Rôm sảy là bệnh lý thường xảy ra với bé, đặc biệt là khi khí hậu nóng nực. Do đó biết cách trị rôm sảy sẽ giúp cha mẹ có thể chăm sóc bé tốt hơn, giảm bớt khó chịu cho bé. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về cách trị rôm sảy cho bé trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Rôm sảy là gì?
Rôm sảy (Miliaria) là một tình trạng khá phổ biến, thường gặp hơn ở người già và trẻ nhỏ. Rôm sảy hay còn gọi là ban nóng, xảy ra khi cơ thể tiết mồ hôi nhưng không thể thoát ra da dẫn đến ứ đọng, thường gặp nhất là thời tiết nóng ẩm ướt. Cơ chế được đồng thuận nhiều nhất hiện nay đó là do sự bít tắc các ống dẫn mồ hôi, làm ứ đọng và gây kích ứng trên da.
Rôm sảy thường gặp ở những vị trí chế tiết mồ hôi nhiều của cơ thể, đặc biệt là những vùng dễ bị cọ sát như cổ, nách, lưng, mông, eo. Những khu vực này chế tiết rất nhiều mô hôi nhưng lại không thể giải phóng hơi ẩm ra, cộng thêm với quần áo cọ sát hoặc bó chặt.
Sở dĩ tình trạng rôm xảy ở trẻ thường gặp là do ống dẫn mồ hôi của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện do đó gặp khó khăn trong chức năng điều chỉnh nhiệt độ. Ngoài ra trẻ còn có thể bị rôm sảy ngay cả khi tiết trời mát mẻ, vậy nguyên nhân vì sao? Phần lớn cha mẹ có xu hướng mặc kín cho trẻ, quần áo cho trẻ có thể bó chặt từ đó làm trẻ tiết mồ hôi nhưng bị ứ đọng trên da dẫn đến rôm sảy.
Đối với người cao tuổi, nguy cơ rôm sảy thường gặp là do tổ chức mô dưới da có tình trạng lão hóa, các ống dẫn mồ hôi có chức năng hỗ trợ, giúp lỗ chân lông thông thoáng có xu hướng bị xẹp hay teo đi, dẫn đến tình trạng bít tắc. Nhưng nhìn chung đây là một tình trạng lành tính, các triệu chứng chủ yếu gây khó chịu, ngứa ngáy nhiều. Biết cách trị rôm sảy sẽ giúp chúng ta giảm bớt được các triệu chứng.
Các nốt rôm sảy có đặc điểm là các nốt sản đỏ, hồng trông giống nốt mụn. Đôi khi rôm sảy có biểu hiện dưới dạng mụn nước có màu giống với màu da, hoặc tạo thành nang gây đau. Có 3 loại rôm sảy: dạng tinh thể (do lớp thượng bì bị sang chấn, tiết mồ hôi quá nhiều, thường không viêm), rôm đỏ (do nhiễm trùng, sừng hóa tuyến mồ hôi), rôm sâu (tuyến mồ hôi bị tổn thương nặng nề).
Cách trị rôm sảy cho bé tại nhà
Hầu hết các trường hợp rôm sảy sẽ tự giới hạn sau khi làm dịu da, giảm kích ứng. Dưới đây là một số biện pháp cần thực hiện để trị rôm sảy có thể áp dụng tại nhà:
Vào trong nhà nếu đang ở dưới trời nắng
Không gian rộng rãi, mát mẻ, trong lành có thiết bị làm mát sẽ giúp giảm nhiệt độ cơ thể, giảm tiết mồ hôi trên da sẽ giúp tình trạng bít tắc được giới hạn. Đây là cách điều trị rôm sảy hữu hiệu tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể trở về nhà ngay được khi đang ở ngoài đường.
Nếu đang ở ngoài nhưng tình trạng rôm sảy diễn ra càng lúc càng khó chịu bạn nên tìm một nơi có bóng mát để chờ da dịu đi, giảm kích ứng và giảm tiết mồ hôi. Tốt nhất vẫn nên vào trong nhà có các thiết bị làm mát để giúp da được khô thoáng.
