Bệnh ghẻ: Triệu chứng, nguyên nhân, phòng ngừa

Bệnh ghẻ (scabies) là một bệnh da liễu phổ biến ở những nơi dân cư đông đúc và điều kiện vệ sinh chưa tốt, thiếu nguồn nước sạch. Ghẻ lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ.

Tuy không trực tiếp gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu người bị ghẻ không được điều trị chu đáo sẽ gặp các biến chứng như: nhiễm trùng da, chàm hóa, viêm cầu thận cấp. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này trong nội dung dưới đây.

Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm ký sinh trùng da liễu, do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis) gây nên. Cái ghẻ có kích thước rất nhỏ, khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cái ghẻ không thể bay hay nhảy, sống ký sinh ở lớp da trên cùng (thượng bì). Ghẻ đào hang về đêm, đẻ trứng ban ngày. Sau 72 – 96 giờ trứng ghẻ nở thành ấu trùng, trong vòng 20- 25 ngày tiếp theo, ấu trùng lột xác trở thành con ghẻ trưởng thành, bắt đầu chu kì sống mới.

ghẻ
Ký sinh trùng Sarcoptes scabiei hominis là nguyên nhân chính gây ra ghẻ

Bệnh ghẻ lây do bệnh nhân nằm chung giường, mặc quần áo chung, tiếp xúc da kề da với người bị ghẻ. Ghẻ lây lan nhanh ở những nơi sinh hoạt tập thể đông người, thiếu điều kiện vệ sinh như trường học, nhà ở chật hẹp, trại giam, …

Sau khi bị ký sinh trùng ghẻ bám lên người, từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí hơn 1 tháng sau người bệnh mới cảm thấy ngứa dữ dội về đêm, và dần dần bệnh nhân bị mất ngủ do ngứa. Đối với những người có làn da nhạy cảm, ghẻ ngứa có thể xuất hiện sớm hơn.

Triệu chứng bệnh ghẻ

Triệu chứng điển hình của người bị ghẻ là luống ghẻ và mụn nước xuất hiện trên da, cảm giác ngứa càng dữ dội hơn khi đêm về.

  • Luống ghẻ (đường hầm) do cái ghẻ đào ở lớp thượng bì là đường cong ngoằn ngoèo, dài 3-5 mm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám khác với màu da. Ở đầu đường hầm có mụn nước với đường kính 1 – 2 mm, đây chính là tổ ghẻ. Luống ghẻ thường được tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ tay, nếp gấp cổ tay và ở bộ phận sinh dục.
  • Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở nam giới, xuất hiện săng ghẻ ở quy đầu, dễ nhầm với săng giang mai.
ghẻ
Biểu hiện nhận biết bệnh ghẻ là các mụn nước nổi li ti trên bề mặt da

Sự di chuyển của cái ghẻ trong đường hầm vào ban đêm kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da, cùng độc tố chúng tiết ra khi đào hầm khiến người bị ghẻ ngứa dữ dội, tuy nhiên vùng da bị ghẻ không đau.

Những cơn ngứa khiến người bệnh gãi, từ đó da bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Dần dần, nhiễm trùng da lan rộng và tạo cơ hội cho các bệnh khác biểu hiện chồng chéo: sẩn, nổi mẩn đỏ, vẩy tiết, chàm hóa, mụn nước, mụn mủ, chốc nhọt, sẹo thâm màu, sẹo bạc màu…

Dấu hiệu của 4 thể bệnh ghẻ điển hình

  • Ghẻ giản đơn: Chỉ có đường hầm và mụn nước, ít có tổn thương thứ phát.
  • Ghẻ nhiễm khuẩn: Có tổn thương của ghẻ kèm theo mụn mủ, do bội nhiễm liên cầu, tụ cầu, có thể gặp biến chứng viêm cầu thận cấp.
  • Ghẻ biến chứng viêm da, eczema hoá: Do chà xát cào gãi lâu ngày, ngoài tổn thương ghẻ còn có các đám viêm da là các đám mảng đỏ da bề mặt có mụn nước, ngứa lâu ngày sẽ thành eczema hoá.
  • Ghẻ Nauy: Rất hiếm gặp ở bệnh nhân bị ghẻ đơn thuần. chỉ thường thấy ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch như đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS .
ghẻ
Dấu hiệu của 4 thể bệnh ghẻ điển hình

Chẩn đoán bệnh ghẻ

Cơ sở căn cứ để nghi ngờ bệnh nhân bị ghẻ là sự hiện diện các luống ghẻ trên da và mụn nước đi kèm với cảm giác ngứa dữ dội vào ban đêm.

