Bệnh mề đay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Nhiều người cho rằng bệnh mề đay (hay còn gọi là mày đay) có thể lây thông qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, hoặc lây qua đường không khí v.v. Vậy đâu mới là nguyên nhân chính xác gây ra bệnh mề đay? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Bệnh mề đay là gì? Các triệu chứng của bệnh mề đay

Nổi mề đay (hay mày đay) là một tình trạng phát ban trên cơ thể, gặp ở mọi lứa tuổi. Mề đay là kết quả của chuỗi phản ứng phức tạp giải phóng histamin và các hoá chất trung gian gây viêm. Có nhiều nguyên nhân gây ra mề đay, chẳng hạn như : tình trạng dị ứng thức ăn, thuốc men, côn trùng cắn hoặc đốt, ánh sáng mặt trời, nhiệt độ lạnh, nhiễm trùng v.v.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh mề đay bao gồm:

  • Các sẩn, mảng hồng ban hoặc màu trắng, phù nề, giới hạn rõ. Kích thước và hình dạng thay đổi , tròn hay bầu dục họp lại thành hình đa cung.. Có thể có bóng nước, xuất huyết, tróc vảy
  • Ngứa nhiều hay ít, thay đổi tuỳ từng bệnh nhân.
mề đay
Mề đay là bệnh ngoài da, có khả nằng xuất hiện ở mọi đối tượng

Có hai loại mề đay – tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) và lâu dài (mãn tính). Thông thường mề đay không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên nếu bạn bị sưng tấy trong cổ họng hoặc bất kỳ triệu chứng hạn chế hô hấp nào khác, đó là một báo động đỏ bạn cần phải được cấp cứu ngay lập tức.

Bệnh mề đay có lây không?

Mề đay tuy có thể tái phát nhiều lần ở các bệnh nhân nhưng không phải là bệnh truyền nhiễm, không thể lây từ người này sang người khác. Trong trường hợp có nhiều người trong một gia đình cùng mắc bệnh mề đay, có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc do cùng sống trong một môi trường có các yếu tố gây dị ứng v.v.

mề đay
Nổi mề đay (hay mày đay) là một tình trạng phát ban trên cơ thể, gây ra những vết đỏ, ngứa, phồng da hoặc phù

Những phương pháp điều trị mề đay hiệu quả

Phương pháp chữa mề đay tại nhà

Dưới đây là một số cách để làm dịu làn da khi bị mẩn ngứa do mề đay mà bạn có thể thực hiện tại nhà:

  • Chườm lạnh: Bạn có thể bọc một ít đá vào khăn và chườm lên vùng bị ảnh hưởng trong tối đa 10 phút. Lặp lại khi cần thiết trong suốt cả ngày.
  • Tắm bằng dung dịch có chất chống ngứa: Bột yến mạch (đặc biệt dưới dạng gel để tắm) hoặc muối nở là những thành phần bạn có thể thêm vào bồn tắm để giúp giảm ngứa da.
  • Tránh một số sản phẩm có thể gây kích ứng da: Một số loại xà phòng có thể làm khô da và gây ngứa nhiều hơn khi bạn bị nổi mề đay. Hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng loại xà phòng dành cho da nhạy cảm và tránh sử dụng những loại kem dưỡng ẩm gây kích ứng. 
  • Giữ không khí mát mẻ: Nhiệt độ cao có thể làm cho tình trạng ngứa ngáy trở nên tồi tệ hơn. Nên ưu tiên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và giữ cho nhiệt độ trong nhà mát mẻ, dễ chịu, tránh ngồi dưới ánh nắng trực tiếp.
  • Tránh các tác nhân gây dị ứng hoặc kích thích dị ứng: Một số tác nhân gây dị ứng mà bạn có thể đề phòng được là phấn hoa, khói thuốc lá, thức ắn, những thuốc có thể gây mề đay như aspirin, codeine….
mề đay
Chườm lạnh giúp giảm ngứa do mề đay gây ra

Điều trị mề đay bằng thuốc

Thuốc trị mề đay không kê đơn

Nếu các biện pháp tự nhiên tại nhà không đủ để giúp bạn điều trị nổi mề đay, bạn nên thử các phương pháp trị mề đay bằng thuốc không kê đơn thuốc bôi giảm ngứa hoặc kháng histamin

