Bệnh lang ben là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Bệnh lang ben là gì? Đó là câu hỏi mà nhiều người đã từng đặt ra khi phát hiện trên cơ thể mình những mảng da đổi màu. Trên thực tế, đây là một loại bệnh ngoài da khá phổ biến, thường gặp ở những vùng khí hậu nóng ẩm, đặc biệt là ở Việt Nam. Hãy cùng Docosan tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

Lang ben là gì?

“Lang ben” là một bệnh da liễu do nhiễm nấm Malassezia furfur (trước đây gọi là Pityrosporum ovale), một loại nấm tồn tại tự nhiên trên da người. Khi loại nấm này phát triển quá mức, chúng sẽ gây ra tình trạng da mất sắc tố hoặc tăng sắc tố, dẫn đến các vết trắng hoặc nâu nhạt trên da. Cho đến nay đã xác định được 12 loại nấm Malassezia trong đó có 8 loại gây bệnh cho con người.

Bệnh có xu hướng lấy truyền từ người này qua người khác nếu dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm. Khí hậu ấm và ẩm ở vùng nhiệt đới là điều kiện tốt cho nấm lang ben phát triển.

Lang ben là một bệnh nhiễm nấm da thuộc nhóm Malassezia gây nên
Lang ben là một bệnh nhiễm nấm da thuộc nhóm Malassezia gây nên

Dấu hiệu, triệu chứng nhận bệnh lang ben

Các triệu chứng chính của bệnh lang ben bao gồm:

  • Xuất hiện các mảng da đổi màu: Đây là dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh lang ben. Các mảng da này có thể có màu trắng, hồng, nâu hoặc đỏ, tùy thuộc vào màu da của từng người.
  • Vị trí thường gặp: Các mảng da thường xuất hiện ở những vùng da ẩm ướt như cổ, ngực, lưng, cánh tay và nếp gấp da.
  • Kích thước và hình dạng: Ban đầu, các mảng da thường nhỏ và rải rác, sau đó chúng có thể lan rộng và liên kết với nhau thành các mảng lớn hơn, có hình tròn, bầu dục hoặc không đều.
  • Vảy nến: Trên bề mặt các mảng da có thể xuất hiện vảy nhỏ, mịn. Khi cạo nhẹ, vảy bong ra dễ dàng.
  • Ngứa: Một số người bệnh cảm thấy ngứa nhẹ, đặc biệt khi trời nóng hoặc đổ mồ hôi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không gây ngứa.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các triệu chứng của bệnh lang ben có thể khác nhau ở mỗi người. Do đó, để chẩn đoán chính xác, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu. Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và có thể lấy mẫu da để xét nghiệm.

Những đốm da đổi màu là triệu chứng đặc trưng của lang ben
Những đốm da đổi màu là triệu chứng đặc trưng của lang ben

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh lang ben là gì?

Để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh lang ben là gì, trước hết hãy điểm qua một số đặc trưng của loại nấm Malassezia furfur. Các nghiên cứu chỉ ra đây là một loại nấm ưa sống cộng sinh, chiếm hơn 80% quần thể sinh vật trên da người, có thể gặp ở cả người bị bệnh lẫn người khỏe mạnh. Tuy nhiên, loại nấm này sẽ gây ra lang ben và các rối loạn về gia khác khi chúng phát triển quá mức, đặc biệt trong điều kiện hệ vi sinh vật trên da mất cân bằng, hoặc khi da ẩm ướt và nhiều dầu nhờn

Dưới đây là một số yếu tố thuận lợi để nấm lang ben phát triển, chẳng hạn như:

  • Thời tiết nóng ẩm: Điều kiện thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển.
  • Đổ nhiều mồ hôi: Mồ hôi làm tăng độ ẩm trên da, tạo môi trường lý tưởng cho nấm sinh sôi.
  • Da nhờn: Người có da nhờn dễ bị lang ben hơn vì nấm Malassezia furfur ưa môi trường dầu mỡ.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Người có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh như HIV/AIDS, ung thư, hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch dễ mắc bệnh lang ben.
  • Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố trong các giai đoạn như dậy thì, mang thai, mãn kinh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc như Corticosteroid có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm nấm.
  • Vệ sinh cá nhân không đúng cách: Việc vệ sinh cơ thể không sạch sẽ, đặc biệt là ở những vùng da ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm
Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm

Đối tượng nguy cơ cao mắc lang ben

Những đối tượng nguy cơ cao mắc lang ben là những người sống ở vùng khí hậu nóng ẩm (nhiệt đới và cận nhiệt đới), dễ đổ dầu và mồ hôi trên dạ. Đây là các điều kiện cần thiết và thuận lợi giúp nấm Malassezia furfur phát triển mạnh mẽ và gây ra bệnh lang ben.