Không nên bôi dưỡng chất hay phấn rôm lên da
Các loại dưỡng chất (lotion), kem thoa hay phấn rôm nếu bôi lên trên da đều làm tình trạng bít tắc trở nên nặng nề hơn nên hầu hết các bác sĩ da liễu khuyên rằng khi bị rôm sảy bạn không nên bôi bất cứ thứ gì lên. Tốt nhất vẫn để da thông thoáng vì chỉ cần da ngừng bị kích ứng thì tình trạng rôm sảy cũng sẽ thoái lui đi mà không cần can thiệp điều trị.
Tránh gãi và mặc quần áo thoáng mát
Việc gãi hoặc chà sát quá mức dưới da có thể làm tình trạng nặng nề hơn, tổn thương đến các ống tuyến và các cấu trúc khác dưới da có thể làm tình bít tắc tuyến mồ hôi nghiêm trọng hơn. Rôm sảy sẽ rất ngứa và không tránh khỏi bạn sẽ muốn gãi để giảm ngứa. Tuy nhiên không nên thực hiện động tác này.
Các loại quần áo không thoáng khí dày nặng, được làm từ polyester có thể không thấm hút mồ hôi dễ gây rôm sảy do đó nên chọn các chất liệu có pha cotton sẽ giúp cơ thể được thoáng khi. Với trẻ sơ sinh không nên mặc tả quá nhiều cho bé hoặc quá nhiều quần áo, các loại bao tay bao chân cũng nên hạn chế đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng bé dễ bị đổ mồ hôi.
Lưu ý khi điều trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh
Khi áp dụng các biện pháp trị rôm sảy ở trên cơ thể sẽ giảm nguy cơ bị rôm sảy, tình trạng này hầu hết sẽ tự giới hạn trong vòng vài phút đến vài giờ. Tuy nhiên có những dạng sang thương do rôm sảy bạn cần lưu ý vì có thể gây nguy hiểm như:
- Rôm sảy xuất hiện dưới dạng mụn nước trên da, có thể tự giới hạn tuy nhiên nếu bị vỡ có thể nhiễm trùng, để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.
- Rôm sảy có màu đỏ trông giống nốt mụn viêm có thời gian hồi phục lâu hơn lên đến vài tuần.
- Nốt sẩn nằm sâu, gây đau thường rất hiếm gặp, với tình trạng này bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu để được hướng dẫn điều trị rôm sảy đúng cách. Các thuốc trị rôm sảy có thể được dùng trong trường hợp này như kháng viêm, giảm đau…
Lưu ý cha mẹ và người chăm sóc bé không nên tự ý sử dụng các phương pháp trị rôm sảy dân gian cho bé khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Rôm sảy có thể tự giới hạn, việc sử dụng các biện pháp ngừa rôm sảy sai cách không những không giúp ích cho bệnh mà còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác.
Ngoài ra nếu trên da xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, đau nhiều, sưng viêm thành các nốt đỏ trên da, hạch bạch huyết sưng,… bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Cha mẹ nếu phát hiện trẻ sơ sinh thường bị rôm sảy khiến bé thường xuyên khó chịu cũng cần cho bé đi khám ngay để cải thiện sức khỏe cho bé.
Nên cho trẻ bú nhiều, với trẻ lớn hoặc người lớn thì bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Nên ăn nhiều các loại trái cây giàu khoáng chất, mọng nước, cung cấp vitamin dồi dào giúp tăng sức đề kháng. Quần áo cần được giặt sạch, nên lựa chọn các loại quần áo thoáng mát sẽ giúp trị rôm sảy hiệu quả.
Nên cắt móng tay thường xuyên vì khi rôm sảy xuất hiện trẻ em và cả người lớn có xu hướng gãi nếu móng tay sắc nhọn có thể tổn thương da làm cho việc trị rôm sảy trở nên khó khăn hơn. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết quá nắng nóng đặc biệt là những trẻ thường bị rôm sảy.
Xem thêm:
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Những lưu ý khi điều trị rôm sảy bạn cần biết”. Hy vọng qua bài viết này quý bạn đọc đã có những thông tin bổ ích về các phương pháp trị sảy cho bé và những lưu ý để trị sảy một cách an toàn.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: CDC