Thuốc kháng histamin thế hệ 1

Thuốc kháng histamine thế hệ 1 thường gặp như Diphenhydramine và Chlorpheniramine có tác dụng làm giảm các phản ứng dị ứng trong cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có các tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, nhịp tim nhanh.. do đó hiện nay ít được sử dụng.

mề đay
Điều trị mề đay bằng thuốc không kê đơn
Thuốc kháng histamine thế hệ 2

Những loại thuốc kháng histamine khắc phục được những nhược điểm của thuốc kháng histamine thế hệ 1, do đó thuốc được sử dụng rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng thuốc để đạt hiệu quả điều trị cũng như tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc trị mề đay có kê đơn

Nếu chứng nổi mề đay của bạn trở nên nghiêm trọng hoặc mãn tính, bạn có thể cần dùng thuốc theo toa. Các lựa chọn kê đơn phổ biến bao gồm:

Corticosteroid (Prednisone)

Corticosteroid được dùng bằng đường uống để điều trị các trường hợp cấp tính, diễn tiến nặng hoặc mề đay mạn tính không đáp ứng với thuốc kháng histamine.

Bạn chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Corticosteroid có thể có tác dụng phụ, đặc biệt nếu dùng trong thời gian dài. Các tác dụng phụ có thể bao gồm:

  • Huyết áp cao.
  • Hạ kali máu.
  • Da sưng tấy, chấm xuất huyết.
  • Rối loạn chuyển hoá đường.

Sử dụng lâu dài có thể dẫn đến:

  • Bệnh đục thủy tinh thể, glaucoma.
  • Lượng đường trong máu cao.
  • Giảm giải phóng hormone từ tuyến thượng thận, có thể đẫn dến suy tuyến thượng thận.
  • Phản ứng miễn dịch kém với các tác nhân gây bệnh khiến bạn có thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
  • Da mỏng.
  • Loãng xương.

Để giảm tác dụng phụ, hãy dùng corticosteroid đường uống với liều lượng thấp hơn và chuyển sang các loại kem có corticosteroid với sự giám sát của bác sĩ.

Dapsone (Aczone)

Thuốc kháng sinh Dapsone có dạng thuốc uống, giúp điều trị nổi mề đay hoặc các tình trạng da khác do nhiễm vi khuẩn.

mề đay
Điều trị mề đay bằng thuốc kê đơn của bác sĩ
Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene

Phương pháp điều trị này được thực hiện bằng đường uống. Những loại thuốc này chỉ nên được sử dụng sau khi điều trị bằng steroid và thuốc kháng histamine không thành công. Các tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, khó chịu ở dạ dày, ho và sốt nhẹ.

Omalizumab

Omalizumab là loại thuốc được tiêm dưới da và thường được chỉ định nếu tình trạng nổi mề đay của bạn đã kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Các tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, chóng mặt, đau tai trong và các triệu chứng giống cảm lạnh.

Điều quan trọng khi sử dụng các thuốc kê đơn điều trị mề đay là bạn cần tuân thủ tuyệt đối sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc để đạt hiệu quả điều trị cũng như tránh các tác dụng phụ của thuốc.

Nổi mề đay thông thường có thể tự khỏi sau một vài ngày, tuy nhiên nếu các triệu chứng của bạn xấu đi hoặc kéo dài hơn, bạn nên tìm đến bác sĩ da liễu để có thể xác định nguyên nhân và có biện pháp phù hợp giúp giảm các triệu chứng. Hiểu được nguyên nhân gây ra nổi mề đay là chìa khóa để ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.

Bác sĩ Da liễu có thể điều trị cho bạn

BS. Lê Đức Thọ là một vị bác sĩ kỳ cựu với hơn 35 năm kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên khoa Da liễu. Bác sĩ Lê Đức Thọ đã từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Bệnh viện Quốc tế City.

BSCKI. Nguyễn Thị Phương Trang tốt nghiệp trường Ðại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và đã hoàn thành nhiều chứng chỉ Da liễu uy tín khác. Bác sĩ Phương Trang đã có 8 năm kinh nghiệm tư vấn, điều trị cho những vấn đề nghiêm trọng và phức tạp về da liễu và hiện đang công tác tại Viện Thẩm Mỹ Oracle Vietnam.