Nổi sảy là gì? Nguyên nhân rôm sảy, triệu chứng, điều trị hiệu quả

Rôm sảy là hiện tượng phổ biến thường gặp khi thời tiết nóng bức, ẩm ướt. Sảy thường gây ngứa, nổi ban đỏ trên da và khó chịu. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh nổi sảy và các phương pháp điều trị sảy hiệu quả qua bài viết này nhé!

Tổng quát về nổi sảy (rôm sảy)

Nổi sảy là gì?

Nổi sảy (rôm sảy) là hiện tượng da bị kích ứng, mồ hôi bị ứ đọng ở các lỗ chân lông không thoát ra được dẫn đến bị phát ban, hình thành mụn mủ, mụn nước trên da.

Chúng ta dễ bị nổi sảy vào mùa hè, khí hậu nóng ẩm. Bệnh không nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vết ban thường nổi ở những vùng tiếp xúc với quần áo như lưng, bụng, cổ, ngực, bẹn hoặc nách.

Các loại nổi sảy phổ biến hiện nay

Các loại rôm sảy được phân loại dựa theo độ sâu của mồ hôi bị giữ lại trong da. Mỗi loại có triệu chứng và dấu hiệu khác nhau:

  • Rôm dạng tinh thể (miliaria crystalina): Phát ban xảy ra ở ống dẫn mồ hôi lớp trên cùng của da. Dấu hiệu: Nốt nhỏ, dạng tinh thể, không viêm, có các vết sưng chứa đầy chất lỏng, thường do sốt cao.
  • Rôm đỏ (miliaria rubra): Còn có tên gọi khác là “nhiệt gai”, ở lớp sâu hơn lớp ngoài của da. Dấu hiệu: Nốt đỏ, ngứa, châm chích ở vùng da bị ảnh hưởng.
  • Rôm sâu (miliaria profunda): Ảnh hưởng đến hạ bì, lớp sâu nhất của da. Dấu hiệu: Nốt đỏ, cứng, ngứa và dễ vỡ, có thể gây tổn thương tuyến mồ hôi.
  • Rôm sảy mủ: Là tình trạng nặng hơn của rôm đỏ (miliaria rubra). Dấu hiệu: Nốt rôm đỏ xuất hiện mủ và viêm, do nhiễm khuẩn, cần điều trị kịp thời.
Rôm sảy tinh thể là dạng nhẹ nhất
Rôm sảy tinh thể là dạng nhẹ nhất

Rôm sảy có thể ảnh hưởng tới ai?

Rôm sảy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi sẽ có nguy cơ cao hơn do ống dẫn mồ hôi của chúng đang phát triển. Tình trạng này còn phổ biến ở những người sống ở khu vực khí hậu nóng, ẩm ướt, vận động viên hay những bệnh nhân nằm liệt giường không thể trở mình.

Nguyên nhân nổi rôm sảy

Nguyên nhân chính dẫn đến nổi sảy là do tắc nghẽn ống dẫn mồ hôi đến lỗ chân lông để thoát ra ngoài. Tắc nghẽn kéo dài khiến da bị viêm, hình thành nên những nốt ban đỏ gây ngứa. Bạn nên nhớ da nổi sảy không phải do bản thân vệ sinh không sạch sẽ mà là do:

  • Tế bào da chết chưa phân hủy làm tắc tuyến mồ hôi.
  • Nang lông lớn.
  • Cơ thể có sự thay đổi hormone.
  • Mặc quần áo chật, bó làm da “khó thở”.
Mặc quần áo dày, chật làm da không thể hô hấp
Mặc quần áo dày, chật làm da không thể hô hấp

Dấu hiệu, triệu chứng rôm sảy

Các vết rôm sảy xuất hiện sau khi bạn đổ mồ hôi từ vài phút đến vài giờ. Vùng da bị kích ứng sẽ nổi các vết mụn nhọt, mụn nước và có thể kèm một số triệu chứng sau đây:

  • Cảm giác châm chích, khó chịu.
  • Ngứa nhẹ, ngứa nhiều hơn khi đổ mồ hôi.
  • Vùng da xung quanh vết phát ban bị sưng hoặc phồng lên.
  • Hơi đau hoặc bỏng nhẹ.

