Vảy nến da đầu là loại thường gặp trong bệnh lý vảy nến và có thể lan rộng đến rìa của phần chân tóc. Căn nguyên của bệnh do nhiều gen chi phối qua trung gian hệ thống miễn dịch. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào tổn thương trên lâm sàng kết hợp xét nghiệm sinh thiết giải phẫu bệnh trong trường hợp cần thiết. Điều trị vảy nến da đầu còn dựa vào mức độ bệnh. Sau đây hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về hiện tượng vảy nến da đầu này nhé.
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân vảy nến da đầu
Nguyên nhân của bệnh vẩy nến da đầu được một số tài liệu cho là sự bất thường của hệ thống miễn dịch khiến da tái tạo với tốc độ nhanh hơn bình thường. Sự đổi mới nhanh chóng của các tế bào dẫn đến việc hình thành các vảy và mảng đỏ. Chưa có nghiên cứu hoàn toàn rõ ràng nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng yếu tố di truyền (gen) và các yếu tố môi trường đều đóng một vai trò nhất định. Đặc biệt, vẩy nến da dầu không lây nhiễm.
Nhiều người mắc bệnh vẩy nến có thể không có triệu chứng trong nhiều năm cho đến khi bệnh được kích hoạt bởi một số yếu tố khác. Các tác nhân gây bệnh vẩy nến da đầu phổ biến bao gồm:
- Nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da
- Thời tiết, đặc biệt là những ngày trời lạnh, khô
- Tổn thương da, chẳng hạn như vết cắt hoặc trầy xước, vết đốt của côn trùng, cháy nắng nghiêm trọng
- Căng thẳng
- Hút thuốc lá hay thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc
- Uống nhiều rượu, nghiện rượu
- Một số thuốc bao gồm lithium, thuốc điều trị tăng huyết áp và thuốc trị sốt rét
- Ngừng đột ngột corticosteroid đường uống hoặc toàn thân.
Triệu chứng vảy nến da đầu
Các triệu chứng của bệnh vẩy nến da đầu nhẹ có thể chỉ bao gồm các vảy nhẹ, nhỏ. Các triệu chứng của bệnh vẩy nến da đầu từ trung bình đến nặng bao gồm:
- Các mảng có vảy, đỏ
- Vảy trắng bạc
- Bong tróc giống như gàu
- Da đầu khô
- Ngứa
- Vết bỏng hoặc cảm giác đau
- Rụng tóc
Bản thân bệnh vẩy nến da đầu không gây rụng tóc, nhưng việc gãi nhiều hoặc gãi với lực tay quá mạnh, gãi vào các nốt vảy, phương pháp điều trị hà khắc và tâm lý căng thẳng kèm theo có thể dẫn đến rụng tóc tạm thời. May mắn thay, tóc của bạn thường mọc lại sau khi tình trạng bệnh được kiểm soát.
Chẩn đoán vảy nến da đầu
Chủ yếu dựa vào đánh giá các triệu chứng trên lâm sàng. Trong một sô trường hợp bệnh nhân có bệnh sử, tiền căn và triệu chứng lâm sàng không điển hình hoặc gây nhiễu thì bác sĩ sẽ có chỉ định làm sinh thiết giải phẫu bệnh để tiến hành chẩn đoán xác định.
Trên thực tế, vẩy nến da đầu có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý viêm khác như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc dị ứng, chàm đồng tiền, chàm khô, viêm da tiết bã, liken phẳng, liken đơn mạn tính, vảy phấn đỏ nang lông, lupus ban đỏ, vảy phấn hồng, phản ứng quá mẫn do sử dụng thuốc, hồng ban vòng ly tâm.
Một số bệnh lý nhiễm trùng cũng gây nhầm lẫn với vẩy nến da đầu có thể kể đến như nấm, giang mai, ghẻ đống mài. Các bệnh lý tân sinh cũng gây nhầm lẫn khác như u lympho tế bào T ở da, bệnh Paget ngoài vú.
Vảy nến da đầu khác gàu như thế nào?