Để xác định bệnh ghẻ, bác sĩ thường soi da phát hiện cái ghẻ: Dùng thìa nạo (Curette) nạo mụn nư­ớc ở đầu luống ghẻ hoặc nạo luống ghẻ, cho lên lam kính,nhỏ 1 giọt KOH 10% ,soi kính hiển vi thấy trứng hoặc cái ghẻ.

Điều trị bệnh ghẻ

Hiện nay, bệnh ghẻ thường được bác sĩ chỉ định điều trị tại chỗ bằng thuốc bôi: Dung dịch DEP (Diethylphtalate); Mỡ lưu huỳnh; Dung dịch hoặc kem Permethrin 1-5 %; Dầu Benzyl benzoat 25%; Crotaminton 10%; Gamma benzen 1%.

ghẻ
Điều trị bệnh ghẻ bằng thuốc bôi ngoài theo chỉ dẫn của chuyên gia y tế

Lưu ý:

  • Thuốc trị ghẻ là thuốc đặc trị, nhà thuốc không được bán khi không có đơn thuốc của bác sĩ. Người bệnh khi có nghi ngờ bị ghẻ cần đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và kê đơn thuốc.
  • Người bệnh cần đảm bảo thuốc trị ghẻ tồn tại trên da đủ thời gian cần thiết để diệt cái ghẻ (thời gian này được ghi chú trong hướng dẫn sử dụng thuốc)
  • Việc trị ghẻ cần được tiến hành trên mọi thành viên gia đình cùng một lúc
  • Sau 2-4 tuần bôi thuốc, nếu vẫn xuất hiện luống ghẻ mới trên da và các triệu chứng quay trở lại, bệnh nhân cần tái khám để điều trị lại.
  • Nên tầm soát các bệnh lây qua đƣờng tình dục với các ngƣời bệnh trên 18 tuổi hoặc đã có quan hệ tình dục.
  • Quần áo, chăn màn đệm, vỏ gối, đồ dùng… của người bệnh cần được giặt sạch phơi khô, ủi hoặc sấy kĩ.

Ngoài ra, người bệnh có thể điều trị bằng các nguyên liệu thiên nhiên và thuốc đông y như: tắm cây lá đắng, ba gạc, xoan, xà cừ, cúc tần, dầu hạt máu chó… Những phương pháp này lành tính nhưng cần thời gian dài kiên trì điều trị.

Bệnh nhân có thể được bác sĩ cho uống thêm thuốc kháng histamin để giảm triệu chứng ngứa. Ivermectin liều 200µg/kg cân nặng, liều duy nhất được chỉ định trong những trường hợp ghẻ kháng trị với các thuốc điều trị cổ điển, ghẻ Na Uy, ghẻ ở người nhiễm HIV. Thuốc này hống chỉ định cho trẻ duới 5 tuổi, phụ nữ có thai

Phòng tránh bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

  • Tránh tiếp xúc da với người bị ghẻ
  • Không sử dụng chung giường, khăn, quần áo, … của người bị ghẻ
  • Xử lí cái ghẻ trên quần áo, áo gối, bọc giường của người bệnh bằng cách giặt máy bằng nước nóng và sấy khô hoặc ủi kĩ.
  • Những đồ vật mà người bệnh ghẻ tiếp xúc qua cần được bỏ vào bao, cột kín để diệt cái ghẻ trong vòng 1 tuần.
  • Khi phát hiện có người thân bị ghẻ, cần nhanh chóng đưa đi khám da liễu và tiến hành diệt cái ghẻ ở đồ dùng, bọc giường, quần áo, … Các thành viên sống cùng nhà cũng phải bôi thuốc trị ghẻ cùng lúc với người bệnh.
ghẻ
Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với vùng da bị ghẻ của người khác

Các bác sĩ da liễu có kinh nghiệm trị bệnh ghẻ

  • Bác sĩ CKI Nguyễn Đại Hoàng Đức – 15 năm kinh nghiệm – Quận 2
  • Bác sĩ Lê Đức Thọ – 35 năm kinh nghiệm- Quận Bình Tân
  • Tiến sĩ Bác sĩ Trần Thịnh – Hơn 40 năm kinh nghiệm – Quận 5

Bệnh ghẻ không nguy hiểm nếu được điều trị sớm. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh ghẻ, người bệnh nên sớm đến phòng khám da liễu thăm khám và tiếp nhận điều trị để chấm dứt tình trạng ngứa ngáy mất ngủ.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.