Bên cạnh đó, một số đối tượng suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ cao nhiễm nấm nói chung và bị lang ben nói riêng như: bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân ung thư, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch,…

Ngoài ra, bệnh lang ben cũng được quan sát thấy nhiều hơn ở thanh thiếu niên hoặc người trẻ tuổi, người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất gây hại da, người bị bệnh béo phì, trầm cảm, Parkinson hay đang mắc các vấn đề về da khác (eczema, vảy nến,…).

Những lý do gây nên sự phổ biến của bệnh lang ben là gì?

Có một số lý do dẫn đến sự phổ biến của bệnh lang ben có thể kể đến như:

  • Điều kiện khí hậu: Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là môi trường lý tưởng cho nấm phát triển.
  • Tuổi tác: Độ tuổi thanh thiếu niên dễ mắc bệnh lang ben hơn do sự thay đổi hormone trên cơ thể khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh.
  • Vệ sinh cá nhân: Thói quen vệ sinh không sạch sẽ rất dễ tạo nên các khu vực da ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm sinh sôi. Bên cạnh đó, việc mặc quần áo quá chật, chất liệu không thấm hút mồ hôi cũng góp phần làm bệnh lang ben trở nên phổ biến.
  • Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp: Một số loại mỹ phẩm có thể gây kích ứng da và làm bệnh nặng thêm.
  • Tính chất dễ tái phát của bệnh: Lang ben hay các bệnh nhiễm nấm khác thường rất dễ tái phát sau khi điều trị, đặc biệt ở những người có cơ địa da dầu và hay đổ mồ hôi. Điều này khiến bệnh trở nên phổ biến hơn vì người bệnh sẽ không chỉ mắc một lần mà còn có thể bị nhiều lần trong đời.

Bệnh lang ben có nguy hiểm không? Biến chứng

Bệnh lang ben nhìn chung không nguy hiểm đến tính mạng. Đây là một bệnh ngoài da chủ yếu ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của da, gây ra các mảng da đổi màu. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách hoặc kịp thời, lang ben có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là về mặt thẩm mỹ. Các biến chứng phổ biến bao gồm:

  • Mất thẩm mỹ: Lang ben gây ra những vết loang lổ trên da, có thể dẫn đến tự ti, ngại giao tiếp xã hội đối với người bệnh.
  • Tái phát thường xuyên:Lang ben có thể tái phát, đặc biệt ở những người có da dầu, sống trong môi trường nóng ẩm hoặc không điều trị dứt điểm.
  • Tăng hoặc giảm sắc tố da: Vùng da bị lang ben có thể mất sắc tố hoặc sậm màu hơn, tạo sự chênh lệch màu da rõ rệt.
  • Nguy cơ nhiễm trùng: Nếu vùng da bị tổn thương do cào gãi hoặc chăm sóc không đúng cách, thì có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Điều này đặc biệt nguy hiểm hơn khi hệ vi khuẩn này tạo con đường xâm nhập vào máu và gây nhiễm nấm huyết.
Bệnh lang ben gây mất thẩm mỹ trên da
Bệnh lang ben gây mất thẩm mỹ trên da

Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh lang ben, bác sĩ thường dựa vào thăm khám lâm sàng kết hợp với một số phương pháp xét nghiệm giúp xác định sự hiện diện của nấm Malassezia. Dưới đây là các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phổ biến:

  • Quan sát trực tiếp: Bác sĩ sẽ quan sát các mảng da đổi màu, vị trí, kích thước và hình dạng của các mảng này.
  • Dùng dung dịch KOH 10%: Bác sĩ sẽ lấy mẫu vảy da, ngâm vào dung dịch KOH 10% rồi soi dưới kính hiển vi. Nếu có nấm, sẽ thấy các sợi nấm và bào tử nấm.
  • Đèn Wood: Khi chiếu đèn Wood vào vùng da bị bệnh, các mảng lang ben thường phát huỳnh quang màu vàng hoặc xanh lá cây nhạt.

Các phương pháp điều trị bệnh lang ben

Thuốc bôi là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho các trường hợp lang ben nhẹ. Các loại thuốc bôi thường được sử dụng bao gồm:

  • Ketoconazole: Có tác dụng kháng nấm mạnh, thường được sử dụng để điều trị lang ben.
  • Clotrimazole: Thuốc này cũng có hiệu quả tốt trong việc điều trị nấm da.
  • Miconazole: Có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị.
  • Xà phòng kháng nấm: Sử dụng xà phòng kháng nấm để tắm hàng ngày giúp làm sạch da và ngăn ngừa nấm phát triển.