Cách điều trị nổi sảy hiệu quả

Điều trị tại nhà

Nếu tình trạng nổi sảy không quá nặng, chỉ gây ngứa nhẹ thì bạn có thể thử một số cách điều trị tại nhà như:

  • Giữ da sạch sẽ, khô thoáng: Bật điều hòa hoặc quạt để hạ nhiệt cơ thể khi trời nóng.
  • Tắm nước mát: Không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, sau khi tắm lau khô nhẹ nhàng bằng khăn tránh cho vết sảy bị kích ứng thêm.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí: Người bệnh nên mặc quần áo chất liệu mát mẻ, nhẹ, thoáng khí như cotton để da không bị bí, rít.
  • Chườm lạnh: Bọc đá trong khăn sau đó chườm lên vết ban đỏ để giảm sưng và ngứa.
  • Sử dụng các loại kem bôi dịu da, giảm ngứa như Bepanthen cung cấp lipid tự nhiên phù hợp với cấu tạo của da hay Oatrum Kids Gel với các chất nguồn gốc từ tự nhiên Berberin, Curcumin giúp kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sưng đỏ.
Chườm lạnh giúp giảm đau, sưng, ngứa
Chườm lạnh giúp giảm đau, sưng, ngứa

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ da liễu có thể chỉ định bệnh nhân bôi hoặc uống thuốc để giảm bớt tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau của các vết sảy.

Một số kem bôi ngoài da thường dùng:

  • Calamine: Là hỗn hợp các oxit kẽm có tác dụng bảo vệ, làm săn se da, hỗ trợ giảm ngứa, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn và phòng ngừa nhiễm trùng. Cách dùng: Trước khi bôi cần làm sạch vùng da bị tổn thương. Chỉ bôi một lớp mỏng vừa đủ, lặp lại sau 6 – 8 giờ.
  • Smart Skin: Sản phẩm dùng cho người lớn, dạng xịt có công dụng diệt vi khuẩn, virus gây bệnh, tạo lớp màng bảo vệ da, hỗ trợ mô da phát triển và giúp vết thương khô nhanh, mau chóng lành lặn, đặc biệt không để lại sẹo thâm. Cách dùng: Xịt trực tiếp vào vết thương rồi để tự khô. Sử dụng 1 ngày khoảng 3 – 4 lần.

Đồng thời, bạn có thể cần dùng thêm một số thuốc uống để nhanh chóng khỏi bệnh như thuốc kháng histamin, thuốc kháng sinh và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Điều trị bằng phương pháp, mẹo dân gian

Theo dân gian, tắm nước lá hoặc sử dụng bột dược liệu đem lại hiệu quả đáng kể trong điều trị rôm sảy, giảm hẳn vết đau, sưng và rát.

  • Tắm nước lá: Trẻ có thể tắm với một số loại lá quen thuộc như chè xanh, mướp đắng, kinh giới, khế, tía tô, dâu tằm. Bố mẹ nên rửa sạch, nghiền nát lá đun sôi với nước ấm. Để hỗn hợp nguội, sau đó mới cho trẻ tắm.
  • Sử dụng bột, gel chiết xuất dược liệu: Bột sắn dây, gừng, nha đam, gỗ đàn hương, nhựa thông đã được chứng minh có khả năng săn se da, giảm ngứa ngáy, khó chịu. Đối với bột sắn dây, bạn nên pha cùng với chanh và đường cho dễ uống.

Cách phòng ngừa rôm sảy

Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn có thể chủ động phòng ngừa rôm sảy cho mình và trẻ nhỏ bằng cách:

  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ tránh vết ban đỏ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
  • Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi như vải cotton, tránh mặc áo quần từ vải tổng hợp để giữ cho da được thông khí.
  • Tắm nước mát nhằm hạn chế kích ứng vùng da bị tổn thương.
  • Uống nhiều nước, không để cơ thể bị thiếu nước.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng gắt vì sẽ làm đổ mồ hôi, khiến vết sảy ngứa nhiều hơn.
  • Không cho trẻ mặc tã quá lâu nếu trẻ bị nổi sảy ở vùng bẹn.
Không nên cho trẻ mặc tã quá lâu khi trẻ bị sảy vùng bẹn
Không nên cho trẻ mặc tã quá lâu khi trẻ bị sảy vùng bẹn

Khi nào cần đến bác sĩ?

