Nấm bẹn là căn bệnh ngoài da, xuất hiện ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, cả nam và nữ. Bệnh phổ biến đối với thanh niên và người lớn. Đặc biệt, bệnh xuất hiện nhiều ở nam giới. Nguyên nhân gây ra nấm bẹn là do sự xuất hiện của loại nấm mang tên Epidermophyton inguinale, Trichiphyton rubrum.
Khi mắc bệnh, ở phần bẹn sẽ xuất hiện những đốm tròn màu đỏ, gây ngứa dữ dội và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người bệnh. Cách điều trị nấm bẹn thông thường sẽ là sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc kháng nấm. Hãy cùng Docosan tìm hiểu kỹ hơn về bệnh nấm bẹn ngay phía dưới.
Tóm tắt nội dung
Nấm bẹn là gì?
Nấm bẹn là một dạng bệnh nấm ngoài da, thường do loại nấm Epidermophyton inguinale, Trichophyton rubrum gây ra. Điều kiện để những loại nấm này sinh sôi nảy nở trên cơ thể là môi trường ấm và ẩm ướt (thời tiết, quần áo chật).
Nấm bẹn có thể xảy ra mọi lứa tuổi, và ở cả hai giới tính. Có nấm bẹn ở nam và nấm bẹn ở nữ giới, nhưng thường được xuất hiện nhiều ở tuổi thiếu niên và trung niên, tỷ lệ mắc bệnh của nam giới cao hơn nữ giới.
Nấm bẹn cũng là một bệnh lý da liễu thường gặp, mặc dù không gây nhiều nguy hiểm cho người mắc nhưng chúng có thể tác động đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, không tự tin, tự ti. Do đó điều trị sớm bệnh nấm bẹn càng sớm càng tốt là cần thiết.
Triệu chứng – Dấu hiệu của nấm bẹn
Bạn có thể nhận biết những dấu hiệu và triệu chứng của nấm bẹn bằng cách quan sát vùng da tổn thương, cụ thể như sau:
- Khu vực nếp lằn bẹn, bắt đầu xuất hiện các mảng da ửng đỏ và gây cảm giác ngứa bẹn. Tổn thương dần lan ra thành mảng hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt đỏ, bờ hơi gồ cao, trên bờ có nhiều mụn nước và vảy da. Các mảng liên kết với nhau thành mảng lớn hình cung, giữa nhạt màu.
- Tình trạng này có thể lan ra xung quanh, từ bẹn đến đùi, hoặc đi xuống hậu môn, thậm chí lan đến bộ phận sinh dục.
Nấm bẹn nguy hiểm như thế nào?
Bệnh nấm bẹn có thể không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây rất nhiều phiền toái đến đời sống và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân, cụ thể:
- Không chỉ gây ngứa ở bẹn, người bệnh sẽ luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu ở các khu vực khác: đây là cảm giác mà người bệnh thường xuyên gặp phải, khiến họ liên tục phải gãi để thỏa mãn cơn ngứa ngáy, khó chịu. Điều này làm họ không thể tập trung khi làm bất kì việc gì, gây mất tự tin khi tiếp xúc với người khác.
- Gây tổn thương da: Bệnh nấm bẹn còn có thể làm tổn thương da của người bệnh. Nấm bẹn làm cho vùng da bị tổn thương sưng tấy, khô ráp, sần sùi. Bệnh nhân khi gãi sẽ làm bong da và gây tổn thương vùng da bị nấm và dễ dẫn đến nhiễm trùng. Điều này làm cho việc chữa trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
- Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: việc bị nấm ở bẹn sẽ khiến cho người bệnh bị ngứa ở hai bên hàng, từ đó sẽ dẫn đến cảm giác bị đau trong lúc quan hệ. Về lâu dài bệnh nhân sẽ không còn cảm giác ham muốn quan hệ nữa.
- Ngoài ra, bệnh nấm bẹn còn có tính lây lan cao, có thể di chuyển sang vùng da khác, nguy hiểm nhất chính là việc lây sang bộ phận sinh dục.
Nguyên nhân của nấm bẹn
Các loại nấm được xem là tác nhân chính gây bệnh. Điều kiện thuận lợi để cho nấm sinh sôi nảy nở xuất phát từ môi trường kín và nóng ẩm, chẳng hạn như vùng mông, bẹn. Một số yếu tố thuận lợi cho nấm phát triển như :
- Vệ sinh vùng kín không kỹ: việc vệ sinh vùng kín không kỹ này sẽ tạo nên môi trường ẩm ướt, dễ dàng cho nấm xuất hiện và phát triển;
- Việc mặc những trang phục bó sát, không thoải mái , không thấm hút mồ hôi cũng là tác nhân gây bệnh;
- Nguồn nước: việc sử dụng những nguồn nước dơ, không sạch sẽ cũng là nguyên nhân gây bệnh;
- Bệnh có khả năng lây lan trực tiếp, từ người qua người hoặc từ người qua động vật. Do đó tuyệt đối không dùng chung các vật dụng vệ sinh cơ thể với người khác;
- Bệnh nhân bị đổ mồ hôi nhiều;
- Bệnh nhân bị béo phì;
- Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy dinh dưỡng nặng…
Cách chữa nấm bẹn
Nếu được phát hiện tình trạng sớm thì các bác sĩ có thể điều trị nấm bẹn kịp thời cũng như ngăn chặn tình trạng tiến triển của nấm và khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác. Tuỳ vào tác nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà bác sĩ có thể đưa ra các lựa chọn điều trị phù hợp.