Gàu là một trong những vấn đề về da đầu phổ biến nhất hiện nay. Bạn có thể nhận thấy các mảnh vảy rơi ra khỏi da đầu, bám vào tóc hoặc dính vào quần áo. Da đầu của bạn cũng có thể bị ngứa từ nhẹ đến nặng. Bệnh vẩy nến da đầu thường biểu hiện bằng các mảng vảy đỏ do nó gây ra và có thể bong ra giống như gàu. Tuy nhiên, có một số khác biệt:
- Vảy nến da đầu là bệnh mãn tính: bệnh vẩy nến kéo dài trong khi gàu có thể xuất hiện và biến mất trong khoảng thời gian rất ngắn.
- Nếu ở mức độ nhẹ, bệnh vẩy nến da đầu trông giống như các mảng vảy, màu bạc hoặc bột có thể bong ra thành từng mảng nhỏ. Các đợt bùng phát nghiêm trọng hơn có thể đỏ và đau.
- Khả năng lây lan: các mảng vảy nến có thể len lỏi từ chân tóc đến trán, sau gáy hoặc vùng da xung quanh tai. Các mảng vẩy nến cũng có thể xuất hiện trên các bộ phận khác của cơ thể như khuỷu tay, chân, bàn chân, lòng bàn tay hoặc lưng.
- Đây là một bệnh tự miễn: bệnh vẩy nến da đầu xảy ra do bất thường của hệ thống miễn dịch: các tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật sẽ tấn công các tế bào da.
Chữa vảy nến da đầu ra sao?
Một trong những điều người bệnh cần thực hiện sớm nhất đó là phương pháp điều trị sử dụng trực tiếp trên da: dầu gội có tẩm thuốc, kem, gel, nước thơm, bọt, dầu, thuốc mỡ và xà phòng. Bạn có thể mua một số sản phẩm này không cần kê đơn, nhưng những sản phẩm mạnh hơn cần có đơn thuốc phải cần đến sự chỉ định của bác sĩ.
Đầu tiên phải loại trừ các yếu tố làm bệnh khởi phát hoặc trở nặng như chấn thương, nhiễm trùng, thuốc, stress… Sau đó lựa chọn các chiến lược điều trị phù hợp. Ưu tiên phối hợp các loại thuốc để tăng khả năng hiệp đồng và giảm tác dụng phụ của thuốc. Điều trị theo giai đoạn bệnh, tấn công để làm sạch thương tổn sau đó về lại liều duy trì để ổn định cho người bệnh.
Điều trị tại chỗ bao gồm thuốc bôi corticorsteroid (thường kết hợp dẫn xuất vitamin D, retinoid, acid salicylic,…), dẫn xuất vitamin D3, thuốc bôi kết hợp corticorsteroid và vitamin D3, anthralin, dẫn xuất của retinoid như tazarotene, các chất dưỡng ẩm làm mềm da …. dùng trong các trường hợp vẩy nến nhẹ đến trung bình.
Trong các trường hợp vảy nến trung bình đến nặng, cân nhắc sử dụng các biện pháp quang trị liệu và quang hóa trị liệu.
Khi bệnh diễn tiến tới giai đoạn nặng mà không đáp ứng với điều trị tại chỗ hay quang hóa trị liệu, cân nhắc sử dụng biện pháp điều trị toàn thân như methotrexate, cycloporine A, retinoid toàn thân, thuốc sinh học ức chế thụ thể, …
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào giống các triệu chứng của vảy nến da đầu, hãy đến gặp bác sĩ hoặc bác sĩ da liễu để có thể nhận được sự thăm khám, chẩn đoán, loại trừ các tình trạng tương tự như viêm da tiết bã hay gàu,… từ đó đề ra phương án điều trị phù hợp.
Chữa vảy nến da đầu ở đâu?
- Phòng khám da liễu Dr Micheals – Q.2
- Oracle Beauty clinic – Q.3
- Phòng khám chuyên khoa da liễu Trần Thịnh – Q.5
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng vảy nến da đầu tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- TS. BS. Nguyễn Trọng Hào, Bệnh vảy nến, Bài giảng bộ môn Da liễu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Bệnh vảy nến da đầu : nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết – Sở Y tế Tỉnh Ninh Bình.
- Scalp Psoriatis – WebMD