Dấu hiệu bất thường

Nếu tạo điều kiện cho vết ban sảy được thông khí và thực hiện nghiêm túc các biện pháp điều trị tại nhà, sảy sẽ tự khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn nên đưa con đến bác sĩ nếu rôm sảy vẫn tiếp tục kéo dài, xuất hiện các triệu chứng trở nặng như:

  • Rôm sảy có dấu hiệu nhiễm trùng như mưng mủ, sưng đỏ, đau, nóng khi chạm vào.
  • Rôm sảy kéo dài, không thuyên giảm.
  • Rôm sảy kèm sốt, ớn lạnh hoặc buồn nôn.
  • Rôm sảy xuất hiện trên diện rộng.

Xét nghiệm chẩn đoán

Hiện chưa có xét nghiệm chẩn đoán rôm sảy. Bác sĩ da liễu sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng các nốt mẩn đỏ trên da, hỏi thăm về thời gian, triệu chứng phát ban. Đồng thời, bác sĩ có thể hỏi thêm về các hoạt động hằng ngày hay môi trường sống để xác định nguyên nhân rôm sảy.

Chưa có xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu, bác sĩ chủ yếu thăm khám lâm sàng
Chưa có xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu, bác sĩ chủ yếu thăm khám lâm sàng

Các bệnh viện chuyên khoa uy tín

Nổi sảy không phải là căn bệnh nguy hiểm, khó điều trị. Bạn có thể đưa con đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chăm sóc một các tốt nhất. Dưới đây là một số bệnh viện, phòng khám bạn có thể tham khảo:

Một số câu hỏi liên quan

Tại sao người lớn bị rôm sảy?

Bên cạnh trẻ em, người lớn cũng có nguy cơ cao bị rôm sảy do lối sống, điều kiện sinh hoạt,… Một số nguyên nhân gây nổi sảy ở người lớn có thể kể đến như:

  • Đổ mồ hôi quá mức: Người trưởng thành tập thể dục cường độ cao như vận động viên, người làm việc nặng nhọc hay thời tiết quá oi bức, nóng ẩm đều làm đổ mồ hôi nhiều.
  • Nằm trên giường thời gian dài: Nổi sảy dễ xảy ra ở những bệnh nhân nằm liệt giường do vùng lưng không được thoáng khí.
  • Bệnh lý khác: Béo phì, thừa cân, hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN), chứng tăng tiết mồ hôi đều có thể gây sảy.

Một vài yếu tố khác như mặc đồ chật, bó thường xuyên hay bị gãy tay, chân cần băng bó thời gian dài cũng dễ làm da bị kích ứng.

Tập thể dục cường độ cao làm đổ nhiều mô hôi, có thể gây rôm sảy
Tập thể dục cường độ cao làm đổ nhiều mô hôi, có thể gây rôm sảy

Rôm sảy kéo dài bao lâu?

Tùy thuộc vào thể trạng và khả năng hồi phục của từng người mà rôm sảy có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Hãy cố gắng chăm sóc vùng da bị tổn thương thật kỹ, giữ cơ thể khô ráo, mát mẻ. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng kem bôi Calamine để giảm đau, ngứa và hạn chế gãi. Không nên dùng các loại dược liệu hay kem bôi có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng tắc tuyến mồ hôi và lỗ chân lông ở da.

Nổi rôm sảy có lây lan không?

Rôm sảy là phản ứng viêm của cơ thể phản ứng lại với tình trạng tắc tuyến mồ hôi. Vì vậy, nổi sảy không phải do virus gây ra và không có khả năng truyền nhiễm. Thế nhưng, các vết sảy có thể lan ra những vùng da khác trên cơ thể nếu bạn không được điều trị hiệu quả.

Xem thêm:

Nổi sảy là căn bệnh dễ gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt khi khí hậu nóng ẩm. Do vậy, mọi người hãy cố gắng nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa bệnh rôm sảy để bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, bạn nhé!

Tài liệu tham khảo:

1. Heat Rash/Prickly Heat

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22440-heat-rashprickly-heat
  • Ngày tham khảo: 30/08/2024

2. Heat rash

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heat-rash/symptoms-causes/syc-20373276
  • Ngày tham khảo: 30/08/2024
Contact Me on Zalo