Đối với các trường hợp lang ben nặng, diện tích tổn thương lớn hoặc không đáp ứng với thuốc bôi, các loại thuốc uống đường uống sẽ được sử dụng, bao gồm:

  • Fluconazole: Có hiệu quả cao trong việc điều trị các bệnh nhiễm nấm, bao gồm cả lang ben.
  • Itraconazole: Được sử dụng để điều trị lang ben, đặc biệt là các trường hợp nhiễm nấm nặng.
Sử dụng thuốc bôi nấm là phương pháp điều trị lang ben phổ biến nhất
Sử dụng thuốc bôi nấm là phương pháp điều trị lang ben phổ biến nhất

Cách phòng ngừa bệnh lang ben hiệu quả

Để ngăn ngừa bệnh lang ben, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Tắm rửa thường xuyên, dùng xà phòng dịu nhẹ để làm sạch da hàng ngày, đặc biệt là những vùng da dễ đổ mồ hôi như nách, bẹn.
  • Lau khô người sau khi tắm, sử dụng khăn mềm, sạch để lau khô người sau khi tắm, tránh để da ẩm ướt.
  • Thay quần áo thường xuyên, đặc biệt là quần áo lót, nên chọn những loại vải cotton thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường ẩm ướt trong thời gian dài.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa chất chống nấm nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng lang ben không thuyên giảm sau khi tự điều trị, hoặc nếu tình trạng lan rộng và gây khó chịu, bạn nên đi khám da liễu để được tư vấn và điều trị phù hợp. Các dấu hiệu đáng chú ý bao gồm:

  • Lang ben lan rộng nhanh chóng trên da.
  • Các vết lang ben trở nên ngứa ngáy, đau hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Điều trị không có hiệu quả sau vài tuần.

Một số câu hỏi liên quan

Lang ben có ngứa không?

Lang ben có thể gây ngứa nhẹ, nhưng không phải trường hợp nào cũng có triệu chứng này. Trong một số trường hợp, bệnh có thể chỉ làm da thay đổi màu sắc mà không gây cảm giác khó chịu.

Lang ben có lây không?

Lang ben có thể lây truyền từ người này sang người khác. Đặc biệt hơn khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết nóng ẩm, bệnh có thể tái phát hoặc trở nên nặng hơn.

Lang ben có chữa được không?

Lang ben có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị đúng cách bằng các loại thuốc chống nấm và chăm sóc da phù hợp do bác sĩ đưa ra. Tuy nhiên, những phần da bị đổi màu sẽ mất vài tháng để có thể đều màu lại bình thường.

Lang ben có tự khỏi không?

Trong một số trường hợp, lang ben có thể tự khỏi, đặc biệt khi thời tiết thay đổi hoặc hệ miễn dịch mạnh lên. Tuy nhiên, điều này khá hiếm gặp và thường xảy ra ở những trường hợp bệnh nhẹ, diện tích tổn thương nhỏ. Nhưng để tránh biến chứng và tái phát, bạn nên điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Có nên tự điều trị lang ben tại nhà?

Bạn có thể sử dụng các loại thuốc bôi, xà phòng chống nấm không kê đơn để điều trị lang ben tại nhà. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian điều trị mà không thấy cải thiện, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Bệnh lang ben phải mất bao lâu mới khỏi?

Thời gian điều trị lang ben phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể thuyên giảm sau 2 đến 4 tuần điều trị. Trong những trường hợp nặng hơn, thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn.

Bệnh lang ben có thể tái phát không?

Lang ben có thể tái phát, đặc biệt khi người bệnh không tuân thủ đúng phương pháp điều trị hoặc sống trong môi trường nóng ẩm. Vì vậy, việc giữ vệ sinh cá nhân tốt và sử dụng thuốc phòng ngừa tái phát là rất quan trọng.

Xem thêm:

Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp thắc mắc về bệnh lang ben là gì. Đây mặc dù là một căn bệnh không nguy hiểm nhưng vẫn cần được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng khó chịu mà bệnh này gây ra. Nếu thấy bài viết này có ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân cùng biết nhé.

Nguồn tham khảo:

1. Tinea versicolor

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tinea-versicolor/symptoms-causes/syc-20378385
  • Ngày tham khảo: 26/09/2024

2. Tinea Versicolor

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17719-tinea-versicolor
  • Ngày tham khảo: 26/09/2024

3. Tinea Versicolor

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/tinea-versicolor-cause-symptoms-treatments
  • Ngày tham khảo: 26/09/2024

4. Tinea Versicolor

  • Link tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482500/
  • Ngày tham khảo: 26/09/2024
Contact Me on Zalo