Sử dụng thuốc bôi tại chỗ
- Việc sử dụng kem chống nấm (clotrimazole, ciclopiroxolamine, ketoconazole) có thể loại bỏ vùng nấm. Bệnh nhân có thể bôi kem lan ra ngoài khoảng 4-6cm, mỗi ngày bôi từ 1 đến 2 lần.
- Nếu có tình trạng viêm da đi kèm, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng kem chống nấm kết hợp với kem có steroid nhẹ. Lưu ý chỉ sử dụng steroid trong thời gian ngắn, thông thường là dưới 7 ngày.
Sử dụng thuốc kháng nấm toàn thân
Trong trường hợp các loại kem bôi ngoài da không hiệu quả, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc uống kháng nấm để điều trị nấm ở bẹn như là itraconazole, terbinafine… Bệnh nhân cần được kiểm tra chức năng gan trước và trong quá trình điều trị để tránh những tác dụng không mong muốn của thuốc với sức khoẻ người bệnh. Liều lượng và thời gian điều trị cũng phụ thuộc vào từng bệnh nhân khi thăm khám.
Trong thời gian điều trị nấm bẹn, người bệnh cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường trong thời gian trị nấm bẹn như: bệnh lan rộng ra hay vết thương chảy nước, bị kích ứng khó chịu,… thì bạn cần đến gặp bác sĩ và trình bày lại tình trạng của mình.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nào, vào thời gian nào là tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như cơ địa của mỗi người. Các bác sĩ sẽ cân nhắc và đưa ra phương pháp phù hợp với mỗi cá nhân. Không nên tự ý mua thuốc mà sử dụng, nhiều trường hợp bệnh không giảm đi và còn làm bệnh trầm trọng hơn.
Cách phòng tránh bệnh nấm bẹn
Để phòng tránh tình trạng nấm ở bẹn, cần lưu ý những vấn đề sau:
Có nhiều cách để phòng ngừa bị nấm bẹn ở nam và nấm bẹn ở nữ giới, các biện pháp chủ yếu đến từ việc thay đổi các thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày. Các biện pháp đó như sau:
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và giữ khô thoáng
Vệ sinh sạch sẽ vùng bẹn bằng nước sạch hay sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữa, sau đó vùng kín cần được lau khô hay để khô. Nếu vùng bẹn còn ẩm ướt khi mặc quần áo sẽ gây hôi ẩm, không thoải mái đồng thời tạo điều kiện cho vi nấm phát triển.
Thay đồ lót hằng ngày và định kỳ
Khi chúng ta hoạt động cả ngày, có rất nhiều bụi bẩn, mồ hôi và tế bào chết được tích tụ bên trong đồ lót. Việc thay đồ lót 2 lần/ ngày là cần thiết để đảm bảo vệ sinh cho vùng kín của mình.
Đồ lót cần được giặt sạch và phơi dưới ánh nắng mặt trời nhằm tiêu diệt các vi sinh vật và vi nấm có hại. Đồng thời cũng không nên sử dụng đồ lót trong thời gian dài, bạn cần bỏ đi những đồ lót đã cũ, thay bằng những bộ thoải mái, rộng rãi, không bó sát.
Không sử dụng đồ vật cá nhân
Dùng chung đồ vật cá nhân với người bị nấm sẽ có nguy cơ rất cao bạn sẽ bị nhiễm bệnh. Tránh dùng chung: khăn tắm, quần áo, chăn màn,… vì vậy bạn cần có một bộ những đồ vật chung của riêng mình.
Đặc biệt, không nên sử dụng chung đồ lót. Nếu chẳng may người kia bị nấm và bạn sử dụng chung đồ lót thì đây là con đường vi nấm đến với bạn một cách nhanh chóng.
Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý
Một cơ thể khỏe mạnh cần có một thực đơn ăn uống lành mạnh, từ đó sẽ giúp cho bạn có một hệ miễn dịch tốt, giúp bạn chống lại các tác nhân gây hại. Nếu bạn mắc bệnh nhưng có sức khỏe nền tốt thì khả năng phục hồi cũng như thời gian phục hồi sẽ ngắn và cho hiệu quả tốt hơn.
Bác sĩ có thể tham vấn bệnh nấm bẹn
- BSCKII ThS Đỗ Thị Minh Nghĩa- là bác sĩ phó khoa Da Liễu – Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Ương – có hơn 30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực nội khoa và da liễu. Bác sĩ Nghĩa có thế mạnh và kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý khó về da như: Vẩy nến, viêm da cơ địa, trứng cá,…
- Bác sĩ Lê Đức Thọ có trên 35 năm kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên khoa da liễu tại các bệnh viện lớn uy tín như Bệnh Viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Bệnh viện Quốc tế City.
Kết luận
Hi vọng qua bài viết trên, bạn sẽ nắm được những thông tin cần thiết về bệnh nấm bẹn để có hướng điều trị kịp thời. Nếu phát hiện các triệu chứng – dấu hiệu của bệnh, bạn nên tìm đến các Bác sĩ về Da liễu uy tín để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Jock Itch: Causes, Symptoms, and Treatments – Healthline.com
- Jock itch – Mayo Clinic