dụng thuốc tây y, người bệnh cũng có thể sử dụng các loại nguyên liệu từ thiên nhiên an toàn, lành tính giúp hỗ trợ để bôi hoặc tắm giúp ngăn chặn vi khuẩn hình cầu là nguyên nhân gây ra ghẻ phỏng như: nước muối, lá mơ, nha đam, lá ba chạc, lá cúc quỳ, bạch đàn, lá đắng, lá xoan, bôi dầu ép hạt máu chó.… Những nguyên liệu thiên nhiên thường an toàn, lành tính, dễ kiếm nhưng bạn phải kiên trì để đạt được hiệu quả.
Cách phòng ngừa ghẻ phỏng hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh ghẻ phỏng, cần có ý thức giữ vệ sinh cho cơ thể cũng như môi trường sống:
Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể.
- Không nên để móng tay, móng chân dài.
- Điều trị sớm khi bị viêm mũi, viêm họng.
- Vệ sinh định kỳ môi trường xung quanh, giặt quần áo, chăn gối,…
- Tuyệt đối không dùng chung đồ cá nhân với người bệnh ghẻ phỏng.
Xem thêm:
- Cách trị ghẻ phỏng và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
- Bị ghẻ phỏng tắm lá gì để mau khỏi bệnh bạn có biết?
- Ghẻ phỏng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị.
Trên đây là những thông tin về bệnh ghẻ phỏng, tuy ghẻ phỏng chỉ là một bệnh nhiễm trùng da nhẹ có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp cùng một số thuốc khác. Tuy nhiên, khi bệnh có dấu hiệu không thuyên giảm cũng như lây lan nhanh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để có hướng điều trị hiệu quả. Hãy chia sẻ bài viết này để cùng biết cách phòng ngừa phỏng ghẻ.
Nguồn tham khảo:
1. Ghẻ phỏng – Bệnh hay gặp ở trẻ em vào mùa nóng
- Link tham khảo: http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/384/ghE-phOng–bEnh-hay-gAp-O-trE-em-vAo-mUa-nOng.html.
- Ngày tham khảo: 21/08/2024